Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 30-04-2021] Khi một vài người đến gặp hiệu trưởng trường học của tôi để dò xét thái độ của ông ấy đối với tôi trên tư cách là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, ông ấy đã nói rằng: “Cô ấy (ám chỉ tôi) là một người thông minh. Xin đừng đề cập đến Pháp Luân Đại Pháp với cô ấy. Các vị không thể cải biến cô ấy được đâu”.
Một vị lãnh đạo trong trường nói rằng: “Việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là quyền tự do tín ngưỡng của cô ấy, chúng tôi không quản được. Nếu Pháp Luân Đại Pháp không tốt thử hỏi còn có ai tu luyện chứ?”
Còn một vị lãnh đạo khác thì nói vui với tôi rằng: “Cô vẫn sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi học hàm thôi. Ngay cả khi cô mất toàn bộ số điểm trong phần đầu tiên liên quan tới việc ủng hộ Đảng cộng sản Trung Quốc thì cô vẫn đạt đủ số điểm trong những phần khác”.
Thái độ của những lãnh đạo trong trường đã ảnh hưởng tới những nhân viên khác, các đồng nghiệp của tôi đều rất ủng hộ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Dưới đây là câu chuyện chứng thực Pháp Luân Đại Pháp tại trường học của tôi trong 21 năm qua.
Tôi bắt đầu công việc giảng dạy của mình vào tháng 7 năm 1999. Chỉ nửa tháng sau, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp trên phạm vi toàn quốc. Vào lúc đó, tôi là một học viên Đại Pháp mới và không quen biết bất kỳ học viên nào trong thành phố mới này.
Nhưng bằng cách nào đó, tôi đã đến quảng trường Thiên An Môn một mình. Tôi nhìn lên bầu trời xám xịt và thầm cầu Sư phụ trong tâm: “Sư phụ ơi! Xin hãy giúp con”. Những giọt nước mắt đã lăn dài trên hai má của tôi.
Khởi đầu cuộc bức hại
Ngay khi các lãnh đạo trong trường hay tin tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, họ đã rất lo lắng. Một vị lãnh đạo bị lừa dối bởi tuyên truyền của ĐCSTQ nên đã đổ lỗi cho các học viên trong cuộc thỉnh nguyện ôn hoà vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, cô ấy nói rằng: “Cô không thể đi đến quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện! Cô không thể cứ thích kháng nghị ở đâu là tới đó kháng nghị được”.
“Chúng tôi chỉ muốn phản ánh tình huống đang diễn ra với chính phủ mà thôi”, tôi giải thích.
Nhưng cô ấy vẫn tiếp tục công kích tôi, cô ấy lên giọng giống hệt như tuyên truyền của ĐCSTQ.
Tôi tự nhắc nhở bản thân phải giữ tâm thái bình hoà bằng cách chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi không tranh cãi lại, và trong lúc đó thì các giáo viên khác đã nghe được cuộc nói chuyện ồn ào của chúng tôi và đã đề nghị hiệu trưởng đến để can thiệp.
“Thôi được rồi. Hãy dừng lại ở đây thôi”, hiệu trưởng đến và nói với chúng tôi.
Sau sự việc đó, một nhân viên cảnh sát địa phương thường xuất hiện trong khuôn viên trường tôi. “Tôi đến đây để tìm người này người kia”, anh ấy nói. Một vài giáo viên đã lo lắng cho sự an toàn của tôi. Tôi luôn ghi nhớ những Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp, vì thế tôi luôn thiện đãi với mọi người, bao gồm cả cảnh sát. Cuộc trò chuyện của chúng tôi cũng rất đơn giản.
“Pháp Luân Đại Pháp là tốt và công pháp này đang bị chính quyền bức hại một cách phi lý”, tôi nói.
Viên cảnh sát biết tôi sẽ không thay đổi tâm ý của mình. “Cô cũng biết là nếu hộ khẩu của cô không được chuyển chính thức từ quê cô đến thành phố mới này (việc đăng ký nhân khẩu thường do cảnh sát xử lý), thì cô vẫn chỉ là một nhân viên tạm thời ở đây thôi”, anh ấy nói. “Cô có thể bị mất việc bất cứ lúc nào”.
“Tôi hiểu những áp lực từ các cấp trên chỉ thị xuống mà anh và nhà trường đang phải đối mặt”, tôi trả lời. “Và tôi thực sự cảm kích sự hỗ trợ của anh”.
Sau đó, tôi đã đến quảng trường Thiên An Môn để giăng biểu ngữ, và đã bị giam giữ trong một tuần. Không lâu sau đó, tôi lại bị bắt giữ vì phân phát tài liệu giảng chân tướng trong một khu dân cư của quân đội. Những đồng nghiệp trong trường đã đón tôi về từ trại giam và quản thúc tôi tại gia. Họ đã lấy đi những cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp của tôi và chỉ định một người nào đó ghé thăm tôi mỗi ngày trong căn hộ nhỏ của mình.
Sư phụ giảng:
“Người khác nói chúng ta không tốt, chúng ta có thể để cho họ hiểu được chúng ta tốt thế nào, giảng đạo lý với họ, hoàn toàn dùng mặt thiện“. (Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore [1998])
“Chúng ta giảng thiện tâm, dùng thiện tâm mà đối đãi người khác. Tôi thường hay giảng một câu thế này, tôi nói một người không mang theo bất cứ quan niệm nào của bản thân mà nói với người khác, chỉ ra cho người khác khuyết điểm của họ, hoặc nói với họ gì đó, thì họ sẽ bị cảm động đến rơi lệ”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore [1998])
Tôi ghi nhớ những Pháp lý này trong tâm. Cho dù là ai đến thăm thì tôi vẫn trò chuyện với họ thay vì tránh né họ. Tôi nói với họ về sự mỹ hảo của Pháp Luân Đại Pháp và chia sẻ niềm vui trong tu luyện cũng như những Pháp lý mà tôi thể ngộ được từ Pháp. Sau đó không còn một lãnh đạo nhà trường nào gây khó dễ cho tôi nữa, và họ thường giúp đỡ tôi. Khi họ thấy tôi sống nhờ vào một cây cải bắp trong cả tuần và không mua thực phẩm từ căng tin của trường, họ đã thường xuyên mua đồ tạp hoá mang đến và chúng tôi nấu ăn cùng nhau. Sau khi hiểu đúng về Pháp Luân Đại Pháp, họ đã không còn lo lắng về tôi nữa. Một số người còn hỏi mượn tôi cuốn Chuyển Pháp Luân để đọc. Và nhiều người trong số họ đã bảo vệ tôi khi những người khác hiểu nhầm về đức tin của tôi.
Trở thành một nhân viên toàn thời gian
Sau một thời gian, tôi được phép trở lại giảng dạy như bình thường. Tôi quan tâm đến học sinh của mình và làm việc một cách chăm chỉ. Khi so sánh bản thân với những sinh viên khác mới tốt nghiệp đại học mà gần đây nhà trường đã thuê về giảng dạy, thì hiệu suất công việc của tôi – được đánh giá trên phương diện điểm số của học sinh, vệ sinh phòng học, và nhận xét của các giáo viên khác – đều rất nổi trội.
