Bài viết của Văn Lập
[MINH HUỆ 04-02-2021] Năm 2001, Trương Quân, một tên giết người hàng loạt khét tiếng ở Trung Quốc, đã bị sa lưới ở Trùng Khánh. Từ tháng 6 năm 1993 đến tháng 9 năm 2000, y cùng đồng bọn đã cướp hàng chục cửa hàng ở các tỉnh, giết chết 28 người và lấy trộm khoảng 5,36 triệu nhân dân tệ.
Cảnh sát phụ trách chính vụ trinh sát hình sự này bấy giờ là Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Trùng Khánh. Trước khi bị tử hình vào tháng 5 năm 2001, Trương Quân cảnh cáo Văn Cường: “Coi chừng! Một ngày nào đó ông cũng sẽ giống tôi thôi, nếu không cưỡng được sức hút của tiền bạc và danh vọng thì rồi ông cũng sẽ phá luật và chịu kết cục như tôi thôi.”
Tháng 7 năm 2010, Văn quả thực đã bị kết án tử hình vì tội tham nhũng và đã bị tử hình. Đến lượt Văn Cường cảnh cáo Vương Lập Quân, Cục trưởng đương nhiệm Cục Cảnh sát Trùng Khánh trong một phiên xử sơ thẩm, “Sẽ có ngày ông phải chịu chung số phận như tôi thôi.”
Tháng 9 năm 2012, Vương quả thực đã bị bắt và kết án 15 năm tù.
Cú ngã ngựa của Văn và Vương mới chỉ là chút đỉnh trên phần nổi của tàng băng chìm của chính quyền thối nát dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trước khi chết, Văn nói trắng ra rằng ông ta tuân theo luật bất thành văn về tham nhũng và hối lộ của ĐCSTQ chẳng qua vì để được thăng chức và giữ ghế. Ông ta nói chính chế độ này đã khiến ông trở thành người xấu.
Trung Quốc có câu: “Băng lạnh ba thước đâu phải tại một ngày”. Hệ thống pháp luật và đạo đức như vậy ở Trung Quốc đã tồn tại nhiều năm nay. Kể từ khi ĐCSTQ lên cầm quyền vào năm 1949, nó đã phá hoại văn hóa Trung Hoa truyền thống và lạm dụng luật pháp để đạt được mục tiêu chính trị của nó.
Ngã ba sông chính là tháng 7 năm 1999, khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại trên toàn quốc đối với môn tu luyện ôn hòa Pháp Luân Công. Pháp Luân Công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi cuộc bức hại bắt đầu, Trung Quốc đã trượt ra khỏi vòng kiểm soát cả về phương diện pháp luật lẫn đạo đức.
1999: Hệ thống pháp luật Trung Quốc trước con xoáy nước
Cách mạng Văn hóa (1966 – 1976) là một thảm họa đối với Trung Quốc. Hồng Vệ binh vô pháp vô thiên, bất chấp luật pháp, tùy tiện đánh người, đã đẩy Trung Quốc sâu vào vũng lầy. Thảm kịch này có sức tàn phá đến nỗi chính các quan chức ĐCSTQ cũng phải kinh hoàng.
Vì thế mà củng cố hệ thống pháp luật đã trở thành một nhiệm vụ chính sau công cuộc cải cách kinh tế bắt đầu từ cuối những năm 1970. Nhưng khi không cải tổ chính trị thì cải thiện kinh tế chỉ khiến chính quyền độc tài càng thêm táo tợn, khiến quan chức hủ bại, đạo đức tha hóa. Thực trạng này làm cho hệ thống ở Trung Quốc càng yếu kém, kèm theo rất nhiều vấn đề ẩn giấu. Sau khi Triệu Tử Dương bị hạ bệ vào năm 1989 và Đặng Tiểu Bình qua đời vào năm 1997, tình hình càng xấu đi khi Giang Trạch Dân lên làm lãnh đạo mới của ĐCSTQ.
Để điều hướng sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước và củng cố quyền lực, Giang – vốn leo lên được vị trí này nhờ vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 – lại nóng lòng đi tìm một kẻ thù do ông ta tự nghĩ ra. La Cán và Tăng Khánh Hồng, thuộc hạ của Giang, cũng theo sát. Năm 1999, Giang quyết định phát động cuộc bức hại tàn khốc đối với Pháp Luân Công, còn La Cán phụ trách Phòng 610 khét tiếng để chỉ đạo cuộc bức hại trên toàn quốc.
