Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ

[MINH HUỆ 07-02-2025] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2007. Trong suốt quá trình tu luyện, tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm, thử thách và cả những kỳ tích. Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ vì đã nhận tôi làm đệ tử và vì tất cả những hy sinh mà Ngài đã dành cho tôi.

Tôi không có một tuổi thơ tươi đẹp. Tôi là người rất nhút nhát, luôn sợ hãi và phải chịu đựng rất nhiều khổ nạn. Tôi sinh ra ở Thụy Sĩ. Khi lên sáu tuổi, tôi được một gia đình người Thụy Sĩ nhận nuôi trong gần bốn năm, vì vậy tôi cảm thấy mình là người Thụy Sĩ.

Tuổi thơ của tôi và sau đó là cuộc hôn nhân khắc nghiệt đã có tác động rất lớn đến tôi. Tôi luôn phải chịu đựng nhiều áp lực liên tục cho đến năm 40 tuổi. Phần lớn thời gian tôi không thể tự biết điều gì là đúng hay sai mà chỉ biết tuân theo.

Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi dần dần có can đảm để tin tưởng vào bản thân mình và bắt đầu từ bỏ nỗi sợ hãi của mình. Nhưng đó là một quá trình rất dài. Tôi đã làm ba việc một cách tinh tấn sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi.

Những người thân trong gia đình đã phản đối việc tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vì họ cảm thấy đó là môn tu luyện xa lạ. Tôi đã khuyến khích họ đến điểm luyện công để họ có thể hiểu Pháp Luân Đại Pháp là gì, xem Shen Yun khi đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ và đến tham gia các hoạt động giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp. Mặc dù họ đã đến, nhưng họ vẫn không thay đổi suy nghĩ của mình. Trở ngại lớn nhất là niềm tin và định kiến của họ. Nhưng các con và cha mẹ tôi đều đã ký tên vào bản kiến nghị chấm dứt cuộc bức hại đối với Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc, điều đó khiến tôi rất vui.

Tôi biết rằng Pháp Luân Đại Pháp là con đường mà tôi luôn mong mỏi bấy lâu nay. Không gì có thể ngăn cản tôi tham gia các sự kiện, học Pháp nhóm hay luyện công cùng các học viên khác.

Nhóm học Pháp và điểm luyện công

Kể từ khi đắc Pháp, việc tham gia học Pháp và luyện công nhóm là điều rất quan trọng đối với tôi. Tôi đã điều phối một điểm luyện công trong nhiều năm và đã trải qua nhiều thăng trầm.

Tôi thường ở một mình tại điểm luyện công hoặc đôi khi chỉ có hai người chúng tôi. Tôi đã rất buồn và tự hỏi tiếp tục duy trì điểm luyện công này có tác dụng gì không. Khi tôi và một đồng tu hoàn thành bài công pháp thứ năm, tôi nhận thấy một nhóm người đàn ông mặc vest đang đi dạo quanh công viên đang được cải tạo. Tôi đã nhìn thấy ngài thị trưởng, thấy chúng tôi, ông ấy nói: “Ồ, họ thậm chí còn đang tập yoga ở đây.” Đồng tu của tôi đã đưa cho ông ấy một tờ rơi về Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi nhận ra đây là sự khích lệ từ Sư phụ và điểm luyện công này nên được tiếp tục. Giờ đây tôi đến điểm luyện công và không còn quan tâm đến việc có bao nhiêu người ở đó nữa. Còn về việc tại sao hoặc có đáng để tới đây hay không, thì câu trả lời là có. Một số người đã nhận tờ rơi, những người khác đã đến một vài lần để học các bài công pháp, hoặc đi ngang qua và tỏ ra đồng tình với những gì chúng tôi đang làm. Chỉ cần có thể luyện công ngoài trời cũng đủ là động lực thúc đẩy tôi rồi.

Điểm học Pháp nhóm của chúng tôi cách nhà tôi khoảng hai tiếng đồng hồ. Trong những năm qua, có những lúc tôi đã không đủ động lực và không coi trọng việc học Pháp nhóm. Giờ đây tôi mới nhận ra rằng những trở ngại sẽ nảy sinh ngay khi chúng ta không coi trọng hoặc không muốn làm việc này. Sau khi nhận ra, tôi quyết định sẽ có động lực trở lại.

