Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 20-08-2024]
Họ và tên: Chu Đông Anh
Tên tiếng Trung: 周冬英
Giới tính: Nữ
Tuổi: 70
Thành phố: Nhạc Dương
Tỉnh: Hồ Nam
Nghề nghiệp: Kế toán viên
Ngày mất: Tháng 1 năm 2024
Ngày bắt giữ gần nhất: Ngày 2 tháng 9 năm 2012
Nơi giam giữ gần nhất: Trung tâm Đào tạo Giáo dục Pháp luật Trường Sa
Năm 2012, bà Chu Đông Anh, một người phụ nữ ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam đã rơi vào trạng thái mê sảng sau 36 ngày bị giam giữ trong Trại tạm giam. Bà lo lắng, bồn chồn, dáng đi không vững, thị lực mờ và không thể ăn – tất cả các triệu chứng của việc bị ngộ độc. Sau khi vật lộn với những triệu chứng này ba năm, bà đã bị đột quỵ vào năm 2015 và hoàn toàn mất khả năng lao động. Bà nằm liệt giường trong những năm tiếp đó và đã qua đời vào tháng 1 năm 2024, hưởng dương 70 tuổi.
Bà Chu, một cựu kế toán tại Trang trại Lau sậy Tân Châu thuộc Cục Quản lý Hồ huyện Nhạc Dương, trở thành mục tiêu vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Bởi bà kiên định đức tin và nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, bà đã bị bắt giữ nhiều lần. Bà bị giam giữ trong trung tâm tẩy não hai lần và hai lần bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần. Khi trong nhà giam, bà bị tra tấn và đầu độc, điều này cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của bà.
Các vụ bắt giữ đầu tiên
Tháng 8 năm 2000, bà Chu cùng nhiều học viên khác đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Quan chức của Văn phòng Kháng nghị Quốc gia đã từ chối tiếp đón họ và đưa họ tới sở cảnh sát.
Sau khi xác nhận rằng họ là những học viên Pháp Luân Công, cảnh sát đã buộc họ ngồi xổm úp mặt vào tường. Một cảnh sát đã đá vào đùi phải của bà Chu, gây ra một vết bầm tím lớn.
Khi cảnh sát biết rằng các học viên đến từ Nhạc Dương, họ đã gọi điện cho Văn phòng Liên lạc Nhạc Dương ở Bắc Kinh tới đón họ. Các học viên bị giam giữ trong văn phòng liên lạc hai ngày và bị đưa trở lại Nhạc Dương. Quan chức Đội An ninh Nội địa Huyện Nhạc Dương nói họ sẽ bị giam giữ tại trại tạm giam Huyện Nhạc Dương một tháng. Chồng bà Chu đã phải nộp 4.000 Nhân dân tệ cho cảnh sát và bà đã được trả tự do sau 12 ngày. Chồng bà còn phải nộp 240 Nhân dân tệ tiền thức ăn của bà.
Tháng 12 năm 2000, bà Chu đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện lần nữa. Cảnh sát mặc thường phục tuần tra Quảng trường Thiên An Môn đã túm tóc bà, kéo bà vào xe cảnh sát và đá vào bụng bà hai lần. Bà bị đưa tới trại tạm giam Thuận Ngĩa ở Bắc Kinh, tại đây lính canh đã sử dụng dùi cui để điện sốc điện buộc bà tiết lộ bà từ đâu đến. Bà không nói gì và được trả tự do sau gần 2 tuần.
Ngày 5 tháng 9 năm 2001, bà Chu bị bắt giữ lần nữa khi tới thị trấn Hứa Thị để dán áp phích Pháp Luân Công. Ba cảnh sát đã thay phiên nhau đánh đập bà từ nửa đêm tới 6 giờ sáng. Khắp người bà đầy những vết bầm tím, có vết máu khô trên tóc và vết thương dài 2,5cm ở giữa ngón trỏ và ngón giữa trên tay bên trái của bà. Tay của bà bị thương nặng đến mức bà không thể cử động được.
Khi bà Chu yêu cầu được chăm sóc y tế, cảnh sát đã treo bà lên xà ngang (trói từ phần cổ tay treo lên) trong hơn một giờ đồng hồ. Cảnh sát Triệu Văn Hoa đã sử dụng thuốc lá để đốt hơn 10 vị trí ở mông của bà. Khi họ cho bà xuống, bà đã ngã gục xuống và họ giẫm lên lưng bà.
