Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-01-2021] Là học viên Pháp Luân Đại Pháp, tất cả chúng ta đều biết rằng học Pháp luyện công và giao lưu chia sẻ tập thể là những hình thức giúp nhau đề cao trong tu luyện mà Sư phụ lưu lại cho chúng ta. Tuy nhiên, trong quá trình này tôi nhìn ra các nơi đều có tồn tại một số vấn đề tương đối phổ biến.

Ví dụ, một số học viên học Pháp xong liền rời đi, không giao lưu. Một số chỉ nói về những trải nghiệm của họ trên bề mặt và không có thu hoạch gì. Thời gian trôi qua, hầu hết các nơi đều tổ chức học tập thể mà rất ít có chia sẻ kinh nghiệm. Kết quả là, nhiều đồng tu nghĩ rằng học Pháp tập thể hiệu quả cũng không khác gì học ở nhà, vì vậy họ không đến học Pháp tập thể nữa. Tôi tự ngẫm lại bản thân xem tôi có chấp trước nào có thể dẫn đến trạng thái tu luyện này.

Sư phụ đã giảng rõ cho chúng ta rằng:

“Là người tu luyện, ‘tìm bên trong’ là một Pháp bảo” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009)

Tôi nhận thấy rằng nhiều quan niệm người thường của tôi đã hình thành tự nhiên đến mức tôi tự động tìm lý do để che giấu chúng. Tôi thiếu chính niệm hoặc cư xử như một người thường. Tôi đã tìm ra được những quan niệm người thường sau đây ở bản thân mình.

Bảo vệ bản thân, sợ thiếu sót của mình bị phơi bày

Tôi hiếm khi lên tiếng trong khi giao lưu, bất kể là nhóm lớn hay nhỏ. Mặc dù tính cách của tôi là một lý do, tôi thấy rằng ẩn phía sau đó là chấp trước bảo vệ bản thân. Tôi không muốn bị soi mói hoặc bị làm tổn thương; Tôi không muốn chiêu mời rắc rối và tôi chỉ muốn ở trong vùng an toàn của mình.

Khi đào sâu hơn, tôi thấy một nhân tố khác phía sau nó: Nghiệp của tôi không muốn bị tiêu trừ. Nếu tôi nhận ra nó, chịu bị tổn thương, nó sẽ bị giải thể, vì vậy nó tạo cho tôi cảm giác giả rằng tôi muốn bảo vệ bản thân. Là người tu luyện, bị tổn thương là việc tốt, ngược lại bảo vệ bản thân lại là việc xấu.

Khi cùng đồng tu giao lưu, tôi cố ý hoặc vô ý tránh nói về vấn đề của bản thân. Tôi không muốn trở thành chủ đề hay mục tiêu của thảo luận. Bằng cách này, lòng tự trọng của tôi sẽ không bị tổn thương. Ẩn sau điều này là chấp trước vào danh và tâm hư vinh. Mặc dù đôi lúc tôi cũng chia sẻ về vấn đề của bản thân, nhưng đều là tránh nặng tìm nhẹ, đối với nhân tâm không tốt đều rất hời hợt hoặc bỏ qua, không động chạm đến chỗ sâu kín chôn giấu trong tâm mình.

Những thứ xấu sợ bị phơi bày vì chúng sẽ bị tiêu hủy khi không còn chỗ trốn. Ngược lại, che giấu những chấp trước này giúp gia cường cho chúng. Từ góc độ tu luyện, những chấp trước xấu nhất của chúng ta nên được phơi bày nhiều hơn nữa để chúng không có chỗ ẩn trốn. Khi các chấp trước của tôi liên tục xuất hiện, thường là do tôi đã lưu lại cho mình quá nhiều đường lui. Không cho nhân tâm của mình có đường rút lui cũng có thể thức tỉnh và tăng cường chủ ý thức của chúng ta, giúp chúng ta vượt qua khảo nghiệm tu luyện dễ dàng hơn.

Các chấp trước có vẻ lớn và không thể đụng chạm đến, thực ra lại mỏng manh như tờ giấy. Khi chúng ta quyết định vượt qua chúng, chúng sẽ vùng vẫy và phản kháng. Chúng nói với tâm trí của chúng ta rằng chúng ta không thể phơi bày bản thân mình.

