Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Đài Loan

[MINH HUỆ 21-12-2021] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu! Hơn mười năm trước, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khi học trung học ở Đào Viên. Hồi tưởng lại mọi thứ trên con đường tu luyện của mình, tôi có thể thấy và cảm nhận được sự an bài tỉ mỉ và công phu của Sư phụ. Sau đây, tôi xin chia sẻ trải nghiệm tu luyện của bản thân.

Trở thành một học viên

Trong mắt người khác thì tôi là một cô gái trầm tính. Nhưng khi còn nhỏ, tôi thực sự rất thích võ thuật. Thỉnh thoảng tôi thậm chí còn tưởng tượng đến việc luyện võ ở chùa Thiếu Lâm. Vì thế, khi tôi nghe thấy mẹ tôi, theo lời giới thiệu của một người bạn, sẽ tham dự một hội thảo Pháp Luân Đại Pháp để xem video các bài giảng Pháp của Sư phụ Lý thì tôi rất tò mò và quyết định đi cùng mẹ. Tôi vẫn nhớ rằng Sư phụ rất tốt bụng và dễ gần trong video. Những điều Sư phụ giảng rất sâu sắc và ấn tượng. Đặc biệt khi tôi nghe thấy rằng Chân-Thiện-Nhẫn là đặc tính căn bản nhất của vũ trụ thì tôi cảm thấy an tâm và kiên định. Tôi không còn lo lắng sẽ bị cuốn đi như những người khác trong xã hội đang trượt dốc và quyết tâm trở thành một người tốt hơn chiểu theo nguyên lý này.

Hầu như hàng sáng, bà tôi vẫn thường đến công viên để luyện một loại khí công gì đó. Sau khi tôi nói với bà rằng Pháp Luân Đại Pháp là môn tu luyện tuyệt vời và muốn dạy cho bà, bà tôi đã chăm chỉ học năm bài công pháp. Khi bà đã biết cách tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, bà đều dành thời gian để luyện công và nghe các bài giảng của Sư phụ mỗi ngày. Giờ đây bà tôi đã 87 tuổi, nhưng bà vẫn khỏe mạnh và hoạt bát. Bà thường nói rằng Sư phụ Lý đang giúp bà và chăm sóc cho bà.

Đầu năm nay, bố tôi tham gia cùng chúng tôi. Khi bố mẹ tôi đến Cao Hùng để thăm bà, bà tôi luôn bảo bố tôi luyện công và phát chính niệm cùng bà mỗi khi đến giờ. Điều này đã khích lệ tất cả mọi người đều tinh tấn. Bất cứ khi nào chúng tôi cùng học Pháp và luyện công, tôi đều cảm thấy rất vui. Không chỉ chúng tôi trở nên khỏe mạnh hơn mà chúng tôi còn nhắc nhở lẫn nhau làm tốt trên con đường tu luyện của mình và theo kịp tiến trình Chính Pháp.

