Bài viết của tiểu đệ tử Đại Pháp tại Sydney, Úc
[MINH HUỆ 25-11-2023]
Kính chào Sư phụ tôn kính!
Xin chào các đồng tu!
Cháu năm nay 11 tuổi. Cháu rất vinh dự được sinh ra trong một gia đình đệ tử Đại Pháp. “Cháu đến từ thiên thượng, cháu đến để học Pháp”. Cháu đã có thể đọc thuộc thơ “Hồng Ngâm” của Sư phụ từ lúc ba tuổi. Trước sinh nhật năm tuổi, cháu mới đọc xong lượt đầu cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp.
Cháu muốn cảm ơn cha mẹ và ông bà của cháu đã giúp đỡ và hỗ trợ cháu. Từ khi sinh ra, cháu chưa bao giờ uống bất kỳ loại thuốc nào và lớn lên khỏe mạnh nhờ sự từ bi và chăm sóc của Sư phụ.
Cháu có vinh dự được gặp Sư phụ khi tham dự Pháp hội năm 2017 và 2018 ở Hoa Kỳ. Cháu cũng đã tham gia các cuộc diễu hành ở New York và Washington D.C. Mặc dù chưa từng có cơ hội về thăm Trung Quốc đại lục, nhưng cháu đã tham gia mấy cuộc diễu hành ở Hồng Kông. Cháu cũng tham gia nhiều hoạt động giảng chân tướng trước khi bắt đầu học violin.
Tuy nhiên, khi lớn lên, cháu phải học nhiều hơn, rồi cả học piano và violin vào ngày cuối tuần, cháu càng ngày càng có ít thời gian để làm ba việc. Trong năm qua, với mục tiêu vào trường cấp hai tốt, cháu đã gặp nhiều khổ nạn và khảo nghiệm. Nhưng sau khi cháu bắt đầu coi bản thân là người tu luyện và làm ba việc, kết quả thật tuyệt vời. Cảm tạ Sư phụ.
Khi còn nhỏ, cháu rất thích học, điểm số của cháu khá xuất sắc. Cháu bỏ học mẫu giáo và vào thẳng lớp một. Từ đó trở đi, điểm số của cháu luôn đứng gần đầu lớp. Cháu đã giảng chân tướng cho thầy cô giáo và các bạn cùng lớp. Nhưng khi lên lớp năm, việc học trên lớp và bài tập về nhà của cháu nhiều lên. Cháu còn học violin nữa. Cháu học Pháp ít hơn, càng ngày càng ít luyện công ở nhà, trừ buổi luyện công ở trường Minh Huệ vào Chủ nhật. Đương nhiên, cháu hầu như không thể tham gia giảng chân tướng. Cháu không còn duy trì được sự cân bằng giữa việc học tập và tu luyện. Tâm tính của cháu rớt xuống và cháu hình thành một số thói quen rất xấu.
Đầu tiên, cháu dần trở nên an dật. Trước đây, thứ bảy hàng tuần cháu đều đi học phụ đạo từ 8-10 giờ sáng. Nhưng vì cháu không thích làm bài tập về nhà nên đã nói với cha mẹ rằng cháu cần thêm thời gian để tập violin để không phải đi học phụ đạo nữa. Ngay khi ngừng học phụ đạo, cháu bị đau tay và không thể tập đàn violin trong hơn hai tuần. Vì vậy, việc nghỉ học phụ đạo không cho cháu nhiều thời gian hơn để tập violin.
Cháu cũng hình thành thói quen than phiền. Cháu phàn nàn với cha mẹ về áp lực học hành ở trường và cả việc học violin và piano. Khi mẹ cháu định xin học bổng vào một trường tư thục và tham gia kỳ thi xét tuyển, ban đầu cháu không muốn dự thi. Cháu muốn ở lại ngôi trường nơi cháu đang học, nhưng sau khi biết hầu hết bạn bè của cháu cũng sẽ chuyển trường, cháu mới không phản đối.
Trước kỳ thi, cháu chỉ được học thêm môn văn và không có thời gian học thêm môn toán. Vào tháng 2, cháu tham gia kỳ thi học bổng của năm trường tư thục nhưng không hoàn thành bài thi toán ở bất kỳ trường nào. Cháu cũng nộp đơn xin học bổng âm nhạc và chuẩn bị hai bản nhạc cho buổi thi. Nhưng cháu đợi một tháng mà không thấy tin tức gì. Cháu rất lo lắng, không biết mình có được phỏng vấn hay không. Đến tháng 3, cháu nhận được thư báo trượt của một số trường tư thục. Cháu mở thư báo điểm và không ngạc nhiên khi thấy điểm toán của cháu chỉ nằm trong top từ 5 đến 10%. Các môn học khác của cháu nằm trong top 2 đến 3%. Cháu nghe nói chỉ khi nằm trong top 1% ở tất cả các môn học thì mới có cơ hội nhận được học bổng.
