Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 21-12-2024] Vào năm 2006, tôi trở về nhà sau khi phải chịu sự bức hại của ĐCSTQ trong một trại lao động cưỡng bức. Nhà trường đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và sa thải tôi. Các đồng nghiệp và bạn bè cũ của tôi đã nhờ tôi dạy dỗ cho con cái của họ, vì vậy từ đó trở đi, tôi bắt đầu làm gia sư sau giờ học.
Công việc này giống như một quả cầu tuyết, cứ lớn dần nhờ truyền miệng. Đến đỉnh điểm, tôi nhận dạy gần 40 em học sinh trung học. Tôi yêu quý trẻ em từ tận đáy lòng. Ngay từ đầu, tôi cảm thấy mỗi học sinh tôi gặp đều có tiền duyên với mình, và tôi rất trân trọng các em. Tôi luôn ước thúc bản thân mình theo tiêu chuẩn của một người tu luyện, vì vậy tôi rất hòa hợp với các em.
Trí huệ trong việc giảng dạy
Vì là một người tu luyện, tôi giảng dạy một cách kiên nhẫn, chi tiết và rõ ràng, và tất cả các em học sinh đều đánh giá cao tôi. Nhưng xét cho cùng, vì tôi chỉ giảng dạy gián đoạn trong khoảng bốn năm và chưa bao giờ dạy một lớp lớn, nên trong những ngày đầu, việc dạy học sinh lớp lớn vẫn rất khó khăn đối với tôi và tôi phải dựa vào việc tự học.
Chỉ trong hai năm, tôi đã học hết tất cả các sách giáo khoa của tất cả các lớp từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông, cùng lúc tôi vừa học vừa dạy và tôi đã tiến bộ rất nhanh. Nhưng tôi chỉ làm theo phương pháp giảng dạy của trường học từng bước một, chứ không có nhiều ý tưởng riêng.
Một lần, tôi học Pháp và cảm thấy xúc động trước lời giảng của Sư phụ:
“chúng ta chỉ là coi nhẹ vấn đề lợi ích thiết thân thôi, còn tại các phương diện khác, thì chúng ta đều rất sáng suốt. Các công trình khoa học nghiên cứu mà chúng ta làm, lãnh đạo giao nhiệm vụ nào, hoàn thành công tác nào, chúng ta đều tỉnh táo minh bạch làm cho thật tốt”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân )
Tôi tự nhủ rằng mình phải trí huệ và xuất sắc hơn trong việc giảng dạy. Ngay khi tôi có nguyện vọng này, việc giảng dạy của tôi đã có những bước đột phá và cải tiến đáng kể, và các lớp học của tôi trở nên nổi tiếng hơn với các em học sinh.
Nói với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp
Vì tôi trân quý những mối quan hệ tiền duyên, tôi sẽ tìm cơ hội để giảng chân tướng và khuyến khích hầu hết các học sinh thoát xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên kết của nó. Sau khi các học sinh thoái xuất, những thay đổi ở các em khiến tôi bất ngờ. Có một lần, một nữ sinh trung học cơ sở đã thốt lên: “Thưa cô, lâu lắm rồi em mới cảm thấy vui vẻ như vậy!” Tôi biết đó là niềm vui của một sinh mệnh được cứu độ.
Tôi nghĩ rằng bản chất của việc giáo dục là đánh thức bản tính thuần khiết và thiện lương của các em học sinh, và giúp các em trở nên tốt hơn. Do đó, tôi thường nhắc nhở các em phải tử tế, giúp đỡ lẫn nhau, kính trọng cha mẹ, và truyền cảm hứng cho các em chú ý đến suy nghĩ của mình. Một phụ huynh vui mừng nói: “Từ khi con tôi theo học cô, cháu không chỉ học tập tốt mà còn trở nên hiểu chuyện hơn trong cuộc sống”. Các học sinh đã chia sẻ với tôi những tin vui về thành tích xuất sắc trong kỳ thi vào trung học phổ thông và đại học hàng năm.
Vì các lớp học đều có thu phí, tôi luôn cố gắng bù lại thời gian mà tôi đã dùng để giảng chân tướng. Một lần, tôi có ấn tượng rất sâu sắc. Có một nam sinh đang học năm cuối ở một trường trung học phổ thông bình thường. Trong khi tôi đang giảng chân tướng, em ấy đã dùng điện thoại của mình để lên mạng và tìm kiếm thông tin về Pháp Luân Công thông qua một chương trình vượt qua sự kiểm duyệt thông tin của ĐCSTQ. Em ấy nói với tôi rằng em ấy phải đọc Chuyển Pháp Luân khi vào đại học.
Tôi nói: “Xin lỗi vì đã làm mất thời gian của em hôm nay. Cô sẽ tìm thời gian để bù lại cho em”. Nhưng em ấy đáp: “Những gì cô nói là điều quan trọng nhất trong cuộc đời em. Nó không thể so sánh với bất kỳ buổi dạy kèm nào. Cô không cần phải bù lại đâu ạ”. Tôi xúc động đến rơi nước mắt.