Pháp Luân Công được truyền xuất ra công chúng vào năm 1992, là một môn thiền định ôn hòa chú trọng đề cao tâm tính thông qua nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Mặc dù Giang bức hại Pháp Luân Công chỉ để thực thi quyền lực độc tài, nhưng vô hình trung, ông ta càng làm tha hóa ĐCSTQ, vốn đã hủ bại, khi huy động toàn bộ bộ máy nhà nước và công chúng đàn áp các học viên Pháp Luân Công vô tội mà không dựa trên cơ sở pháp lý hay nền tảng đạo đức nào.
Tuy nhiên, ban đầu, mặc dù Giang cùng thuộc hạ tìm đủ mọi cách, nhưng nhiều quan chức, kể cả các ủy viên Bộ Chính trị, đều không muốn bức hại các học viên Pháp Luân Công. Ngoài một số tỉnh, trong đó có Sơn Đông và Liêu Ninh, khá nhiều tỉnh vẫn nấn ná chưa thực thi lệnh bức hại. Thậm chí đến cuối năm 1999, nhiều quan chức ở Quảng Đông, một tỉnh ở miền Nam Trung Quốc, vẫn tin rằng các học viên Pháp Luân Công là người vô tội và không muốn kết tội phi pháp cho bất cứ học viên nào.
Trước tình hình đó, vào tháng 2 năm 2000, Giang đã đích thân đến Quảng Đông để phê bình các quan chức “bất lực trong việc trấn áp”, “mềm yếu” đối với Pháp Luân Công. Ông ta muốn Lý Trường Xuân, bí thư đương nhiệm của tỉnh Quảng Đông, làm “kiểm điểm”. Giang còn trực tiếp ra lệnh cho thành phố Thâm Quyến đẩy mạnh các hoạt động bức hại. Dưới sức ép của Giang và La, các quan chức tỉnh Quảng Đông đã bắt đầu đưa các học viên Pháp Luân Công vào các trại lao động cải tạo và nhà tù.
Có tin cho hay Giang và thuộc hạ của ông ta dùng thái độ đối với Pháp Luân Công làm tiêu chí đánh giá thành tích của các quan chức. Những người tích cực đàn áp các học viên sẽ được thưởng hậu hĩnh và được thăng chức, còn những ai do dự sẽ bị phê bình.
Giang cùng thuộc hạ đã dàn dựng vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23 tháng 1 năm 2001, đúng hôm Giao thừa, để kích động công chúng thù ghét Pháp Luân Công, từ đó có cớ để tăng cường cuộc bức hại. Trò lừa bịp tai hại này quả đã đạt được tác dụng như ý.
Thẩm phán tùy tiện định ra luật: “Thêm một câu là thêm một năm tù”
Chu Vĩnh Khang, một nhân vật chủ chốt trong chính quyền Giang, đóng vai trò trọng yếu trong việc leo thang cuộc bức hại Pháp Luân Công. Trong nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy Tỉnh Tứ Xuyên từ tháng 1 năm 2000 đến tháng 12 năm 2002, Chu đã tích cực tuyên truyền chính sách bức hại của Giang. Có lần, khi đi thị sát Tứ Xuyên và nghe tin 43 học viên đã bị thiệt mạng trong cuộc bức hại, Giang đã tuyên dương Chu về “thành tích” này.
Qua việc này, Giang đã cất nhắc Chu vào vị trí Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Phó Bí thư Đảng của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương. Năm 2007, Chu nhậm chức Bí thư Đảng ủy, đồng thời cũng là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Cùng năm đó, Chu trở thành Trưởng Ban Lãnh đạo Phòng 610 Trung ương, cơ quan chỉ huy cuộc bức hại Pháp Luân Công trên cả nước.
Chu từng công khai ra lệnh như sau: “Giết người, phóng hỏa có thể mặc kệ, nhưng phải truy bắt học viên Pháp Luân Công!” Khi cuộc bức hại Pháp Luân Công trở thành tiêu chí chính để đánh giá thành tích của cán bộ thì lương tâm con người đã bị hủy hoại, mặt ác trong nhân tính đã phát tác.
Vì thế, nhiều quan chức, cán bộ trong ngành cảnh sát, công tố, và tư pháp đã coi thường luật pháp. Họ cố ý ngược đãi các học viên. Khi bà Hàn Dược Quyên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo quận Đông Sơn, thành phố Quảng Châu, bị kết án ba năm tù vào năm 2002 chỉ vì bà tu luyện Pháp Luân Công, bà nói với thẩm phán chủ tọa rằng án tù này là phi pháp và hô to ba lần câu “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Thẩm phán liền tăng án của bà lên sáu năm tù, bảo rằng mỗi lần hô như thế là thêm một năm tù nữa.
