– viết nhân dịp Tết Trùng Dương
Bài viết của Mịch Chân
[MINH HUỆ 19-10-2023] Tết Trùng Dương(1) sắp đến, người cao tuổi lại nghênh đón dịp lễ của mình. Thế nhưng ở Trung Quốc, có bao nhiêu người cao tuổi đang phải chịu đựng cuộc bức hại tàn khốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo số liệu thống kê của Minh Huệ Net, chỉ riêng trong tháng 9 năm 2023, 35 học viên Pháp Luân Công từ 60 tuổi trở lên đã bị kết án phi pháp, người cao tuổi nhất là 87 tuổi. Trong đó, 4 người ở độ tuổi từ 80-90, 14 người ở độ tuổi 70-80, và 17 người ở độ tuổi 60-70.
Như ở thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc là trường hợp 5 học viên Pháp Luân Công gồm bà Liệu An An, ông Cố Phục Mãn, bà Lý Xảo Liên, ông Vương Lập Quý, và bà Triệu Cầm Trân đã bị Tòa án Quận Bạch Ngân bắt giữ trái phép vào ngày 30 tháng 3 năm 2023. Gần đây, có báo cáo ghi nhận rằng cả 5 người họ đều bị kết án oan sai. Trong đó:
- Bà Liệu An An, 87 tuổi, bị kết án 3 năm 9 tháng tù, bên cạnh bản án 5 năm tù vào năm 2015 của bà (được chấp hành tại ngoại do bà mắc bệnh tim mạch nặng) vẫn chưa thi hành xong, tổng thời hạn chấp hành án là 6,5 năm tù (do hai bản án không thể được chấp hành cùng lúc) với khoản tiền phạt 8.000 nhân dân tệ;
- Ông Cố Phục Mãn, 65 tuổi, bị kết án 3 năm 9 tháng tù với khoản tiền phạt 8.000 nhân dân tệ;
- Bà Lý Xảo Liên, 69 tuổi, bị kết án 3 năm 9 tháng tù với khoản tiền phạt 8.000 nhân dân tệ;
- Ông Vương Lập Quý, 62 tuổi, bị kết án 3 năm 5 tháng tù với khoản tiền phạt 6.000 nhân dân tệ;
- Bà Triệu Cầm Trân, 75 tuổi, bị kết án 1 năm tù với 1,5 năm tù treo và khoản tiền phạt 5000 nhân dân tệ.
Ngày 11 tháng 9 năm 2023, học viên Pháp Luân Công bà Lý Tuyết Tùng, 75 tuổi, ở quận Vị Ương, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, bị Tòa án Quận Liên Hồ, thành phố Tây An kết án oan sai 3 năm 2 tháng tù với khoản tiền phạt 10.000 nhân dân tệ. Bà Lý không khuất phục bản án oan sai và đã đệ đơn kháng cáo.
Ngày 18 tháng 7 năm 2023, cụ bà Dương Dục Trân, 87 tuổi, ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đã bị Tòa án Quận Thị Bắc, thành phố Thanh Đảo đem ra xét xử. Ngày 16 tháng 9, bà bị Tòa án Quận Thị Bắc kết án phi pháp 1 năm tù với khoản phạt tiền 5.000 nhân dân tệ.
Bà Vương Thụy Linh, 71 tuổi, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã bị kết án phi pháp 8 năm tù. Bà bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Hà Bắc vào ngày 15 tháng 4 năm 2021. Ban quản lý nhà tù khước từ quyền thăm thân của bà và thân nhân. Người nhà rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe và cả tính mạng của bà. Người nhà của bà đã liên lạc với ban quản lý nhà tù và được trả lời rằng: “Không chuyển hóa thì không có gặp mặt gì hết.”
Theo báo cáo Tổng quan về các học viên Pháp Luân Công cao tuổi ở thành phố Cát Lâm bị ĐCSTQ kết án và qua đời vì bức hại” trên Minh Huệ Net, ông Tân Dục Lương, 88 tuổi, trước khi nghỉ hưu là một cựu kỹ sư điện đường sắt cao cấp ở Thành phố Cát Lâm, bị kết án, bỏ tù và bức hại chỉ vì tín ngưỡng vào Chân-Thiện-Nhẫn. Ngày 6 tháng 8 năm 2020, ông Quách Dư Niên, 85 tuổi, một cụ già thiện lương và đáng kính, đã bị kết án phi pháp 6 năm tù vì tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn. Hiện ông vẫn đang bị giam giữ và tra tấn trong Nhà tù Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm. Đến khi mãn hạn tù, ông cụ cũng ngoài 90 tuổi. Người thân và con cháu ông vô cùng đau buồn!