Vào thời điểm đó, tôi được giao phụ trách lớp học có thành tích kém nhất. Giáo viên chủ nhiệm cũ của lớp là một người giàu kinh nghiệm nhưng đã chuyển đi nơi khác làm việc, và tôi – một sinh viên mới tốt nghiệp đại học – được chỉ định thay vị trí của cô ấy. Tôi đã đặt toàn bộ tâm huyết của mình vào lớp học này. Các em học sinh trong lớp có thể cảm nhận được điều đó và chúng rất kính trọng tôi. Lúc còn đi học, tôi thường có thành tích cao trong học tập, vì thế tôi biết cách làm sao để học tốt và giúp đỡ các em học sinh của mình học tập hiệu quả hơn. Tôi đã dành được tình cảm của các em học sinh nhờ vào điều đó.
Nhưng trong lớp cũng có một học sinh hay gây rối. Cậu ấy thường không làm bài tập về nhà và không chịu ngồi yên trong lớp học. Các giáo viên khác đã báo cáo vấn đề của cậu ấy cho tôi. Tôi đã thử mọi biện pháp, chẳng hạn như khuyến khích cậu ấy làm tốt hơn và đề nghị giúp đỡ thêm, nhưng đều không mang lại hiệu quả. Thay vào đó, cậu ấy còn tát tôi ở trước lớp học. Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi chỉ đơn giản là bỏ qua sự vô lễ của cậu ấy.
Sư phụ giảng:
“Tuy nhiên chúng tôi đã giảng rằng, là một người luyện công, thì cần làm được ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’, dùng tiêu chuẩn cao mà yêu cầu bản thân”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Tôi đã đọc những bài giảng tương tự như vậy mỗi ngày, vì thế tôi có thể đón nhận sự việc này. Tôi biết nếu mình không dừng lại ở đây thì sẽ không tốt cho cả học sinh đó và nhà trường.
“Chúng ta hãy nói chuyện sau giờ học nhé”, tôi nói với cậu ta.
Sau đó, tôi quay sang đối mặt với các học sinh còn lại trong lớp, tất cả đều đang sững sờ, và tôi bảo các em rằng mọi việc đều ổn. Tôi đã kết thúc buổi học như dự định.
Sau đó, ban giám hiệu trường đã nghe tin về sự việc này từ những học sinh khác.
“Có phải vì cô tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nên cô đã xử lý sự việc theo cách đó?” Một trong số họ hỏi tôi.
Tôi gật đầu. Tôi giải thích rằng Sư phụ Lý đã giảng: “Thất phu bị nhục, tuốt kiếm tương đấu” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân).Sư phụ cũng đưa ra ví dụ về Hàn Tín, một người có tâm đại nhẫn. Nếu tôi tranh đấu với một học sinh, thì những học sinh khác sẽ theo đó mà học. Nhưng nếu tôi dùng thiện tâm và khoan dung để đáp lại sự vô lễ, thì học sinh sẽ học được những điều tốt đẹp hơn.
Bởi vì tôi đã cư xử như một học viên chân chính nên mọi việc diễn ra rất thuận lợi. Tôi đã trở thành một nhân viên toàn thời gian giống như các giáo viên khác, hộ khẩu của tôi cũng được chuyển về thành phố mới mà không gặp rắc rối nào, và tôi được nhận các đãi ngộ trong công việc giống như những người khác.
Bên trong trại lao động cưỡng bức
Tuy nhiên, tôi đã tu luyện chưa đủ tinh tấn. Tôi không học Pháp đủ, thiếu minh xác đối với các Pháp lý, và ít khi phát chính niệm. Mặc dù tôi kiên định tín tâm vào tu luyện, nhưng tôi vẫn thường dùng nhân tâm để làm các việc. Sau đó, con của tôi đã nằm mơ thấy một chiếc thuyền bị thủng và tôi bị rơi xuống nước.
Không lâu sau đó, tôi bị bắt giữ và bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức. Bởi vì tôi kiên định tín tâm vào Pháp Luân Đại Pháp, nên tôi đã bị biệt giam và có một số tù nhân được chỉ định giám sát tôi. Tuy nhiên tôi đã báo cáo các hình thức mà họ ngược đãi tôi bằng cách gửi các lá thư khiếu nại vào hòm thư tố giác. Các quan chức cấp cao hơn đã điều tra khiếu nại của tôi và sau đó khiển trách cũng như giáng chức đội trưởng đội lính canh.
Sau đó tôi bị chuyển đến Đội đào tạo chuyên sâu, nhưng tôi vẫn cố gắng báo cáo các vụ việc ngược đãi học viên thông qua hòm thư tố giác. Những tù nhân được chỉ định giám sát tôi thường ngăn cản tôi bằng cách đẩy tôi ngã xuống sàn và bịt miệng tôi bằng một chiếc khăn (họ thường lúc nào cũng mang theo những chiếc khăn để bịt miệng các học viên).
“Những lá thư chị viết thực sự có hiệu quả”, một lính canh từng bí mật nói với tôi như vậy.
Trong một khoảng thời gian, phó đội trưởng phụ trách đội đào tạo chuyên sâu liên tục đề nghị tôi viết một lá thư cho trường. Vào lúc đó, hiệu trưởng trường đã bị một người mới thay thế và tôi không quan tâm đến việc giữ lại công việc của mình khi đang bị giam giữ trong trại lao động. Tôi chỉ tập trung vào việc duy trì chính niệm và bước đi cho chính mỗi ngày. Thêm vào đó, tôi không biết nên viết điều gì cho trường cả.
Nếu tôi viết về Pháp Luân Đại Pháp, viết về cuộc bức hại và về trại lao động cưỡng bức, thì bức thư của tôi sẽ không bao giờ có thể gửi được ra khỏi trại lao động. Và ngay cả khi nó được gửi ra ngoài thì liệu các lãnh đạo trong trường có dám đọc và thảo luận lá thư của tôi một cách công khai để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với tôi không? Tôi có thể viết một lá thư chúc mừng, nhưng điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn. Tuy vậy, vì phó đội trưởng đã thiện ý nhắc nhở tôi nên tôi nghĩ mình không nên từ chối anh ấy. Là một đệ tử Đại Pháp, tôi cần chứng thực Pháp bằng chính niệm, lý trí và trí huệ. Tôi không nên kể khổ hoặc truy cầu sự đồng cảm trong bức thư của mình.
Sư phụ giảng:
“Pháp môn này của chúng tôi, [đối với] bộ phận tu luyện này nơi người thường, yêu cầu là tu luyện tại xã hội người thường, [cần] duy trì đến mức độ tối đa sao cho giống với người thường”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Có Pháp ở trong tâm, tôi đã hạ bút viết một bức thư chân thành:
“Sau một thời gian dài bị chia cách với các học sinh, tôi thực sự rất nhớ các em. Tôi yêu công việc của mình và rất biết ơn sự hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường. Tôi cảm thấy rất buồn vì tuy chúng ta giống như một gia đình trong trường nhưng tôi lại không thể ngồi uống trà cùng các bạn. Tôi thực sự hy vọng những người quen biết tôi trong trường có thể nói vài lời công đạo cho tôi – vì nếu không có các bạn thì tôi còn có thể trông cậy vào ai?
