Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 03-04-2025] Tháng 3 năm 2025 ghi nhận 13 trường hợp học viên Pháp Luân Công qua đời do bị bức hại.
13 trường hợp tử vong mới được báo cáo bao gồm 1 trường hợp xảy ra vào năm 2019, 1 trường hợp năm 2020, 1 trường hợp năm 2023, 3 trường hợp năm 2024 và 7 trường hợp năm 2025. Ngoại trừ 1 học viên không rõ giới tính và tuổi tác, 12 học viên đã qua đời còn lại, bao gồm 9 phụ nữ và 3 nam giới, ở độ tuổi từ 52 đến 92 tại thời điểm qua đời, trong đó có 2 người ở độ tuổi 50, 5 người ở độ tuổi 70, 3 người ở độ tuổi 80 và 2 người ở độ tuổi 90.
13 học viên đến từ 9 tỉnh. Hồ Bắc ghi nhận nhiều trường hợp nhất với 3 trường hợp, tiếp theo là Liêu Ninh và Hắc Long Giang mỗi nơi 2 trường hợp, và 6 khu vực còn lại, bao gồm Quảng Đông, Hà Bắc, Giang Tô, Giang Tây, Cát Lâm và Tứ Xuyên, mỗi nơi báo cáo 1 trường hợp.
Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), việc bức hại các học viên Pháp Luân Công vẫn luôn không thể được báo cáo kịp thời, cũng như không phải mọi thông tin đều có sẵn.
13 học viên qua đời sau hàng thập kỷ phải chịu đựng sự bức hại vì kiên định đức tin. Hai phụ nữ, 85 và 52 tuổi, lần lượt qua đời vài giờ và vài tuần sau lần sách nhiễu cuối cùng của cảnh sát. Hai học viên khác, một phụ nữ 92 tuổi và một người đàn ông 84 tuổi, qua đời không lâu sau khi mãn hạn án tù oan sai.
Một phụ nữ qua đời sau khi phải sống lưu lạc suốt 17 năm để tránh cảnh sát. Và một kỹ sư về hưu ở độ tuổi 90 qua đời vài tháng sau khi bị bắt chuyển vào sống trong một viện dưỡng lão.
Dưới đây là các trường hợp tử vong tiêu biểu. Danh sách các học viên đã qua đời có thể được tải xuốngtại đây (PDF).
Tử vong ngay sau khi bị kết án tù oan sai
Bà Dụ Phương Trang, ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, đã qua đời vào ngày 9 tháng 2 năm 2025, chỉ vài tháng sau khi bà mãn hạn bản án 6 tháng tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà hưởng thọ 92 tuổi.
Bà Dụ ban đầu bị bắt vào ngày 25 tháng 1 năm 2020 và được tại ngoại vài giờ sau đó. Bà bị kết án 6 tháng tù vào ngày 18 tháng 1 năm 2021. Do tuổi cao, tòa án cho phép bà thụ án bên ngoài nhà tù.
Ngày 14 tháng 11 năm 2023, cảnh sát thông báo cho bà Dụ rằng bà cần phải đi khám sức khỏe. Con trai bà đi cùng bà tới bệnh viện. Một tuần sau, vào ngày 21 tháng 11, cảnh sát bắt bà tại nhà và đưa bà vào Nhà tù Nữ Tỉnh Giang Tây, mặc dù bà đã thụ án tù 6 tháng bên ngoài nhà tù theo lệnh của tòa án. Không rõ tại sao tòa án lại bắt bà phải thụ án lại án tù phi pháp đó.
Khi bà Dụ mãn hạn án tù vào ngày 20 tháng 5 năm 2024, Cục tư pháp thành phố Nam Xương và người của đồn công an địa phương đã cố gắng đưa bà Dụ đi, nhưng phải nhượng bộ trước phản kháng mạnh mẽ của con trai bà.
Sau đó, bà kể lại những ngược đãi bà phải chịu trong khi ở trong nhà tù. Các tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát bà đã cùm chân bà lại trong 3 ngày liên tiếp. Một lần khác, họ đổ nước sôi lên đầu bà trong khi bà đang tắm. Khi đó bà đã ở tuổi 91, nhưng các cai ngục vẫn bắt bà phải ngủ ở tầng trên cùng của giường tầng, khiến bà rất khó khăn khi lên xuống. Tới bữa ăn, không có đủ đồ ăn cho mọi người và bà thường phải nhịn ăn.