Sau đó, bà Chu bị chuyển tới trại tạm giam Số 1 Nhạc Dương để giam giữ trong 48 ngày. Cảnh sát đã kết án bà một năm lao động cưỡng bức, nhưng trại lao động từ chối tiếp nhận bà do tình trạng sức khỏe yếu. Cảnh sát tống tiền bà 3.000 Nhân dân tệ, sau đó mới cho bà tại ngoại về nhà.
Cảnh sát nhận thấy bà đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 2002. Ngày hôm sau, họ bắt giữ bà tại nhà riêng, giam giữ bà tại trại tạm giam Huyện Nhạc Dương và trại tạm giam Tương Âm gần bốn tháng. Một giáo đạo viên họ Bành và bí thư họ Lưu đã đánh đập bà dã man, đặc biệt là vào đầu và những vùng quan trọng khác (họ sử dụng nắm đấm và dép cao su để thực hiện hành vi đánh đập). Họ còn túm tóc bà và đập đầu bà vào tường. Bà đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi và sau đó được trả tự do.
Bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc và sốc điện bằng dùi cui điện trong bệnh viện tâm thần
Bà Chu bị bắt giữ lần nữa vào tháng 8 năm 2005 và bị đưa tới Trung tâm Tẩy não Hồ Tân. Trương Giai Hồng của Phòng 610 đã đánh đập bà khi bà kháng cự. Chỉ trong vài ngày, bà đã bị chảy máu trong và được đưa tới bệnh viện.
Ngày hôm sau, Phạm Nhạc Hoa ở nơi làm việc của bà và nhân viên trung tâm tẩy não đã đưa bà Chu tới Bệnh viên Tâm thần Nhạc Dương. Họ nói với bác sỹ: “Bà ta bị bệnh tâm thần – bà ta tu luyện Pháp Luân Công.” Bác sỹ đã trói bà lại và truyền thuốc không rõ nguồn gốc qua đường tĩnh mạch cho bà cả đêm và còn ép bà uống thuốc. Sáng hôm sau, khi bà cần sử dụng nhà vệ sinh, bác sỹ từ chối và nói: “Bà bị bệnh tâm thần. Tôi sợ bà sẽ đánh ai đó.” Một người được Phòng 610 gửi tới để giám sát bà Chu nói với ông ta “Bà ấy không bị tâm thần, tôi đảm bảo điều đó.” Chỉ khi đó bác sỹ này mới cởi trói cho bà.
Bà Chu bị tiêm và buộc phải uống thuốc không rõ nguồn gốc hàng ngày. Bà còn bị sốc điện bằng dùi cui điện. Bà run rẩy và lo lắng, cảm thấy hoảng loạn và ốm yếu. Một tuần sau, bà bị đưa trở lại trung tâm tẩy não. Bà vẫn bị ép uống thuốc không rõ nguồn gốc. Sức khỏe của bà suy giảm nhanh chóng và không lâu sau đó lâm vào tình trạng nguy kịch. Sau đó, nhân viên trung tâm tẩy não đưa bà về nhà và để bà ở đó một mình. Khi đó, bà Chu không thể tự chăm sóc cho bản thân mình.
Tại nhà, bà bắt đầu đi đi lại lại lên xuống cầu thang mất kiểm soát và không thể ăn được. Chồng bà phải đưa bà tới bệnh viện. Khi bác sỹ hỏi bà bị làm sao, bà nói: “Tôi bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Tôi bị trói trong một bệnh viên tâm thần, bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc và bị cưỡng bức uống thuốc không rõ nguồn gốc trong hơn một tuần. Tôi không thể kiểm soát được cơn run của mình, tôi cảm thấy hoảng loạn và không thể ngừng việc đi đi lại lại.” Bác sỹ trả lời: “Bà cần tìm ra kẻ làm điều này với bà. Họ phải chịu trách nhiệm. Bà không bị bệnh tâm thần. Thuốc là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tôi không thể điều trị cho bà.”
Chồng bà Chu ban đầu ngăn cấm bà luyện Pháp Luân Công vì ông sợ bản thân mình bị bức hại. Ông đau lòng khi nhìn vợ trong tình trạng này và không có phương pháp để điều trị cho bà, nên ông đã khích lệ bà tiếp tục luyện công. Dần dần, bà đã khỏe hơn.