Quan niệm người thường và chính niệm

Tôi là chuyên viên phân tích dữ liệu ở một ngân hàng. Sau giờ làm, tôi tham gia hạng mục Đài truyền hình Tân Đường Nhân, từ việc biên soạn và viết bản thảo đến việc thu âm và thậm chí dẫn chương trình truyền hình-điều mà tôi không thể tưởng tượng được trước đây. Đó là vì tôi thường bi quan, sống nội tâm và tự ti. Nhưng đồng tu mà hướng dẫn tôi thì tình cờ lại rất tự tin và quyết đoán, hai đặc điểm mà tôi thiếu. Chị ấy luôn rất kiên nhẫn khi hướng dẫn tôi. Có những lúc tôi muốn bỏ cuộc, nhưng chị ấy không ngừng khích lệ tôi kiên trì làm tiếp bằng những lời nói tích cực. Ngay cả bây giờ, bố mẹ tôi vẫn khó tin rằng một người nhút nhát như tôi lại có thể trở thành người dẫn chương trình trước ống kính máy quay. Nhìn lại, tôi biết đó là an bài công phu của Sư phụ đã khiến tất cả những điều này thành hiện thực. Là một học viên, tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Trước kia, tôi thường lo rằng bạn bè sẽ nhận ra tôi là phát thanh viên trong những video được lưu truyền trên mạng internet, vì tôi biết biểu hiện của tôi vẫn chưa đủ chuyên nghiệp. Hơn nữa, tôi không thoải mái trước ống kính camera. Ngoài ra, mặc một cái váy lạ khiến cơ thể tôi cứng đờ. Tuy nhiên, tôi phát hiện rằng khi tôi điều chỉnh trạng thái tu luyện của mình ổn định hơn thì nội tâm của tôi mạnh mẽ hơn, vì tôi hiểu rằng sứ mệnh của đệ tử Đại Pháp chúng ta là cứu chúng sinh. Nghĩ cho người khác trước là một động lực mạnh mẽ, giống như khi tôi chủ động tham gia các hạng mục giảng chân tướng ở một trường cao đẳng ở Đài Trung. Tôi đã từng là người khá nội tâm, nhưng sau khi tu Đại Pháp, tôi trở nên rất can đảm. Tôi không chỉ dám đến các lớp học khác nhau để giới thiệu về các hoạt động Đại Pháp với các giáo sư trong giờ học mà tôi còn đặt những tấm bảng có thông tin về Đại Pháp trên thảm cỏ của trường và đả tọa cạnh đó sau khi tan học. Bất cứ khi nào có người biết về chân tướng của Đại Pháp và hiểu được những lợi ích, tôi luôn rất xúc động.

Sư phụ giảng:

“Phật tính của con người là Thiện, biểu hiện từ bi, làm các việc thì trước tiên nghĩ cho người khác, có thể nhẫn chịu thống khổ. Ma tính của con người là ác, biểu hiện sát sinh, trộm cướp, tự tư, tà niệm, khuấy đảo thị phi, phiến động đồn đại, tật đố, độc ác, phát cuồng, lười biếng, loạn luân, v.v.” (Phật tính và ma tính , Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi từng nghĩ việc muốn nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt là điều khá tự nhiên, vì thế tôi đã lãng phí rất nhiều thời gian rảnh của mình. Sau đó tôi nhận ra tầm quan trọng của chính niệm và quyết định không ôm giữ tâm an dật của mình mãi. Tôi thường phải đến đài truyền hình để trang điểm và đọc bản tin sau giờ làm. Thường đến tận nửa đêm khi chương trình phát sóng kết thúc, tôi phải mất 40 phút mới đạp xe về đến nhà. Thậm chí tôi còn thường nghĩ đến chợp mắt một chút khi dừng ở đèn đỏ. Tôi quá mệt và không muốn luyện công. Tuy nhiên, không luyện công thì tôi lại dễ bị mệt và thấy đầu óc rất khó thanh tỉnh khi phát chính niệm. Tôi thậm chí còn ngủ gật khi học Pháp.

Tôi biết tôi không thể để sự mỏi mệt kéo mình xuống và muốn đột phá cái vòng luẩn quẩn này. Chính niệm trong tâm nhắc nhở tôi rằng luyện công là cách nghỉ ngơi tốt nhất. Dù bận rộn đến đâu, tôi vẫn nên tiếp tục phát chính niệm, luyện công và học Pháp. Tôi quyết định luyện công trước để đầu óc thanh tỉnh. Để không bị buồn ngủ khi học Pháp, tôi hẹn mẹ tôi học Pháp đến tận giờ phát chính niệm. Bằng cách này, ít nhất tôi sẽ không bị buồn ngủ trước khi làm xong bất kỳ việc gì. Mặc dù mới đầu tôi rất mệt, sau một thời gian tôi không còn cảm thấy như vậy nữa và đầu óc tôi trở nên thanh tỉnh sau khi tôi liên tục luyện công và học Pháp. Tôi có thể học Pháp và luyện công với năng lượng lớn. Thậm chí khi phát chính niệm, tôi có thể đạt được trạng thái rất tập trung. Tôi có thể hội sâu sắc về việc kiên định vượt qua gian khổ trân quý như thế nào.