Ngược đãi trong tù đã gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe bà Dụ. Sau khi trở về nhà, tình trạng sức khỏe của bà tiếp tục xấu đi. Bà thường bị mất ý thức và dần không còn nhận ra mọi người nữa, kể cả đó là con trai bà. Bà cũng bị đau khắp người. Bà khó giữ thăng bằng khi đi bộ và dễ ngã. Cuối cùng, bà qua đời vào sáng sớm ngày 9 tháng 2 năm 2025.
Cụ ông 84 tuổi qua đời không lâu sau khi thụ án tù lần thứ hai vì tu luyện Pháp Luân Công
Sau khi chế độ Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông Chu Hiển Thành, ở thành phố Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc, từng bị bắt ít nhất chín lần, trong đó hai lần bắt giữ gần nhất bị kết án phi pháp.
Trước lần bắt giữ gần đây nhất, ông đã bị bắt vào ngày 15 tháng 3 năm 2015 khi 75 tuổi. Tòa án quận Tân Châu đã kết án ông 3 năm tù vào ngày 20 tháng 7 năm 2015. Ông bị các tù nhân đánh đập và phải nhập viện khi đang thụ án tại Nhà tù Phạm Gia Đài.
Ông Chu được trả tự do vào ngày 5 tháng 3 năm 2018, nhưng lại bị bắt giữ một lần nữa vào ngày 28 tháng 3 năm 2021. Bất chấp việc vợ ông mắc bệnh Alzheimer và các con ông đang đi làm ăn xa, cảnh sát vẫn ép Trại tạm giam phải tiếp nhận ông, dù cho lúc đầu họ từ chối nhận ông vì tuổi cao.
Sau đó ông Chu bị kết án bí mật với án tù không rõ thời hạn và bị đưa đến nhà tù Phạm Gia Đài thụ án. Ông qua đời vào ngày 25 tháng 1 năm 2025, ngay sau khi được trả tự do không lâu. Ông hưởng thọ 84 tuổi.
Cụ ông 75 tuổi tử vong sau 5 năm mãn hạn tù oan sai
Ông Vương Nguyên Thăng, một cư dân thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc, bị đột quỵ và mất khả năng vận động chỉ 6 tháng trước khi mãn hạn 3 năm tù vào năm 2019. Sau khi được thả, sức khỏe của ông tiếp tục suy giảm, và cuối cùng ông qua đời vào ngày 10 tháng 11 năm 2024, hưởng thọ 75 tuổi.
Cái chết của ông Vương đã khép lại hàng thập kỷ bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước bản án 3 năm tù gần nhất, ông từng phải chịu án 1 năm lao động cưỡng bức và một án tù 3 năm khác. Ông bị tra tấn dã man trong tất cả các lần bị giam cầm.
Ông Vương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997 và tin rằng môn tu luyện đã thay đổi tính khí nóng nảy và cải thiện sức khỏe của ông. Ngay sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông bị giam 2 tuần vì luyện các bài công pháp Pháp Luân Công ở nơi công cộng. Năm 2000, ông lại bị bắt vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó, ông bị kết án 1 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức thành phố Thạch Gia Trang, nơi ông bị tra tấn dã man vì không từ bỏ đức tin.
Lính canh chỉ đạo các tù nhân lột quần áo của ông Vương, quấn hai dây phơi quần áo bằng thép quanh cánh tay ông, còng tay ông ra sau lưng, rồi đẩy người ông về phía trước, khiến các sợi dây thép cứa sâu vào da thịt ông. Máu chảy nhỏ giọt từ vết thương. Một số học viên bị tra tấn như thế này trong hơn nửa giờ.
Sau lần tra tấn này, ông Vương không thể giơ một cánh tay lên được. Các ngón tay của ông vẫn co quắp, không thể nắm lại. Ông gặp khó khăn trong việc ăn uống. Khi được thả, ông vẫn không thể kiểm soát được cánh tay của mình, và thị lực của ông bị suy giảm.
