Bài viết của Thiện Quả
[MINH HUỆ 07-02-2024] Một đêm giao thừa Tết Cổ truyền nữa đang đến gần. Mặc dù đây được coi là khoảng thời gian hạnh phúc khi các gia đình đoàn tụ và ăn mừng, nhưng tôi lại luôn cảm thấy nặng nề khi nghĩ về một sự kiện diễn ra vào đêm giao thừa cách đây 23 năm.
Đó là ngày 23 tháng 1 năm 2001. Chiều hôm đó, một tin tức chấn động được công bố, đó là việc năm người tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn. Chỉ hai giờ sau, Tân Hoa Xã đã phát sóng bản tin tiếng Anh về vụ việc này, tuyên bố năm người đó là học viên Pháp Luân Công.
Điều này rất khác so với thái độ thận trọng của các phương tiện truyền thông nhà nước khi đưa tin về những “tin nóng” như vậy tại những địa điểm quan trọng như Quảng trường Thiên An Môn, thường được xử lý bằng nhiều tầng hướng dẫn từ cấp trên, trước khi xác định thông điệp nào được đưa ra trong các bản tin. Trên thực tế, khi phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) gọi điện đến Sở Công an Bắc Kinh để xác minh danh tính của những người tự thiêu, họ rất ngạc nhiên khi được biết cảnh sát không hay biết gì về việc này. Vậy Tân Hoa Xã nhận chỉ đạo từ cơ quan nào để đưa tin về sự kiện nhanh chóng đến vậy, với kết luận những kẻ tự thiêu là học viên Pháp Luân Công, trong khi cảnh sát thực ra còn chưa có thời gian để thực hiện bất kỳ điều tra cụ thể nào?
Đối với tôi, việc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể đưa tin trong một khoảng thời gian ngắn như vậy cho thấy đây không phải là “tin nóng”, mà là một kế hoạch đã được lên kế hoạch rất cẩn thận. Ngoài các bài báo, đài CCTV của nhà nước cũng phát sóng một loạt chương trình truyền hình về vụ tự thiêu, với nội dung phỉ báng Pháp Luân Công. Họ không chỉ phát đi phát lại trên ti vi, mà còn buộc nhiều doanh nghiệp, công ty nhà nước phải tổ chức cho nhân viên “học tập và nghiên cứu” nó. Nhưng càng xem, tôi càng có nhiều câu hỏi về tính xác thực của sự kiện này.
Ai đã quay phim? Quay như thế nào?
Ngày 30 tháng 1 năm 2001, một tuần sau vụ việc, chương trình Tiêu điểm của CCTV phát sóng cảnh quay Lưu Tư Ảnh, một bé gái 12 tuổi, được cho là tự thiêu. Mẹ cô bé, cô Lưu Xuân Linh, cũng là một người tự thiêu. Chương trình tuyên bố toàn bộ cảnh quay là nguyên gốc. Nhưng sự thật là, trong khi sự việc chỉ kéo dài chưa đến bảy phút, nhưng các cảnh quay của CCTV có cả cận cảnh và bao quát, ở các góc khác nhau, mà điều này lại không thể thực hiện được trong vòng bảy phút của một “tin nóng”.
Một số phương tiện truyền thông nhà nước tuyên bố những cảnh quay cận cảnh được lấy từ cuốn băng tịch thu từ một phóng viên CNN. Điều này không chỉ mâu thuẫn với tuyên bố của CCTV về đoạn phim gốc của họ, mà còn bị giám đốc tin tức của CNN Eason Jordan phủ nhận. Có một bí mật mà ai cũng biết, đó là không ai có thể tự do chụp ảnh hoặc ghi âm tại Quảng trường Thiên An Môn, nơi luôn được cảnh sát canh gác nghiêm ngặt, chưa nói đến việc quay phim trong các “tin nóng”.
Dưới đây là hai ví dụ về điểm đáng ngờ của các cảnh quay. Trong một cảnh, một cảnh sát đứng phía sau Vương Tiến Đông, một trong những kẻ tự thiêu, tay cầm một tấm chăn cứu hỏa. Anh ta không cố gắng dập lửa cho đến khi Vương hô xong rằng ông ta tự thiêu vì tu luyện Pháp Luân Công. Vương đang ngồi dưới đất, nên người quay phim phải ngồi xổm hoặc ngồi xuống đất để quay cảnh ngang tầm mắt như vậy.