Tương tự, ông Trương Kim Sinh, học viên Pháp Luân Công ở huyện Thanh Nguyên, tỉnh Liêu Ninh, đã bị xét xử vào tháng 9 năm 2004 và bị kết án tám năm tù vì giúp người khác truy cập trang web Minh Huệ. Để bảo vệ sự vô tội của mình, ông Trương đã hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và viết lại câu này vào bản cáo trạng chính thức. Thẩm phán đã tăng mức án lên 13 năm tù, bảo rằng “Thêm một câu là thêm một năm tù” và mỗi từ trong câu “Pháp Luân Đại Pháp hảo” tương đương với thêm một năm tù nữa.
Hệ thống pháp luật và tư pháp là pháo đài cuối cùng để dân thường tìm kiếm công lý, song cả hai ngành này đều đã bị phá hoại trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông Francis Bacon, triết học gia và chính trị gia sắc sảo người Anh, từng nói rằng xét xử bất công còn gây hậu quả tệ hại gấp chục lần phạm tội, bởi vì tội phạm là coi thường pháp luật, tựa như nước bị ô nhiễm, nhưng xét xử bất công lại chính là phá hoại pháp luật, không khác gì làm ô nhiễm nguồn nước.
Ngành tư pháp của Trung Quốc hủ bại đến mức độ no
Tham nhũng và lạm dụng quyền lực là những vấn nạn đáng sợ – nhưng dưới sự cai trị của ĐCSTQ, những vấn đề này lại trở thành chuyện bình thường. Ngành Tư pháp, sau khi thức tỉnh khỏi Cách mạng Văn hóa, lại bị hủy hoại trong cuộc bức hại phi pháp đối với Pháp Luân Công. Người xưa có câu: “Tòng thiện như đăng, tòng ác như băng”. Một khi chiếc hộp Pandora được mở ra thì hòa bình hay công lý đã không còn nữa.
Một vấn đề thường gặp phổ biến ở các loại sự vụ là sự lạm dụng hoặc lợi dụng lỗ hổng của luật pháp để đối xử bất công với những người bị vu oan. Tình trạng này xảy ra vì thủ phạm thường có quyền hành hoặc các mối quan hệ để hối lộ thẩm phán.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng năm 2005, một số cán bộ ở Tòa án Trung cấp Phụ Dương ở tỉnh An Huy đã bị điều tra vì nhận hối lộ, đánh bạc, chơi gái, trong đó có phó chánh án Chu Á, thẩm phán chủ tọa Vương Xuân Hữu, và hai thẩm phán chủ tọa Trần Hòa bình và Đổng Bính Tự.
Một bài báo khác của Nhân vật Tuần san đưa tin 10 viên chức của Tòa án Tối cao Tỉnh Hồ Nam đã bị điều tra, trong đó có chánh án Ngô Chấn Hán.
Các tỉnh khác cũng có những vấn đề tương tự. Một báo cáo của Viện Kiểm sát Tỉnh Hồ Bắc cho thấy 40% số vụ án lạm dụng chức vụ của các thẩm phán ở tỉnh này đều do nhiều thẩm phán thông đồng phạm tội.
Cũng có những trường hợp có sự tham gia của các chuyên môn khác, trong đó thẩm phán và luật sư cấu kết với nhau để cùng trục lợi. Một phân tích của Bộ Tư pháp cho thấy 44 luật sư đã hối lộ tổng cộng 13 thẩm phán của Tòa án Trung cấp Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc. Một cuộc điều tra sáu thành phố của tỉnh này sau đó cho thấy 88 luật sư đã tham gia hối lộ.
Sự bất công này thường dẫn đến bi kịch. Đã xảy ra nhiều vụ như thế, chẳng hạn như vụ thẩm phán ở tỉnh Quảng Tây, tỉnh Giang Tô, Bắc Kinh, Hồ Bắc bị nguyên đơn tấn công. Khi hành động trái pháp luật và làm hại dân thường, thẩm phán đã đẩy nạn nhân vào chỗ cực đoan. Có những thẩm phán đã bị trả thù đến nỗi bị thương tích hoặc chết.
Quả báo
Mao Trạch Đông từng nói: “Ta đã từng soạn Hiến pháp Trung Quốc, nhưng không nhớ nội dung của nó. Chúng ta không thể dựa vào luật mà duy trì trật tự xã hội được.” Thay vào đó, những quyết sách quan trọng phải được tiến hành trong các cuộc họp quý mỗi năm, ông ta nói.