“Mọi người cũng xin hãy nhớ rằng, bất kể tôi đang ở đâu hay chuyện gì đã xảy ra với tôi, với cương vị là một giáo viên thì tôi sẽ bảo trì sự chính trực, trung thực và kiên trì. Tôi sẽ không bán rẻ lương tâm mình và bẻ cong các nguyên tắc của bản thân để làm hài lòng người khác, tôi cũng sẽ không phản bội lại niềm tin mà các vị lãnh đạo và các giáo viên khác đã đặt vào tôi. Tôi sẽ sống trung thực, ngay cả khi điều đó có nghĩa là hiện tại tôi phải chịu đựng một chút thống khổ. Điều đó hoàn toàn xứng đáng, bởi sau khi giai đoạn này kết thúc thì các lãnh đạo nhà trường cũng như giáo viên sẽ thấy rằng việc giúp đỡ tôi là đúng đắn”.
Vài ngày sau, tôi nhận được thông báo rằng lá thư của tôi đã được gửi đi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm bởi tôi biết chính niệm vững chắc như kim cương của một đệ tử Đại Pháp có thể giải thể các nhân tố tà ác và quy chính nhân tâm. Sau đó em gái tôi đã gọi điện và nói cho tôi biết rằng hiệu trưởng trường học đã đề nghị trả cho tôi một phần lương hàng tháng. Tôi ngăn em ấy lại và nói rằng chúng tôi có thể thảo luận chuyện này sau khi tôi được thả.
“Chuyện gì đã xảy ra vậy? Lãnh đạo của cô đang trả tiền cho cô ư?”, một nhân viên cảnh sát đang lắng nghe cuộc hội thoại của chúng tôi đã hỏi tôi khi cô ấy tháo tai nghe ra.
“Hiện tại tôi không muốn nghĩ nhiều về việc này”, tôi trả lời. “Tôi cần phải ra khỏi đây trước đã. Ai biết được chuyện gì đã xảy ra”. Tôi nói vậy bởi tôi không muốn đặt trường học của mình hay lãnh đạo trường vào rắc rối.
Viên cảnh sát gật đầu. Cô ấy đã thấy quá nhiều trường hợp lãnh đạo nơi công tác của các học viên đến trại lao động để sa thải họ.
Sau đó tôi biết được rằng, sau khi nhận được lá thư của tôi, các lãnh đạo trường đã đưa nó cho những người khác trong cuộc họp đảng ủy, bởi lá thư đề cập đến Pháp Luân Đại Pháp nên họ không được phép trực tiếp thảo luận về nó. Vì họ không thể giúp được tôi nhiều nên họ đã đưa ra quyết định rằng ít nhất sẽ trả cho tôi một phần lương. Qua sự việc này tôi nhận thấy khi một học viên bước đi chân chính trên con đường tu luyện thì hoàn cảnh xung quanh cũng sẽ cải biến.
Khi tôi được thả khỏi trại lao động, một cảnh sát tiễn tôi ra ngoài đã nói rằng: “Có lẽ cô có thể làm một gia sư. Ít nhất thì cô cũng kiếm được một chút tiền”. Cô ấy không tin rằng tôi sẽ giữ lại được công việc của mình. Tôi cảm ơn thiện ý của cô ấy. Lúc đó trong đầu tôi đang nhẩm bài thơ “Chính Niệm Chính Hành” của Sư phụ:
“Đại giác bất uý khổ
Ý chí kim cương chú
Sinh tử vô chấp trước
Thản đãng Chính Pháp lộ”. (Chính Niệm Chính Hành, Hồng Ngâm II)
Diễn nghĩa:
“Đại Giác không sợ khổ
Ý chí kim cương đúc
Không chấp vào sinh tử
Thanh thản Chính Pháp lộ”. (Chính Niệm Chính Hành, Hồng Ngâm II)
Vào lúc đó, tôi đã xem nhẹ vấn đề được mất trong công việc của mình.
Cũng vào ngày hôm đó, tôi đã gọi điện tới trường học và nói rằng tôi đã quay trở lại. Người trả lời điện thoại của tôi chỉ nói một câu: “Vậy thì tốt rồi, sau đó hãy quay lại làm việc nhé”.
Quan tâm đến người khác và tạo dựng chỗ đứng trong công việc
Tôi đã trở lại văn phòng làm việc hai ngày sau khi được thả khỏi trại lao động. Tôi hầu như không quen bất kỳ người nào trong số những lãnh đạo và giáo viên mới. Dường như có một rào cản giữa họ và tôi. Mỗi người đều giữ khoảng cách với tôi. Trước đây mọi người thường tò mò về Pháp Luân Đại Pháp, nhưng hiện tại họ nói kiểu như: “Dù bạn là ai bạn cũng không thể chống đối đảng”. Bất cứ đề cập nào tới Đại Pháp hoặc những thứ có liên quan đều được xem là vấn đề “nhạy cảm”.
Ngoại trừ công việc và cuộc sống hàng ngày, mọi người dường như đều né tránh chủ đề này. Các lãnh đạo nói rằng làm như vậy là để bảo vệ tôi. Tôi đã không dám bước qua lằn ranh này vì sợ rằng ai đó sẽ báo cáo tôi.
Nhưng mặt khác, tôi cũng biết việc này là không đúng. Sư phụ đã giảng trong bài thơ: “Khoái Giảng”:
“Đại Pháp đồ giảng chân tướng
Khẩu trung lợi kiếm tề phóng
Yết xuyên lạn quỷ hoang ngôn
Trảo khẩn cứu độ khoái giảng”. (Khoái Giảng, Hồng Ngâm II)
Tạm dịch:
“Đại Pháp đồ giảng chân tướng
Kiếm sắc trong miệng phóng ra
Đâm toạc vu khống lạn quỷ
Tận dụng cứu độ giảng nhanh”. (Khoái Giảng, Hồng Ngâm II)
Đúng là các lãnh đạo đã giúp đỡ tôi về phương diện tiền lương và công việc. Nhưng trong hoàn cảnh tràn ngập sự tuyên truyền thù hận và công kích Đại Pháp này, cộng thêm đủ loại chính sách bức hại từ bên trên chỉ thị xuống, thì sự ủng hộ của họ đối với các học viên Đại Pháp sẽ bị suy giảm trừ khi tôi bắt đầu thực hiện điều gì đó để thay đổi hoàn cảnh.
Tôi biết rằng là một học viên, tôi nên vượt qua các rào cản và đi giảng chân tướng. Nhưng tôi nên bắt đầu từ đâu? Tôi suy nghĩ việc này và cuối cùng đưa ra quyết định sẽ bắt đầu giảng chân tướng với các lãnh đạo trong trường. Họ cần minh bạch được Pháp Luân Đại Pháp không làm chính trị, việc được thực hành tín ngưỡng là quyền lợi cơ bản của công dân. Một khi họ hiểu những việc mà các học viên đang làm, chẳng hạn như đến Thiên An Môn thỉnh nguyện, là những nỗ lực ôn hoà để tìm kiếm công lý khi toàn bộ các kênh khiếu nại hợp pháp đều đóng lại với chúng tôi, họ sẽ tự mình đưa ra được quyết định.
