Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 20-09-2023] Chỉ vài ngày sau khi bà được trả tự do vào ngày 15 tháng 9 năm 2021, bà Phan Vinh Khanh, một nhân viên về hưu 60 tuổi ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, đã bị cưỡng chế trả lại hơn 100.800 Nhân dân tệ tiền lương hưu mà bà đã lĩnh trong thời gian thụ án 4 năm tù oan sai.
Ngày 15 tháng 9 năm 2017, bà Phan Vinh Khanh bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ tháng 7 năm 1999.
Ngày 19 tháng 10, Viện Kiểm sát Quận Lai Sơn phê chuẩn việc bắt giữ bà và nhận được hồ sơ vụ án của bà từ cảnh sát vào ngày 18 tháng 12 năm 2017. Mặc dù viện kiểm sát đã trả lại hồ sơ của bà cho cảnh sát 2 lần vì không đủ bằng chứng, nhưng vào ngày 29 tháng 6 năm 2018, viện kiểm sát đã tiến hành truy tố bà sau khi cảnh sát đệ trình lại vụ án.
Ngày 17 tháng 5 năm 2019, Tòa án Quận Lai Sơn xét xử bà Phan và kết án bà 4 năm tù giam. Bà nộp đơn kháng cáo và Tòa án Trung cấp Thành phố Yên Đài đã ra phán quyết hủy bỏ bản án sơ thẩm của bà và yêu cầu xét xử lại vào ngày 19 tháng 8 năm 2019.
Tòa án Quận Lai Sơn tổ chức xét xử lại vào ngày 2 tháng 9 năm 2020 và vẫn kết án bà mức án tương tự là 4 năm tù vào ngày 2 tháng 11 cùng năm.
Bà Phan phải thụ án 3 năm 5 tháng tại trại tạm giam Thành phố Yên Đài, trước khi bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông vào năm 2021 để chấp hành nốt thời hạn còn lại của án tù.
Sau khi bà Phan được trả tự do vào tháng 9 năm 2021, bà nói với chồng rằng lính canh đã thu giữ hai bản án của bà (bản sơ thẩm và phúc thẩm) nên bà không thể nộp đơn đề nghị xem xét lại vụ án. Chồng bà nói các nhà chức trách chưa bao giờ đưa cho ông bản án của bà. Văn bản chính thức duy nhất ông nhận được là bản sao lệnh bắt giữ bà.
Chỉ vài ngày sau khi bà trở về nhà, văn phòng an sinh xã hội địa phương gọi điện cho chồng bà, yêu cầu bà phải trả lại khoản lương hưu đã lĩnh trong thời gian 4 năm ngồi tù, viện dẫn một chính sách cấm những người về hưu nhận lương hưu trong thời gian thụ án. Hai vợ chồng lập luận rằng số tiền này là tài sản hợp pháp của bà Phan và không nên bị tước đoạt trong mọi trường hợp. Cơ quan an sinh xã hội nhất quyết đòi thu lại số tiền lương hưu đã phát đó và liên tục gọi điện cho chồng bà. Cuối cùng, ông đành phải trả hơn 100.800 Nhân dân tệ theo yêu cầu.
Trong kỳ họp chính trị “Lưỡng Hội” thường niên của chính quyền cộng sản vào tháng 3 năm 2023, đồn công an địa phương gọi điện cho chồng của bà Phan, nói rằng họ cần gặp và chụp ảnh bà. Bà lập tức rời khỏi nhà. Sau này, chồng bà kể với bà rằng có 2 cảnh sát đã đến nhà họ ngay lúc bà rời đi. Cảnh sát quay video mọi ngóc ngách trong nhà và nói với ông rằng đó là lệnh của các lãnh đạo cấp trên.
Tháng 8 năm 2023, hai cảnh sát khác lái xe tuần tra đến nhà bà Phan và yêu cầu được gặp bà. Bà không có ở nhà và họ rời đi.
Gần đây, bà Phan đã kể lại những khổ nạn của bà như sau.
