Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Nam Úc

[MINH HUỆ 25-07-2024] Ngày 19 tháng 7 năm 2024, bất chấp mưa gió mùa đông ở Nam bán cầu, các học viên tại Adelaide, thủ đô của Nam Úc, đã tổ chức mít-tinh trước tòa nhà Quốc hội Nam Úc kêu gọi chính phủ Úc và cộng đồng quốc tế hành động để cùng nhau chấm dứt cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công suốt 25 năm qua. Các nhà lập pháp và lãnh đạo cộng đồng Nam Úc đã tham dự cuộc mít-tinh để thể hiện sự ủng hộ của họ.

9ea04abd832472b164de132a3bfd0881.jpg

05de06e6eaf5090262ba26c907203b43.jpg

Mít-tinh trước tòa nhà Quốc hội Nam Úc, ngày 19 tháng 7 năm 2024

Vào buổi tối, các học viên đã tổ chức thắp nến tưởng niệm trước Lãnh sự quán Trung Quốc để tưởng nhớ những học viên đã thiệt mạng vì tội ác tàn bạo của ĐCSTQ.

6caa1273ec474e528f469c2679ba2751.jpg

b0ade43932645b327028b8cd9cc70a1d.jpg

Lễ thắp nến tưởng niệm trước Lãnh sự quán Trung Quốc

Các quan chức ĐCSTQ tham gia vào cuộc bức hại phải bị trừng phạt

Ông Brian, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Nam Úc, cho biết tại cuộc mít-tinh rằng Pháp Luân Đại Pháp là một tín ngưỡng tâm linh và môn tu luyện thượng thừa cho phép các học viên nâng cao tinh thần và thể chất bằng cách thực hành nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Trước khi bị bức hại, Pháp Luân Đại Pháp đã được người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Trung Quốc thực hành rộng rãi.

7f018a7699349728c24fb65d963ddd39.jpg

Người phát ngôn Brian của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Nam Úc phát biểu tại buổi mít-tinh.

Ông Brian trích dẫn báo cáo điều tra và nghiên cứu của luật sư nhân quyền nổi tiếng quốc tế David Matas, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu lúc bấy giờ và nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề Trung Quốc, Edward McMillian-Scott, và nhà văn người Mỹ Ethan Gutmann về cuộc bức hại và nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ từ các học viên Pháp Luân Công, đồng thời ông trích dẫn kết luận của Tòa án Luận tội Trung Quốc tại Anh: “Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được thực hiện trong nhiều năm với quy mô lớn trên khắp Trung Quốc và các học viên Pháp Luân Công là một – và có lẽ là nguồn cung cấp nội tạng chính.” Điều này cấu thành tội diệt chủng.

Ông kêu gọi Úc và các nước khác noi gương Hoa Kỳ. Mới đây, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự thảo Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công để chống lại tội ác thu hoạch nội tạng và đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người dính líu đến vi phạm nhân quyền nêu trên theo Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky, như hạn chế thị thực, phong tỏa tài sản, tịch thu bất động sản, xe cộ và các khoản đầu tư tài chính khác, bao gồm cả những tài sản tặng cho người nhà của họ.

Cuối bài phát biểu, ông nói: “Là một học viên Pháp Luân Công, tôi muốn thấy các quyền con người cơ bản của tất cả mọi người được tôn trọng, tức là họ có thể thực hành những gì họ muốn, mọi lúc, mọi nơi mà không lo bị bức hại”.

Cuộc bức hại phải chấm dứt

b9145a6046554c113376c77c57fae1a2.jpg

Bà Tammy Franks, Thành viên Hội đồng Lập pháp Nam Úc, phát biểu tại cuộc mít-tinh.

Bà Tammy Franks, Thành viên Hội đồng Lập pháp Nam Úc, đã tham dự buổi mít-tinh và có bài phát biểu lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.

Bà phát biểu: “Tôi có mặt ở đây để lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc suốt 25 năm qua.” Cuộc bức hại này lẽ ra không được bắt đầu, nó không phải là điều có thể được dung thứ dưới bất kỳ hình thức nào. Nó phải dừng lại.”

“Cảm ơn các bạn đã đứng đây hôm nay, trong thời tiết khắc nghiệt như vậy và thể hiện sự kiên cường của mình. Trong tương lai, mặt trời sẽ ló rạng và sưởi ấm trái tim chúng ta khi tất cả chúng ta tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền này.”

