Bài viết của Hiểu Hoa, một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-01-2025] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp hơn 10 năm trước. Từ chỗ chủ yếu đề cao tâm tính cá nhân đến coi việc cứu độ chúng sinh làm trọng, tôi đã trải qua rất nhiều quá trình tu tâm. Tôi vô cùng cảm tạ Sư tôn đã từ bi hóa độ đệ tử và tôi rất mong tiếp tục cùng các đồng tu tu luyện tinh tấn, cộng đồng đề cao.

Tôi muốn chia sẻ một vài câu chuyện tu luyện, một số là của tôi và một số là từ con gái nhỏ của tôi.

Con gái tôi năm nay 9 tuổi. Dưới đây là câu chuyện của cháu. Tôi là người ghi lại và sẽ dùng đại từ nhân xưng “Cháu” để kể lại câu chuyện.

Câu chuyện tu luyện của một tiểu đệ tử

Cháu nghe mẹ kể rằng từ khi cháu còn trong bụng mẹ, mẹ đã bật các bài giảng của Sư phụ cho cháu nghe. Trong khi tu luyện, cháu đã trải qua nhiều điều kỳ diệu và cháu muốn chia sẻ một vài trong số đó:

Nợ thì phải hoàn trả

Một dạo, sau khi lớp cháu sắp xếp lại chỗ ngồi, bạn cùng bàn mới của cháu cứ hay vay giấy của cháu để làm bài tập về nhà. Ban đầu, cháu không nghĩ ngợi nhiều, nhưng khi cậu ấy ngày nào cũng vay, cháu bắt đầu mất kiên nhẫn. Cháu kể với mẹ về điều đó, mẹ cháu bảo: “Trước đây con có vay giấy vẽ từ các bạn cùng lớp không?”

Cháu đáp: “Có ạ, con có vay. Nhưng con chưa bao giờ vay gì của bạn ấy cả”.

Mẹ cháu nói: “Có thể con đang trả nợ theo cách này. Con trả xong rồi thì việc đó sẽ ổn thôi, và bạn bè cùng lớp cũng nên giúp đỡ nhau. Nhưng con cũng nên quý trọng giấy. Có những tờ giấy vẫn có thể sử dụng được mà con đã vứt đi. Phí lắm. Con nên chú ý tiết kiệm nhé”.

Cháu nghĩ một lát và nói với mẹ: “Vậy thì con sẽ phân loại giấy cũ và kẹp thành quyển vở để làm bài tập về nhà”. Sau đó, cháu đã vui vẻ buông xuống chuyện này.

Ngày hôm sau, chỗ ngồi lại thay đổi và cháu ngồi cạnh một bạn khác. Kể từ đó, không có bạn cùng lớp nào vay giấy của cháu nữa.

Bộ đồng phục gây tranh cãi

Sau kỳ nghỉ đông, mới khai giảng được mấy hôm thì một bạn lớp cháu bị mất áo đồng phục mùa đông. Cô chủ nhiệm lớp cháu đã tìm giúp bạn ấy. Bạn ấy đã mô tả cái khuy trên mũ của bạn ấy trông thế nào. Tình cờ hôm đó cháu lại không mang mũ ở áo đồng phục. Cô chủ nhiệm hỏi cháu cái khuy trên mũ của cháu trông thế nào. Cháu miêu tả chi tiết và cô giáo bảo cháu hôm sau đội chiếc mũ đó đi. Trong lòng cháu cảm thấy có chút không thoải mái.

Về nhà cháu kể chuyện này với mẹ. Mẹ hỏi cháu: “Vậy con đã mặc nhầm đồng phục à?”

Cháu vội đáp: “Áo đồng phục này là của con mà. Buổi trưa, con cởi áo ra rồi ngồi lên nó. Bạn bị mất đồng phục thì ở cách xa con, không thể nào là đồng phục của bạn ấy được”. Cháu đã giải thích đi giải thích lại cho mẹ mấy lần, và cháu cảm thấy mình bị oan.