Trong một cảnh khác, Lưu Tư Ảnh đang nằm dưới đất và gọi mẹ. Đó là cảnh quay cận từ trên cao. Chỉ sau khi cô bé gọi xong, nhân viên y tế mới chạy đến và bế em lên cáng. Các cảnh quay được thực hiện từ nhiều góc độ, với sự phối hợp giữa cảnh sát và nhân viên y tế. Đoạn phim này không thể được bất kỳ phóng viên của một cơ quan truyền thông nước ngoài nào ghi lại, do quy định kiểm duyệt thông tin chặt chẽ ở Trung Quốc.
Bài báo của Thời báo Washington
Hai tuần sau, vào ngày 4 tháng 2 năm 2001, Thời báo Washington đăng một bài báo tiết lộ rằng cô Lưu Xuân Linh, mẹ của Lưu Tư Ảnh, không phải là người gốc ở Thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam như báo cáo của CCTV đã đề cập, và không một người hàng xóm nào từng thấy cô ta tập Pháp Luân Công. Đúng hơn, cô ta làm việc tại một hộp đêm, và thường đánh đập mẹ già và con nhỏ, mà điều này không đúng với những điều được giảng trong Pháp Luân Công.
Chai Sprite vẫn nguyên vẹn
Đầu năm 2002, Lý Ngọc Cường, phóng viên CCTV chuyên đưa tin về vụ tự thiêu, đến thăm một trung tâm tẩy não ở tỉnh Hà Bắc để có cuộc trao đổi với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở đó. Các học viên chỉ ra vụ tự thiêu là một trò lừa bịp, và sau khi Vương Tiến Đông tự thiêu, một chai nhựa Sprite chứa xăng đặt trong lòng ông ta vẫn nguyên vẹn. Trước các bằng chứng này, Lý thừa nhận chai Sprite được thêm vào để thuyết phục người xem rằng những kẻ tự thiêu là học viên Pháp Luân Công. Cô ta còn nói thêm, rằng nếu biết những lời nói dối sẽ bị phát hiện thì họ đã không quay.
Hậu quả của sự việc
Chương trình Tiêu điểmcủa CCTV từng bình luận về các đoạn phim của vụ tự thiêu: “Những đoạn phim này có tác dụng quan trọng trong cuộc chiến chống Pháp Luân Công, mở ra cục diện mới trong công tác tuyên truyền vạch trần Pháp Luân Công, cũng như đặt nền tảng cho những nỗ lực vạch trần Pháp Luân Công sau này, và đã nhận được sự tuyên dương của đồng chí lãnh đạo tối cao của Trung ương [ĐCSTQ].” Hiển nhiên, “đồng chí lãnh đạo tối cao của Trung ương” này chính là Giang Trạch Dân.
Khi phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân đã thề sẽ tiêu diệt Pháp Luân Công trong vòng ba tháng. Nhưng sau hơn một năm bị bức hại tàn khốc, hàng nghìn vạn học viên Pháp Luân Công vẫn kiên định đức tin của mình, và kiên trì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.
Khi công chúng dần đồng cảm với sự thống khổ của các học viên, Giang và tay chân của y đã dàn dựng vụ tự thiêu giả mạo. Họ cố ý chọn đêm giao thừa – thời điểm nhà nhà sum họp trước màn hình ti vi – để phát sóng sự kiện này, nhằm kích động sự thù hận đối với Pháp Luân Công đến tối đa.
Ngay cả bây giờ, nhiều người Trung Quốc vẫn sợ và căm ghét Pháp Luân Công vì trò lừa bịp này. Nhưng cũng có những người nhìn thẳng vào, và hiểu được sự thật. Ở một khía cạnh nào đó, trò lừa bịp tự thiêu giống như một khảo nghiệm để thử thách tâm tính của mọi người, liệu họ có sẵn sàng gạt bỏ định kiến và nỗi sợ hãi để can đảm đối mặt với sự thật, hay mù quáng đi theo chính quyền độc tài và ôm giữ lòng thù hận đối với nhóm người vô tội này.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/7/470555.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/10/215080.html
Đăng ngày 12-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.