Bắt giữ
Trưa ngày 15 tháng 9 năm 2017, khi tôi vừa về đến nhà thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Qua mắt thần (lỗ quan sát) ở cửa, tôi thấy một người đàn ông đang cầm điện thoại di động trên tay và một người phụ nữ khoảng ngoài 20 tuổi. Một nhóm cảnh sát nhanh chóng đến nhập bọn cùng hai người họ và đập cửa. Tôi không mở cửa và khoảng nửa giờ sau, tiếng gõ cửa mới dừng lại.
Tuy nhiên, vào khoảng 1 giờ 30 phút chiều, cảnh sát cạy cửa và đột nhập vào nhà tôi (sau này tôi mới biết họ đã gọi 2 thợ khóa đến). Họ còng tay tôi ra sau lưng vào thành giường. Trong lúc đột kích, người phụ nữ đó trẻ giám sát tôi. Cô ấy không cho phép tôi sử dụng nhà vệ sinh.
Cảnh sát tịch thu 40.000 Nhân dân tệ tiền mặt, 3 máy in, 2 máy cắt giấy và 2 máy tính xách tay. Họ bỏ đồ vào chiếc hòm gỗ của tôi rồi khiêng đi.
Sau đó, họ đưa tôi xuống nhà kho, tịch thu 20 cuộn giấy in, 5 cuốn Cửu Bình, một số tấm bùa hộ mệnh, 1 hộp các cuốn lịch có in thông điệp Pháp Luân Công và 7 áp phích Pháp Luân Công.
Sau đó, tôi bị đưa đến Đồn Công an Thịnh Tuyền ở quận Lai Sơn. Tôi đòi lại 40.000 Nhân dân tệ và một cảnh sát hứa sau này sẽ trả lại cho tôi. Thế nhưng họ chưa bao giờ trả lại số tiền đó cho tôi.
Tôi từ chối trả lời các câu hỏi thẩm vấn của cảnh sát. Một lúc sau, mắt tôi không thể mở ra được, chân tay không có sức lực. Sau đó tôi cảm thấy buồn nôn và ói mửa. Một nữ cảnh sát lớn tiếng thắc mắc: “Tại sao bụng của bà ấy [ám chỉ tôi] đột nhiên phồng lên như vậy?” Tôi liên tục nôn mửa và sau đó một số cảnh sát chở tôi đến bệnh viện.
Các bác sỹ không phát hiện ra tôi bị làm sao và cảnh sát đưa tôi trở lại xe tuần tra. Tôi ngất đi trên đường về và tỉnh dậy khi đến đồn công an. Cảnh sát lôi tôi ra khỏi xe và đá tôi. Họ buộc tội tôi giả vờ bất tỉnh và yêu cầu tôi tự đi bộ.
Tôi vẫn cảm thấy toàn thân yếu ớt và không thể đi được. Cảnh sát đưa tôi đến phòng thẩm vấn và đặt tôi ngồi xuống ghế.
Một cảnh sát khác bước vào và dùng chai nước đánh vào cổ tôi. Cú đánh rất đau, tôi cảnh cáo anh ta đã phạm pháp khi hành hung tôi. Anh ta bắt đầu thẩm vấn và tôi từ chối trả lời mọi câu hỏi. Sau đó, một cảnh sát khác được gọi đến để tiếp quản việc thẩm vấn và tôi vẫn từ chối tiết lộ mọi thông tin nào mà anh ta yêu cầu.
Sau đó, một số cảnh sát khác kéo tôi sang một căn phòng khác và cưỡng chế lấy dấu vân tay của tôi. Họ kéo tôi mạnh đến nỗi quần áo của tôi bị rách toạc.
Sau đó tôi bị đưa đến trại tạm giam thành phố Yên Đài. Khoảng 2 tuần sau, 2 cảnh sát đến thẩm vấn tôi. Tôi chia sẻ với họ về những lợi ích tôi nhận được từ việc tu luyện Pháp Luân Công. Họ hỏi tôi có tài liệu Pháp Luân Công nào ở nhà không. Tôi từ chối trả lời các câu hỏi của họ hoặc ký vào biên bản thẩm vấn. Sau đó họ rời đi.