Nhưng vào thời điểm này, ngay cả các luật sư biện hộ cho các học viên cũng bị bắt giữ, thì liệu còn ai dám công khai tiếp nhận tài liệu chân tướng Pháp Luân Đại Pháp?
Sư phụ giảng:
“… mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Tôi ghi nhớ Pháp lý này trong tâm, và quyết định sẽ cân nhắc hơn đến sự an toàn của các lãnh đạo trong trường. Tôi muốn giảng chân tướng cho họ, nhưng tôi cũng cần bảo hộ họ tránh khỏi sự trừng phạt của ĐCSTQ vì đã bảo vệ các học viên giống như tôi.
Vì thế tôi đã gói một đĩa DVD chứa thông tin chân tướng Pháp Luân Đại Pháp vào bên trong một tờ báo và đi đến văn phòng của một lãnh đạo. Sau khi lịch sự đặt tờ báo trên bàn, tôi sẽ nói: “Thưa anh xx, tôi mang đến cho anh một tờ báo”.
Sau đó tôi sẽ chỉ vào tờ báo và nói: “Xin hãy nhìn tờ báo này. Bởi vì anh là một thành viên trong ban lãnh đạo, tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải cho anh biết điều này. Ngoài ra, xin hãy tin tưởng tôi. Như vậy, anh sẽ biết điều gì đang xảy ra”. Tôi cũng gợi ý cho anh ấy rằng không ai khác có thể biết được tôi đặt một đĩa DVD bên trong tờ báo.
Một lãnh đạo đã nói với tôi: “Cô đừng tuyên truyền Pháp Luân Đại Pháp nữa”. Tôi giải thích rằng tôi làm điều này là vì để có thể sinh tồn. “Trong một hoàn cảnh mà có quá nhiều người hiểu sai về tôi và Pháp Luân Đại Pháp, thật khó khăn để tôi có thể công tác bình thường với các đồng nghiệp”, tôi nói.
Vị lãnh đạo gật đầu đồng ý. Cứ như vậy, tuần tự từng người một, tôi đã tiếp cận được tất cả các lãnh đạo chủ chốt bằng cách đưa cho họ đĩa DVD, ổ USB hoặc những lá thư cá nhân chứa thông tin chân tướng Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đặt vị trí bản thân là người cung cấp cho họ thông tin chân tướng với hy vọng sẽ nghe được phản hồi hoặc lời khuyên từ họ. Vì thế không một ai quay lưng lại với tôi. Việc này giống như một sự thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau. Họ cảm thấy an toàn khi tiếp nhận tài liệu vì họ biết tôi sẽ không nói với bất kỳ ai khác về việc này.
Tôi tiếp tục giữ thái độ trầm mặc khi làm việc, trong khi đó luôn biểu hiện tôn trọng và thiện chí giúp đỡ người khác. Trên bề mặt, mọi người vẫn tiếp tục làm công việc của họ như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng thực chất mọi thứ đã dần dần thay đổi. Các lãnh đạo có thể sử dụng các phương thức hợp pháp khác để giúp đỡ tôi. Điều này bao gồm cả việc thừa nhận những thành tích của tôi trong công việc và tránh đề cập đến những vấn đề về Pháp Luân Đại Pháp trong các cuộc họp. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng nhận thấy điều này.
Thỉnh thoảng, các nhân viên cảnh sát và đặc vụ phòng 610 ghé thăm trường tôi để kiểm tra tình hình của tôi. Ban đầu các lãnh đạo nhà trường không biết xử lý vấn đề này thế nào, bởi họ không chắc liệu tôi có “gây rối” hoặc liệu cuộc bức hại có leo thang hay không. Tôi thường chia sẻ suy nghĩ của mình một cách bình thường với các lãnh đạo: “Trên thực tế, họ (cảnh sát và nhân viên Phòng 610) cũng không biết điều gì đang diễn ra”. Hoặc tôi sẽ khích lệ các lãnh đạo rằng: “Hãy liễu giải đầy đủ về Pháp Luân Đại Pháp thì sẽ dễ dàng xử lý hơn khi cảnh sát ghé thăm”. Thỉnh thoảng, tôi cũng nói với họ bằng tâm kiên định: “Tôi không làm điều gì xấu cả, ngay cả một điều gần như xấu cũng không. Xin hãy tin tưởng ở tôi”. Bằng cách đó, họ đã có được sự tự tin và không còn sợ hãi nữa.
Một số người đã tới gặp hiệu trưởng để dò xét thái độ của ông ấy đối với tôi. Ông ấy nói: “Cô ấy (ám chỉ tôi) là một người thông minh. Xin đừng đề cập đến Pháp Luân Đại Pháp với cô ấy. Các vị không thể cải biến cô ấy được đâu”.
Một số lãnh đạo cũng nói về vấn đề này với nhau. “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng và chúng ta không thể quản được”, một người trong số họ nhận xét. “Nếu Pháp Luân Đại Pháp không tốt thì liệu còn có ai tu luyện chứ?”
Một vài lãnh đạo bậc trung còn nói vui với tôi rằng: “Cô vẫn sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi học hàm thôi. Ngay cả khi cô mất toàn bộ số điểm trong phần đầu tiên liên quan tới việc ủng hộ Đảng cộng sản Trung Quốc thì cô vẫn đạt đủ số điểm trong những phần khác”.
Thái độ của họ thường ảnh hưởng đến nhân viên trong trường. Một số đồng nghiệp đã dám đưa ra những bình luận “không thích hợp” rằng: “Nếu ai đó gây khó dễ cho cô ấy (ám chỉ tôi), tất cả chúng ta sẽ thoái ĐCSTQ!”, một trong số họ nói. “ ĐCSTQ giống như xã hội đen vậy”, một người khác nhận xét.
Những đoạn hội thoại này đều diễn ra trong văn phòng. Dư luận đã thực sự thay đổi.
Trong quá trình này, tôi cũng tặng ổ USB chứa thông tin Đại Pháp cho các đồng nghiệp của mình. Họ rất cảm động trước tín tâm của tôi và cất chúng vào nơi an toàn. Khi có cảnh sát hoặc đặc vụ đến trường để hỏi thăm về tôi, một số đồng nghiệp đã mời họ uống trà và các lãnh đạo mời họ dùng bữa. Một cảnh sát đã nghe được những điều như: “Cô ấy là một giáo viên tốt. Cô ấy sống rất hoà hợp với những người khác và những con của cô ấy cũng rất ưu tú. Chúng tôi không rõ về tình huống Pháp Luân Đại Pháp, chúng tôi chỉ nhận thấy rằng cô ấy làm việc tốt và chúng tôi rất vui khi được làm việc cùng cô ấy”.
