Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-07-2024]

Họ và tên:Hà Kiến Dân

Tên Trung Quốc: 何建民

Giới tính: Nam

Tuổi: 70

Thành phố:Cáp Nhĩ Tân

Tỉnh: Hắc Long Giang

Nghề nghiệp: Dược sỹ

Ngày mất: Ngày 21 tháng 01 năm 2020

Ngày bị bắt gần đây nhất: Ngày 12 tháng 11 năm 2019

Nơi giam giữ gần đây nhất: Nhà tù Hô Lan

Một cư dân 70 tuổi ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời vào ngày 21 tháng 1 năm 2020, trong khi đang thụ án 4 năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công, pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Ông Hà Kiến Dân bị bắt giữ lần đầu vào ngày 9 tháng 11 năm 2018, trong một cuộc truy quét của cảnh sát, cùng với hơn 100 học viên địa phương khác, trong đó có cả vợ ông, bà Khúc Thục Mẫn. Sau đó, ông được bảo lãnh tại ngoại, và bị Tòa án quận Đạo Lý kết án 4 năm tù vào ngày 12 tháng 11 năm 2019. Sau khi bị kết án oan sai, ông lập tức bị bắt giữ và đưa vào Nhà tù Hô Lan. Chỉ 2 tháng sau, ông đã chết trong tù, khi chỉ còn 2 tháng nữa là đến sinh nhật lần thứ 71 của ông.

Cái chết của ông Hà đã chấm dứt hàng thập kỷ khổ đau vì kiên định đức tin, môn tu luyện mà ông cho rằng đã chữa khỏi các bệnh về tim mạch, mạch máu não, thần kinh và đốt sống dai dẳng của mình. Ông cũng từng chia sẻ về việc tâm tính của mình được đề cao khi cố gắng trở thành một người tốt hơn theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Là một dược sỹ được đào tạo, và là giám đốc điều hành của Tổng công ty Dược Thành phố Cáp Nhĩ Tân, ông từ chối nhiều cơ hội “kiếm ngoài” và nhận được sự tôn trọng từ cấp trên lẫn cấp dưới.

Ông Hà từng nhiều lần bị nhắm đến vì đức tin sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu. Trước khổ nạn gần nhất, ông từng bị kết án 7 năm tù sau một lần bị bắt trước đó vào năm 2003. Sau đó, ông được phóng thích sau khi rơi vào tình trạng nguy kịch.

Lần bắt giữ đầu tiên

Ngày 18 tháng 12 năm 2000, ông Hà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Ông bị giam trong một thời gian ngắn tại Đồn Công an Thiên An Môn, sau đó là Công an quận Tuyên Vũ, trước khi bị đưa đến Đồn công an Xuân Thụ, nơi ông bị giam giữ trong 26 giờ. Một cảnh sát lấy dấu vân tay của ông, và chuyển ông đến một văn phòng liên lạc. Bốn cảnh sát yêu cầu ông khai tên và địa chỉ, và cuối cùng ông cũng cung cấp số điện thoại nhà riêng của mình. Cảnh sát gọi điện cho gia đình ông đến đón ông ở Bắc Kinh, và tống tiền họ 1.000 Nhân dân tệ.

Bị kết án 7 năm tù sau khi bị bắt vào năm 2003

Khoảng 3 giờ chiều ngày 30 tháng 12 năm 2003, cảnh sát Trương Lương lừa ông Hà mở cửa bằng cách nói có một số viên chức đến gặp ông.

Ngay khi ông Hà mở cửa, một toán cảnh sát ập vào, bao gồm Phương Thành Phác, Hầu Đình Nghĩa, Dương Uẩn Huy, Tống Mạnh Xuân của Công an quận Đạo Ngoại, cũng như Lý Vệ Đông của Đồn Công an Nam Mã. Cảnh sát đột kích nhà ông mà không xuất trình lệnh khám xét.

Một giờ sau, cảnh sát Trương dẫn theo một nhóm cảnh sát khác bắt giữ vợ của ông Hà, bà Khúc, tại nơi làm việc của bà. Họ đưa bà về nhà để xác minh các vật phẩm thu được. Họ đếm mỗi trang của Tuần báo Minh Huệ, một tạp chí định kỳ có thông tin về Pháp Luân Công, là một bằng chứng độc lập. Bà Khúc và ông Hà chỉ có khoảng 10 cuốn tạp chí Tuần báo Minh Huệ, nhưng Phương viết “hơn 3.800 tờ” vào danh sách các vật phẩm tịch thu. Sau đó, ông ta buộc bà Khúc phải ký vào danh sách.

Sau khi bị bắt giữ, ông Hà đã bị đưa đến Trại tạm giam quận Đạo Ngoại. Ngày 1 tháng 3 năm 2004, cảnh sát từ Công an quận Đạo Ngoại đưa ông đến một địa điểm bí mật để thẩm vấn trong thời gian dài. Các cảnh sát Phương, Hầu, Tống, Dương, Lý, Quan cùng những người khác chia thành 3 ca, và tra tấn ông suốt ngày đêm. Trong suốt 186 giờ bị giam giữ tại địa điểm bí mật, ông Hà phải chịu nhiều hình thức ngược đãi khác nhau, bao gồm cấm ngủ, trói trên ghế sắt, nằm sấp với hai tay bị còng ra sau lưng, còng tay bị kéo lên và giẫm lên lưng (xem hình ảnh minh họa bên dưới).

