Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 28-06-2020] Năm nay tôi đã ngoài 40 tuổi. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã là một đứa trẻ sống khép kín. Tôi luôn vâng lời khi sống cùng với cha mẹ, cho đến khi lớn lên và kết hôn thì tôi luôn nghe theo lời chồng. Nhưng dù vậy, tôi vẫn vững bước trên con đường tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Trải qua bao sóng gió, tôi vẫn quyết tâm tu luyện đến bước cuối cùng.
Tuổi thơ khốn khổ
Cha mẹ tôi không tin vào những chuyện tâm linh, nhưng tôi thì lại khác. Ngay từ khi còn bé, tôi đã muốn tìm hiểu về các vị Thần Phật và có mong muốn được tu luyện. Trong những câu chuyện chia sẻ về định hướng cho tương lai giữa tôi và các bạn, một số bạn nói rằng họ muốn trở thành nhà khoa học, nhà văn hay những người giống như vậy, nhưng tôi thì lại mơ ước sẽ trở thành một nữ tu và được tu hành trong một ngôi chùa cổ.
Khi đến tuổi đi học, vì lo sợ tôi bị bắt nạt nên cha mẹ thường hay khuyên bảo tôi làm sao để khôn khéo và tránh bị người khác bắt nạt. Nhưng tôi không thích nghe những lời này. Thậm chí, tôi còn hỏi cha mẹ tại sao lại dạy tôi những điều không tốt như vậy. Vì suy nghĩ của tôi khác với cách nghĩ của cha mẹ nên mẹ không ưa gì tôi. Cũng bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà rất hay cáu gắt và thường xuyên đánh đập, mắng chửi tôi. Đôi khi, bà còn đuổi tôi ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm.
Cha tôi nói rằng ông không thể ngăn cản được việc mẹ đánh mắng tôi bởi vì đối với ông không có tôi cũng không sao nhưng không thể sống thiếu mẹ.
Tâm tôi tràn ngập nỗi buồn, tôi ngày càng sống khép kín và đầy tự ti. Sức khỏe của tôi cũng không được tốt, có thời điểm tôi bị tiểu ra quần không kiểm soát được, thậm chí còn bị ngất khi học ở trường. Học lực của tôi ngày càng giảm sút, đầu óc thiếu tập trung và trí nhớ của tôi suy giảm mạnh. Tôi không thể ghi nhớ được những bài giảng của thầy cô trên lớp. Bác sĩ thông báo tôi bị mắc chứng động kinh và rất có thể bị sa sút trí tuệ.
May mắn đắc được Đại Pháp
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi được đi học tiếp ở một trường cao đẳng kỹ thuật, ngôi trường này cách khá xa nhà. Một người bạn cùng lớp là một học viên Pháp Luân Đại Pháp đã giới thiệu cho tôi về pháp môn tu luyện này. Lần đầu tiên đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân, tôi đã nhận ra đây chính là điều mà tôi đang tìm kiếm bấy lâu.
Cuốn sách trả lời cho tôi rất nhiều câu hỏi về cuộc sống mà trước đây tôi chưa tìm được lời giải đáp. Sáng hôm sau khi tỉnh giấc, tôi nhìn thấy một Pháp Luân đang quay và có hai chùm ánh sáng trắng xuyên từ đỉnh đầu xuống đến chân tôi. Lúc đó, phụ thể bám trên người tôi mà tôi cho đó là một con rắn cũng được thanh lý. Kể từ đó, những căn bệnh đeo bám tôi trong suốt nhiều năm đều biến mất, tôi đã lấy lại được sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống.
Hàng ngày, tôi và một bạn đồng tu đi đến nhà một học viên lớn tuổi gần trường để cùng học Pháp và luyện công. Đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất của tôi. Các học viên đều sống thiện lương, cư xử nhẹ nhàng và nhã nhặn. Người học viên lớn tuổi nghĩ rằng cuộc sống xa nhà của chúng tôi chẳng dễ dàng nên thường hay làm đồ ăn ngon cho chúng tôi ăn. Bà còn mua cho tôi một đôi giày mới khi thấy đôi giày của tôi đã bị rách. Các học viên khác cũng quan tâm và chăm sóc chúng tôi. Tôi cảm nhận được sự ấm áp và che chở mà bản thân chưa bao giờ có được trước đây. Pháp Luân Công thực sự là miền tịnh thổ.
Sư phụ giảng:
“… bản tính thực chất từ trước của chư vị được kiến lập trên cơ sở vị ngã vị tư, từ nay trở đi chư vị làm các việc thì trước hết phải nghĩ đến người khác, tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã”. (Phật tính vô lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công và chuyển hóa các học viên Đại Pháp. Tôi từng được thụ ích nhiều từ Đại Pháp và chứng kiến sự tốt đẹp của các học viên, nên tôi không ngần ngại nói với những người khác rằng các học viên Đại Pháp là những người tốt nhất thế gian.