Cháu vô cùng thất vọng và bắt đầu hoài nghi những nỗ lực của mình có thực sự xứng đáng được đền đáp không. Cháu cũng bắt đầu tiêu nghiệp trên thân, ho và sổ mũi liên tục làm cháu khó chịu.
Cha mẹ nhận thấy vậy, bèn chia sẻ với cháu về nhận định của cha mẹ trước tình trạng này. Sau kỳ thi xin học bổng, cháu lại đến trường Minh Huệ tham gia học Pháp nhóm vào thứ Bảy. Thậm chí cháu còn bắt đầu thỉnh thoảng tham gia học Pháp nhóm ở địa phương. Cháu bắt đầu hướng nội và nhận ra rằng cháu cần phải đề cao ở nhiều phương diện.
Phương diện đầu tiên là phải kính trọng cha mẹ. Cha mẹ cháu đã đầu tư bao nhiêu cho việc học hành sau này của cháu, thế mà cháu hoàn toàn không thấy được sự vất vả của cha mẹ, thậm chí đôi khi cháu còn nổi cáu với cha mẹ. Cha mẹ có nhiều lý do hơn để giận cháu, nhưng cha mẹ chưa từng làm vậy. Cháu nhận ra cha mẹ đã hy sinh rất nhiều để nuôi dạy cháu, nên cháu cần phải cố gắng giảm bớt áp lực cho cha mẹ.
Cháu cũng cần chú trọng việc học Pháp. Cháu ngộ ra học Pháp quan trọng nhường nào. Sư phụ đã cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta cần biết, bảo cho chúng ta lựa chọn thế nào cho đúng đắn, và cuối cùng đạt tiêu chuẩn viên mãn.
Một phương diện nữa mà cháu cần phải đề cao là cứu độ chúng sinh. Sư phụ đã làm mọi thứ cho chúng ta để chúng ta được cứu độ. Sư phụ cũng ban cho tất cả chúng sinh cơ duyên được cứu độ. Là người tu luyện, là một tiểu đệ tử, cháu phải trợ Sư Chính Pháp, cháu phải giúp mọi người quay về truyền thống và bản nguyên của mình.
Nhờ học Pháp và hướng nội tìm, cháu đã đề cao tâm tính. Sau đó, cháu nhận được thư mời phỏng vấn của hai trường tư thục, trong đó có một buổi thi trình diễn âm nhạc. Cháu đã buông bỏ chấp trước vào tâm truy cầu và tinh tấn chuẩn bị. Trong những ngày nghỉ trước kỳ thi tuyển, cháu đã thoát khỏi trạng thái an dật. Mỗi sáng, lúc bảy giờ, cháu cùng mẹ bắt tàu đến trường luyện thi. Các đợt thi thử của cháu cứ lần sau lại tốt hơn lần trước. Cháu tin rằng Sư phụ luôn giúp đỡ cháu. Khi cháu bắt đầu coi mình là người tu luyện, hoàn cảnh của cháu đã thay đổi đáng kể. Đến ngày phỏng vấn, cháu không có bất kỳ chấp trước nào. Cháu gửi tặng các thầy cô giáo tờ rơi Shen Yun và giới thiệu về Shen Yun. Kết quả, cháu đã nhận được học bổng vào trường tư thục này.
Trong kỳ nghỉ của học kỳ thứ hai, cháu đã đưa học Pháp và luyện công vào lịch sinh hoạt hàng ngày. Cháu luyện công mỗi sáng và học Pháp với mẹ và bà vào buổi tối. Vào những ngày đi học, khi mẹ đưa cháu lên xe buýt của trường, cháu nhẩm đọc “Luận ngữ” trong Chuyển Pháp Luân. Nếu có thời gian, cháu sẽ đọc một vài bài thơ trong Hồng Ngâm. Khi về nhà, cháu nghe lời cha mẹ. Ngoài việc hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn, cháu còn tích cực hơn trong việc luyện tập piano.