Bức thực ở trong trại tạm giam
Ngày 18 tháng 10 năm 2017, một người từ Viện Kiểm sát Quận Lai Sơn đến hỏi cung tôi tại trại tạm giam. Ông ta yêu cầu tôi ký tên vào lệnh bắt giữ, nhưng tôi từ chối. Sau này tôi mới biết mình bị bắt giữ chính thức vào ngày hôm sau.
Tôi bắt đầu tuyệt thực sau khi viên chức viện kiểm sát đó rời đi. Trưởng lính canh không thể bắt tôi ăn, nên cô ta đã báo cáo sự việc với giám đốc trại tạm giam. Vị giám đốc trại đã có buổi nói chuyện với tôi, nhưng tôi vẫn tuyệt thực.
Vào ngày tuyệt thực thứ 4, giám đốc yêu cầu một số bác sỹ ở trại tạm giam cùng một số tù nhân bức thực tôi. Họ đè tôi xuống, nhưng không thể đưa thức ăn vào người tôi sau nhiều lần cố gắng. Sau đó, họ gọi một bác sỹ lớn tuổi và dày dạn kinh nghiệm. Ông ta bức thực tôi qua một chiếc ống dày. Tôi cảm thấy khó thở trong quá trình bức thực.
Khi họ rút chiếc ống ra, nó dính đầy máu. Giám đốc trại dùng điện thoại di động quay lại toàn bộ quá trình và đe dọa sẽ cho con gái đang mang thai của tôi xem đoạn video đó.
Đêm hôm đó, vị bác sỹ lớn tuổi hơn kia hỏi tôi có muốn ăn tối không. Tôi nói không và ông ta dọa sẽ dùng cách khác để bức thực tôi, vì chiếc ống kia đã làm vỡ màng thực quản của tôi và ông ta không thể rút nó ra sau mỗi lần bức thực được nữa. Các tù nhân cùng phòng đều khuyên tôi nên tiếp tục ăn uống, vì họ đã chứng kiến hình thức bức thực thay thế, trong đó nạn nhân bị trói trên giường với một ống dẫn thức ăn nằm trong dạ dày suốt cả ngày. Nạn nhân sau đó phải đại tiểu tiện trên giường.
Sau đó, tôi đồng ý ăn trở lại. Sau này, những tù nhân cùng phòng, tổng cộng hơn 20 người, kể với tôi rằng họ đều khóc khi các bác sỹ bức thực tôi.
Hoàn cảnh sống khắc nghiệt trong trại tạm giam
Trong trại tạm giam không có điều hòa (thậm chí không có quạt điện) vào mùa hè và không có sưởi vào mùa đông. Tôi bị phát ban do nắng nóng trong 3 mùa hè bị giam ở trại tạm giam. Một lính canh từng bị say nắng không lâu sau khi bước vào buồng giam của tôi. Buồng giam nhỏ chứa tới 25 người càng làm cho mùa hè thêm khốn khổ hơn.
Tôi bị cưỡng bức lao động khổ sai không công 1 năm 4 tháng. Trong thời gian đó tôi phải làm việc hàng ngày, và tay tôi nhanh chóng bị phồng rộp. Lính canh phụ trách buộc tôi và các tù nhân khác phải làm việc ngay cả trong giờ giải lao.
Không rõ vì lý do gì mà một ngày nọ trại tạm giam bất ngờ thông báo cho lính canh ngừng bắt tu nhân lao động khổ sai. Sau đó, chúng tôi được lệnh phải học thuộc nội quy của trại tạm giam, những ai không thuộc sẽ bị trừng phạt bằng cách đứng trong thời gian dài. Tôi từ chối học thuộc nội quy hoặc tập thể dục, nhưng trưởng lính canh không ép tôi phải làm theo mệnh lệnh của họ.
Bảo vệ quyền tu luyện Pháp Luân Công của tôi
Lính canh trại tạm giam không cho phép tôi luyện công và tôi bắt đầu cảm thấy đau ở nách trái. Sau đó, tôi mơ thấy mình đang luyện công và cảm thấy rất tốt. Tôi nói với lính canh rằng tôi cần luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công để được khỏe mạnh. Cô ấy đồng ý và kể từ tháng thứ 7 ở trong trại tạm giam, tôi đã có thể luyện công. Lính canh vờ như không trông thấy tôi mỗi khi tôi luyện công.