Mẹ hỏi cháu: “Nếu bạn đó cứ nhất quyết nhận áo đồng phục của con, con có sẵn sàng đưa cho bạn ấy không?”

Nước mắt cháu lập tức trào ra, nhưng cháu biết đây là một khảo nghiệm. Chiểu theo lời Sư phụ giảng, cháu đã biết câu trả lời. Dù cháu có bị oan, cháu biết là một người tu luyện cháu nên làm gì, vì vậy cháu không thảo luận về chuyện đó nữa.

Mẹ cháu mỉm cười nói: “Lại đây con, đó là lỗi của mẹ. Lẽ ra mẹ nên thêu tên con lên áo đồng phục sớm hơn”.

Ngày hôm sau, cháu cài mũ vào rồi đến trường. Bạn cùng lớp cháu đã tìm thấy áo đồng phục, là do một bạn lớp khác mặc nhầm. Sau khi về nhà, mẹ đã thêu tên lên áo đồng phục cho cháu.

Cháu rất thích xem bộ phim “Trở lại thành Thần”. Cháu thích nhất nhân vật Tiểu Vũ trong bộ phim đó. Mong ước của cháu là tu luyện tinh tấn cùng các đồng tu và tất cả cùng nhau trở về ngôi nhà trên thiên thượng.

Dẫn dắt tốt tiểu đồng tu

Bên trên là câu chuyện mà con gái muốn tôi chia sẻ. Dưới đây tôi sẽ chia sẻ một số trải nghiệm của mình.

Khi con gái một tuổi, tôi đưa cháu ra ngoài cùng tôi để giảng chân tướng trực diện và gặp gỡ các đồng tu. Sau khi cháu lớn hơn một chút, tôi thường đem cháu đi theo nhiều hơn.

Khi con gái khoảng hai tuổi, tôi thiết lập một điểm sản xuất tài liệu tại nhà. Tôi bắt đầu từ việc làm các tài liệu đơn giản, đến lịch để bàn, các sách Đại Pháp và đóng dấu tiền giảng chân tướng. Sư phụ đã từng bước dẫn dắt tôi và con gái tu luyện cùng nhau. Bất cứ khi nào mẹ con tôi gặp khó khăn, Ngài luôn điểm hóa cho chúng tôi. Thông qua học Pháp và hướng nội tìm, mọi vấn đề mà chúng tôi gặp phải đều được giải quyết dễ dàng.

Hạng mục tiền chân tướng

Năm ngoái, một đồng tu nhận thấy việc đóng dấu thủ công thông điệp về Đại Pháp lên tiền giấy có điều bất cập. Đôi khi, dấu đóng không đều, lại chỉ có một nội dung nên chúng tôi muốn in thông điệp giảng chân tướng lên tờ tiền giấy. Nhưng loại tiền mới được phát hành dùng mực nhuộm nên in dễ bị phai. Do đó, tôi đã tìm kiếm rất nhiều thông tin liên quan trên diễn đàn của các học viên.

Đúng dịp đó, một đồng tu đang trong nghiệp bệnh có chiếc máy in không dùng đến và anh ấy muốn tạm thời để nó ở nhà tôi. Khi tôi nhìn thấy nó, dù chưa từng sử dụng nhưng tôi biết mình có thể đổi sang mực phẩm màu và in ra loại tiền giảng chân tướng mới.

Tôi đã chia sẻ suy nghĩ của mình với các đồng tu trong nhóm, lúc đó có đồng tu phản đối, bảo rằng nếu tôi thay đổi loại mực sẽ làm hỏng máy in. Tôi thất vọng và muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, khi tôi nhớ đến tiền chân tướng là được Sư phụ công nhận, tôi đã thay đổi quan điểm. Với sự giúp đỡ của chồng tôi và những điều học được từ diễn đàn, tôi đã thành công trong việc in thông điệp giảng chân tướng lên tờ tiền mà không bị mờ đi. Sau đó, tôi đã chia sẻ điều này lên diễn đàn.

