Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 05-02-2021] Sư phụ giảng:

“Đệ tử Đại Pháp là hy vọng của nhân loại, mà còn là hy vọng duy nhất. Cứu độ chúng sinh là sứ mệnh của chúng ta, trách nhiệm trọng đại, chỉ có tu luyện tốt tự mình mới có thể làm tốt việc đệ tử Đại Pháp cần phải làm.” (Lời chúc gửi Pháp hội Châu Âu tại Paris [2017])

Đại dịch không thể phong bế tâm cứu người của tôi

Đầu năm 2020 virus Trung Cộng (virus corona) bùng phát trên diện rộng ở Vũ Hán, ở Trung Quốc từ thành phố tới quận huyện khắp nơi đường xá giao thông đều bị phong tỏa. Việc đi lại của người dân đều bị kiểm soát nghiêm ngặt. Lúc này tôi đã tải xuống các tài liệu chân tướng trên trang web Minh Huệ để làm những tờ rơi, thẻ thông tin chân tướng và những tấm áp phích nhỏ tự dính để các đồng tu khác có thể phân phát quanh các khu dân cư hằng ngày. Mỗi khi có việc đi ra ngoài tôi đều phải khai báo ở cổng khu phố và cũng không thể ở ngoài quá lâu nên chồng tôi, dù không phải một học viên nhưng cũng đã giúp tôi giao tài liệu cũng như thẻ nhớ cho các học viên khác.

Nhờ sự an bài từ bi của Sư phụ, tôi đã đột phá những khó khăn này và làm những việc mà một học viên cần phải làm.

Một ngày nọ tôi muốn ra ngoài treo thẻ thông tin chân tướng lên trước cửa nhà trong khu dân cư nhưng tôi lại cảm thấy sợ hãi và không dám đi. Khi tôi nghĩ đến việc này, tim tôi bắt đầu đập loạn còn chân tôi bỗng dưng không còn sức lực. Tôi đã cầu xin Sư phụ gia trì chính niệm cho đệ tử. Tôi cũng phát chính niệm để thanh lý những tà ác và nhân tố bất hảo cản trở tôi cứu độ chúng sinh và diệt trừ tâm sợ hãi. 2 giờ sáng hôm ấy tôi chợt thấy như mình được đánh thức và có một giọng nói vọng tới “Đừng để lỡ mất cơ duyên này.” Tôi ngộ ra rằng chính là Sư phụ đã gia trì cho tôi. Tôi thức dậy và đi ra ngoài để treo tài liệu.

Vài ngày sau nhà hàng xóm đối diện cửa nhà tôi và những hộ khác sống ở tầng dưới gỡ câu đối Tết trước cửa nhà xuống nhưng vẫn giữ lại những tài liệu này trước cửa nhà họ. Và đến bây giờ chúng vẫn nằm ở đó.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Năm 2013, một người bạn cùng lớp con trai tôi nhờ cháu giúp đứng ra đăng ký mở thẻ tín dụng ngân hàng vì cậu ấy bị ngân hàng từ chối cấp thẻ do nợ xấu. Lúc đó tôi không hề biết về thỏa thuận giữa chúng nên con trai tôi đã đăng ký mở thẻ tín dụng bằng căn cước công dân của cháu. Thẻ của cháu được cấp với hạn mức lên tới 300.000 nhân dân tệ (xấp xỉ 46.500 đô la Mỹ). Mỗi tháng cậu ấy dùng thẻ và trả cho con trai tôi một chút tiền nhưng rất nhanh sau đó cậu ta không chịu trả nữa. Con trai tôi đi tìm và thậm chí đến tận nhà cậu ấy đòi nợ nhưng cũng không thành. Cuối cùng chồng tôi nhận được thông báo từ ngân hàng rằng trong ba ngày tới con trai tôi sẽ bị bắt vì không trả được số tiền nợ tổng cộng 336.000 nhân dân tệ.