Tháng 6 năm 2006, ông Vương lại bị bắt vì giảng chân tướng Pháp Luân Công cho người dân. Nhà ông bị lục soát. Tại trại tạm giam địa phương, ông bị giam chung phòng với một tù nhân đã bị kết án tử hình nhưng sau đó được ân xá. Tù nhân này đã lấy thức ăn của ông Vương và siết cổ ông trong đêm. Giọng ông vẫn bị khàn trong vài tháng.
Sau đó, ông Vương bị Tòa án quận Ký Châu kết án 3 năm tù. Bất chấp việc ông đang trong tình trạng nguy kịch, cảnh sát vẫn đưa ông đến Nhà tù Ký Đông. Khi lính canh từ chối tiếp nhận ông, cảnh sát đã bỏ đi mà không đưa ông về. Ông Vương được trả tự do vào năm 2009.
Lần bắt giữ cuối cùng của ông Vương là vào ngày 20 tháng 10 năm 2016, sau khi ông bị tố giác vì treo biểu ngữ có nội dung về Pháp Luân Công. Chính quyền đã phê chuẩn lệnh bắt giữ ông trong 10 ngày. Vào thời điểm gia đình thuê luật sư cho ông vào ngày 15 tháng 11, ông đã bị truy tố và sắp bị xét xử.
Ngay sau khi luật sư của ông Vương đến thăm ông, cảnh sát đã thẩm vấn ông, tra tấn ông bằng ghế cọp và dùng dùi cui điện sốc điện ông.
Ngày 27 tháng 4 năm 2017, Tòa án quận Ký Châu kết án ông Vương 3 năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ. Ở độ tuổi gần 70, ông bị đưa vào Nhà tù Ký Đông. Ông thường bị các lính canh trẻ ở tầm tuổi 20 đánh đập. Gia đình ông không được phép đến thăm ông.
Tháng 4 năm 2019, ông Vương bị đột quỵ và mất khả năng vận động. Nhà tù không thông báo cho người nhà ông về tình trạng của ông. Gia đình phải vất vả mới có được thông tin mới nhất về ông và được phép đến thăm ông. Theo gia đình cho biết, ông Vương gầy gò, hốc hác, không thể tự đi lại và phải dùng xe lăn để di chuyển. Ông Vương cũng nói với họ rằng mặc dù nhà tù đã sắp xếp một tù nhân chăm sóc ông, nhưng tù nhân này thường ngược đãi ông, bao gồm cả việc bỏ đói ông để ngăn ông đi vệ sinh, và véo ông. Ông có nhiều vết bầm tím trên người.
Vì phải chịu đựng nỗi đau đớn khủng khiếp, ông Vương bị suy sụp tinh thần khi được trả tự do vào ngày 19 tháng 10 năm 2019. Từ đó, sức khỏe của ông tiếp tục suy giảm, và ông qua đời 5 năm sau.
Bà Vương Hồng Binh, một cư dân 73 tuổi ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào đầu năm 2020, chỉ ba năm sau khi bà mãn hạn bản án 7,5 năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công.
Ngày 18 tháng 4 năm 2009, bà Vương Hồng Binh bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát và sau đó bị kết án tù. Ngày 28 tháng 11 năm 2009, bà bị đưa vào Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh. Khi đến nhà tù, đội trưởng phụ trách bà đã chỉ thị cho hai tù nhân giám sát bà suốt ngày đêm và cố gắng “chuyển hóa” bà. Đội trưởng đe dọa không cho bà ăn uống nếu bà không chịu chuyển hóa. Các tù nhân thường đánh vào đầu bà và bắt bà đứng suốt cả ngày.
Lúc đó đang là giữa mùa đông giá rét, nhưng lính canh lột bỏ quần áo của bà Vương chỉ còn lại đồ lót. Khi lính canh và tù nhân đánh bà, họ ra lệnh cho bà không được nhìn chằm chằm vào họ và nói: “Bà thấy ai đánh bà?” Bà lên án họ vì trốn tránh trách nhiệm, và họ càng đánh bà thậm tệ hơn. Bà thậm chí không thể tự đứng dậy, nhưng họ vẫn ép bà phải đứng.