“Tôi khen ngợi lòng dũng cảm của các bạn không chỉ trong hôm nay mà trong suốt 25 năm qua. Tôi hiểu rằng Pháp Luân Công là một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn, vốn đại diện cho những điều tốt đẹp. Chúng tôi hoan nghênh Pháp Luân Công đến với cộng đồng Nam Úc của chúng tôi, nhưng chúng tôi muốn thấy pháp môn phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Và mọi người được sống cuộc sống bình yên và hạnh phúc.”

Bà Franks cho biết bà nhận thấy Liên Hợp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tổ chức Freedom House, Quốc hội Hoa Kỳ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Ân xá Quốc tế và Nghị viện Châu Âu đều đã xác nhận cuộc bức hại và lên án những hành vi vi phạm nhân quyền này, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn và trừng phạt những tội phạm nhân quyền. Đặc biệt, Hạ viện Hoa Kỳ mới đây đã thông qua dự thảo Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công.

Bà nói: “Trong tòa nhà phía sau chúng ta đây, Quốc hội Nam Úc cũng đã điều tra về nạn thu hoạch nội tạng và hoạt động du lịch ghép tạng.” “Thật là một nỗi kinh hoàng không thể hình dung được. Mọi người đang tìm cách điều trị y tế, nhưng họ lại khuyến khích và duy trì hành vi vi phạm nhân quyền về thu hoạch nội tạng. Tất cả các chính phủ cần đứng lên phản đối điều này, chính phủ và quốc hội Nam Úc đã gạt bỏ những khác biệt chính trị để tiến hành điều tra và đề xuất hành động.”

“Là một Nghị sỹ Nam Úc, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng Nam Úc không đồng lõa, không dung túng, và không tạo bất kỳ điều kiện nào cho những hành vi vi phạm nhân quyền đó.”

Bà Franks kết thúc bài phát biểu rằng, mới đây, các Nghị sỹ Quốc hội đã mời luật sư nhân quyền quốc tế David Matas tổ chức một diễn đàn về thu hoạch nội tạng tại Quốc hội Nam Úc này để tái khẳng định cam kết của chúng tôi về việc tiếp tục nỗ lực để sát cánh cùng Pháp Luân Công, phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ và bảo vệ nhân quyền cho người dân trên khắp thế giới.

Nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công mang lại hy vọng

8bf146f023841861ed121b1fb2562cc8.jpg

Bà Ramila Chanisheff, Chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ tại Úc (AUTWA), đã tham dự và phát biểu tại cuộc mít-tinh.

Bà Ramila Chanisheff, Chủ tịch AUTWA, cũng tham dự buổi mít-tinh ngày hôm đó và bày tỏ sự ngưỡng mộ trước sự kiên trì của các học viên bất chấp điều kiện thời tiết bất lợi. Bà ca ngợi các học viên vì sự kiên định với quyền tự do tín ngưỡng và sự đóng góp của họ trong việc bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Bà nói rằng sự bền bỉ của các học viên Pháp Luân Công trong việc phản bức hại đã mang đến cho mọi người niềm hy vọng: “Khi cuộc bức hại bắt đầu, tôi đã thấy Các học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện một cách ôn hòa ở những nơi khác trên thế giới, như trước các lãnh sự quán hoặc khách sạn Trung Quốc ở Châu Âu và Hàn Quốc. Nỗ lực của bạn mang lại cho chúng tôi hy vọng. Tôi tin rằng chúng ta có thể cùng nhau bền lòng bảo vệ nhân quyền.”

Bà Chanisheff nói: “Chúng ta có thể thấy sự can thiệp ngày càng gia tăng của nước ngoài vào Úc. Nó đã diễn ra trong nhiều năm, đang lan rộng và trở nên rất nguy hiểm đối với chính phủ Úc cũng như người dân Úc vì chúng ta đang bị theo dõi, bị nghe lén, và bị giám sát.”

“Là một người Duy Ngô Nhĩ, lại với tư cách là người đứng lên chống lại sự bạo ngược của chế độ cộng sản Trung Quốc, điều đó ngày càng khó khăn hơn. Song, chúng tôi biết rằng bằng tình đoàn kết với tất cả những người đang bị truy tố, những người đang bị bức hại, chúng tôi có thể tạo ra sự khác biệt. Với tiếng nói chung của tất cả chúng ta, đặc biệt là các công dân Úc và toàn thế giới, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt, bởi vì sự áp bức, chế độ độc tài Trung Quốc, sẽ sụp đổ.”

Bà Chanisheff kêu gọi Chính phủ Úc có hành động cụ thể để áp dụng các biện pháp trừng phạt hình sự và kinh tế đối với những cá nhân phạm tội và giết hại những người vô tội, cho dù nạn nhân là học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng hay người Hồng Kông.