Một lính canh khác từng 2 lần phát hiện việc tôi luyện công khi cô ấy đang trực ca. Cô ta quản lý tôi rất chặt chẽ, không cho phép tôi luyện công nữa. Mỗi lần như vậy, tình trạng nách của tôi trở nên tồi tệ hơn. Nó đau đến mức tôi thường giật mình thức giấc vào nửa đêm và vật lộn để rời khỏi giường vào buổi sáng. Trưởng lính canh gọi bác sỹ đến khám, nhưng không cho tôi được điều trị y tế.
Bất chấp tình trạng sức khỏe của tôi, họ vẫn bắt tôi trực ca đêm 2 tiếng. Tôi nói với lính canh rằng tôi phải luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công để cải thiện sức khỏe. Cô ta đồng ý và cơn đau ở nách của tôi nhanh chóng biến mất. Chứng kiến khả năng chữa bệnh kỳ diệu của Pháp Luân Công, lính canh không còn làm phiền tôi luyện công nữa.
Xét xử và kháng cáo
Tôi bị Tòa án Quận Lai Sơn xét xử vào ngày 17 tháng 5 năm 2019. Luật sư của tôi đã bào chữa vô tội.
Khi công tố viên đưa ra bằng chứng chống lại tôi, tôi nhấn mạnh rằng cảnh sát đã phóng đại số lượng tài sản tịch thu từ nhà tôi. 5 bản Cửu Bình bị sửa thành 48, vài tấm bùa hộ mệnh bị ghi tăng lên thành hơn 400, và 7 tấm áp phích Pháp Luân Công lại trở thành hơn 100 tấm.
Tôi chỉ ra những bằng chứng bịa đặt kia với công tố viên, nhưng ông ta phớt lờ và đề nghị mức án 8-9 năm tù dành cho tôi vì tôi không nhận “tội” tu luyện Pháp Luân Công.
Khoảng 2 tuần sau, tôi bị kết án 4 năm tù và tôi lập tức quyết định nộp đơn kháng cáo.
Các tù nhân thường có 10 ngày để viết đơn kháng cáo, nhưng lính canh tù cho tôi chưa đến 3 ngày và tôi chỉ có thể viết đơn kháng cáo khi trưởng lính canh trực ban. Mỗi lần tan ca, cô ta cũng lấy đi giấy bút, thứ mà không tù nhân nào được phép dùng nếu không có sự giám sát. Vì vậy, tôi không thể đưa tất cả những điều mà tôi muốn nói vào đơn kháng cáo của mình. Dù sao đi nữa, tôi đã cố gắng gửi đơn kháng cáo của mình.
Khoảng tháng 7 năm 2019, 2 nhân viên từ Tòa án Trung cấp Thành phố Yên Đài đến trại tạm giam để xác minh đơn kháng cáo của tôi. Họ cũng cho tôi coi lệnh khám xét, và hỏi cảnh sát từng cho tôi xem chưa và tôi trả lời là chưa. Sau đó, họ đưa ra một bức ảnh chụp một chiếc bàn có đặt một chiếc túi màu đen bên cạnh 20 cuốn Cửu Bình. Tôi liền nói chưa từng sở hữu một chiếc túi màu đen như vậy. Tôi bắt đầu giải thích việc cảnh sát phóng đại số lượng vật phẩm bị tịch thu. Sau đó, họ yêu cầu tôi ký tên vào bản khai cung của họ.
Một hôm, trong giờ giải lao, một lính canh yêu cầu tôi ký vào phán quyết của tòa trung cấp về việc hủy bỏ bản án sơ thẩm của tôi và xét xử lại. Tôi đã ký tên vì cho rằng phán quyết như vậy là tín hiệu để tòa sơ thẩm tuyên trắng án cho tôi.
Xét xử lại
Trong khi tòa án trung cấp đưa ra phán quyết vào ngày 19 tháng 8 năm 2019, thì Tòa án Thành phố Lai Sơn không tổ chức xét xử lại cho đến ngày 2 tháng 9 năm 2020. Do đại dịch COVID-19, người thân của tôi không thể thuê luật sư cho tôi, và không được phép tham dự phiên xét xử qua Internet.