2012-6-19-cmh-kuxingtu-21--ss.jpg

Hình minh họa tra tấn: Còng tay kéo lên và giẫm vào lưng

Sau 7 ngày, cảnh sát đưa ông Hà trở lại trại tạm giam. Ngày 30 tháng 4 năm 2004, Tòa án quận Đạo Ngoại kết án ông 7 năm tù. Vào ngày 9 tháng 6 cùng năm, ông bị đưa đến một nhà tù mới xây. Ông bị bắt chạy vòng quanh hoặc ngồi xổm với hai tay ôm đầu trong nhiều giờ liền. Trước mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ mỗi ngày, ông phải ngồi xổm trong căng tin hoặc trong phòng giam của mình.

Ngày 23 tháng 9 năm 2004 , ông Hà bị chuyển đến Nhà tù Hô Lan, và bị đưa vào khu nghiêm quản, nơi 5 tù nhân giám sát ông suốt ngày đêm. Ông bị bắt đứng, ngồi xổm hoặc ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ liền, bị kẹp tai bằng kẹp kim loại và học thuộc lòng nội quy nhà tù. Thỉnh thoảng, ông cũng bị cấm ngủ trong nhiều ngày liên tiếp.

Ngoài việc bị tra tấn, ông Hà còn bị buộc phải làm lao động khổ sai không công. Một nhiệm vụ là bóc tỏi bằng que kim loại, khiến da tay ông liên tục bị bong tróc sau vài ngày. Kể từ tháng 1 năm 2005, định mức lao động tăng lên nhiều lần, và hàng ngày ông phải làm việc đến nửa đêm. Sau đó, ông bị bắt may phụ kiện tựa lưng ô tô, đào rãnh, tháo chỉ khâu từ bao bì cũ và làm các việc vặt khác.

Từ ngày 10 tháng 4 năm 2005, ông Hà bị ép ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong hơn 10 ngày liên tục. Trong thời gian này, ông bị cấm ngủ trong 4 ngày.

Từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 5 năm 2006, nhà tù đưa 10 người từ nhiều nơi khác đến để bôi nhọ Pháp Luân Công và ông Hà. Họ cũng triệu tập chị gái ông cùng chồng bà và con trai của họ đến nhà tù để quan sát cách ông bị đả kích vì đức tin của mình. Con trai của ông Hà, phải sống với gia đình của người dì vì mẹ của cậu cũng bị bỏ tù vì tu luyện Pháp Luân Công, cũng bị yêu cầu đến.

Bốn người nhà ông Hà đều kinh hãi trước cảnh tượng này, dẫn đến việc anh rể của ông Hà bị ngã bệnh.

Ngày 13 tháng 11 năm 2008, nhà tù cưỡng chế đưa ông Hà đến bệnh viện nhà tù với lý do là ông bị sốt. Thân nhiệt của ông trở lại bình thường vào đêm hôm đó, và các bác sỹ cho phép ông xuất viện vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, Lữ Ninh, giáo đạo viên nhà tù khăng khăng rằng ông Hà phải được chụp X-quang vào sáng hôm sau. Sau đó, ông ta buộc bệnh viện phải chuyển ông Hà đến khoa bệnh truyền nhiễm để điều trị “bệnh lao” mặc dù ông không mắc bệnh này.

Mỗi ngày, ông Hà bị truyền 6 lọ truyền tĩnh mạch và 1 lọ nhỏ thuốc không rõ chủng loại. Sức khỏe của ông suy giảm nhanh chóng. Dưới yêu cầu của gia đình ông, bệnh viện phải đưa ra thông báo tình trạng nguy kịch, và nhà tù thả ông theo diện bảo lãnh y tế vào ngày 5 tháng 12 năm 2008.

Thêm nhiều lần bị bức hại trước khi bị kết án tù lần 2

Ngày 29 tháng 12 năm 2010, Tôn Hỷ Đức (trưởng phòng 610 địa phương) và phó đồn Hoắc Hiểu Ba của Đồn Công an Nam Mã ngăn cản Nhà tù Hô Lan cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án tù cho ông Hà. Nhà tù cũng từ chối trả lại 5.000 Nhân dân tệ tiền bảo lãnh khi gia đình đón ông từ bệnh viện. Lý do là ông không viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công.

Ngày 31 tháng 12 năm 2011, ông Hà bị bắt khi đang đi thăm một người bạn ở quận Hương Phường. Cảnh sát giam giữ ông tại trại tạm giam quận Hương Phường trong 22 ngày.

Ngày 8 tháng 11 năm 2012, cảnh sát của Đồn Công an Nam Mã đột kích nhà ông Hà và tịch thu các sách Pháp Luân Công của ông.

Sau một lần bị bắt khác vào ngày 9 tháng 11 năm 2018, ông Hà bị kết án 4 năm tù, và qua đời 2 tháng sau khi bị tống giam.

Báo cáo liên quan bằng tiếng Hán:

https://www.minghui.org/mh/articles/2015/12/11/320305.html

Báo cáo liên quan:

119 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ tại hai thành phố của tỉnh Hắc Long Giang trong cùng một ngày

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/26/480140.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/27/219242.html

Đăng ngày 04-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share