Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại châu Âu

[MINH HUỆ 01-07-2025] Tại Hội nghị Chia sẻ Trải nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (Pháp hội) Áo thường niên lần thứ 23 được tổ chức ở St. Pölten vào ngày 28 tháng 6, 15 học viên đã chia sẻ những câu chuyện tu luyện của bản thân. Mặc dù mỗi câu chuyện mỗi khác, nhưng điểm chung trong tất cả các bài chia sẻ là các học viên đã được thụ ích ra sao từ nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn cũng như việc luyện năm bài công pháp của Đại Pháp. Họ cũng cảm tạ Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp.

7dc8e09dbfc009e3599379676a7800d6.jpg

cb2f22e578bb56707a513fddfffeaa2b.jpg

d0b7adab3053fccdf27422128e9e3128.jpg

4ea9764781e48456d4af3b2b59032ee5.jpg

Pháp hội Áo thường niên lần thứ 23 tại St. Pölten, ngày 28 tháng 6 năm 2025.

Học cách không phàn nàn oán trách nữa

Cô Christina đã kể về cách cô học Pháp, hướng nội để đề cao tâm tính và buông bỏ tâm oán hận.

Cô cho biết: “Gần đây, tôi nhận ra oán hận là một chấp trước rất dễ khiến mình bị lừa. Bởi vì nó tạo ra một ảo giác khiến bạn cảm thấy sự oán giận của mình là chính đáng. Nó có thể áp chế chân ngã của bạn và rót vào đầu bạn những suy nghĩ như: ‘hoàn cảnh lúc đó thực sự khó khăn’, ‘thật là phiền phức’ hoặc ‘người khác không hiểu mình’”.

Đầu năm nay, không lâu sau khi sinh con, cô Christina đã tham gia một số hạng mục Đại Pháp. Mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ từ người chồng không tu luyện của mình nhưng cô Christina vẫn cảm thấy áp lực nặng nề. Vì phải liên tục di chuyển giữa khách sạn và địa điểm của hạng mục nên cô có rất ít thời gian để học Pháp, luyện công. Hai học viên trong hạng mục vốn đã quen thuộc với công việc cũng rời đi vì nhiều lý do. Đối mặt với những thử thách, cộng với việc thiếu nhân lực, cô Christina ngày càng phàn nàn nhiều hơn. Mặc dù ngày đầu tiên cô đã dùng chính niệm để đối mặt với áp lực, nhưng do oán giận, trạng thái của cô và của hạng mục ngày một kém đi.

Sau đó, cô Christina nhận ra rằng một học viên Pháp Luân Đại Pháp cần phải tu thiện, điều này trái với oán giận. Cô nói: “Thêm vào đó, từ bi là không thể thiếu để hoàn thành thệ ước trợ Sư cứu độ chúng sinh của chúng ta. Những gì xảy ra trên bề mặt có thể không quan trọng lắm vì chính lòng từ bi xuất ra từ Đại Pháp mới thực sự cảm động lòng người”. Tuy nhiên, ngay cả sau khi hạng mục hoàn thành, cô Christina vẫn cảm thấy có chút oán giận.

Nhận thấy trạng thái như vậy là không đúng, cô bắt đầu hướng nội. Cô tự hỏi: “Tại sao mọi thứ lại có vẻ khó khăn đến vậy? Có điều gì đó không ổn và mình phải thay đổi”.

Nhìn lại, cô Christina hiểu ra mặc dù bản thân đã cố gắng nhẫn và tu luyện bản thân giữa nghịch cảnh nhưng vẫn chưa bỏ được tâm oán giận. Cô nói: “Giờ đây tôi nhận ra rằng tâm oán giận đáng lẽ không nên tồn tại ngay từ đầu vì nó không phải là một phần của tôi. Càng hướng nội, tôi càng nhận ra tâm oán giận là dơ bẩn và phụ diện. Nó bắt nguồn từ sự ích kỷ và đối lập với lòng từ bi. Trên thực tế, thuận theo tâm oán giận chính là bất kính với Sư phụ Lý và Đại Pháp”.

Khi có được những thể ngộ này này, cô Christina không còn bị ma huyễn của hoàn cảnh mê hoặc nữa. Thay vào đó, cô minh bạch hơn về thể ngộ mới của mình và cố gắng vượt qua tâm oán giận. Cô cũng biết ơn Sư phụ Lý đã cho cô cơ hội tu luyện này.

Bước ra khỏi vùng an toàn

Anh Simon chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi tham gia một hạng mục Đại Pháp. Từ lúc đăng ký cho đến khi tìm hiểu sâu về hạng mục, anh đã nhiều lần nhận ra mình phải bước ra khỏi vùng an toàn. “Mỗi bước đi tôi đều phải đối mặt với những thử thách ngày một lớn hơn nhưng tình hình vẫn có thể kiểm soát được. Trải nghiệm này đôi khi khiến tôi cảm thấy không thoải mái. Nhưng tôi cũng biết chỉ bằng cách trải qua quá trình này tôi mới có thể đề cao lên được”.