Sư phụ yêu cầu những học viên đã làm việc bất chính mờ ám hãy phơi bày những gì họ đã làm. Đây là cách duy nhất để đột phá ma chướng và bước ra khỏi bóng ma kia. Thần không đánh giá chúng ta dựa trên những chấp trước dơ bẩn mà chúng ta phơi bày, mà dựa trên việc chúng ta buông bỏ được chấp trước nhiều ít thế nào, ôm giữ che đậy chấp trước mãi không buông, trái lại Thần thấy như vậy mới là đáng xấu hổ. Tôi nhận thấy rằng những học viên mà phơi bày nhiều chấp trước của họ là những người tu luyện tinh tấn. Ngược lại, những người che đậy chấp trước của họ thường vấp ngã trong tu luyện. Đây là lý do tại sao tôi cũng nhắc nhở bản thân rằng tôi cần vượt qua tâm sợ phơi bày những chấp trước của mình. Tôi hy vọng có thể trao đổi kinh nghiệm tu luyện một cách cởi mở và thẳng thắn với các đồng tu.

Sau khi bắt đầu chia sẻ một cách cởi mở, tôi thấy dễ nhận ra những thiếu sót của mình hơn. Tôi cũng ngừng tìm lỗi của người khác. Tôi ít phàn nàn hơn và bắt đầu quan tâm người khác hơn. Tôi cũng bắt đầu khiêm nhường và tu bản thân một cách vững chắc hơn.

Có một quan niệm khác đôi khi cũng cản trở tôi. Đó là khi nhận ra các chấp trước của mình, tôi nghĩ chỉ cần mình biết là được rồi, để ở trong lòng lúc nào cũng nhắc nhở mình tu bỏ nó, không cần nói cho đồng tu. Cách nghĩ này có vẻ không sai, nhưng ẩn sau quan niệm này vẫn là tâm sợ phơi bày chấp trước của tôi. Nó phản ánh việc liệu chúng ta có tu luyện một cách đường đường chính chính hay không, và liệu chúng ta có đo lường bản thân theo các tiêu chuẩn cao nhất không. Sư phụ yêu cầu chúng ta chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của mình với nhau để chúng ta có thể đề cao như một chỉnh thể. Người chân tu nên can đảm phơi bày những chấp trước của bản thân mình.

Các học viên mới thường làm tốt hơn ở khía cạnh này. Họ không ngại nói với người khác về những chấp trước của mình. Ngược lại, một số học viên lâu năm đã trở nên giảo hoạt và không thể buông bỏ chấp trước vào danh. Họ nghĩ rằng họ đã tu luyện nhiều năm và có thể bị mất mặt nếu họ thừa nhận có tâm hiển thị, tâm danh lợi, tâm tật đố hoặc sắc dục.

Họ quá xấu hổ khi thừa nhận rằng họ hiếm khi học Pháp hoặc luyện công, hoặc nếu họ vẫn còn bị nghiệp bệnh. Ngoài những chấp trước của họ, việc thiếu nhận thức Pháp cũng trở ngại họ. Sư phụ giảng cho chúng ta rằng bất kể chúng ta đã tu luyện bao nhiêu năm, chúng ta vẫn sẽ có quan niệm của con người vào thời điểm trước khi viên mãn. Chỉ vì chúng ta đã tu luyện nhiều năm không có nghĩa là chúng ta không có bất kỳ quan niệm người thường nào hoặc không cần tiếp tục tu bản thân nữa.

Sau nhiều năm cùng nhau phối hợp giảng chân tướng, nhiều học viên lâu năm gặp phải những bất đồng và mâu thuẫn. Một số học viên không dám phơi bày chấp trước của họ – họ sợ bị người khác nắm đằng chuôi. Họ che giấu các chấp trước của mình vì để bảo vệ bản thân.

Công kích hoặc chế nhạo những chấp trước của đồng tu có thể để lại vết nhơ trên con đường tu luyện thần thánh của chúng ta và phá hoại môi trường tu luyện. Nếu chúng ta thiếu một môi trường tốt và thái độ hướng nội, việc học Pháp và giảng chân tướng sẽ trở nên hời hợt.

Lấy việc giảng chân tướng cứu người làm lá chắn

Khi được mời chia sẻ về kinh nghiệm của mình mà tôi không muốn phơi bày những thiếu sót của bản thân, tôi bắt đầu khoe khoang về việc giảng chân tướng thay vì nói về tu luyện của mình. Nó có vẻ trang nghiêm và quan trọng. Tôi cảm thấy điều này cho thấy nhận thức rõ ràng và sâu sắc của tôi về các việc trọng đại hoặc mức độ tinh tấn và chủ động của tôi trong việc cứu độ chúng sinh.