Kính trọng cha mẹ
Sư phụ giảng:
“Bởi vì con người trước đây đã làm điều xấu [nên] nghiệp lực sinh ra mới tạo thành có bệnh hoặc ma nạn”. (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Sau khi đọc và ngộ được đoạn Pháp này, tâm tôi không còn oán hận mà trở nên hòa ái và khoan dung với người khác. Tôi hiểu được cuộc sống của mẹ không hề dễ dàng gì. Vì bố thường xuyên phải đi làm xa nhà, một mình bà phải chăm sóc hai chị em tôi lại phải lo cả việc đồng áng. Chắc vì quá mệt mỏi nên bà mới hành xử thô lỗ với tôi như vậy.
Lúc chưa kết hôn, tiền lương đi làm được bao nhiêu tôi đều đem về đưa hết cho mẹ. Sau khi kết hôn, do phải trang trải chi tiêu cho cuộc sống gia đình có ba đứa con rất tốn kém, nên tình hình tài chính của tôi không được tốt cho lắm. Tuy nhiên, tôi vẫn thường xuyên về thăm mẹ và mua nhiều đồ ăn ngon biếu bà. Tôi không dành dụm tiền cho bản thân mà giành tất cả số tiền tôi kiếm được lo cho chồng con và cha mẹ để họ có cuộc sống tốt hơn.
Kinh tế bên gia đình nhà chồng cũng không khá giả nên tôi chưa từng đòi hỏi họ về quyền thừa kế cũng như hỏi xin mẹ chồng giúp đỡ. Đám cưới của tôi được tổ chức rất đơn giản và tiết kiệm.
Sau khi tôi kết hôn, cha mẹ tôi đã giao việc buôn bán của cửa hàng rượu và thuốc lá cho người chị gái nhưng tôi không mấy bận tâm về việc này. Là người tu luyện nên tôi rất bình thản, Pháp Luân Công đã dạy tôi trở thành một người luôn nghĩ cho người khác trước. Tôi có suy nghĩ: “Nếu chị tôi có cuộc sống tốt hơn thì chẳng phải sẽ rất tuyệt vời đó sao?”.
Chăm sóc chồng con chu đáo
Vì tôi không có của hồi môn cộng với việc cha mẹ đẻ đã giao cửa hàng cho chị gái quản lý, nên cuộc sống của tôi gặp nhiều khó khăn. Chồng tôi lại thường xuyên đánh đập và mắng chửi tôi. Lúc đầu anh ấy nghĩ rằng gia đình tôi là một gia đình khá giả vì bố mẹ tôi đang sở hữu một cửa hàng rượu và thuốc lá. Nhưng sau đó anh ấy phát hiện ra mọi việc không phải như vậy nên đã trút giận lên đầu tôi.
Anh ấy coi tôi như một người giúp việc trong nhà chứ không phải một người vợ. Dù tôi có đang mang thai hay những lúc tôi không được khỏe thì anh ấy cũng không đụng tay làm bất cứ việc nhà nào giúp tôi. Ngược lại, tôi còn phải chăm sóc anh ấy hết mức có thể. Chồng tôi là người cục súc và dễ nổi nóng. Anh ấy thường xuyên uống rượu và chửi bới tôi mỗi khi trở về nhà vào lúc đêm khuya. Tôi thường xuyên phải sống trong sự lo âu và sợ hãi.
Nhìn những người phụ nữ mang thai khác được chồng và gia đình chăm sóc chu đáo, tôi chỉ biết ước ao về cuộc sống tốt đẹp. Nhưng từ Pháp, tôi hiểu được chịu khổ chính là để hoàn trả nợ nghiệp của mình. Nên tôi chấp nhận an bài của số phận và cố gắng duy trì tâm thái lạc quan.
Khi sinh đứa con đầu lòng, tôi bị vỡ ối vào khoảng 10 giờ đêm nhưng phải chờ đến sáng hôm sau chồng tôi mới đưa đến bệnh viện, vì anh ấy muốn được ngủ đủ giấc. Bác sĩ kiểm tra chỉ số nước ối và thấy nó đã ở mức an toàn thấp nhất. Bác sĩ cảnh báo nếu để trễ hơn có thể rất nguy hiểm đến sinh mệnh của cả mẹ và con. Điều kỳ diệu là nước ối của tôi đã ngừng rò rỉ khi xuống đến mức an toàn thấp nhất. Tôi biết Sư phụ đã bảo hộ tôi, nếu không hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được.
Khi mang thai đứa con thứ hai, tôi đã bị sẩy thai và bị ra máu vào giữa đêm. Chồng bảo tôi hãy cố chịu đựng đến sáng, tôi nói với chồng rằng tôi không thể chịu được. Sau nhiều lần đề nghị, anh ấy mới đưa tôi đến bệnh viện.
