Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 06-04-2023] Chứng kiến nhiều đồng tu bị cắt hoặc đình chỉ lương hưu và gặp phải nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi, tôi muốn chia sẻ với mọi người quá trình lấy lại lương hưu của mình, hy vọng có thể nêu vấn đề để mọi người trao đổi và cũng là gợi ý cho các đồng tu.

Tôi bị giam giữ (vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp) trong một trại lao động cưỡng bức vào năm 2000, và lương hưu của tôi đã bị cắt. Sáu tháng sau khi được thả, tôi lại bị bắt và bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức khác. Điều này xảy ra ba lần liên tiếp. Lần nào sau khi trở về tôi cũng đi yêu cầu trả lại lương hưu nhưng đều không có kết quả. Vào năm 2007, nhờ điểm hóa của Sư phụ, tôi bắt đầu viết thư chân tướng để đòi lương hưu. Hồi đó, tôi không chọn cách khiếu nại bởi tôi không hiểu gì về thủ tục pháp lý, tôi chưa từng xem qua đơn kiện và không biết nộp đơn kiện ra sao.

Trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi là một người nhút nhát, mỗi khi nói gì tôi thường bị đỏ mặt. Khi đó tôi quyết định viết thư vạch trần sự bức hại kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với tôi để nhiều người biết đến mức độ nghiêm trọng của cuộc bức hại. Trong những bức thư này, tôi đã trích dẫn luật và kèm theo nội dung một số cuộc trò chuyện quan trọng với các quan chức mà tôi từng trao đổi.

Có lần tôi đến Phòng 610 huyện thì gặp trưởng phòng và một người khác. Tôi nói rằng tôi phải đi nơi khác để tìm việc làm vì họ không tiếp tục trả lương hưu cho tôi và còn vẫn giữ khoản lương hưu của tôi trong thời gian tôi bị giam giữ. Họ dọa nếu tôi rời khỏi địa bàn họ sẽ bắt tôi. Tôi bảo rằng tôi phải mưu sinh. Họ nói tôi muốn có cơm ăn thì hãy viết ‘ba tuyên bố’, tôi liền hỏi, vậy những người không viết ‘ba tuyên bố’ thì không có quyền được sống sao? Họ không trả lời. Thấy tôi viết ra tên của họ và những gì họ nói, trưởng Phòng 610 nói rằng anh không sợ nếu tôi kiện anh ta bởi anh tuân theo quy chế đã được chỉ đạo. Tôi yêu cầu anh cho tôi xem bản quy chế liên quan, nhưng anh ta từ chối.

Tôi đã gửi gần 80 lá thư tới tất cả các cơ quan chính quyền liên quan ở cấp huyện, thành phố, tỉnh lỵ cho tới chính quyền trung ương. Không lâu sau, các khoản lương hưu của tôi đã được cấp và hoàn lại. Các nhà chức trách sợ rằng nếu tôi tiếp tục gửi thêm thư, tác động sẽ vượt quá tầm kiểm soát của họ, nhất là đối với những người có tên trong thư. Văn phòng lương hưu hứa sẽ trả lại các khoản lương hưu đang giữ của tôi và viết giấy nợ xác nhận rằng họ nợ tôi hơn 100.000 Nhân dân tệ. Số tiền này đã được trả lại cho tôi trong những tháng tiếp theo.

Năm 2008, tôi lại bị bắt cóc và bị kết án phi pháp bốn năm tù. Khi tôi được trả tự do vào năm 2012, tôi lại đến Phòng 610 của huyện và Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương để đòi lại lương hưu. Họ rất lịch sự với tôi nhưng bảo rằng họ không làm được bất cứ điều gì. Tôi hỏi họ thực sự không giải quyết được hay họ đang giả vờ như vậy. Họ nói rằng họ thông cảm với tôi nhưng họ thực sự không thể giúp được gì vì không có chính sách nào giải quyết vấn đề này. Tôi nói rằng mặc dù việc viết thư khiếu nại phản ánh oan sai cho các quan chức chính phủ không phải là chuyên môn của tôi, tôi cũng không thích làm điều đó, nhưng để tồn tại, tôi không còn cách nào khác.

Tôi cho họ xem bức thư yêu cầu trả lại lương hưu mà tôi viết và hỏi họ có thấy điều gì không đúng sự thật không, nếu có chỗ nào không đúng, họ nêu ra tôi sẽ sửa. Họ không thể tìm thấy bất cứ điều gì sai sự thật. Vậy là tôi lại gửi đi hàng chục lá thư. Không lâu sau đó, giám đốc Phòng 610 của thành phố thông báo với tôi rằng lãnh đạo tỉnh đã gọi điện cho ông ấy và chỉ thị cho ông ấy tiếp tục trả lương hưu cho tôi, và ông ấy đã đề nghị Phòng 610 huyện thực hiện việc này.

Phòng 610 huyện nói rằng họ không thể tiến hành dựa trên một cuộc điện thoại, thứ họ cần là văn bản có dấu và chữ ký từ các lãnh đạo cấp trên.

Tôi lại tiếp tục gửi một đợt thư kháng cáo khác. Giám đốc Phòng 610 thành phố báo cho tôi rằng Phòng 610 tỉnh đã có văn bản gửi xuống Phòng 610 huyện. Tôi liền đến Phòng 610 huyện. Một lần nữa anh ta lại từ chối tôi và bảo rằng cái gọi là văn bản thực ra là thư kháng cáo của tôi chứ không phải tài liệu chính sách.

Không bỏ cuộc, tôi tiếp tục viết nhiều thư hơn. Cuối cùng, họ đã triệu tập một cuộc họp chung của tám đơn vị để thảo luận về trường hợp của tôi, trong đó có đơn vị công tác cũ của tôi, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Ủy ban Tài chính, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật.v.v.. Cuối cùng, họ quyết định trả cho tôi 980 Nhân dân tệ mỗi tháng và phân chia trách nhiệm trong trường hợp cấp trên thay đổi quyết định.

Tôi đã không chấp nhận quyết định này, nhân lúc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh có đợt làm việc tại địa phương của tôi, tôi đã giảng chân tướng và đưa cho họ. Cô gái tiếp tôi đã rơi lệ và nói nhất định sẽ phản ánh trường hợp của tôi. Sau đó, một lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo Phòng 610 thành phố giúp tôi lấy lại đầy đủ các khoản lương hưu. Các quan chức ở cấp huyện nói rằng họ không biết lương hưu của tôi đã được phục hồi như thế nào.

Quá trình đòi lại lương hưu cũng là quá trình tu tâm. Mỗi lần đi đòi tiền lương, mục đích chính của chúng ta không phải là tiền, mà là cho mọi người minh bạch chân tướng về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Bất kể các quan chức nói gì với chúng ta, rằng họ có thể hay không thể giải quyết, chúng ta cần cố gắng giữ tâm bất động.

Chính Sư phụ đã ban cho tôi dũng khí, ban cho tôi trí huệ. Người thường không có quyền quyết định có phục hồi lương hưu cho tôi hay không. Điều Sư phụ muốn chính là cứu người. Vậy nên, đừng sợ họ sẽ trả thù, sợ chỉ là nhân tâm. Chúng ta càng phơi bày những gì đang xảy ra, thì sự bức hại kinh tế sẽ càng bị tiêu trừ và các khoản trợ cấp hưu trí đương nhiên sẽ được khôi phục.

Trên đây là một chút thiển kiến cá nhân, có điều gì không ở trong Pháp mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

(Phụ trách biên tập: Minh Đức)

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/4/6/458511.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/16/209911.html

Đăng ngày 15-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share