Tôi đề nghị gia đình tôi cùng nhau học Pháp hàng ngày. Chính niệm được thêm vào từ Pháp đã giúp tôi làm tốt hơn nữa với tư cách là một đệ tử Đại Pháp. Tôi dần dần bỏ được những lo âu không cần thiết và không còn nghĩ đến những gì người khác nghĩ về mình. Khi đứng trước ống kính máy quay, biểu hiện của tôi tự nhiên hơn. Sau đó, khi ai đó nhận ra tôi và hỏi: “Chị có phải người dẫn chương trình ‘Thế giới tuyệt vời’ không?” Tôi không còn xấu hổ nữa. Tôi rất vui khi biết rằng họ đã xem chương trình đó. Và tôi thấy vui vì công việc mà mọi người bỏ nhiều công sức thực hiện thực sự ngày càng nhận được nhiều sự chú ý.

Học cách hướng nội

Ở chỗ làm, một số đồng nghiệp của tôi thích tranh luận và điều này gây phiền toái cho tôi. Một người đặc biệt thích chỉ ra những thiếu sót của người khác. Vài lần tôi đã được chọn làm việc cùng anh ấy. Tôi đã giận anh ấy đến nỗi tôi gần như nổ tung sau khi anh ấy lại chỉ trích tôi. Tôi muốn lý sự với anh ta nhưng đã quyết định đi ra ngoài và trấn tĩnh xuống trước. Khi tôi đang nghĩ làm thế nào để phản bác lại anh ấy thì một ý niệm chợt hiện lên: “Đây chẳng phải là tâm tranh đấu sao? Mi đầy những tranh biện. Tâm tranh đấu của mi có khi thậm chí còn mạnh hơn của anh ta!” Tôi cảm thấy khá xấu hổ. Sau đó tôi nhận ra rằng tôi đã không hướng nội như một người tu luyện chân chính.

Khi tôi cố gắng chỉ ra những thiếu sót của anh ta, nó chính xác là vì tôi bị động tâm. Tôi bị sốc rằng là một người tu luyện mà tôi đã không nhận ra điều này. Kể từ đó anh ấy không còn khiến tôi bực mình nữa-cuối cùng, chỉ thông qua tu luyện, người ta mới có thể trở thành một người tốt hơn. Chúng ta đã quá may mắn được trở thành học viên! Sao chúng ta lại vẫn tức giận với người thường kia chứ!

Trong khi học Pháp với gia đình, tôi bị phân tâm và khó chịu khi họ đọc sai hoặc bỏ từ. Nhưng sau khi tôi đã chỉnh cho họ vài lần và họ vẫn mắc những lỗi tương tự, tôi bắt đầu phân vân liệu đây có phải là vấn đề của tôi không. Tôi nhận ra rằng khi học Pháp, tôi đã không hề đặt tâm. Khi nhìn các chữ, tôi có thể nghĩ về một điều gì đó. Và thường lúc đó có người đọc sai. Tôi nhận ra rằng chính trạng thái của tôi đã ảnh hưởng đến toàn bộ trường của nhóm học Pháp.

Sư phụ giảng:

“Đại Pháp là viên dung, ba chữ Chân-Thiện-Nhẫn mà tách ra, thì đều có đầy đủ đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn như nhau, bởi vì vật chất là do vật chất vi quan tổ hợp thành, mà vật chất vi quan lại là do vật chất vi quan hơn tổ hợp thành, mãi cho đến cùng tận. Như thế Chân cũng là Chân-Thiện-Nhẫn cấu thành, Thiện cũng là Chân-Thiện-Nhẫn cấu thành, Nhẫn cũng như thế là Chân-Thiện-Nhẫn cấu thành.” (Nói sơ về Thiện, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Do tôi vẫn còn tâm bất bình, nên Nhẫn của tôi không chỉ thiếu thiện mà còn không chân thành. Tôi nhận ra rằng nếu tôi thực sự muốn nhẫn chịu, tôi cũng phải chân và thiện. Tôi cần đánh giá cao ý kiến của người khác và trân trọng điểm mạnh của họ. Như vậy, tôi sẽ có thể thực sự nhẫn.

Tôi nhận ra rằng mặc dù các thành viên trong gia đình tôi mắc lỗi khi đọc Pháp nhưng họ rất chủ động về việc học Pháp. Mỗi lần tôi mời họ học Pháp thì họ luôn rất hợp tác. Tôi nên viên dung với trường này. Sau khi nghĩ như vậy, tâm tôi không còn động khi nghe thấy lỗi sai nào. Tôi thầm hy vọng họ có thể giải thể can nhiễu. Bản thân tôi cũng cố gắng tập trung vào Pháp. Kể từ đó việc học Pháp của tôi đã đề cao đáng kể.

