Bài viết của một học viên ở Massachusetts, Hoa Kỳ
[MINH HUỆ 18-04-2003] Cách đây một vài tháng, vì bận rộn trong các hạng mục chứng thực Pháp và do chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học Pháp, việc học Pháp của tôi đã tiến triển rất chậm chạp. Tôi không thể tĩnh tâm học Pháp. Đôi lúc, tôi thậm chí còn không thể học hết một bài giảng mỗi ngày, chứ chưa nói đến việc luyện công. Vì thế, tôi ở trong một trạng thái rất tồi tệ. Tôi cảm thấy mệt mỏi. Tôi cảm thấy không hài lòng trong cả công việc người thường lẫn công việc Đại Pháp, và thỉnh thoảng tôi gặp phải rắc rối. Điều tồi tệ nhất là những quan niệm người thường mà tôi cho rằng mình đã loại bỏ được trong quá trình tu luyện lại quay trở lại. Mặc dù chính niệm có thể đóng một vai trò nhất định, tôi vẫn cảm thấy rằng mình đã không thể đào tận gốc các can nhiễu mà mình gặp phải và các chấp trước xuất hiện trở lại.
Trước kia, khi ở trong trạng thái khá hơn, tôi có thể học hai bài giảng vào buổi sáng với các đồng tu tại nhóm học Pháp và một bài giảng vào buổi tối ở một nhóm học Pháp khác. Lúc đó, tôi đọc Chuyển Pháp Luân hết sức trôi chảy, và có cảm giác như mình được hòa vào trong Pháp. Lúc đó, tôi làm các công việc Đại Pháp cũng rất dễ dàng. Tôi đã không nhận ra rằng chính việc tăng cường học Pháp đã giúp tôi thực hiện các công việc Đại Pháp suôn sẻ như vậy. Khi tôi chuyển sang vùng khác, ở trong một môi trường mới, vì tôi là học viên duy nhất ở vùng đó, tôi vừa hồng Pháp, vừa giảng chân tướng cho người Trung Quốc. Tôi học Pháp ít hơn nhiều, và kết quả là, trạng thái mà tôi đề cập ở trên bắt đầu phát triển. Ngẫm nghĩ lại những điều này, cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng lý do của việc đó là vì tôi đã không dành đủ thời gian để học Pháp. Tôi lập tức nghĩ đến việc khôi phục lại việc học ba bài giảng mỗi ngày, và háo hức bắt đầu.
Sau khi chia sẻ với một đồng tu ở vùng lân cận, chúng tôi quyết định học hai bài giảng cùng nhau vào buổi sáng và tự học một bài vào buổi chiều. Công ty của anh ấy ở rất gần nhà tôi. Mọi thứ có vẻ rất tự nhiên như đã được an bài từ trước. Chúng tôi bắt đầu thực hiện kế hoạch học ba bài giảng Pháp mỗi ngày. Vì công việc Đại Pháp cũng không thể bị trì hoãn, chúng tôi ngủ ít hơn để có thể học Pháp nhiều hơn.
Vào ngày đầu tiên, bạn đồng tu phải vất vả mới đánh thức được tôi vào lúc 06 giờ sáng. Tôi cảm thấy rất buồn ngủ khi chúng tôi bắt đầu học Pháp bởi đêm hôm trước tôi đi ngủ rất muộn. Sau khi đọc xong trang thứ hai, tôi bắt đầu tỉnh táo và cảm thấy thanh tỉnh hơn. Càng đọc, tôi càng cảm thấy tràn trề sinh lực. Hôm đó khi đi làm, tôi cảm thấy rất thanh tịnh và từ bi, và cảm thấy có Pháp trong tâm mình. Mối quan hệ giữa tôi và các đồng nghiệp cũng trở nên hài hòa hơn. Sự kỳ diệu và thiêng liêng của Pháp thường khiến tôi nhẩm đọc bài thơ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” của Sư phụ. Thật khó để miêu tả cảm giác tuyệt vời và thanh thản của tôi lúc đó. Tôi cũng có thể ngộ sâu sắc hơn về bài thơ “Uy đức” của Sư phụ:
“Đại Pháp bất ly thân,
Tâm tồn Chân – Thiện – Nhẫn”
(Uy đức, Hồng Ngâm)
Tại Pháp hội Los Angeles 2003, tôi lại vinh dự được nghe Sư phụ giảng Pháp. Khi Sư phụ vừa xuất hiện trên sân khấu, tôi đã bật khóc. Không có lời nào có thể diễn tả được uy đức từ bi của Sư phụ tôn kính của chúng ta, sự kỳ diệu của Đại Pháp và sự may mắn của chúng ta khi được ở trong “từ bi và ân huệ to lớn của Phật vốn chưa từng có từ khai thiên lập địa [đến nay].” (Đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp, Tinh Tấn Yếu Chỉ II) Tôi chưa bao giờ cảm thấy xúc động như vậy. Chính khoảng thời gian tăng cường học Pháp đã giúp tôi hiểu sâu sắc sự thần thánh của Pháp, cũng như uy đức và từ bi của Pháp. Niềm tin và sự tôn kính của tôi dành cho Sư phụ và Pháp cũng trở nên sâu sắc hơn.