Đây quả là cú giáng mạnh xuống gia đình tôi. Điều kiện kinh tế nhà tôi không hề dư dả. Từ trước tới giờ gia đình tôi kinh doanh gì cũng đều bị thua lỗ nên chúng tôi không có bất cứ khoản tiết kiệm nào. Chúng tôi đã vay lãi cao để trả khoản nợ tín dụng này cho con trai. Thế nhưng khi mọi chuyện tưởng như xong xuôi thì một việc khác lại ập tới.

Chồng tôi làm việc trong phòng đặt máy đun nước của một tòa chung cư và hợp đồng làm việc của ông ấy chỉ còn hai ngày nữa sẽ hết hạn. Đêm đó ông chủ dặn ông không cần phải ngủ lại nhưng ông nhất quyết nghỉ lại để sáng hôm sau không phải dậy sớm đi làm.

Sau bữa tối cô cháu gái mới 4 tuổi của tôi cứ chạy lên chạy xuống trong nhà. Chồng tôi lúc đó đang ngồi sử dụng máy tính ở trong phòng khác. Cháu gái chạy tới chỗ tôi hào hứng nói: “Bà ơi, tối nay ông sẽ không ngủ ở chỗ làm nữa mà sẽ ở nhà ạ.” Tôi vui vẻ đáp: “Vậy thì tốt quá.”

Thế nhưng sau 9 giờ đêm hôm đó chồng tôi mặc quần áo chỉnh tề đi ra khỏi nhà nên tôi ngạc nhiên hỏi ông ấy đi đâu mà lại ăn mặc như vậy. Ông ấy nói mình đi làm. Tôi nói: “Sao cháu gái nói với tôi tối nay ông nghỉ ở nhà không đi làm.” Ông nói rằng mình không hề nói vậy rồi đi ra khỏi nhà.

10 phút sau, trong lúc tôi ngồi xem TV cùng con trai và cháu nội thì chuông điện thoại con trai tôi vang lên. Cháu nghe điện thoại và dường như có một chuyện nghiêm trọng vừa xảy ra. Cháu hỏi lại xem người đó có bị làm sao không rồi vội vàng đi ra ngoài. Tôi dự cảm như có chuyện chẳng lành nên hỏi cháu có chuyện gì thì con trai tôi lúc này đã chạy xuống cầu thang và nói vọng lên: “Cha bị tai nạn ô tô rồi.”

Tôi dẫn cháu gái đến quỳ trước Pháp tượng của Sư phụ và cầu xin Sư phụ cứu giúp chồng mình. Sư phụ đã thực sự cứu ông ấy. Tôi tự nhủ trong tâm rằng nếu đó là nghiệp của chồng tôi thì ông ấy sẽ phải trả nhưng tôi hoàn toàn phủ nhận bất cứ an bài nào của cựu thế lực can nhiễu tôi chứng thực Pháp cũng như không cho phép bất cứ trở ngại nào ngăn cản chúng sinh được đắc cứu.

Tôi không biết tình trạng của ông ấy ra sao, liệu có nguy hiểm đến tính mạng không, nên tôi muốn đi cùng cháu gái đến bệnh viện. Thế nhưng trong giây lát tôi chợt nghĩ mình đến bệnh viện để làm gì nhỉ? Mình cần tận dụng tốt khoảng thời gian này để cứu ông ấy. Vậy nên tôi đã ngồi xuống phát chính niệm và cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Một lúc sau tôi gọi cho con trai và cháu nói ông ấy không còn nguy hiểm đến tính mạng nhưng bị gãy xương phần dưới đầu gối nên cần phải phẫu thuật.

Tôi nói với chồng: “Ông đừng sợ, dù tôi ở nhà vẫn có thể giúp ông. Hãy thành tâm niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.’” Ông đáp: “Tôi đang niệm rồi. Bà đừng lo. Bà cứ ở nhà chăm cháu, không cần đến đây đâu. Tôi vẫn ổn.”

