Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 17-11-2023] Tôi là một học viên trẻ may mắn được sinh ra trong một gia đình học viên Pháp Luân Đại Pháp. Được đắm mình trong Phật ân và chứng kiến những kỳ tích triển hiện ở các đồng tu người nhà, tôi có niềm tin vững chắc vào Sư phụ Lý (nhà sáng lập pháp môn) và Đại Pháp. Nhờ được cha mẹ hướng dẫn tu luyện từ nhỏ nên tôi đắc Pháp rất dễ dàng.

Tuy nhiên, tôi không để tâm đến việc tu luyện. Cha mẹ hướng dẫn thì tôi tu, còn khi cha mẹ không đốc thúc hay nhắc nhở, tôi lại như một đứa trẻ người thường, đắm chìm trong những tiện nghi, ăn uống, vui chơi và hưởng thụ. Đặc biệt là về phương diện tâm tính, mặc dù tôi cư xử tốt trong các buổi học Pháp và giao lưu, nhưng khi đối mặt với các tình huống thực tế, tôi lại hành động như một người thường, thậm chí còn không bằng người thường.

Việc trường kỳ không thực tu và hướng ngoại tìm đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa tôi và mẹ, thậm chí đến mức tôi ôm giữ tâm oán hận bà suốt 20 năm mà không giải quyết vấn đề dưới lăng kính của một người chân tu.

Nuôi dưỡng tâm oán hận

Hồi nhỏ tôi thường đọc Chuyển Pháp Luân cùng với bố mẹ. Khi biết những yêu cầu của Sư phụ đối với người tu luyện, tôi đã cố gắng áp đặt những tiêu chuẩn cao của người tu luyện đối với mẹ tôi. Ví như, hôm nào mẹ mắng tôi, đánh tôi hoặc quát tôi, tôi sẽ nghĩ: Tại sao mẹ không đạt tiêu chuẩn của người tu luyện? Mẹ còn đánh đập và mắng mỏ người khác như thế.

Khi mẹ cãi nhau với bố hoặc bà nội, tôi sẽ nghĩ: Người tu luyện chẳng phải cần nhẫn chịu sao, sao mẹ lại không có tố chất đó nhỉ? Mẹ thậm chí còn không bằng người thường! Vì kinh tế gia đình eo hẹp nên mẹ thường đánh tôi hoặc la mắng tôi trước khi đóng học phí, khiến tôi rất sợ âm thanh lớn. Mỗi khi nghe thấy tiếng động, tôi liền run lên và nghĩ: Ngay cả những người mẹ bình thường cũng biết thương con, tại sao mẹ mình là người tu luyện lại như thế này? Việc trường kỳ hướng ngoại tìm và nuôi dưỡng tâm oán hận khiến mâu thuẫn giữa tôi và mẹ ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Trong suốt thời gian học đại học, vì không có ai đốc thúc nên tôi không học Pháp, cũng không luyện công. Tôi bị ô nhiễm trong thùng thuốc nhuộm lớn của xã hội người thường. Tâm so đo, tâm tật đố, tâm oán hận và tâm tranh đấu bị khuếch đại lên nhiều. Tôi tranh cãi với mẹ thường xuyên hơn, và tôi thường gọi điện cho mẹ để trút giận, phàn nàn về nhiều những điều bà đã đối xử không đúng với tôi. Bởi vì không thể chịu đựng được những cơn nổi trận lôi đình bất chợt của mẹ, tôi thường xuyên sinh ác niệm, chẳng hạn như: chỉ khi gia đình có chuyện gì xấu xảy ra thì tính cách của mẹ tôi mới thay đổi, và bà sẽ hướng nội tìm.

Một chùy nặng cảnh tỉnh

Sự ra đi của bố tôi đã khiến cả hai mẹ con tôi bừng tỉnh khỏi trạng thái của người thường; giống như bị giáng một chùy nặng vậy. Nỗi buồn đau trào dâng, mẹ tôi bị mắc kẹt trong quan tình với bố suốt một thời gian dài mà không thoát ra được. Quãng thời gian đó, nhiều đồng tu đã đến giúp chúng tôi và tôi đã quay lại học Pháp nhóm như hồi còn nhỏ. Với sự giúp đỡ của các đồng tu, tôi đã chân chính bước trên con đường tu luyện Đại Pháp. Quan tâm tính đầu tiên tôi gặp phải là làm thế nào buông bỏ tâm oán hận với mẹ mình.