Các trận đòn kéo dài trong sáu ngày liên tục. Sau đó, các tù nhân bắt bà Vương phải viết bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối viết. Họ liền tự viết rồi túm tay bà để ép bà điểm chỉ vào đó. Sau đó, họ nộp bản tuyên bố này cho lính canh làm bằng chứng rằng họ đã hoàn thành nhiệm vụ “chuyển hóa” bà Vương.
Tuy nhiên, cuộc bức hại đối với bà Vương không dừng lại ở đó. Bà và các học viên bị giam giữ khác liên tục bị kiểm tra xem liệu họ có dứt khoát từ bỏ đức tin của mình hay không. Bất cứ khi nào kết quả được coi là “không đạt yêu cầu”, lính canh lại cấm họ ăn uống và ra lệnh cho các tù nhân khác đánh vào đầu họ. Họ cũng bị bắt đứng từ sáng đến tối. Để kích động thêm lòng căm thù đối với các học viên, lính canh còn bắt mỗi tù nhân phải trực ca đêm hai tiếng, trong thời gian đó họ cũng phải đứng. Đổi lại, các tù nhân trút giận lên các học viên và lạm dụng họ nhiều hơn nữa.
Khi bà Vương được thả vào tháng 10 năm 2016, bà ở trong trạng thái mơ hồ và đi khập khiễng. Bà cũng biết rằng lương hưu của mình bị đình chỉ từ tháng 6 năm 2016. Các yêu cầu khôi phục lương hưu của bà liên tục bị từ chối. Hơn nữa, cơ quan an sinh xã hội địa phương còn yêu cầu bà phải trả lại tất cả các khoản trợ cấp hưu trí đã được cấp trong thời gian bà ở tù. Bà và chồng đã ly hôn từ lâu trước khi bà vào tù và bà không có nguồn thu nhập nào khác.
Bà Vương sau đó chuyển đến sống ở nhà em gái, người thường thấy bà ngồi một chỗ hàng giờ liền với vẻ mặt vô hồn. Mùa thu năm 2018, bà Vương Hồng Binh bị đột quỵ và rơi vào trạng thái sống thực vật. Bà qua đời vào đầu năm 2020.
Tử vong sau khi bị cảnh sát sách nhiễu
Bà cụ 85 tuổi ở Tứ Xuyên tử vong vài giờ sau khi bị cảnh sát sách nhiễu
Bà Vương Trung Quỳnh, ở thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên, qua đời vào ngày 8 hoặc 9 tháng 3 năm 2025, vài giờ sau khi bị cảnh sát sách nhiễu vì đức tin vào Pháp Luân Công. Bà hưởng thọ 85 tuổi.
Bà Vương Trung Quỳnh.
Sự ra đi của bà Vương, một nhân viên bệnh viện và là dược sỹ về hưu, đã khép lại hàng thập kỷ bị bức hại vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Bà và chồng liên tục bị bắt và bị lục soát nhà sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Ngày 6 tháng 6 năm 2005, cả hai bị đưa đến một trung tâm tẩy não địa phương, và bị giam giữ ở đó hơn 3 tháng. Họ bị từ chối thăm thân và bị bắt xem các chương trình phỉ báng Pháp Luân Công với âm lượng tối đa. Bà Vương bị suy sụp tinh thần và bị tiểu ra máu. Bà cũng bị huyết áp cao và mất ngủ. Lính canh suốt ngày ra lệnh cho bà từ bỏ Pháp Luân Công, và thậm chí còn gây áp lực ép bà phải “tự sát” nếu vẫn kiên định đức tin.
Việc tẩy não kéo dài nhiều tháng đã gây ra tổn thương không thể khôi phục cho bà Vương. Khi nhắc lại những trải nghiệm này nhiều năm sau, bà vẫn còn run sợ.
Sau một lần bắt giữ khác vào ngày 12 tháng 10 năm 2007, bà Vương bị kết án 4 năm tù. Bà và chồng bị bắt lần cuối vào tháng 11 năm 2021. Ngày 8 tháng 7 năm 2022, Tòa án thành phố Thập Phương kết án bà Vương 1,5 năm tù treo và phạt 8.000 Nhân dân tệ, và chồng bà 1 năm tù treo và phạt 5.000 Nhân dân tệ. Họ được phép về nhà sau khi nhận được phán quyết.