Đêm đó tôi không thể ngủ được. Sáng hôm sau tôi vẫn thức dậy luyện công như thường lệ và nhẩm bài thơ của Sư phụ.

“Viên mãn đắc Phật quả
Cật khổ đương thành lạc
Lao thân bất toán khổ
Tu tâm tối nan quá
Quan quan đô đắc sấm
Xứ xứ đô thị ma
Bách khổ nhất tề giáng
Khán kỳ như hà hoạt
Cật đắc thế thượng khổ
Xuất thế thị Phật Đà“ (Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm)

Đây chẳng đúng là Sư phụ nhắc nhở tôi rằng những quan nạn giáng xuống gia đình tôi chính là khảo nghiệm mà tôi cần phải vượt qua hay sao?

Ngày hôm đó người quản lý không hề bảo ông ấy nghỉ lại và cháu tôi cũng nói rằng ông nội sẽ không đi làm. Vụ tai nạn này dường như đã được định sẵn. Thực ra nó chính là đến để lấy mạng của ông ấy. Nếu không có Sư phụ bảo hộ, ông ấy có thể còn gặp phải nạn lớn hơn. Vụ tai nạn thực sự rất kinh hoàng. Con xin cảm tạ Sư tôn đã cứu mạng chồng con!

Tu bỏ chấp trước vào tình

Sư phụ giảng:

“Chư vị được cấp bao nhiêu tiền, cả đời còn lại chư vị nằm tại bệnh viện mà không ra, hỏi chư vị có thể thoải mái không? Người đứng ngoài xem đều cho rằng lạ lắm: ‘Bà này sao không vòi vĩnh anh kia chút tiền, đòi tiền anh kia’. Chuẩn mực đạo đức con người ngày nay đã méo mó cả rồi. Người lái xe phóng nhanh, nhưng anh ấy phải chăng cố ý đâm người ta? Anh ta chẳng phải vô ý là gì? Nhưng con người hiện nay đều như vậy cả, nếu không vòi tiền, thì trong tâm người xem cũng thấy bất bình. Tôi nói rằng hiện nay tốt xấu chẳng rạch ròi; có người nếu nói với họ rằng ‘ông đang làm điều xấu’, họ sẽ không tin.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Pháp của Sư phụ đã chỉ rõ những gì tôi cần làm lúc này, nhưng chồng tôi không phải là học viên và chúng tôi cũng đang nợ nần chồng chất. Nếu tôi đề nghị chúng tôi thanh toán viện phí chứ không đòi người tài xế bồi thường thì liệu chồng tôi có lý giải được quyết định này? Tôi là một học viên và phải hành xử theo những nguyên lý của Đại Pháp. Cả gia đình tôi đều ủng hộ tôi tu luyện và phần nào liễu giải nguyên lý của Đại Pháp. Gia đình tôi đã thảo luận cùng nhau và quyết định không yêu cầu người tài xế kia phải bồi thường. Người cảnh sát giao thông tại đó đã gợi ý chúng tôi nên kiện người lái xe để nhận đền bù thiệt hại. Anh ấy nói: “Ít nhất thì ông bà cũng phải đòi tiền viện phí chứ.”

Nhưng cuối cùng chúng tôi đã không đòi hỏi một đồng nào. Thay vì dùng số tiền vay nặng lãi trả nợ cho con trai, chúng tôi đã dùng thanh toán viện phí cho chồng tôi. Họ đặt một miếng thép vào trong chân ông rồi bó bột thạch cao. Chồng tôi đổ mồ hôi nhễ nhại và kêu lên vì đau đớn. Nhìn cảnh tượng này tôi thực sự động tâm và đau lòng. Sau đó tôi nhẩm Pháp:

“Khi bạn bè thân quyến gặp chuyện thống khổ, chư vị có bất động tâm hay không, chư vị nhìn nhận sự việc như thế nào đây; làm người luyện công khó khăn như vậy đấy!” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)

Dựa trên những nguyên lý của Đại Pháp, chúng ta hiểu rằng những thống khổ và ma nạn đều là hảo sự vì nó giúp chúng ta hoàn trả tội nghiệp từ nhiều kiếp trước. Đó chính là quá trình chuyển hóa nghiệp thành đức. Khi tôi thay đổi quan niệm này, tôi không còn thấy đau khổ như trước kia nữa.