Trong quá trình này, tôi đã tháo lắp máy in không biết bao nhiêu lần, điều đó đã đặt nền tảng cho việc sửa chữa máy in cho các đồng tu sau này. Trước kia, tôi luôn coi công việc sửa chữa này là của các đồng tu nam. Bởi vì chồng tôi cũng là đồng tu, tôi luôn muốn dựa vào anh ấy. Nhưng trong tu luyện, chúng ta phải loại bỏ bất kỳ chấp trước nào và chỉ có thể đi theo con đường mà Sư phụ an bài cho chúng ta.

Người thường hay hỏi tôi: “Chị còn tiền lẻ không? Tôi dùng hết mất rồi”.

Tôi thường đáp: “Có. Tôi sẽ sớm mang đến cho nhé”.

Chúng sinh sau khi minh bạch chân tướng, họ thực sự được thụ ích, công việc kinh doanh của họ đều thuận lợi. Mọi nỗ lực giảng chân tướng của chúng tôi đều được đền đáp.

Tu tâm tính

Các đồng tu trong nhóm học Pháp của tôi hầu hết là đắc Pháp sớm, tu luyện tương đối tốt. Họ thường tham gia giải cứu các đồng tu đang đối mặt với bức hại. Tôi rất biết ơn Sư phụ vì đã an bài cho tôi một nhóm tốt như vậy. Vì tôi đắc Pháp sau, tu luyện cá nhân gặp hết quan này đến quan khác, nhưng dù thế nào, tôi luôn ghi nhớ lời Sư phụ dạy là làm tốt ba việc. Nhờ sự trợ giúp của các đồng tu, tôi nhanh chóng tìm ra những chấp trước chưa buông bỏ, và nhanh chóng quy chính đề cao trong Pháp.

Gần đây, có một quan mà tôi mãi không vượt qua được. Đó là về vấn đề an toàn điện thoại di động. Tôi và một đồng tu trong nhóm đã nảy sinh bất đồng. Đồng tu vì nhu cầu giải cứu các đồng tu khác, cần liên lạc với luật sư và gia đình người bị bức hại, nên đã cài đặt phần mềm vượt tường lửa ở điện thoại. Cô ấy cũng dùng điện thoại để truy cập trang web Minh Huệ. Đôi lúc, khi đang đọc bài chia sẻ trong nhóm, cô ấy cũng để điện thoại bên cạnh.

Tôi vốn luôn tuân theo những gì Sư phụ giảng về chú ý an toàn, cũng như những gì được chia sẻ trên Minh Huệ về việc không mang điện thoại đến các nhóm học Pháp và các điểm sản xuất tài liệu. Nhưng đồng tu lại nghĩ khác, cô ấy bảo tôi nên hướng nội tìm và tôi rất khổ tâm.

Chỉ sau khi học Pháp nhiều lên và học thuộc Pháp, tôi mới mới phát hiện ra mấy năm gần đây tôi đã xa rời cảm giác tu luyện như thuở đầu, luôn chỉ nghĩ đến cảm thụ của bản thân, chính là cái tư, vốn xuất phát từ tâm sợ hãi. Tôi sợ mình sẽ bị liên lụy vì cô ấy không phù hợp với yêu cầu của Pháp. Tôi nhận ra bản thân có chấp trước khăng khăng cho mình là đúng và thường gây áp lực đòi hỏi người khác phải thay đổi.

Khi cô ấy hỏi: “Bọn trẻ đi học [phụ huynh] cũng phải dùng WeChat, vậy mà chúng ta không dùng nó được sao?”

Ban đầu tôi khá sốc với quan điểm của cô ấy, nhưng như một gậy bổng hát và tôi đã tỉnh ngộ ra. Phải rồi, vấn đề chính là ở chỗ này, bởi vì các con tôi đi học, tôi cũng phải dùng WeChat. Mặc dù tôi không dùng thường xuyên, nhưng cũng là một biểu hiện tôi thiếu tín tâm vào Sư phụ và Đại Pháp. Tôi cảm thấy mình cũng cần phải dùng WeChat. Hóa ra cô ấy là tấm gương phản chiếu tôi; là tôi có vấn đề. Nhưng tôi đã hướng ngoại, mà không tu luyện bản thân.