Mặc dù việc học và luyện luyện nhạc cụ chiếm rất nhiều thời gian, nhưng khi biết sẽ có buổi biểu diễn violin chào mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới vào ngày 13 tháng 5, cháu đã háo hức tham gia các buổi diễn tập và biểu diễn. Cháu biết lần này cháu chơi violin là để hồng dương Đại Pháp và giảng chân tướng nên cháu phải làm thật tốt. Cháu nhận thấy điều khó nhất không phải là chơi đàn, mà là làm thế nào để cân bằng giữa việc luyện tập các bản nhạc Đại Pháp để biểu diễn và luyện bài các thầy cô trên lớp giao cho. Sau này, cháu nhận ra rằng sau khi hoàn thành bài tập thầy cô giao cho, cháu biểu diễn các bản nhạc Đại Pháp càng hay hơn để chúng sinh có thể cảm nhận được vẻ đẹp của Đại Pháp.
Trong Hồng Ngâm IV, Sư phụ đã viết bài thơ có tựa đề “Nhĩ Đích Chúng Sinh Tại Đẳng Nhĩ” (tạm dịch: Chúng sinh của bạn đang đợi bạn). Cháu tin rằng bài thơ này nhắn nhủ chúng ta rằng vì tất cả chúng sinh đang chờ được cứu độ nên chúng ta phải tinh tấn hơn trong ba việc, đặc biệt là giảng chân tướng.
Cháu đã theo học trường Minh Huệ được sáu năm. Cháu thường đến trường Minh Huệ vào Chủ nhật, buổi sáng cháu luyện công, học Pháp, học tiếng Trung và buổi chiều học văn hóa truyền thống Trung Hoa hoặc học vẽ. Cháu rất vui vì chúng cháu có buổi tập violin vào các buổi chiều từ tháng 4 đến tháng 9, như vậy chúng cháu có cơ hội giảng chân tướng thông qua các buổi biểu diễn của mình. Ngoài các hoạt động ngày 13 tháng 5, chúng cháu còn tham gia bốn hoạt động giảng chân tướng cộng đồng.
Vào ngày 4 tháng 6 năm nay, chúng cháu đã tham gia buổi biểu diễn nghệ thuật do một tổ chức địa phương tổ chức. Chúng cháu biểu diễn ca khúc “Pháp Luân xoay chuyển”. Dàn nhạc violin của chúng cháu đã được chọn để tham gia biểu diễn tại buổi tiệc tối với khoảng 400 đến 500 người tham dự vào ngày 17 tháng 6. Ngoài các hiệu trưởng và giáo viên của nhiều trường ngoại ngữ, buổi tiệc còn có rất nhiều khách mời. Chúng cháu biểu diễn các ca khúc “Cháu là tiểu đệ tử Đại Pháp”, “Thư gửi mẹ trong tù”, “Tháng Năm tươi đẹp” và “Pháp Luân xoay chuyển”. Trước buổi biểu diễn, cháu giới thiệu với mọi người rằng Trường Minh Huệ chú trọng giảng dạy văn hóa truyền thống Trung Hoa, chữ Hán truyền thống và học sinh của trường được dạy tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày. Chúng cháu cũng tham gia nhiều sự kiện cộng đồng khác để hồng truyền Đại Pháp.
Gần đây, cháu bất ngờ đạt được thành tích cao nhất từ trước đến nay và nhận được một số giải thưởng: giải vàng cho cuộc thi viết WriteOn, điểm tuyệt đối trong cuộc thi AMC (Cuộc thi Toán học Úc) và Đạt giải Xuất sắc về Toán, Tiếng Anh và Công nghệ trong cuộc thi ICAS (Cuộc thi và đánh giá quốc tế dành cho trường học). Cháu cũng nhận được lời mời từ một trường trung học hàng đầu.
Cháu nhận ra rằng tất cả những điều này đều là để chứng thực Đại Pháp. Những kết quả tốt đẹp mà cháu đạt được đều là do cháu đã cân bằng lại giữa việc học tập và tu luyện của mình.
Trên đây là chia sẻ trải nghiệm tu luyện của cháu, cháu biết mình vẫn còn nhiều thiếu sót trong tu luyện, kinh mong các đồng tu từ bi chỉ ra giúp cháu.
Cảm tạ Sư phụ!
Cảm ơn các đồng tu!
(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội Chia sẻ Trải nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp Úc 2023)
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/11/25/468560.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/27/213104.html
Đăng ngày 12-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.