Sư phụ giảng:
“Tôi nói với chư vị rằng, hiện nay hết thảy các sinh mệnh ở thế gian này đều đã vì Pháp mà đến. Nếu chư vị muốn khiến họ nhận thức rõ ra điều ấy, thì chư vị hãy giảng chân tướng [cho họ]. Đấy là chiếc chìa khoá vạn năng, là chiếc chìa khoá để khai mở những việc đã bị phong kín lưu lại từ lâu nhưng đang được chúng sinh chờ đợi từ xa xưa lắm rồi.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003, Giảng Pháp tại các nơi IV)
Hiện tại tôi đã có được thể ngộ sâu sắc hơn trong đoạn Pháp này.
Giải cứu các đồng tu
Sau một thời gian, có sự sắp xếp lại và thay đổi cơ cấu ban lãnh đạo. Trong cuộc họp toàn trường đầu tiên của những lãnh đạo mới với khoảng 1000 giáo viên, bí thư đảng uỷ của trường đã có một bài phát biểu và sau đó nhắc đến tên tôi. Tôi có chút lo lắng. Bí thư đảng uỷ và trưởng phòng nhân sự nói rằng họ không biết tôi, nhưng cảnh sát đã năm lần đến trường kể từ khi họ đảm nhiệm chức vụ mới.
“Việc này đã xảy ra nhiều năm rồi”, tôi nói. “Chúng tôi đang thực thi các quyền lợi hợp pháp của mình và chúng tôi là đối tượng bị nhắm đến một cách phi pháp”.
Khi tôi chuẩn bị nói tiếp, cô ấy đã ngăn cản tôi và nói: “Tôi không biết những chuyện này. Nhưng hãy thận trọng”.
Đối diện với những lãnh đạo mới này, trong tâm tôi cảm thấy áp lực rất lớn.
Vì những nỗ lực của tôi trong việc giải cứu các học viên đang bị giam giữ, tôi đã trở thành mục tiêu bị nhắm đến và cảnh sát thường xuyên ghé thăm trường để đe doạ tôi. Một số lãnh đạo cá biệt đã biết được chân tướng Đại Pháp từ tôi và họ không bận tâm. Nhưng những giáo viên khác thì lo lắng trước tần suất xuất hiện thường xuyên của cảnh sát.
“Cô ấy (tức là tôi) hẳn là đã làm điều gì đó phi pháp. Nếu không thì sao cảnh sát lại đến chứ?” một người trong số họ nói. “Cô ấy rất có bản sự và ngay cả một số lãnh đạo đã bị cô ấy lừa rồi”, một người khác thêm vào. Họ cũng nói riêng với các lãnh đạo rằng đừng tin tôi để tránh bị liên đới.
Những ngày đó tôi rất bận rộn và không có thời gian để tâm đến những chuyện này. Một học viên bị giam trong ngục đã bị tra tấn đến mức nguy hiểm tới sinh mệnh. Tôi đã mạo hiểm sự an nguy của bản thân và liên lạc với gia đình của cô ấy nhằm xin tại ngoại để điều trị y tế cho cô, nhưng gia đình cô ấy không ủng hộ. Một vài học viên trẻ tuổi khác cũng bị bắt giữ. Tôi đã nhiều lần đến đồn cảnh sát địa phương để yêu cầu trả tự do cho họ. Tôi cũng liên hệ với đội cảnh sát an ninh của quận (một đơn vị của sở cảnh sát) bằng danh tính thật. Bất chấp nguy hiểm của bản thân, tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ giải cứu các học viên bị giam giữ.
Dần dần, tôi đã công khai nói chuyện với cảnh sát, viết thư cho họ, gọi điện thoại và gửi tài liệu chân tướng cho họ, yêu cầu họ thả các học viên. Họ đã thay đổi và trở nên sẵn sàng tiếp nhận tài liệu. Nhưng một số học viên trẻ đã không rút ra được kinh nghiệm qua lần này. Ngay sau khi được thả, một số học viên lại gặp rắc rối do thiếu các biện pháp bảo mật khi sử dụng điện thoại di động hoặc ứng dụng WeChat. Nói chuyện với những học viên này là cả một quá trình khó khăn và đã cấp cho tôi nhiều cơ hội để đề cao tâm tính của mình.
Sau đó, ngay khi sự việc bắt đầu khởi sắc lên thì một số sự kiện phát sinh đã khiến tôi rơi vào tâm bão. Nếu không nhờ sự từ bi gia trì của Sư phụ thì tôi đã không thể vượt qua được.
Mâu thuẫn
Vào thời điểm đó có rất nhiều tin đồn xung quanh tôi chẳng hạn như: “Cô ấy luôn đi làm muộn”, “Cô ấy về rất sớm”, “Cô ấy bỏ dở lớp học ở giữa chừng”, “Cô ấy không tập trung vào trách nhiệm của mình”, v.v… Chủ nhiệm bộ môn của tôi đã nghe được những lời này và một ngày nọ ông nói với tôi: “Tôi nghĩ tốt hơn hết là cô nên chuyển sang giảng dạy ở một bộ môn khác”. Bộ môn đó đòi hỏi nhiều thời gian và không một ai muốn đến làm việc. Thêm vào đó, việc này chính là giáng chức tôi. Nhưng là một học viên, tôi vẫn quyết định thuận theo sự an bài của Sư phụ.
Có một giáo viên (gọi là “A”) trong trường là một kiểu người sống cô độc. Cô ấy thường nghe những giáo viên khác nói rằng tôi là người tốt. Vì cô ấy xảy ra mâu thuẫn với những người khác nên những giáo viên đang ở cùng ký túc xá với cô ấy đã chuyển ra ngoài sống. Cô ấy khóc lóc và đề nghị tôi đến ở cùng cô ấy một thời gian. Tôi đã đồng ý.
Sau một thời gian, cô ấy đã hỏi tôi về nguyên nhân tôi bỏ dở lớp học.
“Cô không biết việc tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp à?” Tôi nói. “Nó có liên quan đến việc này”.
Tôi cảm thấy ngạc nhiên vì cô ấy không biết việc này. Vì những hiểu nhầm sâu sắc với Pháp Luân Đại Pháp nên cô ấy trở nên rất sợ hãi. Cô ấy đã đến gặp một số lãnh đạo và phàn nàn về tôi. Nhiều người đã nghe được điều đó và cô ấy không bao giờ quay lại ký túc xá nữa. Mặc dù ban đầu tôi đề nghị giúp đỡ cô ấy nhưng cuối cùng tôi lại chẳng làm được gì.
Hai tháng sau khi tôi tình cờ gặp lại A, tôi chào cô ấy như thường lệ. Cô ấy nói rằng mình phải chịu đựng rất nhiều cơn đau do bị thoát vị đĩa đệm và thậm chí phải bò vào nhà tắm. Cô ấy không thể làm được toàn bộ yêu cầu của công việc và vì thế chỉ được trả lương rất thấp. Tôi cảm thấy đồng cảm với cô ấy.
“Cô biết không, tôi đã hỏi vài giáo viên khác trong trường và một trong số họ nói rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt”, cô ấy nói. “Cô có thể lại chuyển đến sống cùng tôi không?”