Tôi bị sốc khi nghe “bằng chứng mới” chống lại mình. Thêm nhiều đồ vật khác được cho là đã bị tịch thu từ nhà tôi. Ngoài ra, còn có một đoạn video cho thấy “tôi” nhận “tội” trong cuộc thẩm vấn của cảnh sát tại Đồn Công an Thịnh Tuyền vào ngày 15 tháng 9 năm 2017.
Tôi nói với thẩm phán và công tố viên rằng tôi chưa bao giờ sở hữu những đồ vật phẩm được bổ sung thêm này. Tôi yêu cầu được xem video. Công tố viên không thể thực hiện yêu cầu, và thẩm phán tạm dừng phiên xét xử trong nửa giờ. Sau khi phiên tòa tiếp tục, công tố viên trình chiếu đoạn video. Màn hình rất nhỏ, nhưng thẩm phán tuyên bố họ không thể phóng to để hiển thị thêm chi tiết.
Đoạn video quay một người phụ nữ thấp hơn tôi và có nước da trắng hơn bước vào phòng thẩm vấn, nhưng thực tế là tôi bị khiêng vào phòng vì quá yếu. Người phụ nữ mặc chiếc áo mà tôi không mặc khi bị thẩm vấn.
Tôi thấy người phụ nữ trong video đang buộc tóc trước gương. Tôi cũng làm như vậy sau khi được đưa từ bệnh viện về đồn công an ngày hôm đó, vì tóc tôi rối bù khi cảnh sát khiêng tôi ra vào bệnh viện. Tuy nhiên, bàn tay của người phụ nữ lại nhợt nhạt và mũm mĩm hơn bàn tay của tôi.
Tôi trở nên bối rối và không chắc người phụ nữ trong video là tôi hay không. Thẩm phán không đề cập gì về đoạn video và hỏi tôi một số câu hỏi khác. Trước khi kết thúc phiên tòa, bà ấy hỏi tôi có muốn nói gì không. Tôi nói tôi muốn thuê một luật sư.
Sau phiên xét xử, tôi nghĩ lại từng chi tiết và nhận ra đoạn video đó là ngụy tạo nhằm vu khống tôi đã nhận tội và người phụ nữ trong video chắc chắn không phải là tôi. Tôi cũng nhớ rõ mình bị cưỡng chế lấy dấu vân tay vào một biên bản thẩm vấn dài một trang rưỡi ở đồn công an, nhưng tôi không ký tên. Vì vậy, tôi từ chối ký vào các giấy tờ thủ tục của tòa án khi lính canh đưa cho tôi vài ngày sau đó.
Trong phiên tòa tái thẩm lần thứ hai vào ngày 2 tháng 11 năm 2020, tôi tự bào chữa vì gia đình không tìm được luật sư đại diện. Công tố viên tiếp tục đưa ra những bằng chứng ngụy tạo tương tự, và không cho phép tôi nói. Bất cứ khi nào tôi cố gắng nói, thẩm phán lại buộc tội tôi nói quá nhanh và ngắt lời tôi.
Công tố viên đề nghị mức án từ 8 đến 9 năm tù dành cho tôi và thẩm phán lại kết án tôi 4 năm tù vào cuối phiên tòa thứ hai.
Tôi nhận giấy bút từ lính canh để viết đơn kháng cáo, nhưng cuối cùng từ bỏ vì tôi cảm thấy vô vọng mỗi khi nghĩ đến việc thẩm phán vẫn kết án tôi trong khi rõ ràng là cảnh sát đã bịa đặt bằng chứng chống lại tôi.
Quyền nộp đơn kiến nghị bị bác bỏ
Tôi hối hận vì quyết định không kháng cáo của mình khi nghe thấy một tù nhân cùng phòng nói rằng việc từ bỏ kháng cáo tương đương với nhận tội. Sau đó, tôi xin lính canh một cây bút và một tờ giấy để viết đơn đề nghị xem xét lại vụ án của tôi. Lính canh hỏi tại sao tôi không nộp đơn kháng cáo ngay từ đầu và tôi nói mình bị trễ thời hạn gửi đơn kháng cáo.