Tôi đã nói với mọi người rằng nếu các điều phối viên không thể tham dự thì tôi sẽ nhận trách nhiệm tham gia thường xuyên để việc học Pháp nhóm của chúng tôi không bị gián đoạn. Chúng tôi cũng thống nhất rằng nếu có ba học viên tới thì chúng tôi sẽ bắt đầu học. Có lần, vào một ngày trước buổi học Pháp nhóm, tôi hỏi xem ai sẽ đến và nhận được câu trả lời rằng có ba học viên sẽ đến. Tuy nhiên, một học viên có triệu chứng bệnh nên đã không thể đến.

Khi chỉ có hai người chúng tôi, tôi chợt hiểu ra rằng có bao nhiêu người tham gia không quan trọng — đó là quan niệm người thường, chúng ta nên tổ chức học Pháp nhóm cho dù có bao nhiêu người đến. Rất nhiều sinh mệnh ở các không gian khác đang chờ đợi chúng ta đọc để họ có thể nghe Pháp. Trước đây tôi đã rất tức giận, nghĩ rằng việc tôi phải đi một quãng đường dài như vậy là không đáng. Sau khi có được thể ngộ này, tôi rất vui và biết ơn Sư phụ vì đã điểm hóa cho tôi.

Đối diện với việc mẹ tôi qua đời

Tôi có mâu thuẫn với mẹ tôi từ khi còn nhỏ và chúng tôi thường xuyên cãi nhau. Bà ấy rất độc đoán và nghiêm khắc với tôi. Tôi đã sống với bà ấy trong vài năm vì sức khỏe của bà ấy không tốt. Chứng khó thở của bà ấy ngày càng nghiêm trọng. Trong thời gian này, tôi thường xuyên đi du lịch nước ngoài để hỗ trợ Shen Yun. Cuối cùng, bà ấy được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện, nhưng tình trạng không được cải thiện và tôi chỉ có thể gặp bà ấy hai lần một tuần trong khoảng năm phút.

Một ngày nọ, tôi không được gặp mẹ vì đã nhường quyền thăm nom của mình cho em trai của bà. Vài ngày sau, bà ấy phải đặt nội khí quản và không còn nói được nữa. Bà ấy đã rơi vào hôn mê.

Đến ngày thăm tiếp theo, tôi cảm thấy rằng đó có thể là lần cuối cùng tôi được gặp bà ấy. Chú tôi cũng đến, nhưng lần này tôi nhất quyết muốn gặp bà ấy. Khi bước vào phòng, tôi rất ngạc nhiên khi thấy mắt bà ấy đang mở. Tôi đã rất hạnh phúc đến mức nước mắt giàn giụa trên mặt. Tôi đã nói chuyện với bà ấy một cách chân thành từ tận đáy lòng mình và lần đầu tiên, tôi cảm nhận được một sợi dây kết nối ấm áp giữa chúng tôi. Chắc hẳn Sư phụ đã an bài để mẹ tôi tỉnh lại. Cảm tạ Sư phụ! Bà ấy đã qua đời hai ngày sau đó.

Trong khi mẹ tôi nằm viện, tôi đã phải nghe những lời chỉ trích nặng nề từ cháu trai, em trai, em dâu và các thành viên khác trong gia đình bà. Họ cáo buộc tôi là nguyên nhân dẫn đến việc mẹ tôi chết. Họ nói rằng bệnh viện này không tốt và lẽ ra tôi nên chuyển bà ấy đến một bệnh viện khác. Nếu là một người bình thường, tôi sẽ không chịu đựng những lời buộc tội của họ, bởi vì những người này đã đối xử tệ bạc với tôi từ khi tôi còn nhỏ. Nhưng là một đệ tử Đại Pháp, tôi đã chịu đựng với lòng từ bi và nhẫn nhịn mà không tranh cãi. Tôi nhận ra đây là cơ hội để hóa giải nợ nghiệp của mình.

Khoảng 10 ngày sau khi mẹ tôi qua đời, tôi đã may mắn được tiếp tục hỗ trợ Shen Yun.

Tôi rất biết ơn sự an bài của Sư phụ! Tôi đã rất lo lắng cho mẹ tôi và không biết liệu mình có thể tiếp tục hỗ trợ Shen Yun hay không. Một lần nữa, tôi đã lo lắng một cách vô ích. Nếu chúng ta kiên định tín Sư tín Pháp, chúng ta sẽ không phải lo lắng về bất cứ điều gì, mọi việc sẽ diễn ra như thường lệ. Chúng ta chỉ cần thuận theo tự nhiên.