Tôi cảm thấy do dự, nhưng vì cô ấy thôi thúc nên tôi lại chuyển đến ở cùng cô. Tuy nhiên cô ấy vẫn còn bài xích Đại Pháp. Khi tôi nói với cô những thể hội mà tôi ngộ ra được từ Đại Pháp, dường như cô ấy không hiểu được. Khi chúng tôi thảo luận về ĐCSTQ, cô ấy đã sợ hãi và tiếp tục chuyển ra ngoài sống. Nhưng sau đó cô ấy lại quay về. Việc này đã xảy ra vài lần. Thời gian trôi qua, cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đã cảm thấy thoải mái hơn khi ở cùng tôi.
Tuy nhiên, khi chủ nhiệm của tôi đề nghị tôi tới làm việc ở một bộ môn mới, có hai giáo viên đã ngăn cản. Một trong số đó là A – người đang công tác ở bộ môn này.
Vào ngày đầu tiên tôi đến báo cáo với bộ phận mới, A đã nói rằng: “Cô đến muộn một phút. Việc này hoàn toàn không thể chấp nhận được!” Một giáo viên khác gật đầu tán đồng. Trước khi tôi kịp lên tiếng, A đã chỉ ngón tay vào mặt tôi và đẩy tôi ra khỏi văn phòng. Sau nhiều ngày chịu đựng áp lực và ít học Pháp, tôi trở nên rất yếu đuối và nước mắt đã tràn ra khắp khuôn mặt tôi. Tôi đến gặp chủ nhiệm bộ môn mới. Cô ấy có vẻ ngoài hung dữ. Cô ấy không thèm nhìn tôi hay giải quyết vấn đề. Vì không thể vào được văn phòng nên tôi đã đi xung quanh con đường trong trường trong hoảng loạn, và khóc một cách bất lực. “Thật là khó khăn quá”, tôi nghĩ.
Sư phụ giảng:
“Một khi bước lên con đường tu luyện này, thì cuộc đời từ nay về sau của người ấy, sẽ không có chuyện gì tồn tại ngẫu nhiên đâu. Vì tu luyện là an bài có [trình] tự, thời gian không quá dư giả đến thế, không thể nào có việc gì ngẫu nhiên, đều là an bài rất chặt chẽ”. (Giảng Pháp tại buổi toạ đàm ở New York, Giảng Pháp tại Pháp hội Mỹ quốc [1997])
Nghĩ đến những lời này của Sư phụ, tôi đã tĩnh tâm xuống được một chút.
Ngay sau đó, các nhân viên từ đội cảnh sát an ninh nội địa gọi điện tới và nói rằng họ đang trên đường đến. Họ đến nơi và đi vào phòng bảo vệ. Tôi tuy do dự nhưng cũng đi đến đó, vì nghĩ rằng tôi sẽ dẫn các nhân viên an ninh ra khỏi khuôn viên trường. Ở cửa văn phòng, tôi có thể nghe thấy một giọng nữ đang khóc hết sức rõ ràng: “Cô ấy đã huỷ hoại gia đình tôi, cô ấy bảo chúng tôi thoái ĐCSTQ, và lấy trộm đồ của tôi. Ngoài ra, nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp khác đã tới trường để tìm cô ấy…” Đó chính là giọng của A.
Bằng cách nào đó tôi đã bình tĩnh lại và ngừng khóc. Rốt cuộc thì tôi đã tu luyện Đại Pháp nhiều năm như thế. Tôi biết mình là ai và tại sao tôi lại ở đây. Tôi mở cửa và nhìn thấy A đang ngồi ở giữa và khóc lóc, xung quanh là các nhân viên cảnh sát, đội trưởng đội bảo vệ của trường là B và những người khác. Viên cảnh sát lớn tuổi nét mặt bình thường, còn người cảnh sát trẻ tuổi hơn dường như rất chán nản và liên tục xem điện thoại.
“Cô đang làm gì ở đây? Đi ra ngoài!” B quát lớn. Mặc dù chúng tôi là đồng nghiệp nhưng anh ấy đối xử với tôi giống như với một phạm nhân. Mọi người có thể cảm thấy sự việc này như đang vũ nhục tôi.
Nghĩ tới Pháp lý Sư phụ giảng về tâm đại Nhẫn, tôi biết áp lực này không thể ảnh hưởng đến tôi và chỉ có tác dụng giúp tôi tu xuất từ bi, khoan dung, và tâm bất động như kim cương.
Tôi mỉm cười và nói: “Ồ tôi chỉ muốn đến xem cảnh sát còn ở đây không. Tôi muốn đi cùng họ ra ngoài khuôn viên trường. Không sao cả, xin lỗi vì đã làm phiền các anh”. Tôi quay người và bước ra ngoài.
Viên cảnh sát trẻ đi theo tôi ra ngoài và nói: “Đừng lo lắng về việc này. Chúng tôi không tin những gì cô ta nói đâu. Tại sao cô không quay lại và nói điều gì đó?”
Tôi nhìn khuôn mặt trẻ tuổi của cậu ấy và nói một cách chân thành: “Không sao cả, cảm ơn anh”.
“Chúng ta quen biết nhau đã lâu. Tôi hiểu rất rõ về con người cô. Có lẽ cô nên quay lại và nói một vài lời”, anh ấy tiếp tục nói.
Tôi nhận thấy thiện ý của anh ấy, vì không muốn từ chối anh nên tôi đã quay lại phòng bảo vệ cùng anh ấy.
“Cô còn muốn nói điều gì không?” viên cảnh sát hỏi.
“Tôi không thực sự muốn nói gì cả”, tôi trả lời. “Nếu các anh cần bất cứ thông tin gì từ tôi thì hãy cho tôi biết. Mọi thứ đều ổn và tôi cũng thế”. Sau đó tôi rời đi..
Tôi cảm thấy mình như đang ở trong tâm bão. Mọi thứ trong cuộc đời tôi đã bị bể nát, chưa kể đến cú đâm sau lưng của A. Nhưng tôi không bận tâm đến việc biện giải cho bản thân. “Tôi làm sao có thể làm tổn thương A đây?” tôi nghĩ. Nếu cô ấy nói những lời bất hảo về tôi và tôi cũng nói lời bất hảo về cô ấy thì tôi không còn là một học viên nữa.
Một lát sau, A trở lại văn phòng mà chúng tôi làm việc chung. Cô ấy nhìn tôi một cách thận trọng. Bởi cô ấy đã nói những lời vu khống hãm hại tôi, nên nội tâm cô ấy hoảng loạn và thậm chí còn vô tình làm rơi hộp cơm của mình xuống sàn, khiến một đống thức ăn vương vãi khắp nơi.