Chồng tôi rất ngoan cố còn tôi thì luôn vâng lời anh ấy. Tuy nhiên, anh ấy không phải là kiểu người gặp may mắn. Vợ chồng tôi cùng quản lý một cửa hàng bán lẻ. Khi chúng tôi có được một chút vốn liếng thì anh ấy lại đem số tiền có được đi đầu tư, nhưng các khoản đầu tư này luôn bị thất bại. Vì vậy tình hình tài chính của chúng tôi mãi không khá lên được.
Tôi cảm thấy tuyệt vọng suốt một thời gian dài và muốn ly dị với chồng. Mỗi lần tôi đề cập đến chuyện ly hôn là anh lại có thái độ vô cùng giận dữ, thậm chí còn dọa sẽ đập phá cửa hàng nếu tôi cố tình bỏ anh ấy.
Sau này, tôi nhận ra mình đã sai. Sư phụ yêu cầu chúng ta phải luôn nghĩ cho người khác trước, nhưng tôi đã không làm như vậy. Tôi cảm thấy thật có lỗi với chồng, chẳng phải chồng tôi đã cố gắng làm việc chăm chỉ để giúp cho gia đình có cuộc sống tốt hơn hay sao. Cho dù nỗ lực của anh ấy không có tác dụng nhưng suy nghĩ của anh ấy như thế là tốt.
Sư phụ giảng:
“… những người tu luyện chúng ta giảng ‘tuỳ kỳ tự nhiên’; cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được”. (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)
Những gì tôi phải trải qua trong cuộc đời này chính là đức và nghiệp của bản thân tôi đem theo từ các kiếp trước. Chịu khổ chính là để tôi hoàn trả nghiệp.
Nhờ học Pháp nhiều hơn, tôi có thể vượt qua khảo nghiệm này và không thấy oán hận chồng mình nữa. Tôi không còn phàn nàn về những khoản đầu tư thua lỗ của anh. Thay vào đó, tôi còn an ủi và động viên anh rằng mọi việc rồi sẽ tốt thôi.
Tôi chỉ làm những gì tôi nên làm, chăm sóc, đối xử tử tế và giúp đỡ chồng. Dù anh ấy có mắng chửi tôi ở cửa hàng như thế nào, tôi cũng không bao giờ cãi lại. Khi anh ấy cảm thấy mệt mỏi vì chửi mắng tôi thì anh ấy sẽ tự khắc im. Những người xung quanh thấy vậy còn nói: “Chị thật tốt. Nếu chồng tôi cư xử như vậy, chắc chắn tôi sẽ không thể tiếp tục chung sống được”.
Tôi bật các chương trình của Đài truyền hình Tân Đường Nhân cho chồng xem, đưa cho anh ấy đọc các bài chia sẻ kinh nghiệm của các học viên. Tôi còn nói cho anh ấy nghe về văn hóa truyền thống.
Khi thấy chồng chán nản, tôi luôn động viên anh: “Mặc dù gia đình mình không có nhiều tiền, nhưng chúng ta cũng không đến mức thiếu cái ăn, cái mặc cho ba đứa con. Cuộc sống của vợ chồng mình vẫn ổn, anh không phải lo lắng quá nhiều về số tiền bị mất. Mọi người ai cũng có lúc này lúc kia, anh cũng đừng suy nghĩ nhiều quá. Chúng ta mất bao nhiều tiền thì nghiệp lực của chúng ta cũng được tiêu đi ngần ấy”.
Đại Pháp đã dạy tôi đối xử tốt với người khác và chỉ nhìn vào những mặt tốt của họ. Thực tế thì dù cho anh có xấu tính nhưng bản chất lại là một người tốt. Khi anh tức giận, anh sẽ đập vỡ mọi thứ xung quanh nhưng không bao giờ đụng vào sách Đại Pháp của tôi. Ngay cả khi bị ĐCSTQ đe dọa, anh ấy cũng không giao nộp sách Đại Pháp.
Khi tôi học Pháp và luyện công, anh ấy chưa bao giờ gây phiền nhiễu đến tôi. Khi tôi bị đưa đến đồn cảnh sát thì anh sẽ cố gắng tìm mọi cách để đưa tôi ra khỏi đồn cảnh sát ngay trong ngày hôm đó. Anh ấy biết Pháp Luân Đại Pháp là tốt và đã thoái xuất khỏi các tổ chức liên đới của ĐCSTQ.
Chồng tôi có thể làm được những việc như vậy trong hoàn cảnh cuộc bức hại đang diễn ra tàn khốc, đó là điều tuyệt vời và quý giá nhất đối với một con người. Mặc dù anh ấy không nói ra, nhưng từ lúc nào tôi và Đại Pháp đã có chỗ đứng trong trái tim của anh ấy.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/28/405650.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/17/191435.html
Đăng ngày 17-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.