Bài viết của Hạ Đảo
[MINH HUỆ 01-11-2020] Công xã Paris, một trong những cuộc phá hoại lớn nhất trong lịch sử nhân loại đã nổ ra vào tháng 3 năm 1871. Phong trào cộng sản đầu tiên này, dưới sự dẫn dắt của Karl Marx, chỉ kéo dài khoảng hai tháng, nhưng đã tàn phá Paris hoa lệ đến tang thương. Sau đó, phong trào này liên tục vấp phải sự phản đối của công chúng trên khắp châu Âu, song đã tìm được điểm dừng chân ở Nga vào năm 1917, rồi từng bước mở rộng, cuối cùng giành được quyền thống trị 1/3 dân số thế giới.
Sau đó, toàn thế giới bị chia thành hai phe: thế giới tự do và các thế lực cộng sản. Sau Thế Chiến thứ hai, mâu thuẫn giữa hai phe đã dẫn đến Chiến tranh Lạnh, kéo dài gần nửa thập kỷ. Chiến tranh Lạnh xem ra là cuộc chạy đua vũ trang giữa hai phe, nhưng thực tế, nó còn là giai đoạn mà hệ tư tưởng cộng sản thâm nhập vào toàn bộ thế giới tự do. Thông qua giáo dục và các phong trào khác, tà linh cộng sản đã lôi kéo con người, nhất là thế hệ trẻ, rời xa các giá trị đạo đức, tín ngưỡng truyền thống và tôn giáo, gây mâu thuẫn trên toàn thế giới.
Khi chủ nghĩa Marx âm thầm khống chế rất nhiều mặt trong văn hóa toàn cầu, Trung Cộng đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Với tiền bạc, quyền lực, và các chiêu dụ dỗ khó cưỡng khác, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây ảnh hưởng đến chính phủ các nước ở thế giới tự do, khiến họ thờ ơ với tội ác tràn lan của chủ nghĩa cộng sản.
Năm 2020, một đại dịch toàn cầu đã đẩy thế giới vào tình trạng bị tàn phá chưa từng có trong thời hiện đại. Thức tỉnh trước thực tế này, nhiều người cũng như nhiều chính phủ đã hợp lực để chống lại chủ nghĩa cộng sản.
Karl Marx là tín đồ của giáo phái Satan (quỷ Sa-tăng)
Trong Thế Chiến thứ nhất, năm 1917, những người Bolsheviks phát động Cách mạng Tháng 10. Nước Nga, vốn thường được xem là nước kế tục tư tưởng tín thần của Đế chế La Mã, đột nhiên lại rơi vào tay kẻ vô thần. Liên Xô in ra lượng lớn cuốn “Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Cộng sản” (The Communist Manifesto) bằng nhiều ngôn ngữ và truyền bá ra khắp thế giới.
Trước đó, cuốn sách này đã bị cấm, bị đốt ở nhiều nước, nhất là Đức, Hoa Kỳ, và Thổ Nhĩ Kỳ. Karl Marx và Friedrich Engels, hai tác giả của cuốn sách này, đã bị trục xuất khỏi Pháp, Bỉ, và Đức.
“Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Cộng sản” mở đầu như sau: “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu—bóng ma của chủ nghĩa cộng sản. Tất cả các thế lực của châu Âu cũ đều hợp lại thành một liên minh thần thánh để vây quét bóng ma này: Giáo Hoàng và Sa Hoàng, Metternich và Guizot, các phần tử cấp tiến cực đoan của Pháp và cảnh sát mật vụ của Đức.”
Tại sao lại mở đầu như vậy? Có một vài lý do. Một là, Marx vốn phản đối tôn giáo. Ông ta viết: “Tôn giáo là tiếng thở than của kẻ bị áp bức, là trái tim của thế giới vô tâm, và là linh hồn của những kẻ vô hồn. Nó là thuốc phiện của con người.”
Điều này khiến một số nhà sử học khó hiểu. Marx lớn lên trong một gia đình Cơ đốc giáo, từ nhỏ đã hết lòng mộ đạo. Thế nhưng, khoảng 19 tuổi, ông ta lại trở thành một tín đồ Satan giáo, các tác phẩm của ông ta mang đầy những hình ảnh của địa ngục, Satan, lòng hận thù, và nguyền rủa nhân loại. Trong hơn 100 tuyển tập các tác phẩm của Marx, chỉ có 13 tuyển tập được xuất bản. Các tác phẩm còn lại vẫn được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Marx-Engels tại Moscow.
