Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Chiết Giang
[MINH HUỆ 17-12-2014] Cô Thiệu Kính Mai, phó giáo sư Anh ngữ của Học viện Anh ngữ Đài Châu, đã qua đời vào ngày 29 tháng 04 năm 2014 ở tuổi 49. Trước khi mất, cô bị buộc phải sống lang thang để thoát khỏi sự sách nhiễu và đàn áp của chính quyền Trung Quốc bởi đức tin của cô với môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Dưới đây là chi tiết về câu chuyện của cô
Cuộc sống trước đây
Cô Thiệu người huyện Triệu Châu, tỉnh Hắc Long Giang, cả bố và mẹ cô đều là giáo viên. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã thể hiện tài năng và niềm đam mê học tập của mình, những thứ đã đồng hành cùng cô trong suốt cuộc đời.
Khi còn đi học, cô luôn là người đứng đầu lớp – tuy nhiên, tình trạng thể chất của cô lại không như vậy. Sau kỳ thi tuyển sinh vào đại học, sức khỏe của cô Thiệu đã giảm sút một cách nhanh chóng. Cô không thể đến lớp thường xuyên vì sức khỏe kém.
Cô Thiệu Kính Mai
Trường học là nơi cô Thiệu cảm thấy giống như ở nhà nhất, vì cô chưa bao giờ đi xa khỏi khuôn viên trường. Sau khi tốt nghiệp, cô được nhận vào làm giáo viên dạy tiếng Anh tại Đại học Sư phạm A Thành ở Hắc Long Giang, và cô nhanh chóng trở nên yêu thích nơi này.
Cô giành được sự tôn trọng từ phía các đồng nghiệp bởi sự chân thật và tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đồng thời, sự ân cần của cô đã giúp cô nhận được sự yêu mến từ các sinh viên. Sau khi có được công việc hằng mơ ước, cô cũng đã kết hôn với người yêu thời thanh mai trúc mã và bắt đầu một cuộc sống gia đình đẹp như tranh vẽ.
Tuy nhiên, các vấn đề về sức khỏe vẫn không buông tha cô – cô rất yếu và thường xuyên phải nghỉ dạy hoặc tạm giải lao để nghỉ ngơi.
Gặp được Pháp Luân Đại Pháp
Cô Thiệu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996; điều khiến cô ngạc nhiên là kể từ đó sức khỏe của cô đã được cải thiện đáng kể. Là một người có tư tưởng độc lập, ban đầu cô có chút nghi ngờ, vì cô không muốn tôn thờ điều gì một cách mù quáng. Nhưng những thay đổi mà cô tự mình trải nghiệm đã củng cố vững chắc niềm tin của cô vào Pháp Luân Công.
Cô rất vui mừng vì sức khỏe của mình đã được cải thiện, đồng thời cô cũng lập một điểm học Pháp nhóm tại nhà của mình cho các đồng nghiệp cùng các sinh viên của cô. Họ đã chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của bản thân chiểu theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, và niềm vui của họ khi được thăng hoa trong Pháp.
Những khoảng thời gian yên bình mỹ hảo này luôn mãi khắc ghi trong tâm những đồng nghiệp và học sinh của cô, ngay cả sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công.
Bị buộc phải từ bỏ đức tin
Tháng 07 năm 1999, dưới sự chỉ đạo của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, ĐCSTQ lúc đó bắt đầu bắt giữ bất hợp pháp các học viên Pháp Luân Công và tra tấn họ trong các trại lao động cưỡng bức.
Với hành trang là trải nghiệm tu luyện của bản thân cùng với sự tin tưởng vào chính phủ, cô Thiệu đã đi đến chính quyền tỉnh để thỉnh nguyện kêu gọi công lý cho Pháp Luân Công vào ngày 22 tháng 07, nhưng ngược lại cô đã bị bắt và bị giam giữ trong đồn cảnh sát.
Khi cảnh sát phát hiện ra cô đang hướng dẫn một nhóm học Pháp, họ đã xem cô là đối tượng trọng điểm để bức hại. Chính quyền đã ép buộc cô phải viết giấy cam đoan (bảo chứng thư) và giấy hối hận (hối quá thư), từ bỏ đức tin của mình với môn tu luyện, một điều hoàn toàn trái với ý muốn của cô.
Bị ép phải từ bỏ đức tin của mình, nội tâm của cô Thiệu trở nên rất mâu thuẫn – chuyện gì đã xảy ra cho quyền công dân của một người Trung Quốc như cô? Tự do về tư tưởng, suy nghĩ – tất cả đã lập tức biến mất.
Bản tuyên bố mà cô đã viết đi ngược lại với ý muốn của cô và đã tác động mạnh đến lương tâm cô. Các đồng tu của cô hoặc là bị bắt giữ, hoặc đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, hoặc chạy trốn; cô không còn ai để chia sẻ và tìm sự giúp đỡ. Cô nên đi đâu? Và làm thế nào?
Một năm sau, vào năm 2000, cô Thiệu cùng chồng chuyển đến miền nam Trung Quốc để tìm kiếm một sự thay đổi. Vì cả hai đều là giáo viên xuất sắc, nên ngay lập tức họ được nhận vào giảng dạy tại trường Đại học Đài Châu ở tỉnh Chiết Giang.
Mặc dù điều kiện sống của họ đã trở nên tốt hơn, mức sống mới hay lương cao hơn đều không khiến cô Thiệu cảm thấy khuây khỏa.