Ở các trường tiểu học ở Trung Quốc đại lục, có rất nhiều vấn đề như thế, ép phải gia nhập Đội, ép đóng bảo hiểm y tế, ép dùng WeChat. Lâu dần, chúng ta đã chấp nhận những yêu cầu này, rằng phải phù hợp tối đa với xã hội người thường. Tôi đột nhiên nhận ra mình phải đột phá những quan niệm này và không thể lẫn lộn với người thường.

Vì vậy tôi quyết định chính lại hành vi của mình. Kể từ hôm đó, tôi ngừng sử dụng WeChat. Con gái tôi bắt đầu dùng vở nhỏ để chép bài tập về nhà. Thay vì liên lạc với tôi qua WeChat, có việc gì giáo viên và phụ huynh khác sẽ gọi điện báo cho tôi. Cũng vào ngày hôm đó, con gái tôi không đeo khăn quàng đỏ đến trường nữa. Tôi nói với con gái: “Ở trên thiên thượng con là Vương, hiệu trưởng và thầy cô đều là chúng sinh của con, khi có cơ hội, mẹ sẽ giảng chân tướng cho họ, cầu xin Sư phụ cứu họ”. Đương nhiên, ở đây không phải nói về vấn đề đeo hay không đeo, dùng hay không dùng, chủ yếu là buông bỏ cái quan niệm không dùng không được, không đeo không được.

Giờ đây tôi mới nhận ra mình đã không làm tốt như nhiều đồng tu khác. Trước đây, xuất phát điểm của tôi là duy hộ bản thân và gia đình. Tôi đã viện cớ không muốn bị phát hiện để che đậy tâm sợ hãi và ích kỷ. Nhưng con đường tu luyện của tôi là do Sư phụ an bài. Ngài sẽ bảo hộ cho những đệ tử chân tu.

Trước đây, các bài kiểm tra của con gái luôn bị trừ điểm, là vì tôi quá để ý đến cảm thụ của con gái, bảo vệ cháu trong người thường, mà không ở trong Pháp. Mỗi người đều có số mệnh của riêng mình.

Một hôm cháu về nhà khoe với tôi: “Mẹ ơi, hôm nay con có hai bài kiểm tra. Nhờ niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo’ cả hai bài con đều được 100 điểm. Cô giáo còn chuyển cho con lên ngồi ở phía trước nữa cơ”. Tôi mỉm cười, vì tôi biết đó là Sư phụ khích lệ tôi đã ngộ đúng rồi.

Các bậc phụ huynh ngày nay thường lo lắng về con trẻ của mình. Bọn trẻ không thích đi học mà thích chơi trò chơi điện tử, thậm chí còn đánh nhau. Chúng học quá nhiều thứ có hại từ Internet và từ điện thoại. Tuy nhiên, con gái tôi được tẩy tịnh trong Đại Pháp, cháu rất thiện lương. Cháu giục tôi viết bài chia sẻ này, cháu bảo: “Con người hiện nay đều là người thân của Sư phụ. Chúng ta cần nắm bắt thời gian để cứu họ”. Nghe xong, tôi biết đó là Sư phụ điểm ngộ cho tôi về sự cấp bách của thời gian, phải nhanh chóng tu tốt bản thân và cứu nhiều chúng sinh hơn“.

Tôi chân thành biết ơn các đồng tu trong nhóm đã giúp tôi nhận ra vấn đề của mình, từ luôn hướng ngoại nhìn tu người khác chuyển sang hướng nội tìm tu bản thân, và cũng cũng giúp tôi có lý giải sâu sắc hơn về tín Sư tín Pháp.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/1/15/481939.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/13/225827.html

Đăng ngày 28-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share