Một lần khác, tôi đã giảng chân tướng rất nhiều về Pháp Luân Đại Pháp trong lớp. Ngày hôm sau, một nam sinh trung học nhìn tôi một cách chân thành và nói rằng em ấy đã nhìn thấy hình ảnh của một vị Bồ Tát.
Tất nhiên, một số em không chấp nhận, hoặc phụ huynh một số em cảnh báo tôi không được làm như vậy. Khi gặp phải những tình huống này, tôi đã phát chính niệm nhiều hơn và hướng nội tìm. Tôi đặc biệt chú trọng việc giảng chân tướng cho tất cả các em học sinh cuối cấp. Thông thường, tôi dạy ‘một kèm một’, điều này giúp việc giảng chân tướng dễ dàng hơn. Mỗi lần trước khi giảng chân tướng, tôi đều cầu xin Sư phụ gia trì để ban cho tôi trí huệ và sức mạnh.
Không chỉ các em học sinh được lợi ích, mà niềm vui và lòng tốt của các em sau khi thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó, cũng khiến trái tim tôi cảm thấy được thanh lọc, ấm áp và trong sáng, và tôi thật sự cảm nhận được Phật ân hạo đãng.
Loại bỏ tâm chấp trước vào danh và lợi
Vào một kỳ nghỉ hè, bốn học sinh cuối cấp học tại một trường trung học đã tham gia lớp học của tôi. Chúng tôi đã ôn tập 15 công thức trong lớp, và tôi liên tục nhắc các em ôn lại khi về nhà vì hôm sau sẽ có bài kiểm tra. Vào ngày hôm sau, khi chúng tôi làm bài kiểm tra, có một học sinh chỉ làm đúng hai công thức, còn em học sinh giỏi chỉ làm đúng năm công thức. Tôi không thể chịu đựng được nữa và tức giận với các em: “Các em đã học năm cuối trung học rồi mà vẫn không nhớ được các công thức. Các em vừa mới ôn lại và giờ làm bài kiểm tra mà điểm số vẫn tệ như vậy! Đây chẳng phải rõ ràng là thiếu tôn trọng đối với thầy cô sao?! Các em có xứng đáng với bản thân và cha mẹ các em không?!”
Càng nói, tôi càng cảm thấy không hài lòng. Tôi yêu cầu từng học sinh giải thích tại sao lại xảy ra chuyện này. Cuối cùng, một nam sinh đã nói một cách chân thành: “Thưa cô, em cần phải nhìn lại bản thân”. Chỉ đến lúc đó tôi mới bình tĩnh lại. Đúng vậy, chẳng phải đây là Sư phụ đã thông qua em ấy để điểm hóa cho tôi hướng nội tìm sao? Tôi nhận thấy sự thiếu kiên nhẫn và sự xấu xa của mình, rằng tôi không có lòng khoan dung.
Ngày hôm sau, một nữ sinh đến lớp và nói: “Thưa cô, sau những gì cô đã nói với chúng em hôm qua, em không muốn đến lớp nữa”. Tôi lập tức cảm thấy buồn bã vì tôi và nữ sinh này có mối quan hệ cá nhân rất tốt. Lúc đó tôi không hiểu, và buồn bã hỏi em ấy: “Cô không nên nói về em sao? Nói về em có sai không? Chẳng phải là vì lợi ích của em sao? Vậy thì cô phải làm sao đây?” Em ấy nói: “Em làm bài kiểm tra không tốt, em đã có tâm trạng tồi tệ rồi. Cô lại chỉ trích chúng em, khiến em chán nản và tâm trạng càng tệ hơn!”
Sau giờ học, tôi cảm thấy đau khổ. Mình phải làm gì đây? Vấn đề chính xác là gì? Thông thường, khi gặp phải kết quả kém như vậy, giáo viên sẽ tức giận và trách mắng học sinh. Tôi cũng đã trách các em học sinh. Liệu tôi có khác gì một người thường không? Là một người tu luyện, tôi nên xử lý những vấn đề này như thế nào? Tôi cảm thấy chán nản và bối rối.
Cuối cùng, tôi nghĩ đến việc cầu xin Sư phụ. Tôi đột nhiên hiểu ra rằng nguyên nhân căn bản của sự lo lắng của tôi chính là tôi đang tìm kiếm danh tiếng và lợi ích cá nhân. Căn nguyên của vấn đề là tâm ích kỷ của tôi. Làm sao tôi có thể thực sự dạy dỗ cho các em học sinh? Từ khi tôi nhận ra vấn đề này, những tình huống tương tự đã không còn xảy ra nữa.
Đối xử từ bi với các em học sinh
Tôi thường lo lắng và thất vọng với các học sinh của mình. Có lần, tôi đã làm một cậu học sinh lớp 11 sợ hãi đến mức khiến em bị sốt trong ba ngày. Tôi biết điều đó là sai, nhưng tôi không thể loại bỏ chấp trước của mình.