Cảnh sát sách nhiễu hai vợ chồng tại nhà hàng tháng. Tháng 3 năm 2024, lương hưu của bà Vương bị đình chỉ, và bà đã nộp đơn yêu cầu khôi phục lương hưu vào tháng sau. Chỉ một ngày sau, bà đột nhiên xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, không thể ăn hoặc ngủ, và phải tạm dừng việc khiếu nại lương hưu.
Bà Vương không thể hồi phục, và qua đời vào ngày 8 hoặc 9 tháng 3 năm 2025. Buổi sáng ngày bà qua đời, cảnh sát vẫn sách nhiễu bà tại nhà.
Ngoài khổ nạn của vợ chồng bà Vương, thì con gái của họ, bà Cung Tinh Xán, một nhà kinh tế học, cũng nhiều lần bị bắt và giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà từng bị kết 2 án lao động cưỡng bức, và bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não 3 lần. Chân bà bị tàn tật do bị tra tấn.
Ngày 9 tháng 2 năm 2025, bà Vương Hồng Ngạn, một cư dân ở thành phố Đại An, tỉnh Cát Lâm, qua đời sau vài tuần bị sách nhiễu vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà hưởng dương 52 tuổi.
Bà Vương Hồng Ngạn
Bà Vương Hồng Ngạn đã phải chật vật với sức khỏe yếu và bệnh gan nghiêm trọng sau khi mãn hạn án tù 4 năm vì tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2021. Vụ sách nhiễu gần đây vào đầu năm 2025 càng làm bệnh tình của bà thêm trầm trọng và dẫn đến cái chết của bà sau đó chỉ vài tuần.
Bà Vương bị bắt giữ lần đầu vào ngày 31 tháng 1 năm 2013 khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở vùng nông thôn. Trong khi giam giữ, bà đã bị huyết áp cao và rơi vào tình trạng hôn mê. Đội An ninh Nội địa thành phố Đại An đã cho bà Vương bảo lãnh tại ngoại sau khi buộc bà nộp 10.000 nhân dân tệ. Sau đó, cảnh sát đã kéo đến nhà bà nhiều lần, nỗ lực bắt giữ và kết án bà. Bà buộc phải sống xa nhà và đi trốn.
Bà Vương bị bắt giữ lần nữa vào chiều ngày 9 tháng 10 năm 2017, khi đang tới thăm mẹ là bà Trương Phượng Linh, cũng là học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà của bà Trương và tịch thu máy tính, máy in cùng các đồ dùng cá nhân khác của bà.
Mặc dù bà Vương được phát hiện bị huyết áp cao, cảnh sát vẫn đưa bà đến Trại tạm giam cùng với bà Trương. Bà Trương, gần 70 tuổi, đã gặp các triệu chứng nghiêm trọng trong khi đang bị giam giữ và thường xuyên ngất xỉu. Nhà chức trách không thông báo cho gia đình về tình trạng của bà, nhưng yêu cầu họ nộp tiền mặt cho bà và đưa bà đến bệnh viện để điều trị. Bà bị đưa trở lại trại tạm giam huyện Trấn Lãi sau khi hồi phục được một chút.
Tòa án thành phố Đào Nam không thông báo cho gia đình hai nữ học viên về phiên tòa của họ cho đến trước ngày diễn ra phiên tòa xét xử vào ngày 15 tháng 5 năm 2018. Chủ tọa còn cấm gia đình tự thuê luật sư và chỉ định một luật sư nhận tội thay cho họ. Bà Vương bị kết án 4 năm tù cùng với 5.000 nhân dân tệ tiền phạt. Bà Trương bị kết án 2 năm tù và hai năm quản chế cùng với 5.000 nhân dân tệ tiền phạt.
Chồng bà Trương đã suy sụp vì vợ và con gái bị bắt giữ và ông đã qua đời sau đó không lâu.
Khi bà Vương được trả tự do khỏi Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm vào năm 2021, bà rất hốc hác; da bà xám đen và bầm tím; bụng dưới của bà bị chướng và chân bị sưng phù. Bà đã đến bệnh viện và được chẩn đoán bị xơ gan cổ trướng.