Căn cứ theo số liệu thống kê chưa đầy đủ trên trang web Minh Huệ, 72 học viên Pháp Luân Công trên 60 tuổi đã bị bức hại đến chết hoặc qua đời, 48 học viên Pháp Luân Công trên 60 tuổi bị tuyên án tù bất hợp pháp ở Thành phố Cát Lâm và các khu vực lân cận (gồm các huyện và huyện cấp thị) trong 24 năm qua. Hoặc như ông Triệu Húc Đông trong quá trình bức hại đã bị cảnh sát của Đồn Công an Hà Đạt Loan, quận Xương Ấp, thành phố Cát Lâm và nhân viên cộng đồng Viên Nghệ không ngừng sách nhiễu, bắt cóc, giam giữ trái phép, thậm chí kết án ông, khiến thể xác lẫn tinh thần ông chịu đựng đến cực hạn, đến đầu tháng 8 năm 2023, ông qua đời oan uổng ở tuổi 78.
Học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cát Lâm, ông Đổng Khánh Hữu, 80 tuổi, trước khi nghỉ hưu là kỹ sư trưởng thuộc Viện Quy hoạch Thành phố Cát Lâm, vợ ông là bà Lưu Thuận Hương, từng là công chức của Nhà máy Chế phẩm Sinh học tỉnh Cát Lâm. Hai ông bà từng mắc nhiều chứng bệnh, như bệnh tim, bệnh dạ dày và đau vai, viêm khớp và thoái hóa đốt sống cổ, sức khỏe kém, tình trạng của họ vẫn không cải thiện cho dù đã chạy chữa. Từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, bệnh tật của hai ông bà đã không cánh mà bay, tâm tính bình hòa, sẵn lòng giúp đỡ người khác, được đơn vị làm việc và hàng xóm láng giềng ca ngợi là người tốt. Nhiều năm qua, ông Đổng Khánh Hữu và gia đình đã bị cảnh sát và nhân viên cộng đồng sách nhiễu, lục soát, bắt cóc và tống tiền. Hai vợ chồng bị buộc phải sống lưu lạc nhiều năm. Dù đã gần 80 tuổi, nhưng họ vẫn không thể có cuộc sống bình yên. Ngày 11 tháng 8 năm 2020, ông Đổng Khánh Hữu qua đời một cách oan uổng.
Bà Phí Thục Cần, một học viên Pháp Luân Công ở huyện Ỷ Lan, thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, bị gài bẫy và bắt giữ vào năm 2013 và bị kết án phi pháp 13 năm tù. Khoảng 14 giờ chiều ngày 16 tháng 2 năm 2023, bà bị bức hại đến chết tại Nhà tù Nữ Hắc Long Giang ở tuổi 77. Một người mẹ thân thương và đáng kính trải qua ngàn cay vạn đắng để nuôi dạy con cái và dẫn dắt chúng nên người, một người mẹ lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc gia đình cùng con cái và trải qua tuổi xế chiều trong yên bình, nhưng vì tu luyện Pháp Luân Công và tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn làm một người tốt mà bà đã bị kết án 13 năm bất hợp pháp, phải chịu đựng sự bức hại tàn khốc, khiến bệnh tật quấn thân, tính mạng nguy kịch, cho đến khi bị bức hại đến chết trong tù.
Những người cao tuổi, theo truyền thống Trung Quốc, là lớp người được kính trọng nhất trong xã hội vì có trí tuệ, kinh nghiệm, lòng tự tôn và nhân hậu. Hoàng đế Khang Hy của triều đại nhà Thanh đã hai lần tổ chức yến tiệc chiêu đãi hàng nghìn kỳ lão tại Sướng Xuân viên và cung Càn Thanh, chiêu đãi hơn 1.000 người từ 65 tuổi trở lên, từ đại thần văn võ, đến trí sỹ, nhân viên người Mông Cổ, Mãn Châu và Hán.
Trong yến tiệc lần thứ hai ở cung Càn Thanh, Khang Hy cùng các lão nhân dự tiệc nâng ly đối ẩm, các hoàng tử và hoàng tôn đứng bên cạnh tham dự và rót rượu cho các lão nhân. Để kỷ niệm lần thịnh hội thứ hai này, Hoàng đế Khang Hy đã sáng tác một bài thơ ngẫu hứng “Thiên tẩu yến” (yến tiệc ngàn cụ già) và ra lệnh cho các quan đại thần “phú thi ký sự” (cùng họa thơ để ghi nhớ sự kiện này).
