Bài viết của Viên Viên, một tiểu đệ tử Đại Pháp tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 03-11-2023] Cháu là một đệ tử Đại Pháp sinh ra ở Hoa Kỳ, năm nay cháu 9 tuổi. Cháu đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng gia đình từ khi còn nhỏ.

Hồi cháu chưa biết đọc, bố mẹ đã cho cháu nghe băng ghi âm giảng Pháp của Sư phụ. Khi cháu học lớp hai, bố mẹ bảo cháu đọc sách Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Trung. Lúc đó cháu mới chỉ biết một số chữ Hán, chủ yếu là bà ngoại dạy cháu đọc từng câu một. Vì không biết nhiều chữ và không hiểu nghĩa của câu nên khi đọc cháu liên tục hỏi: “Đoạn này có nghĩa là gì ạ? Đoạn kia có nghĩa là gì ạ?” Bà ngoại kiên nhẫn giải thích rằng bà chỉ có thể nói cho cháu nghĩa trên bề mặt còn nội hàm thâm sâu ở các tầng thứ khác nhau của Pháp thì cháu phải học và tự mình lĩnh ngộ trong quá trình không ngừng đề cao.

Cuối cùng cháu đã có thể tự mình đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Trung. Mỗi khi gặp từ không biết, cháu lại hỏi mọi người trong gia đình. Cứ như thế, dần dần cháu biết được hết các chữ trong sách. Đến nay cháu đã thông đọc sách Chuyển Pháp Luân được bốn lần rồi. Cháu còn đọc cả những sách Đại Pháp khác như Đại Viên Mãn Pháp và Hồng Ngâm nữa. Cháu cũng nhận thức Pháp sâu sắc hơn trước đây. Cháu hiểu rằng đó là nhờ Sư phụ đã khai mở trí huệ cho cháu. Cảm tạ Sư phụ!

Chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn

Trước khi học Đại Pháp, cháu thường tranh cãi với chị gái vì những chuyện nhỏ nhặt. Dù cháu kém chị 10 tuổi nhưng cháu không bao giờ nghe lời chị, hay quát chị, thậm chí còn phàn nàn với mẹ cháu về chị ấy. Mặc dù mẹ luôn phê bình cháu là sai, nhưng cháu vẫn bướng bỉnh tiếp tục oán trách chị cháu không chịu chơi với cháu.

Sau khi học Pháp, cháu mới nhận ra rằng mình đã sai. Giờ đây cháu không còn phàn nàn về chị nữa mà thực sự yêu quý chị.

Năm lớp hai, khi cháu đi xe buýt đến trường, có một em nhỏ luôn muốn ngồi chỗ của cháu và lần nào cháu cũng ân cần nhường cho em ấy. Cuối cùng, cháu để hẳn chỗ ngồi đó cho em ấy còn cháu tìm một chỗ khác trong xe. Từ đó trở đi, em ấy luôn niềm nở chào cháu mỗi khi nhìn thấy cháu.

Trong lớp học, đôi khi vì xếp hàng hoặc một lý do nào đó mà có bạn giẫm mạnh lên ngón chân của cháu. Như thế không chỉ rất đau mà giày của cháu còn bị bẩn. Mỗi khi chuyện này xảy ra, cháu cảm thấy muốn nổi nóng. Cháu không có lỗi gì; tại sao bạn ấy lại giẫm lên chân cháu? Nhưng khi nhớ đến nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn thì cơn tức giận của cháu liền nguôi ngoai. Chuyện này xảy ra nhiều lần và lần nào cháu cũng chọn cách nhẫn nhịn.

Khi cháu học lớp ba, một số bạn nam trong lớp bàn tán về những chủ đề mà cháu không hiểu. Cháu hỏi bố mẹ thì biết được rằng các bạn ấy đang nói những chuyện xấu không phù hợp với lứa tuổi. Cháu nghĩ: “Là một đệ tử Đại Pháp, mình không thể làm theo các bạn cùng lớp và tiếp thụ những lời thô tục như vậy được”. Cháu quyết định sẽ bỏ đi và không tham gia vào những cuộc trò chuyện như thế. Thấy cháu như vậy, các bạn cũng ngừng nói về những điều này.

Nghe lời Sư phụ dạy, trở về văn hóa truyền thống

Vốn tiếng Trung của cháu hoàn toàn chỉ thông qua đọc sách Chuyển Pháp Luân mà không có bất kỳ kiến thức về tiếng Trung nào khác. Vào mùa hè năm nay, đồng tu dì bảo cháu ghi âm những bài thơ cổ của Trung Quốc cho một chương trình trực tuyến.

Cháu không hiểu thơ cổ Trung Quốc là gì nên cháu đã hỏi mẹ cháu. Mẹ giải thích rằng thơ cổ do các văn nhân Trung Quốc cổ đại viết và truyền tải những ý nghĩa sâu sắc chỉ trong vài từ. Thơ cổ được coi là viên ngọc quý trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, và Sư phụ khuyến khích chúng ta trở về truyền thống. Khi những bài thơ mà đệ tử Đại Pháp đọc được đưa lên mạng thì trẻ em trên khắp thế giới có thể được nghe, và đó là điều mà đệ tử Đại Pháp nên làm.

Sau khi nghe mẹ giải thích, cháu đồng ý ghi âm những bài thơ và cảm thấy rất háo hức. Ban đầu, để ghi âm được một bài thơ cháu phải mất vài tiếng, nhưng giờ đây cháu đã có thể ghi âm trong vòng chưa đầy một tiếng. Cháu biết đây là sự gia trì và khích lệ của Sư phụ.

Vào giữa tháng 8, có một điều đáng kinh ngạc đã xảy ra khi cháu đang thu âm một bài thơ cùng bà ngoại cháu. Nhà cháu sống ở tầng ba và hầu như không có muỗi hay ruồi. Tuy nhiên ngày hôm đó, bất ngờ hai con côn trùng nhỏ xuất hiện và bay lượn quanh hai bà cháu. Cháu đuổi thế nào chúng cũng không đi. Bà cháu bảo: “Đây chính là can nhiễu đấy. Bà cháu mình cứ tiếp tục ghi âm, đừng để ý đến chúng”. Bà cháu vừa dứt lời thì một con côn trùng nhỏ bay vào mũi cháu, cháu sửng sốt nói với bà: “Con gì bay vào mũi cháu rồi!” Cháu vừa nói xong thì một con khác lao vào họng bà khi bà mở miệng định nói, và bà cháu vô thức nuốt nó xuống. Cháu nói với bà: “Kệ chúng bà ạ, chúng ta tiếp tục ghi âm đi bà” Chẳng bao lâu sau, cháu và bà ngoại đã thu âm được năm bài thơ Đường.

Cháu biết mình vẫn còn nhiều thiếu sót và không phải lúc nào cũng làm được theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Đôi khi cháu chơi trên máy tính trong thời gian rảnh thay vì học Pháp. Cháu còn mở mắt nhìn xung quanh khi đang luyện công. Từ nay trở đi, cháu sẽ học Pháp nhiều hơn, chiểu theo Pháp để chính lại bản thân và trở thành một đệ tử chân tu.

Con xin khấu tạ Sư tôn!

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/11/3/467716.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/16/213351.html

Đăng ngày 29-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share