Bất chấp tình trạng của bà, cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà, chụp hình bà và yêu cầu bà ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà đã chịu thêm một cú sốc nữa khi mẹ bà (bà Trương) bị bắt giữ lần nữa vào tháng 7 năm 2022 và bị kết án 10 tháng tù vào khoảng cuối năm 2022. Bà rơi vào tình trạng hôn mê và được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Bác sĩ ban hành thông báo tình trạng nguy kịch cho bà. Mặc dù, bà Vương đã qua khỏi, nhưng việc cảnh sát liên tục sách nhiễu vẫn khiến bà sống trong sợ hãi.
Cảnh sát lại xuất hiện tại nhà bà Vương vào đầu năm 2025 và chụp ảnh xung quanh nhà bà. Không lâu sau, bệnh cổ trướng của bà tái phát và cơ thể bà bị sưng phù nghiêm trọng. Hai tuần sau, bà đã qua đời vào ngày 9 tháng 2 năm 2025.
Ông Lan Văn Bân, một cư dân thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã sống trong sợ hãi vì thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu trong khi đang được bảo lãnh tại ngoại sau vụ bắt giữ vào tháng 4 năm 2024. Sức khỏe của ông suy giảm nhanh chóng và ông đã qua đời vào ngày 11 tháng 1 năm 2025, hưởng dương 77 tuổi.
Ông Lan, một giám đốc điều hành đã nghỉ hưu của một công ty tư vấn ở Bắc Kinh, bị bắt vào tháng 4 năm 2024, sau khi bị tố cáo vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã xô ông ngã xuống đất khi bắt giữ ông, sau đó đưa ông về nhà để lục soát. Các cuốn sách Pháp Luân Công, ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, máy in, máy tính và máy nghe nhạc MP3 của ông đã bị tịch thu.
Sau khi đưa ông Lan tới đồn công an, cảnh sát đã còng tay ông trong suốt một ngày và không cung cấp đồ ăn hay nước uống cho ông. Tối cùng ngày, ông đã xin đi vệ sinh vài lần nhưng đều bị từ chối. Cảnh sát còn lăng mạ ông. Ông bị bỏ mặc ngồi trên ghế dài qua đêm. Cảnh sát đã thẩm vấn ông nhiều lần trong thời gian đó. Ông thừa nhận rằng đồ vật bị tịch thu là đồ dùng cá nhân của ông, nhưng ông từ chối ký bất kỳ giấy tờ nào.
Ngày hôm sau, cảnh sát đã đưa ông Lan đến bệnh viện để khám sức khỏe. Ông được phát hiện có một khối u 4,8 cm (1,9 inch) trong ổ bụng. Cảnh sát cho ông tại ngoại và nói với gia đình rằng ông không còn sống được lâu nữa. Chi tiết về tiên lượng của ông vẫn chưa rõ. Cảnh sát còn buộc gia đình ông phải nộp giấy tờ nhà đất của họ để làm tiền bảo lãnh.
Sau khi ông Lan trở về nhà, các viên chức của ba đồn công an đã thay phiên nhau sách nhiễu ông và ghi hình ông. Ông qua đời vào ngày 11 tháng 1 năm 2025.
Bà Liêu Ngọc Anh, 86 tuổi, ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, qua đời vào tháng 12 năm 2024, trong khi đang chờ phán quyết sau phiên tòa xét xử bà vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Liêu Ngọc Anh
Sau lần bắt giữ cuối cùng vào ngày 21 tháng 4 năm 2022, mặc dù cảnh sát cho bà bảo lãnh tại ngoại vài giờ sau do sức khỏe yếu, nhưng họ vẫn tiếp tục sách nhiễu bà nhằm đưa bà trở lại trại giam. Họ đưa bà đi khám sức khỏe nhiều lần, nhưng kết quả luôn cho thấy bà có sức khỏe yếu và không đủ điều kiện để tạm giam. Lần gần nhất bà bị đưa đi khám sức khỏe là vào ngày 15 tháng 8 năm 2023, và kết quả vẫn cho thấy bà bị huyết áp cao.
Ngày 25 tháng 12 năm 2023, bà Liêu bị đưa đến Tòa án quận Mậu Nam để xét xử. Gia đình bà không được phép tham dự phiên tòa. Hai luật sư của bà đã lập luận rằng không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công hay dán nhãn là tà giáo. Việc bà Liêu tu luyện Pháp Luân Công không gây hại cho bất kỳ cá nhân nào, hay xã hội nói chung, chứ đừng nói đến việc làm suy yếu việc thực thi pháp luật. Các luật sư yêu cầu trắng án cho bà.