Tôi đã gặp một nữ sinh theo học với tôi từ năm lớp 10 đến năm lớp 11. Tôi đã dành rất nhiều công sức cho em ấy. Nhưng bất kể tôi giảng giải tài liệu thế nào, em ấy vẫn cứ hỏi về những điều cơ bản nhất và cứ trả lời sai. Em ấy thường hỏi lại sau khi tôi vừa giải thích xong một câu hỏi đơn giản. Em ấy chỉ là không hiểu gì cả, và tôi gần như phải ở lại lớp để giảng giải cho em ấy mỗi lần. Tôi cũng không hiểu tại sao như vậy, em ấy dường như học rất chăm chỉ và tôi giảng dạy rất tận tình, nhưng lần nào em ấy cũng hỏi tôi về những kiến thức mà các em khác đều biết, em ấy cứ hỏi đi hỏi lại tôi. Mỗi lần làm bài kiểm tra, em ấy đều đứng cuối lớp và không hề có bất kỳ bước đột phá nào.
Tôi cảm thấy bất lực và dần dần nảy sinh tâm sợ khó khăn và mất niềm tin vào em ấy. Tôi không muốn dạy nữ sinh đó nữa, nhưng phụ huynh đã đóng học phí rồi và em ấy vẫn không rời bỏ tôi. Bất kể tôi có thay đổi thế nào, em ấy vẫn luôn theo học tôi. Đôi lúc, tôi đã nói những lời gay gắt với em ấy và cảm thấy rất tức giận trong lớp, nhưng em ấy chưa bao giờ tức giận. Em ấy chỉ cố gắng hơn để học hỏi từ tôi thôi.
Đến học kỳ hai năm lớp 11 của em ấy, một ngày nọ, tôi có đủ thời gian trong lớp, vì vậy tôi đã nói về việc thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Em ấy rất đồng tình với điều đó và đã thoái xuất khỏi Đội Thiếu niên Tiền phong. Đột nhiên, tôi cảm thấy em ấy thật đáng yêu. Ngoài những khó khăn trong học tập, tôi nhận ra em ấy có rất nhiều phẩm chất tốt. Em ấy tốt bụng, hiểu chuyện, không bao giờ nhỏ nhen, và luôn có thái độ tích cực trong cuộc sống. Tôi xúc động bày tỏ những cảm xúc chân thành từ tận đáy lòng mình, động viên và khích lệ em ấy. Vào ngày hôm đó, em ấy cũng rất vui.
Vài ngày sau, đến kỳ thi tháng của trường. Lần đầu tiên điểm số của em ấy tăng hơn 20 điểm, điều này khiến tôi ngạc nhiên. Cha mẹ em ấy cũng rất vui. Tôi chưa chắc chắn, chỉ nghĩ rằng: “Có thể phần này của khóa học khá đơn giản”. Khi kết quả thi cuối kỳ được công bố, em ấy tiếp tục tiến bộ một cách ổn định. Tôi hiểu ra rằng sau khi em ấy thoái xuất khỏi Đội Thiếu niên Tiền phong, Sư phụ đã khai mở trí tuệ cho em, giúp em ấy loại bỏ nhiều chướng ngại trong học tập và khiến em ấy sáng suốt hơn trong môn học mà tôi dạy.
Sự việc này khiến tôi hiểu được từ Pháp rằng, các em học sinh và tôi có mối liên hệ, và tất cả các em đều là đến để nghe chân tướng và để được đắc cứu. Tôi cần biết trân quý điều này và kiên trì với các em. Tôi cũng cần phải thoát khỏi quan niệm người thường và buông bỏ mọi được mất của con người để có thể trân trọng vô điều kiện mọi học sinh mà tôi gặp, và yêu thương các em một cách chân thành. Các em chắc chắn sẽ cảm nhận được điều đó và trở nên tốt hơn. Bây giờ, tôi cảm thấy rằng mình sẽ không bao giờ phải lo lắng và tức giận với các em nữa, và việc trân quý sinh mệnh khiến trái tim tôi vô cùng dịu dàng và đầy tình yêu thương.
Tiêu chuẩn của vũ trụ mới là vị tha. Chỉ khi chúng ta thực sự vô tư vô ngã, chúng ta mới có thể có được niềm vui và hạnh phúc lớn nhất trong cuộc sống, và chỉ khi đó chúng ta mới có lòng từ bi. Những cảm xúc tiêu cực và thiếu kiên nhẫn sẽ tan biến trong nháy mắt. Tập trung vào chính chấp trước đó chỉ có tác dụng hạn chế trong việc loại bỏ nó. Chỉ bằng cách đề cao tâm tính, đề cao trong Pháp, và trở nên vô tư vô ngã, thì những khó khăn mà chúng ta đang chịu đựng mới đột nhiên biến mất.
Trên đây là một số kinh nghiệm của tôi trong quá trình giảng dạy. Tôi biết rằng mình vẫn còn xa mới đạt được yêu cầu của Đại Pháp, nhưng tôi sẽ nỗ lực để đề cao bản thân và phấn đấu để làm tốt hơn.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/21/485704.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/26/225636.html
Đăng ngày 13-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.