Có vẻ như người quản lý nơi tôi làm việc không hài lòng với chất lượng công việc của tôi. Trên bề mặt có vẻ như đó là do công việc của tôi không phải là những gì tôi đã được học ở trường, và tôi không thể nhanh chóng nắm bắt nó. Nhưng trên thực tế, đó là cựu thế lực đang dùi vào sơ hở. Hướng nội, tôi tìm ra suy nghĩ thiếu trách nhiệm của mình trong công việc. Tôi luôn tránh né nhận thêm việc, và nóng lòng về nhà để làm các việc Đại Pháp. Có vẻ như tôi tu luyện tinh tấn, nhưng đó thực ra là một thiếu sót. Mặc dù tôi đã tìm ra thiếu sót đó nhưng môi trường làm việc của tôi vẫn không cải biến. Mặc dù nó có cải thiện đôi chút sau khi tôi chia sẻ kinh nghiệm với các bạn đồng tu, tôi vẫn cảm thấy nó rất khó khăn. Cho đến một ngày, khoảng hai tuần sau khi tôi bắt đầu tăng cường học Pháp, ngay sau khi học xong, tôi bỗng nhớ đến lời giảng của Sư phụ:
“Công tác là công tác, tu luyện là tu luyện. Nhưng đề cao tâm tính trong tu luyện sẽ biểu hiện ở vấn đề cụ thể trong công tác.” (Giảng Pháp tại Pháp hội các phụ đạo viên ở Trường Xuân [1998])
Nghĩ lại bản thân mình, tôi nhận ra mình đã lẫn lộn giữa công việc và tu luyện, và vì thế không rõ ràng về trách nhiệm trong công việc. Tôi cố gắng không làm phật ý ai ở sở làm, và vì thế nhiều việc đã bị trì trệ. Sau khi ngộ ra Pháp lý này, tư tưởng của tôi đã thay đổi. Và nhờ việc học Pháp nhiều hơn, môi trường làm việc quanh tôi trở nên hài hòa và trong sạch hơn. Thái độ của người quản lý đối với tôi cũng đã có cải biến tích cực.
Vợ tôi làm việc ở một bang khác. Cô ấy tham gia nhiều hạng mục Đại Pháp và thường làm việc rất khuya. Vì một chút tâm lý truy cầu thoải mái, cô ấy không thể học Pháp và luyện công đều đặn. Cô ấy cảm thấy kiệt sức trong một thời gian dài. Chúng tôi đều cảm thấy mình phải đột phá quan này và khích lệ lẫn nhau sau khi chúng tôi tăng cường việc học Pháp. Sư phụ giảng:
“Học Pháp đắc Pháp
Tỉ học tỉ tu
Sự sự đối chiếu
Tố đáo thị tu.”
(Thực tu, Hồng Ngâm)
Lúc đầu, vợ tôi cảm thấy rất khó khăn trong việc dậy sớm, cho dù đã đặt hai chuông báo thức. Vì thế, tôi phải đánh thức cô ấy. Cô ấy cũng bắt đầu học ba bài giảng mỗi ngày. Vợ tôi nói với tôi rằng cô ấy xem việc học Pháp như làm bài tập về nhà khi còn đi học, vì vậy thường cảm thấy buồn ngủ khi đọc sách. Cô ấy mất khoảng một tiếng rưỡi để đọc một bài giảng. Sau khi tăng cường học Pháp, giờ cô ấy có thể dễ dàng tĩnh tâm và học ba bài giảng trong vòng hai tiếng rưỡi. Cô ấy cũng không còn xem việc học Pháp như một công việc, mà học Pháp xuất phát từ mong muốn trong sâu thẳm trái tim cô.
Không lâu sau, một học viên khác cũng bắt đầu học cùng cô vào buổi sáng. Họ cùng nhau phát chính niệm vào lúc 05 giờ sáng, đọc hai bài giảng, luyện công khoảng một tiếng và sau đó đi làm. Vào buổi chiều, họ lại học thêm một bài giảng. Cả hai đều cảm thấy tràn đầy năng lượng. Vợ tôi chỉ ngủ từ hai đến ba tiếng mỗi đêm nhưng vẫn tràn đầy năng lượng. Cô ấy cũng cảm thấy mọi việc được thực hiện một cách dễ dàng hơn trước. Người học viên kia và tôi cũng cảm thấy rằng chúng tôi cần tăng cường luyện công. Mặt khác, với nhục thân con người, chúng ta có thể thấy khó khăn trong việc duy trì việc học Pháp và học với tâm thanh tỉnh. Vì vậy, cách đây một tuần, chúng tôi bắt đầu luyện công một tiếng và học hai bài giảng sau khi chúng tôi phát chính niệm vào lúc 05 giờ sáng. Nếu mỗi đệ tử Đại Pháp đều có thể học Pháp nhiều hơn và tĩnh tâm học, trạng thái của chỉnh thể Chính Pháp sẽ như thế nào?
Sư phụ giảng:
“Dẫu hoàn cảnh gian khổ đến đâu, tình huống bận rộn đến mấy, đều không thể lơ là học Pháp, nhất định cần phải học Pháp; bởi vì đó là điều bảo chứng tối căn bản tối căn bản cho sự nâng cao của chư vị. Tôi không thể gặp mặt từng học viên, đặc biệt là vào tình huống này ở Trung Quốc, vào tình huống mà các học viên không thể gặp được tôi, không thể nói rằng có việc gì cũng tìm Sư phụ; do đó chỉ có thể ‘dĩ Pháp vi Sư’. Để cho mọi người có thể tu luyện, có thể nâng cao lên, nên trong bộ Pháp này, tôi đã đưa hết thảy những nhân tố làm cho con người có thể tu luyện nâng cao lên trên vào trong đó {Pháp}. Chỉ cần chư vị học, thì vấn đề gì cũng có thể giải quyết; chỉ cần chư vị tu, chỉ cần chư vị có thể trong Pháp mà nhận thức Pháp, thì không gì là không thể.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Florida, Hoa Kỳ)
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/emh/articles/2003/4/18/34647p.html
Đăng ngày 12-05-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.