Chịu đựng trong đau khổ

Các con tôi đã trải qua khoảng thời gian khó khăn sau khi vợ chồng tôi ly hôn. Mặc dù chúng không còn nhỏ, nhưng hai con trai sinh đôi của tôi, khi đó 15 tuổi, và con trai lớn của tôi, 20 tuổi, đã bị ảnh hưởng rất nhiều và phải mất một thời gian dài chúng mới có thể vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và sự giận dữ đối với tôi.

Đó là khoảng thời gian rất buồn bã và mệt mỏi đối với tôi. Tôi cảm thấy thất vọng và tức giận vì chúng không thể đồng cảm với tôi, mặc dù chúng biết bố của chúng là một người rất khó tính. Bất chấp những định kiến của các con đối với Đại Pháp, tôi luôn cố gắng kiên nhẫn, yêu thương và là một người mẹ tốt, luôn giúp đỡ các con. Nhiều năm trôi qua, mối quan hệ của chúng tôi đã được cải thiện.

Năm 2016, sau nhiều lần cân nhắc, tôi quyết định tái hôn. Lý do cho sự cân nhắc lâu dài này là các con tôi. Thêm vào đó, chồng chưa cưới người nước ngoài của tôi sống ở Thụy Sĩ cùng với mẹ của anh ấy, khi đó đã 85 tuổi. Mẹ tôi khi đó vẫn còn sống và đang ở Istanbul, tôi đã rất lo lắng cho bà.

Các con trai tôi là một vấn đề lớn bởi vì tôi biết chúng sẽ không bao giờ chấp nhận cuộc hôn nhân của tôi và sẽ ngừng liên lạc với tôi nếu chúng phát hiện ra điều này. Vì vậy, tôi quyết định không nói cho chúng và mẹ tôi biết. Việc này đã diễn ra trong tám năm.

Một tháng sau khi mẹ tôi qua đời, các con tôi biết tôi đã kết hôn. Hôm đó là ngày 5 tháng 5 và tôi đang ở Thụy Sĩ. Ngay trước khi tôi bắt đầu phát chính niệm, con trai của tôi đã nhắn tin cho tôi rằng không bao giờ muốn gặp lại tôi nữa. Trong suốt những năm qua, tôi đã cố gắng chuẩn bị tinh thần cho điều này, nhưng sau khi đọc tin nhắn này, nước mắt tôi đã trào ra. Tim tôi đau nhói và tôi đã bật khóc trong khi đang phát chính niệm. Đó là một thử thách lớn đối với tôi. Tôi có một cháu trai hai tuổi mà tôi rất yêu quý. Đột nhiên, bảy người thân thiết nhất với tôi—ba con trai, hai con dâu, cháu trai và người mẹ vừa mới qua đời—đã rời bỏ tôi.

Khi trở lại Istanbul, tôi đã phải vật lộn với nỗi đau buồn trong hai tháng. Không có ngày nào tôi không khóc. Nỗi đau trong lòng không thể nguôi ngoai. Tôi đã cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Tôi biết rằng chỉ có Pháp Luân Đại Pháp mới có thể giúp tôi thoát khỏi nỗi đau này. Tôi không muốn nói chuyện với ai, chỉ muốn ở một mình và tập trung vào việc học Pháp, luyện công và phát chính niệm. Nhưng điều đó không hề dễ dàng, bởi vì tôi cảm thấy chán nản và chỉ muốn ngủ suốt ngày.

Khoảng hai tháng sau, tôi tham gia một hoạt động cùng một học viên khác. Trước đó, tôi đã nói với anh ấy rằng tôi không chắc mình có thể tham gia hay không vì tôi bị đau đầu gối phải rất nặng. Nhưng tôi vẫn tham gia để anh ấy không phải đi một mình. Tuy nhiên, hoạt động đã diễn ra rất tốt đẹp. Cả hai chúng tôi đều rất vui và cảm nhận được sự gia trì to lớn của Sư phụ.

Tôi đã tranh luận với một học viên khác vào ngày hôm đó. Anh ấy đã cáo buộc tôi, tương tự như lời cáo buộc của con trai tôi. Tôi liền nhận ra rằng Sư phụ đang điểm hóa cho tôi. Đối với chúng ta, những người tu luyện, không có điều gì là ngẫu nhiên.

