[MINH HUỆ 17-04-2011] Vào ngày 8 tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo năm 2010 về thực trạng nhân quyền tại Trung Quốc. Bản báo cáo nêu rõ:

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), với dân số xấp xỉ 1,3 tỷ người, là một nhà nước độc tài, trong đó Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo hiến pháp có quyền lực tối cao. Đảng viên nắm giữ hầu hết tất cả các vị trí cấp cao trong quân đội, cảnh sát, và chính phủ”.

“Các khía cạnh chủ chốt về nhân quyền trong nước vẫn tiếp tục đi theo khuynh hướng tiêu cực vì chính phủ đã tiến hành thêm nhiều bước để kiểm soát xã hội dân sự, đặc biệt là các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc vận động cho nhân quyền và các vấn đề công ích, và đã gia tăng nhiều nỗ lực nhằm hạn chế tự do ngôn luận và kiểm soát báo chí, Internet, và truy cập Internet. Các nỗ lực để bịt miệng các nhà hoạt động chính trị và các luật sư hoạt động vì lợi ích cộng đồng đã được đẩy mạnh, và chính phủ tăng cường sử dụng các biện pháp cưỡng chế bao gồm cả bắt cóc, “giam lỏng” và quản thúc tại gia nghiêm ngặt, trong đó bao gồm cả việc quản thúc tại gia các thành viên gia đình, để ngăn chặn việc bày tỏ ý kiến độc lập của công chúng. Nhiều công ty luật nhận bào chữa cho các trường hợp nhạy cảm cũng tiếp tục phải đối mặt với việc bị quấy rối, tước bỏ giấy phép luật sư, và đóng cửa”.

“Các cá nhân và các nhóm, đặc biệt là những đối tượng bị chính phủ coi là nhạy cảm về chính trị, tiếp tục đối mặt với những hạn chế chặt chẽ về quyền tự do hội họp, thực hành tôn giáo, và di chuyển”.

“Cũng như những năm trước, công dân không có quyền thay đổi chính phủ của mình. Những vấn đề nhân quyền cơ bản trong năm gồm: việc giết người không bị đưa ra toà, gồm việc hành quyết không theo đúng thủ tục tố tụng hợp pháp; bắt cóc và biệt giam, trong đó có việc giam giữ kéo dài bất hợp pháp tại các cơ sở không chính thức được biết đến là “nhà tù đen”; tra tấn và ép cung tù nhân, giam giữ và sách nhiễu các nhà báo, nhà văn, nhà bất đồng chính kiến, những người khiếu kiện, và những ai tìm cách thực thi các quyền lợi của mình một cách ôn hoà theo pháp luật; sự thiếu thủ tục hợp pháp trong quá trình tố tụng trước pháp luật, kiểm soát chính trị đối với tòa án và các thẩm phán; xử kín, việc sử dụng quản chế hành chính; hạn chế quyền tự do hội họp, thực hành tôn giáo, và di chuyển; không bảo vệ người tị nạn và những người tìm kiếm nơi ẩn náu; gây áp lực lên các nước khác để ép buộc công dân trở lại Trung Quốc; giám sát chặt chẽ, và hạn chế các tổ chức phi chính phủ (NGOs), phân biệt đối xử đối với phụ nữ, dân tộc thiểu số, và người khuyết tật, chính sách kế hoạch hóa gia đình cưỡng chế, mà trong một số trường hợp dẫn đến việc phá thai hoặc triệt sản bắt buộc; buôn bán người; cấm các tổ chức công đoàn độc lập và thiếu biện pháp bảo vệ quyền đình công của người lao động; và việc sử dụng lao động cưỡng bức, bao gồm cả nhà tù lao động. Nạn tham nhũng vẫn còn lan tràn”.

Báo cáo đề cập đến Pháp Luân Công trong phần “Tôn trọng sự toàn vẹn của con người, bao gồm: Tước bỏ bất hợp pháp hoặc tuỳ tiện mạng sống, bắt cóc, tra tấn và tội ác khác, các hình thức đối xử và hình phạt vô nhân đạo, hoặc hạ thấp nhân phẩm; từ chối xét xử công khai; và can thiệp tuỳ tiện vào sự riêng tư, gia đình, chỗ ở, hay việc trao đổi thư tín”.

Tước bỏ tùy tiện và bất hợp pháp mạng sống

“Vào tháng sáu chính quyền nhà tù Guangxi Litang đã báo cáo về cái chết của ông Zhi vào tháng 4 năm 2009, một học viên Pháp Luân Công đã bị kết án tù tám năm vào năm 2005. Nhà chức trách ở nhà tù Guangxi Litang, nơi nhiều học viên Pháp Luân Công được báo cáo là bị giam cầm, nói nguyên nhân cái chết là “ngã từ trên giường”, nhưng anh trai của ông He tuyên bố đã tìm thấy nhiều vết thương và các vết bầm tím khác trên cơ thể ông He”.

Bắt cóc

“Vào tháng 2 năm 2009 chính quyền đã bắt giữ luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, là người đại diện cho người theo Cơ Đốc giáo và các học viên Pháp Luân Công. Đến cuối năm chỗ ở và tình trạng pháp lý của ông vẫn chưa được biết. Theo các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các báo cáo truyền thông, có người thấy ông ở quê nhà vào tháng Tám năm 2009 dưới sự hộ tống của cảnh sát. Ông Cao đã được nhìn thấy một thời gian ngắn tại Bắc Kinh vào tháng ba và tháng tư, nhưng sau đó lại biến mất một lần nữa”.