Thông qua việc không ngừng học Pháp, tôi đã tìm ra gốc rễ tâm oán hận của mình. Trong khi học Chuyển Pháp Luân với các đồng tu, tôi đọc đến đoạn Pháp này:

“Trong tu luyện, khi đối xử với các mâu thuẫn cụ thể, khi người khác đối xử với chư vị không tốt, có thể có tồn tại hai loại tình huống: một là chư vị tại đời trước có thể đã đối xử không tốt với người ta; trong tâm chư vị thấy bất bình: ‘Cớ chi đối xử với tôi như vậy?’ Nhưng tại sao trước đây chư vị đối xử với người ta như thế? Chư vị nói rằng chư vị đâu có biết được lúc ấy, rằng đời này đâu liên quan gì với chuyện của đời kia; [suy nghĩ] thế không được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi ngộ được rằng tâm oán hận đối với mẹ chủ yếu bắt nguồn từ cái tình của tôi đối với bà. Bởi vì sợ mẹ lo lắng nên lúc đó tôi đã xin nghỉ công việc mà tôi yêu thích. Sau đó vì một lý do trời xui đất khiến nào đó mà tôi lại bị mất việc. Tôi bị mẹ trách là một đứa con không có tài cán gì. Trong lòng tôi thấy rất oan ức, cảm thấy rõ ràng là mẹ buộc tôi xin nghỉ việc nhưng cuối cùng tôi lại bị mắng. Tâm oán hận, tâm ủy khuất cùng với tâm không muốn bị chỉ trích dâng trào trong tôi.

Tôi lại nhớ đến thái độ quan tâm của những bà mẹ khác đối với con của họ hồi tôi còn nhỏ, điều này khiến tôi càng cảm thấy ấm ức và bực bội hơn. Bản thân việc quá để ý đến thái độ và hành động của mẹ tôi đã là chấp trước vào tình. Vì mẹ tôi là người tu luyện nên tôi yêu cầu rất cao đối với bà. Thế nhưng, trước mặt tôi, mẹ lại cư xử còn tệ hơn cả những bà mẹ bình thường khác. Tôi coi việc mẹ đối xử tốt với tôi là điều đương nhiên, nếu không được vậy, tôi sẽ không hài lòng và sinh oán hận.

Có lần tôi phàn nàn với đồng tu người nhà về tính thất thường của mẹ, người nhà tôi nói: “Tại sao chuyện gì cháu cũng phải nói với mẹ thế? Cháu có thể tự mình quyết định mà”. Tôi chợt nhận ra mình vẫn còn tâm ỷ lại rất lớn vào mẹ. Nhìn thì có vẻ như tôi đã trưởng thành, nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn chỉ là một tiểu đệ tử quen sống dựa vào sự đôn đốc của cha mẹ. Tôi chỉ làm những việc khi họ yêu cầu và nếu không có sự nhắc nhở, tôi hiếm khi đi học Pháp nhóm hay luyện công. Tôi đã coi đó là điều hiển nhiên, nghĩ rằng trong một gia đình tu luyện, cha mẹ cần tinh tấn hơn trong việc dẫn dắt những đồng tu trẻ như chúng tôi. Thậm chí còn xuât hiện vấn đề học theo người khác mà không theo Pháp. Mỗi khi hành vi của mẹ có vấn đề, tôi sẽ vô thức đặt câu hỏi: “Tại sao mẹ lại như vậy, không giống người tu luyện chút nào? Tất cả những người tu luyện Đại Pháp đều như vậy sao? Đại Pháp có tốt thật không?”

Tôi coi mẹ là người tu luyện nhưng không ngộ được rằng bà cũng đang trong quá trình tu và hành động của bà không thể đại diện cho Đại Pháp. Những xung đột này thực sự là lời nhắc nhở về sự phụ thuộc quá mức của tôi vào người khác. Một người tu luyện chân chính phải có niềm tin vào Đại Pháp và giữ chính niệm trong hoàn cảnh người thường và những mâu thuẫn trong gia đình.

Qua quá trình không ngừng học Pháp và hướng nội tìm, tôi dần học được cách coi bản thân là một người tu luyện. Tôi không còn tranh cãi với mẹ nữa và có thể thản nhiên chấp nhận những lúc mẹ động thủ đánh tôi. Tôi còn có thể đứng ở góc độ của mẹ mà cảm thông với những khó khăn cũng như trân trọng sự cố gắng của bà. Dần dần, tôi không còn oán trách về sự thiếu kiên nhẫn và cáu kỉnh của mẹ đối với tôi nữa, bởi vì tôi có thể thông cảm với những khó khăn mà bà phải đối mặt.

Tôi cũng không ngừng loại bỏ tâm lười biếng của mình và đảm đương việc nhà thường xuyên hơn. Khi thái độ của tôi thay đổi, mẹ tôi cũng vậy. Bà không còn nổi giận vô cớ nữa và tính khí của bà đã cải thiện rất nhiều. Giờ đây chúng tôi có thể bàn bạc với nhau mọi việc một cách bình tĩnh và bất cứ khi nào tôi gặp khó khăn trong tu luyện, bà sẽ cho tôi những lời khuyên dựa trên Pháp, mà không dùng đạo lý của người thường.