Ngày đầu tiên tham gia hạng mục, Anh Simon đã rất lo lắng. Tuy nhiên, với niềm tin vào Sư phụ, anh đã có thể tập trung vào từng bước để hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình ấy, anh nhận thấy mình có xu hướng xử lý mọi việc dựa trên sở thích cá nhân. Sau đó, anh nhớ lại điều một học viên khác đã chia sẻ: Khi gặp khó khăn, chúng ta nên hướng nội và tự nhắc nhở bản thân rằng chúng ta làm hạng mục không phải vì bản thân mình.

Nhìn lại, anh Simon cũng nhận thấy cái ‘tình’ khi anh thực hiện một số công việc cụ thể của hạng mục đã ngăn cản anh đề cao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh Simon đã nhận được hai loại phản hồi. Một người chỉ trích anh thậm tệ trong khi một người khác lại hết lời khen ngợi anh. “Tôi nhận ra rằng cả hai loại phản hồi đều là khảo nghiệm đối với tôi. Chúng cũng nhắc nhở tôi về điểm mạnh và điểm yếu của mình. Đây cũng là cơ hội để khảo nghiệm xem tôi có thể giữ tâm bất động khi đối mặt với những lời chỉ trích hay khen ngợi hay không”.

Chứng kiến sự kỳ diệu của Đại Pháp

Ba năm trước, trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cô Nguyễn mắc rất nhiều bệnh. Trong bài chia sẻ của mình, cô đã mô tả những điều kỳ diệu mà cô đã thể nghiệm và cách cô hoàn thành sứ mệnh của một học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Một người bạn của cô gặp khó khăn về tài chính và muốn vay tiền để mở một cửa hàng quần áo. Có người đã cảnh báo cô không nên cho người bạn đó vay tiền vì có thể người đó sẽ không trả lại được. Lúc đó, dù chưa phải là học viên Pháp Luân Đại Pháp nhưng cô Nguyễn cảm thấy mình cần phải giúp đỡ bạn bè. Mặc dù người bạn đó hứa sẽ trả lại tiền sau 2 năm nhưng 5 năm đã trôi qua mà cô vẫn chưa nhận lại được tiền. Thấy người bạn không đưa ra lời giải thích hợp lý nào, cô Nguyễn đã nhắn tin cho bạn nhưng người đó vẫn viện đủ lý do để không trả.

Không lâu sau đó, cô Nguyễn bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. “Tôi liền hiểu ra rằng đây có thể là một món nợ nghiệp, cô ấy đã cấp cho tôi đức khi không trả tiền tôi. Dù sao đi nữa, tôi nên xem nhẹ việc này. Vì vậy, tôi đã gọi cho cô ấy, hỏi xem mọi việc có ổn không, mà không đề cập đến tiền bạc nữa. Về sau, tôi còn hoàn toàn quên mất số tiền ấy”.

Vài tháng sau, người bạn đó đã trả lại đầy đủ số tiền. Qua trải nghiệm này, cô Nguyễn nhận ra rằng khi chúng ta buông bỏ chấp trước vào lợi ích vật chất thì hoàn cảnh sẽ thay đổi.

Cô Nguyễn cho biết nhà hàng của cô là một địa điểm tốt để cô giảng chân tướng cho mọi người về Pháp Luân Đại Pháp. Cô thường nói chuyện với mọi người về môn tu luyện và tặng họ các tài liệu thông tin. Cô cũng tham gia nhiều hoạt động hồng dương Pháp Luân Đại Pháp.

Có lần, cô Nguyễn dự định đến Đại sứ quán Trung Quốc để vạch trần cuộc bức hại ở Trung Quốc. Chồng cô, người không tu luyện, nói rằng cô không nên đi vì có cảnh báo giông bão. Hướng nội, cô phát hiện mình có nỗi sợ mưa bão và đây có thể là một cơ hội để cô loại bỏ nó. Vậy là cô đã quyết định đi. “Ngay khi tôi bước ra khỏi cửa, mưa tạnh và bầu trời quang đãng. Cảm giác như một phép màu. Từ việc này, tôi hiểu rằng một khi chúng ta chính niệm đầy đủ thì Sư phụ sẽ giúp chúng ta”.

Cô Nguyễn cảm tạ Sư phụ Lý vì những trải nghiệm này. Cô cho hay cô sẽ tiếp tục tinh tấn và hoàn thành sứ mệnh của một đệ tử Đại Pháp.

Một điểm chung khác trong mỗi bài chia sẻ là sẽ tiếp tục hướng nội để đề cao bản thân, tham gia tốt các hạng mục Đại Pháp và giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp đến nhiều người hơn.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/7/1/496662.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/7/2/228709.html