Thể ngộ của tôi về ngộ

Gần đây, người quản lý của tôi ở chỗ làm đã khiến tôi sốc vài lần. Mới đầu tôi nghĩ rằng anh ta rất bất công vì anh ta mắng nhiếc tôi trong khi không phải là lỗi của tôi. Tôi cảm thấy rằng anh ta rất vô lý. Tôi cũng lo lắng về những điều mà các đồng nghiệp nghĩ về tôi. Sau đó, tôi nhớ điều Sư phụ giảng về chuyển hóa nghiệp lực và đề cao tâm tính trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi bình tĩnh lại và nghĩ: “Cứ để anh ấy trút giận. Mình thực sự không cần lo xem những người khác nghĩ gì vì họ thay đổi ý nghĩ nhanh lắm.” Khi trong mâu thuẫn thì đó chỉ là sự tức giận nhất thời, nó không phản ánh trạng thái lâu dài của anh ta. Các học viên cần phải bảo trì được thiện tâm và không lấy ác trị ác.

Sư phụ giảng:

“Cái ngộ mà tôi đã giảng là ở trong quá trình tu luyện chư vị có thể có chính niệm đối đãi với mọi sự hay không. Câu này của tôi là chính xác để hình dung cái “ngộ” của tu luyện Đại Pháp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Đông Mỹ quốc)

Tôi chưa bao giờ nghĩ giác ngộ có nội hàm như vậy. Nhưng khi tôi đọc được đoạn Pháp này thì tôi cảm thấy khác hẳn. Tôi có thể hiểu được đoạn Pháp đó tốt hơn ở vị trí một người tu luyện-mọi việc là hảo sự và đề cao tâm tính là then chốt. Bất cứ khi nào có điều gì đó không hay xảy ra, liệu chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta là những người tu luyện và đối đãi với vấn đề đó bằng chính niệm không? Nếu chúng ta có thể, chúng ta sẽ ngộ được trên con đường tu luyện. Giờ đây tôi có thể đối diện với cảm xúc của người khác bình tĩnh hơn. Tôi không còn bi quan về mọi thứ hay hạ thấp bản thân mình. Những vấn đề cảm xúc của những người khác giờ đây không ảnh hưởng nhiều đến tôi.

Không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để cứu độ chúng sinh

Tôi biết rằng rất khó để luôn duy trì được chính niệm. Tôi cũng hối hận vì bỏ lỡ vài cơ hội tốt để giảng chân tướng do tâm sợ hãi. Ví dụ, thỉnh thoảng những điều mà đồng nghiệp tôi nói đáng nhẽ rất dễ để tôi giảng chân tướng cho họ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tôi đã dè dặt và lo lắng về việc không thể làm được tốt và cuối cùng thì chẳng nói gì. Sau đó, để bù lại, tôi nghĩ đến việc dùng hình ảnh đại diện cập nhật trên mạng xã hội như một cách chia sẻ về sự thay đổi tích cực cả tâm lẫn thân của tôi sau khi tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp để đồng nghiệp của tôi có thể thấy.

Tôi vẫn nhớ tay tôi run lẩy bẩy khi đăng ảnh mới nhất của tôi và thêm một đoạn ngắn giới thiệu bản thân, vì tôi không biết nó sẽ gợi lên phản ứng gì. Tôi không dám bật điện thoại lên đọc nó trong nhiều giờ. May thay, cuối cùng hiệu quả cũng tốt. Nhiều bạn bè tôi đã để lại lời bình luận tích cực. Một đồng nghiệp mà tôi thường không tiếp xúc đã viết: “Sau khi đọc cẩn thận, sự thật càng được kể đơn giản thì càng xúc động! Tôi ngưỡng mộ sự kiên định và việc tu luyện của chị.”