Sau đó vì chuyện lập gia đình, tôi lại nảy sinh oán giận với mẹ, trách bà đã quá quan tâm đến chuyện thế gian. Cựu thế lực đã lợi dụng sơ hở của chúng tôi, và bà đã bị giam giữ ở đồn cảnh sát trong hai ngày. Trong thời gian đó, tôi đã khóc hết nước mắt và hối hận vì đã không thực sự trân trọng môi trường tu luyện mà mình có trước đây. Hiện giờ trong nhà chỉ còn lại hai mẹ con tôi, thay vì cùng khích lệ lẫn nhau đề cao trong tu luyện, tôi vẫn bị mắc kẹt trong oán hận và không thể buông bỏ chấp trước của mình.

Nhờ sự giúp đỡ của các đồng tu và không ngừng học Pháp, tôi phát hiện ra rằng nguyên nhân chính khiến chúng tôi bị bức hại là do ôm giữ tâm oán hận suốt một thời gian dài. Tôi thầm cầu xin Sư phụ giúp tôi nghĩ ra cách giải cứu mẹ tôi và tôi hứa sẽ tận dụng thời gian để tu luyện và tiêu trừ nỗi oán hận trong mình. Vào ngày thứ ba, với sự gia trì của Sư phụ, mẹ tôi đã ra khỏi đồn công an bằng chính niệm. Trong quá trình này, một số thần tích đã xảy ra, khiến các cảnh sát ở đồn công an phải kinh ngạc trước sự kỳ diệu của Đại Pháp.

Thanh trừ từng tầng oán hận

Bởi vì tâm oán hận trong tôi quá nặng, tôi cảm thấy mỗi tầng không gian của mình đều bị tâm oán giận chiếm giữ, khiến tôi liên tục gặp phải khổ nạn. Trong nỗ lực buông bỏ tâm tranh đấu của văn hóa Đảng, tôi đã thay đổi thái độ đối với người nhà, nhưng tôi không thực sự buông được hận. Trong mỗi lần xung đột, những lời chỉ trích của mẹ thường khiến tôi nổi cơn thịnh nộ. Khi người khác gây gổ với tôi, mẹ bảo lỗi tại tôi, khi ngân hàng trừ tiền trong tài khoản của tôi mà không rõ lý do, mẹ cũng bảo do tôi, không hiểu tại sao điều gì mẹ cũng đổ cho tôi vậy. Khi tôi tiếp tục học Pháp và tăng cường chính niệm, tôi nhận ra rằng mỗi khi tôi tức giận, điều đó đều liên quan đến vấn đề giữa đúng và sai. Tôi tự hỏi: Tại sao mình phải gánh chịu hậu quả trong khi người khác rõ ràng là có lỗi? Tại sao mình lại bị mắng khi đã rõ là người khác sai? Sự chấp trước vào đúng sai và không chịu tha thứ khi cho rằng tôi đúng khiến tôi bị mắc kẹt trong sự oán giận.

Nhưng điều mà một người tu luyện cần làm được là hướng nội một cách vô điều kiện, đặc biệt là vào những thời điểm quan trọng. Các mâu thuẫn có thể không khiến tôi động tâm nhưng không hiểu sao lời nói của mẹ lại có thể khiến tôi tức giận ngay lập tức, đã vậy tôi còn hay thấy nét mặt bực bội của mẹ mỗi khi nói về tôi với các đồng tu khác.

Thái độ của người thường có thể không động được đến tâm tôi nữa, bởi vì tôi rất chú ý. Vậy nên cần có người quan trọng nhất với tôi giúp tôi tu bỏ tâm oán hận và tâm giữ thể diện. Hết thảy ở đó đều để giúp tôi đề cao, nhưng tôi thường thấy mình không thể thoát ra khỏi vai diễn đó và hành động như một người thường.

Tôi cảm thấy xấu hổ khi phải thừa nhận rằng, mặc dù tôi đã tu luyện hơn 20 năm nhưng chỉ ba năm qua tôi mới thực sự bắt đầu chân chính thực tu. Giờ đây tôi có nhận thức và cảm nhận mới về tu luyện, và đức tin của tôi trở nên mạnh mẽ hơn.

Trên đây là một số suy ngẫm và trải nghiệm trong quá trình tu luyện của tôi. Có điều gì không phù hợp với Pháp, mong các đồng tu chỉnh sửa cho tôi.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/17/468274.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/13/216189.html

Đăng ngày 10-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share