Bà Chu từng một lần phát bệnh vào năm 2006 khi bà liên tục nôn mửa, cảm thấy chóng mặt, không thể đi lại được và nằm liệt giường trong hai tháng. Nhưng bà tiếp tục luyện các bài công pháp Pháp Luân Công và đã hồi phục.
Bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não và bị đầu độc bằng thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 2 tháng 9 năm 2012, các đặc vụ của Ủy ban Chính trị Pháp luật Nhạc Dương, Phòng 610, Ban Quản lý Hồ Đỗng Đình và Đồn Công an Thủy Thượng (tổng khoảng 10 người) đã kéo tới nhà bà Chu và đưa bà tới trung tâm tẩy não (Trung tâm Đào tạo Giáo giục Pháp luật Trường Sa).
Tại đây, mỗi học viên bị giam giữ trong một phòng nhỏ 10m2 và bị nhân viên do Phòng 610 điều động giám sát 24/24. Học viên bị buộc phải xem đĩa DVD và đọc sách phỉ báng Pháp Luân Công. Họ bị cưỡng ép viết tuyên bố từ bỏ đức tin và cam đoan không tiếp tục tu luyện nữa. Những người từ chối “chuyển hóa” bị đánh đập bằng gậy tre, tát vào mặt, đốt, cưỡng bức đứng trong thời gian dài, cấm ngủ, không được phép ăn uống và trộn chất độc vào thức ăn của họ.
Bà Chu đã tuyệt thực để phản đối. Bà bị bức thực thô bạo và bị rụng một chiếc răng. Những kẻ thủ ác đã véo khắp người bà cho đến khi bà bầm tím.
Bà đã tuyệt thực trong 18 ngày. Nhân viên trung tâm tẩy não (gồm đặc vụ Phòng 610 và bác sỹ) trộn thuốc không rõ nguồn gốc vào thức ăn của bà và bức thực bà hàng ngày. Khi bà Chu ngừng tuyệt thực và bắt đầu ăn trở lại, họ vẫn tiếp tục trộn thuốc vào thức ăn của bà.
Một ngày nọ, một nam bác sỹ tới kiểm tra huyết áp của bà. Anh ta nói rằng bà bị tăng huyết áp và chỉ thị cho nhân viên trộn thuốc vào thức ăn của bà. Vào một ngày, bà Chu phát hiện ra việc này và hỏi người nhân viên cho gì vào bát thức ăn của bà. Họ trả lời: “Thuốc điều trị cao huyết áp của bà.”
Bà Chu nói: “Tôi không bị cao huyết áp!” và bà đã đổ bát thức ăn của mình đi. Kể từ đó người khác đã mang thức ăn đến cho bà. Bà không biết họ đầu độc bà trong bao lâu và loại thuốc đó là gì.
Một ngày, bà Chu rơi vào trạng thái ngủ sâu ngay sau bữa tối và không thể tỉnh lại. Ngày hôm sau bà nói rằng bà sẽ không ăn nữa. Họ nói với bà: “Bà có thể ăn một quả trứng luộc chín. Rất khó để trộn thuốc vào nó,” thực tế đã thừa nhận rằng đó chính xác là những gì họ đang làm. Trung tâm tẩy não đã cho bà tại ngoại vào ngày hôm đó.
Sau khi bà Chu về nhà, trưởng Phòng 610 Phạm Nhạc Hoa và Hạ Vĩ nói với chồng và con gái bà rằng bà đã bị “cao huyết áp” và cần được điều trị. Một lính canh đánh đập bà trong trung tâm tẩy não nói với người khác rằng nội tạng của bà “đã bị hoại tử” và bà không thể sống được lâu.
Khi về nhà bà Chu đã bị mê sảng. Bà lo lắng, bồn chồn, đi lại loạng choạng, thị lực mờ và bà không thể ăn, triệu chứng điển hình của việc ngộ độc. Khi khỏe lại một chút, bà Chu nhận ra rằng mình đã bị đầu độc.
Khoảng tháng 8 năm 2015, bà Chu bị đột quỵ. Bà đã sống sót sau ca phẫu thuật nhưng mất trí nhớ và khả năng nói. Bà hoàn toàn mất khả năng lao động. Từ sự việc của bà, chồng bà hiểu được cuộc bức hại tà ác như thế nào. Ông cố gắng hết sức để chăm sóc cho bà trong những năm cuối đời.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/20/480998.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/23/219641.html
Đăng ngày 21-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.