Trong nhiều ngày sau đó, tôi đã không đi tìm các lãnh đạo trường. Các nhân viên cảnh sát cũng không quay trở lại nữa. Không một ai hỏi đến những lời phàn nàn của A. Ở trong tâm cơn bão, con đường duy nhất dành cho tôi đó là chính niệm chính hành. Là một đệ tử Đại Pháp, tôi biết tôi nên nghiêm khắc yêu cầu bản thân theo tiêu chuẩn cao. Vì thế tôi đã không nói với ai về việc này. Tôi chỉ ngồi ở bàn làm việc và tập trung hướng nội. Mỗi khi tôi xác định được một tâm chấp trước, tôi sẽ viết nó ra, đào sâu nó và tu khứ nó. Tôi cũng nhắc nhở bản thân phải tu Nhẫn. Các học viên chúng ta chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và tôi không thể thiếu đi bất kỳ nguyên lý nào. Trên bề mặt tôi tỏ ra bình tĩnh nhưng trong tâm tôi cảm thấy đau đớn như bị dao cắt. Tôi biết mình đã tu luyện được tốt và rằng đây chính là cơ hội để tôi đề cao từng chút một. Con xin cảm tạ Sư phụ đã an bài cho con cơ hội đề cao này.
Hướng nội tìm ra những thiếu sót
Là một học viên, tôi biết những việc này xảy ra phải có nguyên nhân và tôi nên hướng nội tìm ra sơ hở trong tu luyện của mình. Tôi tìm ra được hai nguyên nhân chính đó là: nhiệt tâm và không tu khẩu.
Gia đình A có rất nhiều mâu thuẫn. Mặc dù A đứng tên ba căn hộ, nhưng cô ấy không cho con gái và con rể ở bất kỳ căn nào, mà buộc họ phải đi thuê nhà. Kết quả là nhiều mâu thuẫn gia đình xảy ra, con gái cô ấy đã bị trầm cảm sau sinh. Cháu phải nằm viện, công việc bị ảnh hưởng và thường xuyên xảy ra tranh cãi với chồng. Cuộc chiến giữa hai vợ chồng cháu căng thẳng và xảy ra thường xuyên đến nỗi phải nhiều lần nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát để hoà giải. Nhiều đồng nghiệp cười hả hê trước rắc rối của gia đình A, thậm chí một số người còn động viên A tranh đấu với con gái mình.
Tôi đồng cảm với con gái của A và cảm thấy đáng tiếc cho hai vợ chồng cháu. Hết lần này đến lần khác tôi thúc giục A hãy để cho con gái ở một căn hộ và hỗ trợ vợ chồng cháu về mặt tài chính. Tôi cũng cảm thấy lo lắng nếu hai vợ chồng cháu ly hôn. Khi tôi nói điều này rất thường xuyên và đổ lỗi cho A vì sự ích kỷ, cô ấy sẽ tranh luận với tôi và oán hận tôi vì can thiệp vào chuyện đời tư của gia đình cô ấy. Vì thế hành vi gần đây của cô ấy có lẽ là đang trút cơn giận dữ đã tích tụ lại theo thời gian.
Sư phụ giảng:
“Tôi giảng cho mọi người: giữa người với người mà phát sinh mâu thuẫn, vị kia đá người ta một cước, vị này đấm người ta một quyền, thì có thể là trước đây người kia nợ vị ấy, nay hai người tính sổ [với nhau]. Nếu chư vị xử lý vào, thì giữa họ không kết được, phải đợi đến sau này làm lại. Tức là chư vị không thấy được quan hệ nhân duyên, dễ làm điều xấu, từ đó tổn đức”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Tôi viết đoạn Pháp này ra và tu khứ nhân tâm để đề cao bản thân. Đồng thời tôi cũng xin lỗi A và nói rằng tôi đã hành xử không đúng và tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn. Vì thế cô ấy cũng cảm thấy an tâm hơn.
Khoảng một tháng sau, thái độ của A đã thay đổi. Cô ấy kể với tôi rằng nguyên nhân cô ấy buộc tội tôi với cảnh sát là do một lãnh đạo trong trường muốn sa thải tôi. “Tôi đã lo lắng về việc cô sẽ kháng cự và nói những điều bất hảo về tôi trước mặt những lãnh đạo khác hoặc dùng các phương thức khác để trả thù. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó, cô chỉ ngồi xuống bàn và viết thứ gì đó”, cô ấy giải thích. “Tôi cũng quan sát thấy những gì cô viết đều là tu tâm, tu Nhẫn, vì thế tôi biết cô là một người tốt”.
Sau đó tôi đã đưa cô ấy xem những lời giảng của Sư phụ:
“Ví như cá nhân kia đi đến đơn vị [công tác], liền nhận thấy không khí tại đơn vị rất không bình thường. Sau đó có người bảo rằng: một người kia đã công khai nói xấu chư vị, tố cáo chư vị với lãnh đạo, làm chư vị rất mất mặt. Những người khác đều nhìn chư vị với cặp mắt kỳ dị. Người bình thường đâu chịu nhịn việc này? Làm sao nén nổi tức giận đây? “Hắn chơi tôi, [thì] tôi chơi hắn. Hắn có người [ủng hộ], tôi cũng có người [ủng hộ]; xử lý nhau thôi.” Ở nơi người thường, [nếu] làm thế, thì người thường sẽ nói chư vị là người mạnh mẽ. Tuy nhiên là một người luyện công, thì như thế là quá dở.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
A đã mỉm cười nhẹ nhõm. “Tôi thực sự thích điều này”, cô ấy nói.
Cô cũng nói rằng khi cảnh sát đến trường ngày hôm đó, cô ấy đã nghĩ rằng họ sẽ bắt giữ các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Nhưng người cảnh sát lớn tuổi đã nói với cô ấy: “Họ (các học viên) là những người tốt. Chúng tôi sẽ không làm hại họ. Tuy cô ấy khuyên cô thoái ĐCSTQ, nhưng nếu cô không muốn thì cô ấy cũng sẽ không làm gì ảnh hưởng đến cô cả”.
Sau khi A thay đổi, cô ấy đã lấy lại cuốn Chuyển Pháp Luân của tôi từ chỗ của B và cất giữ nó cho tôi. Cô ấy cũng lo lắng cho sự an toàn của tôi.
Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ từ bi đã dụng tâm an bài cho tôi cơ hội này để qua đó tôi nhận ra những chấp trước của mình. Tình huống trước kia là các lãnh đạo trong trường luôn giúp đỡ tôi hoá giải nguy nan với cảnh sát. Còn lần này lại là các nhân viên cảnh sát giúp tôi hoá giải mâu thuẫn với nhà trường. Và điều này xảy ra là bởi tôi đã giảng chân tướng cho họ trong khi giải cứu các học viên khác. Đồng thời, tôi đã có suy nghĩ rằng bộ môn mới đòi hỏi nhiều thời gian hơn trong khi thực tế là nó lại có lịch trình làm việc linh động hơn.
Hai lá thư
Sau đó A đã viết một lá thư cho các lãnh đạo trong trường. Trong đó có một phần nội dung như sau: “Lần đầu tiên tôi quen biết cô ấy (ám chỉ tôi), tôi đã sợ hãi và nhiều lần kiểm tra thông tin của cô ấy với các lãnh đạo. Nhưng sau đó tôi lại cảm thấy thật may mắn khi có cơ duyên quen biết cô. Cô ấy không hề tranh đấu vì bất kỳ điều gì. Cô ấy chỉ muốn trở thành một người lương thiện. Giờ đây tôi đã hiểu được tại sao các nhà trí thức, bao gồm cả các giáo sư đại học sẽ không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cho dù họ bị cầm tù. Đó là bởi các nguyên lý được giảng trong Chuyển Pháp Luân đã trở thành một phần tu dưỡng và tinh thần của họ.