Cô ta không đưa cho tôi gì cả, mà nói dối rằng tù nhân không được phép viết kiến nghị tại trại tạm giam. Cô ta nói tôi có thể viết khi vào nhà tù.
Tháng 2 năm 2021, tôi bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông. Tôi mang theo 2 bản án, nhưng lính canh tịch thu chúng. Họ cũng yêu cầu tôi phải thừa nhận mình là tội phạm trước khi được phép viết đơn đề nghị xem xét lại vụ án. Dĩ nhiên tôi không thừa nhận mình vi phạm bất kỳ luật nào, do đó tôi không thể viết bản kiến nghị.
Không nhận tội
Lính canh thay phiên nhau nói chuyện với tôi và ghi lại những gì tôi nói. Lính canh phụ trách buồng giam đe dọa sẽ trừng phạt tôi, vì tôi đã bị nghiêm quản 3 lần trong trại tạm giam.
Có lần, tôi từ chối tập thể dục theo yêu cầu và lính canh rút ra dùi cui điện của cô ấy. Chiếc dùi cui đột nhiên bị gãy và các bộ phận của nó văng khắp nơi. Cô ấy choáng váng và xấu hổ. Cô ấy nhặt chúng lên và không yêu cầu tôi học thuộc nội quy nhà tù hay làm những việc mà các tù nhân khác yêu cầu. Thái độ của cô ấy đối với tôi cũng được cải thiện. Sau đó cô ấy được chuyển đi.
Khoảng 1 tháng sau khi vào tù, tôi bị chuyển đến Khu 11, nơi được tái chỉ định để bức hại các học viên Pháp Luân Công kiên định. Tôi bị giam trong một căn phòng nhỏ chỉ có một chiếc giường nhỏ và một chiếc ghế đẩu nhỏ. Hai tù nhân được phân công trông chừng tôi và họ yêu cầu tôi ngồi yên trên ghế. Họ cũng cố gắng ép tôi ký và lấy dấu vân tay vào những bản cam kết mà họ đã chuẩn bị để bắt tôi từ bỏ Pháp Luân Công. Tôi từ chối, và họ cử thêm vài người đến giữ tôi lại. Họ lấy dấu vân tay của tôi và tôi nói hoàn toàn không thừa nhận những tuyên bố đó.
Biệt giam trong 47 ngày
Để mua nhu yếu phẩm hàng ngày hoặc sử dụng nhà vệ sinh, tù nhân phải thừa nhận họ là tội phạm trong đơn yêu cầu.
Tôi từ chối viết những yêu cầu như vậy và bị biệt giam trong 47 ngày, trong thời gian đó tôi không được phép tắm rửa. Để không phải đi vệ sinh, hàng ngày tôi uống rất ít nước, nhưng lại không hề cảm thấy khát.
Có hôm, tôi không hề sử dụng nhà vệ sinh. Hai tù nhân theo dõi tôi trở nên bất an, và nói tôi có thể sử dụng nhà vệ sinh. Tôi nói không cần, và họ cảnh báo tôi có thể bị nhiễm trùng huyết nếu nhịn tiểu quá lâu. Tôi vẫn từ chối sử dụng nhà vệ sinh như một cách để phản đối. Cuối cùng, lính canh phụ trách cho phép tôi đi vệ sinh 3 lần mỗi ngày.
Khi tôi kiên định với đức tin của mình, lính canh chỉ định phản đồ Tống Xuân Mai để “chuyển hóa” tôi. Tống ngày nào cũng phát những video phỉ báng Pháp Luân Công. Tôi từ chối xem, và bà ta túm tóc tôi, cố quay đầu tôi về phía màn hình. Bà ta cũng hỏi tôi, nhưng tôi phớt lờ bà ta. Sau đó bà ta cấm tôi sử dụng nhà vệ sinh. Khi tôi nói lính canh cho tôi đi vệ sinh 3 lần mỗi ngày, bà ta trả lời rằng tôi phải nhịn tiểu cho đến khi trả lời các câu hỏi của bà ta.