Cô nhận thấy rằng mặc dù kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, nhưng người dân Trung Quốc hầu hết đều bị phong bế thông tin. Họ không nhận thức được rằng nạn diệt chủng đang xảy ra ngay trên đất nước mà họ đang sinh sống.
Và những người biết về cuộc đàn áp vẫn bị lừa dối bởi sự tuyên truyền – họ tin rằng những hành động của Đảng là một sự “thanh lọc”, đó chính là những điều mà Đảng muốn họ tin vào. Họ bị tẩy não đến độ làm ngơ trước sự đau khổ của người dân vô tội.
Quay trở lại với Pháp Luân Công
Cô Thiệu không ngồi yên khi thấy tâm trí của những công dân vô tội bị đầu độc bởi những thông tin sai sự thật. Cô đã quyết định nói lên sự thật về cuộc đàn áp, và phân phát các tài liệu về Pháp Luân Công một cách kín đáo vào những lúc rảnh rỗi.
Tuy nhiên, hành động của cô đã thu hút sự chú ý của chính quyền địa phương ở Đài Châu. Họ đã giám sát chặt chẽ cô Thiệu, và cuối cùng đã bắt giữ cô vào tháng 07 năm 2004.
Cô bị buộc tội vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công và bị giam giữ tại Trại tạm giam Đài Châu. Sức khỏe của cô bị suy sụp nhanh chóng, và một tháng sau, sở cảnh sát phải trả tự do cho cô để cô điều trị y tế.
Nhưng họ tiếp tục gây áp lực đối với cơ quan nơi cô làm việc, và ép buộc chồng của cô phải ly dị cô. Không muốn để người thân và bạn bè bị liên lụy vào những vấn đề của mình, cô Thiệu đã bỏ nhà ra đi sau khi cảnh sát cố gắng bắt giữ cô lần thứ hai.
Sự biến mất của cô đã khiến cho cảnh sát Đài Châu giận dữ; họ lập tức phát lệnh “truy nã” cô trên toàn quốc, họ miêu tả cô như là một tội phạm bị truy nã của một vụ trọng án.
Các thành viên trong gia đình cũng bị liên lụy
Chồng của cô đã bị buộc phải từ chức trưởng khoa ở trường đại học và bị gửi thư tống tiền về việc ly dị của anh. Và thế là, một gia đình hòa hợp và vô tội đã bị chính phủ tàn nhẫn làm cho tan nát.
Để tìm cô Thiệu, chính quyền đã liên tục sách nhiễu người thân của cô để tìm ra chỗ ở của cô. Họ tìm đủ mọi phương cách như – nghe lén điện thoại của gia đình cô, và theo dõi chồng cũ của cô.
Cha mẹ của cô đã qua đời mà không biết được tung tích của cô con gái nhất mực yêu quý của họ, cũng như sự sống còn của cô. Vào những ngày cuối cùng, họ không ngừng nói chuyện về cô và lo cho cuộc sống của cô.
Cô con gái 14 tuổi của cô Thiệu lần lượt đến sống chung với những người họ hàng của cô. Cô bé từng là cô con gái cưng của cha mẹ, nay phải một mình đối mặt với thế giới. Điều này đã khiến cô bé trở nên thận trọng và hoài nghi để bảo vệ bản thân và trái tim tan vỡ của mình – ai có thể hiểu được những đau khổ của gia đình cô?
Tuy nhiên, chính quyền cũng không để cho đứa trẻ được yên. Khi con gái của cô Thiệu đang theo học đại học, họ đã sai đặc vụ đến đe dọa cô bé để tìm ra nơi ở của mẹ cô. May mắn thay, các giáo viên ở trường của cô đã nhìn thấy việc này và đã ngăn không cho cảnh sát hành động. Họ cũng có biện pháp tăng cường để bảo vệ cho cô gái trẻ này.
Cô Thiệu đã liên tục hết lần này đến lần khác phải chịu đựng sóng gió. Để đảm bảo sự an toàn cho gia đình và người thân, cô đã phải liên tục di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác.
Cô đã phải làm những công việc lặt vặt để tránh bị chú ý và bị bắt giữ. Mặc dù cuộc sống rất khó khăn, nhưng cô vẫn dành dụm được một ít để làm tài liệu giảng chân tướng và giúp đỡ các đồng tu của cô.
Là một người tốt bụng, hiền lành và nhẫn nại, cô rất hòa đồng với các đồng tu và trở nên thân thiết với rất nhiều người trong số họ. Sự ra đi đột ngột của cô đã khiến cho các đồng tu bị sốc và đau buồn.
Ngay cả dưới sự đàn áp tàn bạo của chế độ cường quyền và bạo lực, các học viên Pháp Luân Công cũng giống như cô Thiệu, vẫn luôn kiên định với đức tin của mình và nói lên sự thật.
Cô Thiệu nói rằng tiếc nuối lớn nhất của cô là đã không thể giảng chân tướng trọn vẹn về Pháp Luân Công cho những cảnh sát đã từng bức hại cô – những hành động của họ sẽ mang lại khổ nạn lớn cho bản thân họ trong tương lai, cô nói. Vào tháng 01 năm 2010, cô vẫn tiếp tục viết thiệp mừng năm mới cho họ, giảng chân tướng cho họ về cuộc đàn áp và cầu chúc những điều tốt lành đến với họ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/12/17/301611.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/26/147454.html
Đăng ngày 03-08-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.