Nhưng ngày nay, ác đảng Trung Cộng lại coi những người già thiện lương như kẻ thù mà ra sức đàn áp và bức hại. Những trường hợp đề cập bên trên đều là những người già tuân thủ pháp luật, tốt bụng và có lòng nhân ái trong độ tuổi hoa giáp (60 tuổi), cổ hy (70 tuổi) và mạo điệt (80 tuổi). Những cụ già vô tội phải chịu đựng sự bức hại tàn khốc như vậy, đã phơi bày rõ sự vô nhân đạo của ĐCSTQ, bản tính lưu manh và bản chất tà ác đến táng tận lương tâm của nó.
“Lão ngô lão, dĩ cập nhân chi lão; ấu ngô ấu, dĩ cập nhân chi ấu“ (2). Trong lịch sử Trung Quốc, những người già nhận được sự kính trọng của xã hội. Kính già yêu trẻ cũng là một mỹ đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa. Tuy nhiên, dưới sự thống trị cực quyền của ĐCSTQ, những đức tính truyền thống đó gần như đã biến mất, không còn nữa. Hiện tượng bức hại, ngược đãi, hiếp đáp người cao tuổi không ngừng xảy ra. Nhân dịp tiết Trùng Dương, tôi muốn khuyên những người kế tục tập đoàn Giang Trạch Dân đang bức hại Pháp Luân Công hiện nay, cũng như các nhân viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Phòng 610, công tố viên và Sở Tư pháp các cấp hãy nhanh chóng thanh tỉnh, ghìm cương ngựa trước bờ vực thẳm, từ bỏ Trung Cộng, đình chỉ bức hại và hối lỗi sửa sai. Đừng mù quáng một cách không kiêng nể gì mà chà đạp lên phẩm giá của lương tri, cuối cùng, không chỉ khiến bản thân bạn bị hủy diệt, mà còn khiến người thân bị liên lụy bởi những tội lỗi bạn gây ra. Cho đến nay, ước chừng 20.000 người trên khắp cả nước đã phải chịu các loại báo ứng, kể cả Chu Vĩnh Khang và hàng trăm quan chức cấp cao khác của ĐCSTQ từ cấp thứ trưởng trở lên. Hành ác tất gặp báo ứng. Thiện ác hữu báo chính là thiên lý!
Tôi hy vọng rằng tất cả người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế có lương tri và thiện niệm sẽ quan tâm đến cảnh ngộ của các học viên Pháp Luân Công, quan tâm đến tình cảnh của toàn thể người dân Trung Quốc đã bị ĐCSTQ đả kích và bức hại. Chung tay giải thể và tiêu diệt những tà ma vạn ác ngập trời của ĐCSTQ này, đồng thời chấm dứt trường bức hại tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công suốt 24 năm qua, và trả lại cho nhân loại sự tôn nghiêm đáng có!
Chú thích của người dịch:
(1) Tiết Trùng Dương là lễ tết truyền thống của Trung Quốc. Sở dĩ gọi là Trùng Dương hay Trùng Cửu vì theo phong tục, tết này diễn ra vào ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch và số “9” trong Kinh Dịch được coi là con số dương. Người xưa cho rằng, cửu cửu trùng dương là ngày ngày lành tháng tốt, là ngày may mắn. Về nguồn gốc, Tết Trùng Dương bắt nguồn từ việc tế bái thiên địa có từ thời thượng cổ. Theo ghi chép lịch sử, vào thời thượng cổ thường hay cử hành lễ tế trời, tế tổ vào quý thu. Trong sách Lã Thị Xuân Thu – Quý Thu Kỷ có chép: Người xưa vào tháng 9 nông lịch đều cử hành những hoạt động như lễ tế tạ thu, tế trời, tế tổ, cảm tạ ân điển trời đất cùng ân đức to lớn của tổ tiên. Vì vậy, những hoạt động chính trong tết Trùng Dương của dân gian thường là cầu phúc, thưởng thu ngắm cúc, lấy thù du cho vào túi thơm đeo lên người (tránh tà ma), tôn vinh những người cao tuổi v.v..
(2) Đây là câu nói trích từ sách Mạnh Tử, đại ý là: tôn kính cha mẹ, người bề trên của chính mình rồi mở rộng ra thành lòng tôn kính cha mẹ, người bề trên của người khác, yêu thương con cái của chính mình thành lòng yêu thương con cái của người khác.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/19/467260.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/23/212597.html
Đăng ngày 07-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.