Khi Tống không thể khiến tôi từ bỏ đức tin, lính canh yêu cầu một người phụ nữ cao lớn “dạy cho tôi một bài học”. Người phụ nữ này túm lấy cổ áo tôi, kéo tôi vào một căn phòng biệt lập. Tôi trốn tránh bằng cách nói cần sử dụng nhà vệ sinh trước.
Chiến thuật mới không có hiệu quả với tôi
Một tháng sau, 2 tù nhân được giao nhiệm vụ theo dõi tôi nghĩ ra thủ đoạn tra tấn mới. Họ dán một bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Công viết sẵn lên lưng tôi, sau đó vặn cánh tay phải của tôi ra sau lưng để lấy dấu vân tay lên bản tuyên bố đó. Tôi hét lên đau đớn và họ tăng âm lượng TV, đóng cửa sổ và nhét giẻ lau sàn vào miệng tôi. Họ còn dùng ngón tay bịt lỗ mũi của tôi.
Họ làm điều này với tôi 2 lần mỗi ngày trong 1 tuần liên tiếp. Mặc dù mỗi lần như vậy tôi đều rất đau đớn, nhưng tôi vẫn kiên định, không bao giờ nhượng bộ trước yêu cầu viết tuyên bố từ bỏ đức tin.
Ngồi trong thời gian dài và cấm ngủ
Lính canh cũng dùng nhiều cách khác nhau để cấm tôi ngủ vào ban đêm. Một chiến thuật được sử dụng là yêu cầu tù nhân trực đêm đánh thức tôi 5 phút 1 lần.
Sau đó, họ ép tôi ngồi trên một chiếc ghế nhỏ suốt cả ngày, nhưng phải đứng vào ban đêm. Sau 1 tháng ngồi như vậy, mông tôi mưng mủ, và cảm giác như bị kim đâm. Trong những ngày cuối cùng của việc tra tấn này, họ chỉ cho tôi ngồi trên một nửa ghế, với 2 người khác ngồi chen bên cạnh tôi. Người thứ 3 dùng chân giữ tôi không bị ngã khỏi ghế.
Một chiến thuật khác là tháo nệm, chỉ để lại ga trải giường vào ban đêm. Tôi được “cho” ngủ nhưng không được phép trở mình. Khi tôi vừa xoay người thì người trực ca đêm lật tôi lại, để nằm nghiêng về bên trái. Vì tôi không được phép luyện công nên khối u dưới nách trái của tôi ngày càng lớn hơn. Ngủ nghiêng bên trái khiến khối u chèn ép, và tôi không thể ngủ được. Người tù giải thích việc cô ấy đẩy tôi sang bên trái là để kiểm tra tôi vào ban đêm, trong khi thực tế đó là cấm ngủ.
Lao động cưỡng bức và lén lút ép dùng thuốc
Có lần, tù nhân trưởng ép tôi uống một bát nước, sau đó tôi nôn hết ra ngoài. Bây giờ nghĩ lại, đó không phải là nước, mà là một loại thuốc dạng lỏng không rõ chủng loại, vì nó có mùi vị khó chịu.
20 ngày trước khi mãn hạn tù, tôi bị chuyển đến khu 14 và bị bắt lao động khổ sai ở đó. Hạn mức công việc tăng lên mỗi ngày. Tôi không được phép tắm nếu không đạt chỉ tiêu.
Ngoài khối u ở nách, bác sỹ nhà tù còn chẩn đoán tôi bị cao huyết áp, ung thư hạch và u mạch máu. Tôi chưa bao giờ được điều trị y tế.
Tại thời điểm tôi được trả tự do vào ngày 15 tháng 9 năm 2021, khối u dưới nách trái lớn bằng kích thước vú của tôi. Chân của tôi cũng không thể di chuyển, và tôi gặp khó khăn khi quay người. May mắn thay, nhờ luyện các bài công pháp và đọc sách Pháp Luân Công, tôi nhanh chóng bình phục và khối u tự biến mất.
Bài liên quan:
Ba cư dân ở tỉnh Sơn Đông bị giữ nguyên mức án khi xét xử lại vì tu luyện Pháp Luân Công
Khu Lai Sơn, tỉnh Sơn Đông: 29 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong vòng 12 tháng
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/9/20/465511.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/24/211471.html
Đăng ngày 12-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.