Tra tấn và tội ác khác, các hình thức đối xử hay hình phạt vô nhân đạo, hay hạ thấp nhân phẩm

“Có nhiều báo cáo được phổ biến rộng rãi về các nhà hoạt động và dân oan bị đưa vào các cơ sở y tế tâm thần và bị cưỡng ép điều trị tâm thần vì lý do chính trị. Theo China News Weekly, Bộ Công an trực tiếp quản lý 22 bệnh viện tâm thần an ninh cao dành cho tội phạm gây án vì bị tâm thần (còn gọi là cơ sở “An khang”). Từ năm 1998 đến tháng 5 năm 2010, hơn 40.000 người đã bị giam giữ tại các bệnh viện “An khang”. Vào tháng Năm một quan chức của Bộ Công an tuyên bố chính thức trong một cuộc phỏng vấn truyền thông rằng việc giam giữ trong các cơ sở “An khang” không thích hợp cho những bệnh nhân không có biểu hiện hành vi tội phạm. Tuy nhiên, các nhà hoạt động chính trị, những người có tín ngưỡng tôn giáo, người nhiều lần đưa đơn lên chính phủ, các thành viên của Đảng Dân chủ bị cấm tại Trung Quốc (CDP), và những người theo Pháp Luân Công nằm trong số những người bị giam chung với người bệnh tâm thần trong các viện này. Quy định về thẩm quyền đưa một người vào một cơ sở “An khang” của viên chức an ninh là không rõ ràng, và tù nhân không có cơ chế để phản đối cáo buộc của các quan chức anh ninh rằng họ bị mắc bệnh tâm thần. Có báo cáo rằng bệnh nhân trong các bệnh viện này bị tiêm thuốc trái ngược với ý muốn của họ và bị ép buộc phải điều trị bằng phương pháp sốc điện”.

Từ chối xét xử công khai

“Vào Tháng Tư năm 2009 luật sư Trần Hải ở Bắc Kinh bị tấn công và đánh đập khi đang trên đường đến gặp một khách hàng là hoc viên Pháp Luân Công tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Theo ông Trần, những người phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này là các quan chức của Phòng Quản lý chung Jinyang, huyện Vũ Hầu, Thành Đô. ”

Tuỳ ý can thiệp vào đời tư, gia đình, nhà cửa và việc trao đổi thư tín

“Người thân của các nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến, các học viên Pháp Luân Công, các nhà báo, các lãnh tụ tôn giáo chưa đăng ký, cựu tù chính trị là mục tiêu của việc bắt giữ tuỳ tiện, giam giữ và sách nhiễu”.

Báo cáo cũng đề cập tới Pháp Luân Công trong phần “Tôn trọng tự do dân sự, gồm tự do ngôn luận và tự do báo chí; tự do đi lại, thay đổi chỗ ở, bảo vệ người tị nạn và người không có quốc tịch”.

Tự do ngôn luận và báo chí

“Chính quyền sử dụng một loạt các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các Website nhạy cảm đặt ở nước ngoài. Khả năng người sử dụng truy cập vào các website nhạy cảm giữa các thành phố khác nhau là khác nhau. Chính phủ cũng tự động kiểm duyệt email và web chat trên cơ sở một danh sách luôn thay đổi các từ khoá nhạy cảm như “Pháp Luân Công” và “độc lập Tây Tạng”.

Tự do đi lại, thay đổi chỗ ở, bảo vệ người tị nạn và người không quốc tịch

“Luật pháp không cho công dân quyền hồi hương cũng không gửi đi lưu đầy. Chính phủ tiếp tục từ chối cho hồi hương đối với nhiều công dân, những người bị coi là bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động liên quan đến Pháp Luân Công, hoặc “những người gây rối”. Mặc dù một số nhà bất đồng chính kiến sống ở nước ngoài đã được phép trở về, những nhà bất đồng chính kiến được phóng thích vì lý do sức khỏe và được phép rời khỏi đất nước cuối cùng thường bị đầy ải. Những nhà hoạt động định cư ở nước ngoài bị bỏ tù khi họ trở về nước”.

Trong mục về luật nhân quyền áp dụng ở Hồng Kông, bản báo cáo viết:

“Vào tháng 1 chính quyền đã từ chối cấp thị thực cho sáu kỹ thuật viên của một đoàn ca múa nhạc có hợp đồng với Thời báo Đại Kỷ Nguyên (một tổ chức truyền thông có quan hệ chặt chẽ với Pháp Luân Công) để biểu diễn một số buổi tại Hồng Kông. Cục Quản lý Xuất nhập cảnh nói rằng việc từ chối thị thực là theo quy định của pháp luật để bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động địa phương và đoàn này có thể thuê nhân viên có năng lực tại địa phương. Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã hủy bỏ chương trình biểu diễn và yêu cầu xem xét lại tính pháp lý của việc từ chối. Việc kháng nghị này đã được thụ lý, và vụ việc dự kiến được đưa ra tòa vào tháng 1 năm 2011”.

Bản báo cáo có tại: https://www.state.gov/g/drl/rls/hrrpt/2010/eap/154382.htm
________________________________________
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/4/17/124454.html

Đăng ngày 22-04-2011; bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share