ĐCSTQ giết người theo yêu cầu

c16807bd89ff78f3384439dc64b588d1.jpg

Học viên Pháp Luân Công, cô Mai phát biểu trong buổi mít-tinh

Trong bài phát biểu của mình, đại diện học viên Pháp Luân Công, cô Mai đã trích dẫn báo cáo điều tra mới nhất do Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) công bố, xác nhận rằng nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ từ các học viên Pháp Luân Công vẫn đang tiếp diễn.

Cô cho hay chính sách “Zero-COVID” của ĐCSTQ đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng ngành cấy ghép nội tạng không bị ảnh hưởng. Một số bệnh viện cho biết đã có đủ người hiến và bộ phận vận chuyển đã mở một “làn xanh” đặc biệt để nhanh chóng vận chuyển nội tạng người. ĐCSTQ tiếp tục “giết người theo yêu cầu”.

“Lời khai từ những người sống sót và nhân chứng đã cho chúng ta thấy nỗi kinh hoàng mà các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng. Điều gây sốc nhất là để tối đa hóa tỷ lệ sống của các cơ quan tạng, các ca phẫu thuật ghép nội tạng này đã không sử dụng thuốc mê, khiến các nạn nhân phải chịu đựng nỗi đau không thể tưởng tượng được. Sự coi thường trắng trợn đối với y đức cơ bản này đã cho thấy rõ sự thiếu nhân đạo của chế độ Cộng sản Trung Quốc. Đây là một chiến dịch mang tính khủng bố và diệt chủng có hệ thống do nhà nước bảo trợ.”

Cô nhận định: “Tai họa này không chỉ đe dọa tính mạng của các học viên Pháp Luân Công mà còn đe dọa nền tảng đạo đức của cộng đồng toàn cầu của chúng ta.

“Trong bối cảnh này, việc Hạ viện Hoa Kỳ mới thông qua dự thảo Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công là một bước tiến đáng kể. Đạo luật này không chỉ lên án tội ác tàn bạo của ĐCSTQ mà còn kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới kiên quyết hành động, áp đặt các biện pháp trừng phạt và xử phạt đối với những kẻ đồng lõa với những tội ác chống lại loài người này. Động thái này đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng cộng đồng quốc tế đoàn kết để bảo vệ nhân quyền và công lý.”

db076e93b093bb9bd076f136f585fa02.jpg

Các học viên trò chuyện với người qua đường trước Quốc hội Nam Úc vào ngày 19 tháng 7 năm 2024

Cuộc mít-tinh đã nhận được sự chú ý của những người qua đường. Họ dừng lại để hỏi thông tin chi tiết và nhận tài liệu thông tin, nhiều người đã ký đơn kiến nghị kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại.

Sau cuộc mít-tinh, các học viên ngồi tĩnh lặng ở hai bên cổng Lãnh sự quán Trung Quốc, cầm vòng hoa để tưởng nhớ các học viên Trung Quốc đã thiệt mạng trong cuộc bức hại của ĐCSTQ, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc bức hại và thả tất cả các học viên bị giam giữ phi pháp.

Tại buổi thắp nến tưởng niệm, cô Mai cho biết: “Mặc dù bị bức hại đã hàng thập kỷ, nhưng các học viên Pháp Luân Công vẫn thực hành nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Sự quyết tâm và kiên trì của họ là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng sự chuyên chế hay áp bức không thể dập tắt đức tin của con người.”

Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì và vì sao bị ĐCSTQ bức hại?

Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) lần đầu tiên được Đại sư Lý Hồng Chí truyền xuất ra công chúng ở Trường Xuân, Trung Quốc vào năm 1992. Môn tu luyện này hiện đã được thực hành ở hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Hàng triệu người sau khi noi theo những lời dạy dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và học năm bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp, đã có những chuyển biến tích cực cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhìn nhận sự phổ biến ngày càng rộng của Pháp Luân Đại Pháp là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ, do đó, ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông ta đã ra lệnh tiêu diệt môn tu luyện này.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức an ninh ngoài vòng pháp luật có quyền lực vượt trên ngành an ninh và tư pháp, với chức năng duy nhất là tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp.

Trang Minghui.org xác nhận rằng, 24 năm qua đã có hàng nghìn học viên bị bức hại đến chết. Con số tử vong thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều, hơn nữa, số học viên bị cầm tù và tra tấn chỉ vì kiên định tu luyện là không thể kể hết.

Có bằng chứng xác thực cho thấy ĐCSTQ hậu thuẫn cho việc giết hại để thu hoạch nội tạng từ các học viên bị giam cầm làm nguồn cung cho ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của Trung Quốc.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/25/480114.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/1/219326.html

Đăng ngày 05-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share