Tôi mở băng ghi âm các bài giảng của Sư phụ cho chồng tôi nghe và nhắc ông ấy thành tâm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân-Thiện-Nhẫn hảo.”

Mặc dù đang nợ nần chồng chất nhưng chúng tôi không đòi hỏi người tài xế một đồng và anh ấy thậm chí cũng không đến thăm hỏi, thế nhưng vợ chồng tôi không hề oán trách anh ấy một lời. Chúng tôi âm thầm chịu đựng mọi việc. Pháp Luân Đại Pháp dạy tôi xem nhẹ “danh, lợi, tình” và trở thành một người vị tha vô ngã và luôn suy nghĩ cho người khác trước.

Một vài người không thể hiểu nổi và hỏi tôi làm sao tôi vẫn có thể vui vẻ sau bao nhiêu chuyện lớn vừa xảy ra. Tôi nói: “Cũng dễ hiểu thôi mà. Sư phụ đã cứu mạng chồng tôi và cả gia đình tôi. Quả là phúc phận quá lớn rồi. Tôi phải vui mới đúng. Gặp nạn này cũng không phải việc bất hảo bởi vì chúng tôi đều đang hoàn trả nợ nghiệp.”

Cả nhà con trai tôi dự định sang thành phố khác để thăm chị dâu. Các cháu do dự không muốn đi vì muốn ở lại chăm sóc cho cha. Tôi nói cháu cứ đi theo kế hoạch, một mình tôi có thể chăm sóc cho ông rồi.

Không ngờ sau khi chúng rời đi tôi bắt đầu thấy chóng mặt và mất hết sức lực. Tôi thấy đau ở sườn bên phải. Tôi cũng bị ho cả ngày lẫn đêm và sốt nhẹ. Buổi tối người tôi đầm đìa mồ hôi và không muốn ăn gì. Tôi thấy khó thở và bước đi không vững nhưng vẫn phải làm việc nhà, đi chợ và nấu nướng cũng như chăm sóc chồng tôi. Đây quả là một khảo nghiệm lớn nữa.

Tôi kiên định nhẩm Pháp của Sư phụ:

“Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tấm lòng tín Sư tín Pháp của tôi không bao giờ dao động và tôi đang cố gắng đồng hóa với Đại Pháp. Tôi đã chọn lấy khổ làm vui.

Nhờ có Sư phụ và Pháp dẫn dắt và gia trì, tôi đã vượt qua khảo nghiệm dù tôi bị sút cân rất nhiều.

Sư phụ giảng:

“Nhất là những năm bức hại trở đi, trong những việc chứng thực Pháp mà chư vị làm, bất kể gặp sự việc cụ thể như thế nào, tôi từng bảo chư vị rằng, đó đều là việc tốt; vì chư vị tu luyện rồi mới xuất hiện [nó]. Bất kể chư vị nhận phải ma nạn lớn đến mấy, thống khổ lớn đến đâu, thì đều là việc tốt; vì chư vị tu luyện rồi mới xuất hiện [nó]. Trong ma nạn có thể thanh trừ nghiệp lực, trong ma nạn có thể trừ bỏ nhân tâm, trong ma nạn có thể khiến chư vị đề cao lên.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2008,” Giảng Pháp ở các nơi VIII)

Khi gia đình con trai tôi trở về thì mọi triệu chứng bệnh của tôi đều đã biến mất. Pháp Luân Đại Pháp quả thực rất thần kỳ!

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/5/风雨洗红尘-修者要坚定-419417.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/6/191260.html

Đăng ngày 29-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share