Câu nói của anh ấy “Thế giới này không xoay quanh chị”, đã giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn và sự chán nản. Tôi nhìn mọi thứ từ quan điểm của một người tu luyện, nhưng tôi đã không thể buông bỏ cảm xúc của mình. Tôi cần phải nghĩ về các học viên ở Trung Quốc, họ mới chính là những người thực sự đang phải chịu đựng. Ngay khi nhớ đến điều này, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ về bản thân mình.

Tôi đã tham gia một hội chợ sách ở Ankara. Chuyến đi rất thành công, chúng tôi đã giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp và giảng chân tướng cho rất nhiều người. Bởi vì chúng tôi đã có thể tiếp cận được rất nhiều người, nên trong tâm tôi chỉ còn có Pháp, chứ không còn là cay đắng nữa. Một lần nữa, một tầng khổ nạn đã biến mất. Một học viên lâu năm đã chia sẻ với tôi một thể ngộ về các con của tôi. Anh ấy đã cho tôi một ví dụ về Phật Thích Ca Mâu Ni, để tu luyện, Ngài đã từ bỏ mọi thứ như danh vọng, tiền tài, cha mẹ, vợ con. Chắc chắn phải có lý do tại sao tôi phải trải qua khổ nạn này. Chấp trước, tâm hư vinh, tu luyện và trả nghiệp, nó có thể là bất cứ điều gì.

Sư phụ giảng:

“Cần làm cho chư vị vứt bỏ những tâm nào mà chưa vứt bỏ được ở nơi người thường. Tất cả các tâm chấp trước, miễn là chư vị có, thì cần phải vứt bỏ tại các chủng hoàn cảnh [khác nhau]. [Sẽ] làm cho chư vị trượt ngã, từ đó mà ngộ Đạo; tu luyện là như thế.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Đôi khi tôi tự hỏi tại sao bảy người thân thiết nhất với tôi lại không còn trong cuộc đời của tôi nữa. Tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Có lẽ tôi sẽ không hiểu hết được cho đến khi buông bỏ được tình cảm của mình dành cho họ. Tôi đang cố gắng hết sức để vượt qua thử thách khó khăn này càng sớm càng tốt. Tôi biết rằng chỉ có Pháp mới có thể giúp tôi và xoa dịu nỗi đau khổ của tôi. Điều quan trọng là phải học Pháp nhiều hơn nữa và giúp Sư phụ cứu độ chúng sinh bằng mọi cách có thể.

Trải qua hoàn cảnh của mình, tôi cảm thấy các học viên nên hết sức cẩn thận khi đưa ra lời khuyên cho các đồng tu đang gặp khó khăn. Thông thường, những lời nói hoặc hành động vô ý của chúng ta có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, nói một cách tự mãn mà không nhận ra điều đó, đưa ra những ví dụ về cách xử lý tình huống một cách nhanh chóng, ám chỉ rằng bạn cần phải vượt qua nó ngay bây giờ, hoặc hỏi bạn bạn đã hướng nội như một học viên chưa, hoặc tình huống có khó khăn như bạn nghĩ hay không, v.v. Những ví dụ này có thể đúng, nhưng thực sự có thể làm phức tạp thêm tình hình và thay vì giúp đỡ đồng tu, chúng có thể phản tác dụng

Tôi nghĩ điều quan trọng là phải kiên nhẫn và lắng nghe người học viên đó. Không có một công thức nào khi chúng ta giúp đỡ một học viên, nhưng điều quan trọng là phải lắng nghe họ với một trái tim chân thành và nhẫn nại. Khi đó, chúng ta thực sự có thể dễ dàng hiểu được điều mà họ cần, ví dụ như học Pháp, nghỉ ngơi, lời khuyên, phát chính niệm, v.v. Điều quan trọng là phải tìm ra những lời lẽ phù hợp để động viên một đồng tu đang gặp khó khăn. Tất cả chúng ta đều là đệ tử của Sư phụ và chúng ta là một chỉnh thể. Trên thực tế, khi chúng ta giúp đỡ một học viên theo đúng nghĩa, không có bất kỳ quan niệm người thường nào, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta cũng đang tự giúp đỡ chính mình.

Con xin cảm tạ Sư phụ tôn kính! Cảm ơn các đồng tu!

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/2/7/490392.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/12/225442.html

Đăng ngày 09-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share