Các thẩm phán đã hoãn phiên tòa và cho phép bà Liêu về nhà. Bà không thể hồi phục sức khỏe, và qua đời vào tháng 12 năm 2024, trong khi vẫn đang chờ đợi phán quyết.
Bị tước đoạt tự do cá nhân và sinh kế
Kỹ sư về hưu bị ép vào trại dưỡng lão, tử vong vài tháng sau đó
Bà Ngô Xuân Như, một kỹ sư về hưu của Phòng Xây dựng Quận Phổ Khẩu, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, bị bắt chuyển đến một trại dưỡng lão vào cuối năm 2023. Bà không được phép về nhà, và tử vong 4 tháng sau đó. Bà thọ hơn 90 tuổi.
Bà Ngô bị tố cáo và sách nhiễu bởi cảnh sát vào năm 2023, vì đưa 1 thẻ nhớ có thông tin Pháp Luân Công trong khu dân cư. Dưới áp lực của Ủy ban Chính trị Pháp luật Quận Phổ Khẩu, Phòng 610 Quận Phổ Khẩu, Công an Quận Phổ Khẩu, và Phòng Xây dựng Quận Phổ Khẩu, các con của bà Ngô đã bị ép phải đưa bà tới một viện dưỡng lão vào cuối năm 2023. Bà yêu cầu được về nhà, nhưng viện này không cho bà về. Vì áp lực tinh thần, bà qua đời vào tháng 4 năm 2024.
Trước lần bức hại gần nhất này, bà Ngô từng liên tục bị nhắm mục tiêu vì kiên định đức tin trong suốt hai thập kỷ.
Một phụ nữ Hắc Long Giang qua đời sau 17 năm lưu lạc để tránh bị bức hại
Sau khi mãn hạn 3 năm tù vào năm 2008 vì đức tin vào Pháp Luân Công, bà Trương Khánh Hoa buộc phải sống lưu lạc để tránh bị bức hại thêm. Cuộc sống khó khăn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà. Bà qua đời vào ngày 9 tháng 2 năm 2025, khi mới 57 tuổi.
Bà Trương Khánh Hoa
Tối ngày 30 tháng 4 năm 2000, bà Trương, cựu kế toán viên của Nông trường Giai Nhân ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, bị cảnh sát chặn lại khi đi qua huyện Bột Lợi cùng tỉnh. Cảnh sát ra lệnh cho bà lăng mạ và giẫm lên ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công. Bà cự tuyệt làm theo, và bị kết án 2 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức tỉnh Hắc Long Giang ở thủ phủ Cáp Nhĩ Tân.
Từ năm 2005, cảnh sát địa phương đã xúi giục Dương Bân, nhân viên an ninh trong khu dân cư của bà Trương, theo dõi bà khi bà ra ngoài.
Lúc 3 giờ chiều ngày 19 tháng 5 năm 2005, cảnh sát của Đồn Công an Thuận Hoà đột kích nhà bà Trương. Họ lục soát nhà và đưa bà đến trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư. Trong 4 tháng tiếp theo, cảnh sát túc trực tại nhà bà Trương, và bắt giữ bà Quý Dĩnh Bình, cũng là một học viên Pháp Luân Công, khi đang đến thăm bà Trương.
Nhà bà Trương sau khi bị cảnh sát lục soát
Ngày 7 tháng 12 năm 2005, bà Trương bị Tòa án quận Tiền Tiến xét xử. Sau đó, bà bị kết án 3 năm tù tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang.
Sau khi bà Trương được trả tự do vào năm 2008, bà buộc phải sống lưu lạc để lẩn trốn cảnh sát. Bà phải chuyển chỗ ở và sống trong nghèo khổ. Cuối cùng bà qua đời vào ngày 9 tháng 2 năm 2025.
Báo cáo liên quan:
Báo cáo tháng 2 năm 2025: 8 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại
Báo cáo tháng 1 năm 2025: 13 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/3/492275.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/8/226155.html
Đăng ngày 20-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.