Đó là lý do vì sao cô ấy trở nên xuất chúng. Cô ấy đối đãi với học sinh và những người khác rất tốt, và những đứa con của cô ấy cũng vì thế mà trở nên nổi bật. Tôi từng nghĩ rằng cô ấy là một đặc vụ. Nhưng một đặc vụ luôn đặt lợi ích vật chất lên trên tất cả, còn cô ấy lại luôn quan tâm đến người khác. Khi mua đậu phụ, cô ấy chọn một miếng đã gần như hỏng vì bị chua, bởi cô ấy nghĩ rằng nếu cô ấy không mua thì nó sẽ không thể bán được cho ai khác; khi cô ấy bị hãm hại, cô ấy vẫn bình tĩnh và có thể hướng nội tìm bản thân. Cô ấy đã giúp đỡ tất cả mọi người trừ bản thân cô ấy – tôi nghĩ chỉ có những thánh nhân mới có thể làm được những điều như vậy. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi luôn cảm động trước sự thiện lương của cô ấy”.
Cô ấy cũng thường lấy tôi ra làm hình mẫu để giáo dục con gái cô. “Hãy nhìn cô ấy xem (ám chỉ tôi): Bố chồng trước đây của cô ấy là một quan chức cấp cao, nhưng ông nhất định để cô ấy giành được quyền nuôi con (bởi ông biết rõ cô ấy là một người tốt). Con cái của cô ấy đều là những học sinh đứng đầu lớp. Các con hãy nhìn lại mình xem (ám chỉ con gái và con rể của A), các con đã tranh giành quyền nuôi con khi ly hôn”, cô ấy nói. “Cô ấy đã phải chịu đựng quá nhiều khổ nạn vì kiên định đức tin của mình. Cứ hết nhóm lãnh đạo này tới nhóm lãnh đạo khác, mặc dù cô ấy không có quan hệ hay đi hối lộ họ, cô ấy chưa bao giờ thay đổi tín tâm của mình vào Pháp Luân Đại Pháp, và không một lãnh đạo nào làm theo yêu cầu của ĐCSTQ để sa thải cô ấy. Vì sao ư? Đó chính là bởi phẩm hạnh của cô ấy”.
Đến lúc đó, A đã minh bạch rõ ràng chân tướng Pháp Luân Đại Pháp. Cô ấy thường giúp đỡ các học viên và bệnh thoát vị đĩa đệm của cô cũng đã được chữa lành. Cô ấy đã phó xuất nhiều hơn cho gia đình và gia đình cô cũng trở nên hoà thuận. Cô ấy cũng trở thành một người thật thà và giúp đỡ những người vô tội.
Ngẫm lại trước đây, tôi nhận ra vì sao B lại nổi giận với tôi, đó là bởi tôi đã không chủ động giảng chân tướng cho anh ấy. Vì thế tôi đã viết ra toàn bộ sự việc, cùng với chân tướng Đại Pháp trong một bức thư dài chín trang. Tôi đã in ra nhiều bản để gửi cho B và các lãnh đạo khác trong trường. Tôi cảm ơn họ vì đã hỗ trợ tôi và giải thích nguyên nhân vì sao tôi không thể đưa ra được quyết định khi liên tục bị yêu cầu lựa chọn giữa Pháp Luân Đại Pháp và công việc của tôi – đó là bởi lương tâm của tôi cần Đại Pháp, nhưng tôi cũng cần một công việc để nuôi sống bản thân và con mình. Tôi cũng giải thích lý do tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và pháp môn này đã bị bức hại như thế nào. Và tôi cũng nói rằng sự ủng hộ của họ đối với những người lương thiện vô tội sẽ mang lại phúc báo cho họ.
Sau khi tôi viết xong lá thư, tôi tự hỏi nếu các lãnh đạo trong trường gửi lá thư này cho cảnh sát thì sẽ gây ra hậu quả gì. Liệu cảnh sát có chống đỡ nổi áp lực mà đi bắt tôi không? Cuối cùng, tôi biết mình cần phải gửi những lá thư này cho các lãnh đạo. Tôi cảm thấy lá thư này tuy nhẹ tựa lông hồng, nhưng khi nó bay đi thì nó sẽ mang theo lực lượng của Đại Pháp.
Khi lá thư được gửi đi, toàn bộ những tin đồn và lời đàm tiếu về A cũng biến mất. Sự chuyển biến tích cực của cô ấy đã gây ấn tượng với các lãnh đạo và đồng nghiệp trong trường. Còn tôi thì đã ổn định với vị trí công việc hiện tại và tiếp tục làm những gì cần phải làm.
Lời kết
Tôi hoàn toàn minh xác rằng trong suốt những năm qua Sư phụ đang cứu độ chúng sinh. Sư phụ muốn cứu độ những chúng sinh có mối duyên tiền định với tôi, và Ngài nhận thấy tôi còn do dự trên con đường này nên đã an bài những cơ hội để giúp tôi phóng hạ các chấp trước và đẩy tôi về phía trước. Con đường này chỉ có thể bước tiếp chứ không có đường lùi. Sư phụ đã đẩy tôi tiến bước trên con đường tu luyện của mình. Trí huệ và uy đức hồng đại của Sư phụ đã dung luyện các đệ tử Đại Pháp và ban phước lành cho chúng sinh.
Trong 21 năm qua, tôi đã kiên trì chứng thực Pháp và tu luyện bản thân tại đơn vị công tác. Những sự việc mà tôi trải qua đã chứng thực sự vĩ đại của Pháp Luân Đại Pháp và những khát vọng mà chúng sinh mong chờ đối với Pháp Luân Đại Pháp. Dù ban lãnh đạo của trường có thay đổi nhưng tôi chưa bao giờ bị mất công việc của mình. Sự tương tác giữa tôi và cảnh sát cũng khiến họ nhìn rõ ngôn hành chân thực của các học viên Đại Pháp. Không lạ gì khi họ thường nói rằng: “Các học viên Pháp Luân Đại Pháp thực sự có tố chất cao!”
Công việc của tôi cũng giúp tôi trao đổi tốt hơn với các luật sư, nhân viên cảnh sát, và gia đình của các học viên bị giam giữ, bởi họ dễ tiếp nhận thông tin tôi nói khi biết tôi là một giáo viên có thu nhập khá cao và có con học ở một trường đại học danh tiếng.
Tôi sẽ tu luyện tinh tấn và cứu độ nhiều chúng sinh hơn để không cô phụ ơn từ bi cứu độ của Sư phụ.
Trên đây là thể ngộ của bản thân tôi ở tầng thứ sở tại. Nếu có điều gì không phù hợp với Pháp xin các đồng tu từ bi chỉ giúp.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/30/418599.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/2/192143.html
Đăng ngày 02-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.