Người ta vẫn biết ĐCSTQ không tuân thủ luật, mà nó dùng bạo lực để đàn áp và uy hiếp nhân dân, từ phong trào Chống Cánh hữu trong những năm 1950, đến Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960-1970, cuộc vận động “nghiêm trị” vào những năm 1980 (ví dụ, ăn trộm xe đạp có thể bị kết án tử hình). Song những chiến dịch này lúc làm lúc không, mỗi lúc lại một cuộc vận động chính trị khác nhau. Sau khi Giang lên nắm quyền vào năm 1989, nhất là sau khi phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công năm 1999, tình trạng tham nhũng và lạm dụng luật pháp càng trở thành chuyện cơm bữa, không khi nào không có.
Người Trung Quốc có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.” Rất nhiều quan chức ĐCSTQ đã gặp quả báo kể từ năm 2012. Theo Tổ chức Thế giới về Điều tra cuộc Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG), ít nhất 164 quan chức vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công đã bị kỷ luật hoặc kết án tù vì tội hối lộ, tham nhũng, hay các tội danh khác. Những thủ phạm này cũng bị nêu tên trong danh sách thủ phạm của Minghui.org. Dưới đây là một số ví dụ.
Như đã đề cập trên đây, Chu Vĩnh Khang là một trong những thủ phạm chính của cuộc bức hại Pháp Luân Công, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, từ Bí thư Đảng ủy Tỉnh Tứ Xuyên đến Bí thư Đảng của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương. Ông ta đã trực tiếp chỉ đạo cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, kể cả nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng kinh hoàng. Tháng 6 năm 2015, Chu đã bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng.
Ngô Ái Anh, cựu phó bí thư Đảng ủy tỉnh Sơn Đông, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đã trực tiếp giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông. Bà ta cũng đã đăng cai các cuộc triển lãm phỉ báng Pháp Luân Công. Tháng 10 năm 2017, Ngô bị kỷ luật và cách chức.
Hề Hiểu Minh đã có 11 năm làm phó chánh án Tòa án Tối cao. Tháng 2 năm 2017, Hề đã bị kết án tù chung thân.
Từ Phát, cựu viện trưởng Viện Kiểm sát Tỉnh Hắc Long Giang, từng tham gia sâu vào cuộc bức hại. Khi ông ta còn tại nhiệm, Hắc Long Giang có số học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại cao nhất. Trong đó, có 28 học viên bị cầm tù trước khi bị tử vong. Sau khi bị kỷ luật và cách chức vào năm 2004, Từ đã tự vẫn vào tháng 8 năm đó.
Đinh Hâm Phát, cựu Viện trưởng Viện Kiểm sát Tỉnh Giang Tây, từng ra lệnh bắt giữ, kết án tù, cầm tù, và giam giữ trong trại lao động đối với nhiều học viên. Tháng 1 năm 2006, Đinh đã bị kết án 17 năm tù.
Ngô Chấn Hán, cựu Chánh án Tòa án Tối cao Tỉnh Hồ Nam, đã nhiều lần ra lệnh bức hại các học viên Pháp Luân Công. Ít nhất 27 học viên đã bị thiệt mạng vào tháng 12 năm 2004. Tháng 11 năm 2006, Ngô đã lĩnh án tử hình.
Lý Bảo Kim, cựu phó bí thư Đảng ủy của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Thiên Tân, phụ trách cuộc bức hại Pháp Luân Công trên địa bàn. Ông ta đã bị kỷ luật vào năm 2006 và lĩnh án tử hình sau đó một năm.
Hứa Tiền Phi là cán bộ chủ chốt trong hệ thống tòa án tỉnh Vân Nam trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Năm 2017, Hứa bị kỷ luật và cách chức.
Theo Bản tin Thanh tra và Giám sát Kỷ luật Trung Quốc, kể từ năm 2017, đã có 129 quan chức cấp cao của Ủy ban Chính trị và Pháp luật các cấp (gồm 5 người cấp trung ương và 124 người cấp tỉnh), cũng như 84 quan chức trong ngành công an (gồm 4 người cấp trung ương và 80 người cấp tỉnh) bị kỷ luật.
Chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều quan chức, cũng như dân chúng sẽ nhận ra bản chất tà ác của ĐCSTQ và cắt đứt với chính quyền này để có một tương lai tươi sáng hơn.
Bài viết liên quan: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/6/419455.html
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/4/419454.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/17/191443.html
Đăng ngày 22-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.