Sau khi một số đồng nghiệp biết rằng tôi thiền định trong môn Pháp Luân Đại Pháp, thông tin đã được truyền đến tai Phó Chủ tịch. Sau đó vị Phó Chủ tịch đã đề nghị tôi chia sẻ kinh nghiệm thiền định trong một cuộc họp. Trước rất nhiều người, tôi sợ hãi và thấy đầu óc trống rỗng. Vì thế tôi đã kết thúc nhanh chóng mà không nắm lấy cơ hội này.

Trong khi tôi vẫn rất tức giận với bản thân vì đã không nói được với mọi người về Đại Pháp, vị Phó Chủ tịch lại gọi tôi lên lần nữa để chia sẻ thêm. Anh ấy nói ấn tượng của anh ấy về tôi là khác với những người trẻ tuổi khác. Anh ấy có thể cảm nhận được tôi điềm đạm và tường hòa thế nào và anh ấy muốn hiểu xem điều đó đến từ đâu. Người ngồi đối diện tôi bật ra ba từ “Pháp Luân Công” và dường như khích lệ tôi không sợ hãi và nói ra.

Tôi biết đây là một cơ hội khác mà Sư phụ ban cho tôi để truyền rộng Pháp đến các bạn đồng nghiệp. Tôi thu hết can đảm và giới thiệu Pháp Luân Công và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi nói ngắn gọn về những thay đổi của bản thân sau khi tu luyện Đại Pháp. Sau đó, các đồng nghiệp nói với tôi rằng, mặc dù tôi rất run nhưng hiếm khi họ thấy tôi nói nhiều đến thế. Mọi người lắng nghe rất chăm chú. Tôi rất vui vì tôi đã làm được. Mặc dù tôi không nói được hoàn hảo, nhưng ít nhất nó cũng đem lại hiệu quả.

Sư phụ giảng:

“Giống như [vấn đề] phối hợp hạng mục thời trước đây, người này chủ ý này tốt, người kia chủ ý kia tốt, chư vị thế này cũng không được, thế kia cũng không được, như thế ảnh hưởng đến việc cần làm. Ai thật sự đứng ra làm cũng rất khó khiến mọi người đều hài lòng. Thực hiện tốt hơn, thì đương nhiên là tốt, thực hiện chưa tốt đến thế, thì cũng đừng khiến việc bị trì hoãn.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Điều này đã khích lệ tôi rất nhiều và giúp tôi vượt qua được tâm sợ hãi. Tôi học được rằng chúng ta không nên dừng lại khi có cơ hội cứu người chỉ bởi vì bài diễn thuyết của chúng ta không hoàn hảo. Chúng ta nên làm bất cứ điều gì có thể để không phải hối tiếc. Tôi thường đến một nhà hàng nhỏ để mua ít đồ ăn tối trên đường về nhà sau khi dẫn chương trình xong. Gần đây, chủ nhà hàng hỏi tôi làm việc ở đâu. Ban đầu tôi chỉ nhắc đến công việc ban ngày của mình thôi. Tuy nhiên, tôi vẫn còn đồ trang điểm trên mặt và thường xuất hiện cùng khoảng thời gian đó. Ông ấy nói ông nghĩ tôi làm việc bán hàng cho một khu trung tâm mua sắm gần đó. Tôi nghĩ rằng tôi nên nói với ông về công việc của tôi ở NTDTV. Cuối cùng tôi lấy hết can đảm và nói với ông ấy về công việc đó. Sau đó, tôi đưa cho ông ấy một cuốn tạp chí hàng quý của NTD. Tôi cũng giới thiệu một số chương trình được đề cập trong tạp chí đó cho ông ấy.

Tôi rất biết ơn mọi cơ hội bước ra khỏi vùng an toàn của mình trong suốt chặng đường. Mặc dù thỉnh thoảng tôi loanh quanh ở một tầng thứ khá lâu, nhưng Sư phụ từ bi của chúng ta chưa bao giờ bỏ rơi tôi. Sư phụ luôn chăm sóc và điểm hóa cho tôi. Tôi cũng rất biết ơn vì sự giúp đỡ và khích lệ của nhiều đồng tu. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể trân quý mối nhân duyên tiền định này và xứng đáng với danh hiệu đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp.

Tạ ơn Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!

(Bài chia sẻ được đọc ở Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Đài Loan năm 2021)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/21/435123.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/25/197146.html

Đăng ngày 02-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share