Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-09-2024]

Tên: Trần Lệ Hoa (陈丽华)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 70
Thành phố: Đại Khánh
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Công nhân dầu mỏ đã nghỉ hưu
Ngày mất: 7 tháng 10 năm 2023
Lần bắt giữ gần nhất: Tháng 10 năm 2001
Nơi giam giữ cuối cùng:Trại tạm giam quận Sa

e818e5c2ec75ea1702f98e0dfda52ba7.jpg

Bà Trần Lệ Hoa

Một cư dân thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 sau nhiều năm bức hại vì đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp từ tháng 7 năm 1999.

Bà Trần qua đời chỉ ba tháng sau khi bước sang tuổi 70. Bà là nhân viên hưu trí của Công ty Khoan mỏ dầu Số 1 Đại Khánh. Bà cho rằng Pháp Luân Công đã chữa khỏi bệnh tật của bà (bao gồm cả một khối u trong bụng) và mang lại niềm vui trong cuộc sống. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà vẫn kiên định với đức tin của mình và bị nhắm vào nhiều lần.

Tháng 6 năm 2000, bà Trần đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt. Bà bị đưa về Đại Khánh và bị giam 15 ngày. Sau đó, bà bị chuyển đến trại tẩy não do đơn vị bà làm việc thiết lập và bị giam ở đó một tuần trước khi được thả.

Tháng 10 năm 2001, bà đến thăm một học viên Pháp Luân Công khác và bị bắt tại nhà người đó. Công an cố gắng đưa bà vào trại lao động, nhưng do sức khỏe yếu, bà không được nhận. Sau đó, bà bị đưa đến trại tạm giam quận Sa và bị giam ở đó ba tháng, trong thời gian này bà bị ngược đãi và sức khỏe suy giảm. Không lâu sau khi được thả, ba công an còn xông vào nhà bà và đe dọa đưa bà vào trại lao động. Khi đó, bà vẫn đang hồi phục sau những tổn thương do lần giam giữ trước gây ra và đang nằm trên giường. Bà Trần bị công an làm cho quá sợ hãi đến mức lên cơn co giật và ngã khỏi giường. Chỉ sau đó cảnh sát mới rời đi.

Cuối tháng 10 năm 2015, một số người từ Đồn công an Thành Phong đã đến nhà bà Trần và cố gắng mở cửa bằng chìa khóa vạn năng nhưng không thành công, sau đó họ rời đi. Họ quay lại nhiều lần để quấy rối bà vì trước đó bà đã đệ đơn kiện hình sự đối với Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Trung Quốc, người đã khởi xướng cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Vào tháng 10 năm 2016, khoảng tám công an mặc thường phục đã gõ cửa nhà bà Trần, nhưng bà không mở và họ rời đi. Đến tháng 11 năm 2018, hai công an mặc thường phục khác lại đến nhà bà, nhưng không rõ liệu bà có mở cửa cho họ không.

Một ngày hè năm 2021, bà Trần nhìn thấy từ ban công có bốn công an mặc thường phục đứng bên ngoài tòa chung cư nơi bà sống. Ngay sau đó, bà nghe thấy tiếng gõ cửa nhưng đã phớt lờ và họ rời đi.

Công an sau đó đã lắp một cột bên ngoài cửa sổ căn hộ tầng ba của bà và gắn một camera giám sát lên đó. Sự giám sát liên tục này đã khiến bà và gia đình vô cùng lo lắng, sợ hãi.

Sức khỏe của bà Trần ngày càng suy yếu, và vào mùa xuân năm 2023, bà bắt đầu bị đau ở lưng dưới, ngực, nách và chân. Tháng 7 năm 2023, hai công an mặc thường phục lại gõ cửa nhà bà, nhưng bà không có ở nhà và sau đó gia đình cho bà biết về vụ quấy rối này. Tình trạng sức khỏe của bà nhanh chóng trở nên tồi tệ sau đó. Chân bà đau đến mức không thể ngủ vào ban đêm, bà còn gặp khó khăn trong việc ăn uống và nhanh chóng suy kiệt. Bà Trần qua đời tại bệnh viện vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/15/482338.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/16/220097.html

Đăng ngày 28-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share