Tất cả các học viên trong thời kỳ Chính Pháp đều biết việc giảng chân tướng quan trọng như thế nào. Ai có thể phản đối tôi nói về điều này chứ? Tuy nhiên, bằng cách làm này, tôi tránh việc hướng nội. Mặc dù tôi biết rõ rằng việc giảng chân tướng không thể thay thế tu luyện, nhưng hành vi của tôi đã làm lu mờ nó. Tôi tiếp tục nói. Tôi thậm chí còn đưa ra những gợi ý cho người khác và dẫn họ tập trung vào chủ đề này thay vì nói về tu luyện của họ.

Tôi cố gắng thay đổi người khác thay vì thay đổi chính mình, và lời của tôi làm mất đi bản chất của tu luyện. Tôi thậm chí bắt đầu chấp trước vào quan điểm của bản thân mình đến mức xảy ra tranh luận với người khác. Nhiều lần kế hoạch giảng chân tướng của chúng tôi không thành vì những bất đồng của chúng tôi.

Tôi cũng nhận thấy rằng khi tôi sử dụng các từ “chúng ta,” “mọi người” và “mỗi người,” thực ra tôi đang đề cập đến những người khác và cố gắng thay đổi họ. Những lời này dường như bao gồm cả tôi, nhưng thực tế, ý định của tôi là thay đổi người khác.

Lấy giao lưu Pháp lý làm lá chắn

Tôi thích chia sẻ nhận thức Pháp lý của mình. Người tu luyện chắc chắn phải có nhận thức Pháp rõ ràng, nhưng chúng ta không nên dành quá nhiều thời gian để thảo luận về những nhận thức của chúng ta mà không nói về việc loại bỏ chấp trước. Trao đổi nhận thức Pháp của chúng ta là điều hợp lý khi chúng ta mới bắt đầu tu luyện, nhưng tôi nghĩ những người tu luyện lâu năm nên chú ý nhiều hơn đến cách tu tâm tính của chúng ta, loại bỏ chấp trước và giảng chân tướng.

Tôi cũng tìm ra được thêm những chấp trước sau:

1. Chấp trước thích bàn luận những việc ngoài xã hội.

Mặc dù tôi không nói về danh hay tiền, nhưng tôi rất chú ý đến tình hình trong xã hội, những thay đổi trong Chính Pháp, bầu cử, các hiện tượng xã hội và đạo đức suy đồi của xã hội. Đề cập đến chúng cũng không sao, nhưng chúng ta không nên bị lôi kéo sa đà. Chúng ta cũng không nên chỉ trích người thường.

2. Chế nhạo chấp trước của người khác

Như tôi đã đề cập ở trên, một số học viên phơi bày chấp trước lại bị người khác chế giễu. Tôi đã hối hận sâu sắc khi nhận ra mình đã làm điều này. Tôi cảm thấy có lỗi và tự trách bản thân mình trong thời gian dài. Những gì tôi đã làm thật khủng khiếp và đã phá hoại môi trường tu luyện của chúng tôi. Việc làm như vậy khiến những học viên đó sợ nói về những chấp trước của họ. Tôi đã không chiểu theo lời dạy của Sư phụ, và tôi đã để lại vết nhơ trong quá trình tu luyện thần thánh của mình.

3. Tâm bài xích

Khi nhận thấy một số học viên liên tục nói về nhận thức của họ về các tình huống ngoài xã hội mà tránh đụng chạm đến những chấp trước của họ, tôi đã ngừng lắng nghe. Mặc dù không nói gì, nhưng tôi nghĩ rằng họ đang làm lãng phí thời gian của tôi.

Nghĩ lại, tôi nhận ra rằng nhận thức của họ về vấn đề nào đó có thể hữu ích cho những người khác, đặc biệt là các học viên mới. Tôi tự nhắc mình rằng nói về những trải nghiệm của bản thân có thể hữu ích cho những người khác hoặc giúp ích cho việc giảng chân tướng. Tôi đang lãng phí thời gian của mọi người nếu tôi chỉ nói về những thứ trên bề mặt.

4. Tâm đố kỵ, hiển thị, v.v..

Các chấp trước khác nhau đôi khi xuất hiện trong các cuộc thảo luận. Một số nổi lên trong thời gian ngắn nhưng khó nhận thấy cho đến khi tôi hướng nội cẩn thận. Khi tìm ra chúng, tôi đã đào sâu và không dừng lại cho đến khi tôi nhổ tận gốc chúng.

Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình một cách cởi mở và thẳng thắn, đồng thời chú trọng nhiều hơn vào việc tu luyện tâm tính và loại bỏ các chấp trước của bản thân mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/24/419007.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/2/190220.html

Đăng ngày 07-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share