Richard Wurmbrand, một mục sư Cơ Đốc giáo bị chính quyền cộng sản cầm tù và tra tấn ở Romania, đã nghiên cứu các tài liệu lưu trữ này và xác định được bản chất ma quỷ của Marx. Trong cuốn “Lời nguyền của kẻ tuyệt vọng”, Marx viết:
“Vậy là một vị thần đã lấy đi hết thảy của ta
Trong sự nguyền rủa và dày vò của định mệnh.
Toàn bộ thế giới đã trôi vào quên lãng!
Ta không còn lại gì ngoài mối thù phải trả!“
Lời kể của Helen Demuth, người hầu gái của Marx, cũng xác nhận điều này: “Khi mắc bệnh nặng, ông ấy một mình cầu nguyện trong phòng trước một hàng nến sáng, quanh trán quấn dải khăn.” Đây là nghi lễ của giáo phái Satan. Chính điều này cũng ảnh hưởng đến các con của Marx.
“Thực ra, việc thờ phụng Lucifer có lẽ đã là một việc của gia đình Marx tại nhà của ông ta. Con rể Edward Eveling của Marx là một nhà văn viết rất nhiều tác phẩm, một giảng viên về Satan giáo; còn Edgar, con trai của Marx từng gọi cha mình là ‘Quỷ yêu quý’”, Wurmbrand viết trong cuốn Marx & Satan.
Mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản: Triệt tiêu tôn giáo, tín ngưỡng và trật tự xã hội
Mối liên hệ với Satan thể hiện trong lịch sử ra đời của cuốn Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Cộng sản (The Communist Manifesto).
Năm 1874, tổ chức cộng sản có trụ sở tại London có tên “Federation of the Just” (tạm dịch: Liên đoàn vì sự Công chính) đã đề nghị Marx viết bản tuyên ngôn cho việc tái thành lập của họ với tư cách là một Liên minh Cộng sản. Marx đã cùng Engels đã viết, và cuốn Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Cộng sản đã ra đời vào năm 1848. Trong cuốn sách này, họ phê phán trật tự kinh tế xã hội tư sản và kêu gọi giai cấp vô sản quốc tế đứng lên đấu tranh giai cấp.
Phần kết của cuốn sách này còn để lại một lời nhắn: “Những người cộng sản chẳng buồn che giấu quan điểm và mục tiêu của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích cuối cùng của họ chỉ có thể đạt được bằng cách lật đổ toàn bộ hoàn cảnh xã hội hiện tại bằng bạo lực. Những người vô sản chẳng có gì để mất, ngoài xiềng xích. Họ có thế giới làm mục tiêu chiến thắng.”
Nhiều học giả đã phát hiện ra rằng Federation of the Just bắt nguồn từ hội Illuminati, một hội kín do Adam Weishaupt thành lập. Mục tiêu của hội này là lật đổ mọi tôn giáo và chính phủ. Theo Wurmbrand, Anarchasis Clootz, một nhà cách mạng hàng đầu của Pháp, cũng là một hội viên của Illuminati, đã tuyên bố bản thân y là “kẻ thù của Chúa Jesus”.
Năm 1780, chính phủ Bavaria cưỡng chế hội này giải tán và đi vào hoạt động ngầm. Song ảnh hưởng và hoạt động của nó vẫn tiếp tục bằng những cái tên khác nhau ở một số quốc gia. Giáo điều của hội này cũng có thể tìm thấy trong điều Marx viết: “Tôn giáo là tiếng thở than của kẻ bị áp bức, là trái tim của thế giới vô tâm, và là linh hồn của những kẻ vô hồn. Nó là thuốc phiện của con người.”
Các học giả còn phát hiện ra rằng Marx có lẽ là tác giả nổi tiếng duy nhất từng gọi các tác phẩm của chính mình là “phân”, “sách bẩn”. “Ông ta có chủ tâm, cố ý viết để cho độc giả của mình đọc những thứ bẩn thỉu. Như vậy, cũng chẳng lạ khi một số học trò của ông ta, những người cộng sản ở Romania và Mozambique, bắt tù nhân phải ăn phân và uống nước tiểu của họ”, Wurmbrand viết.
Thế nhưng Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Cộng sản đã lừa gạt, dụ mị nhiều thế hệ người. Hans Morgenthau, một học giả ngành quan hệ quốc tế, từng kể về thời thơ ấu của ông ở Bavaria trước Thế Chiến thứ nhất. Cha của ông là một bác sỹ ở một nơi mà người ta thường mong được mai táng với cuốn Kinh Thánh khi chết. Điều khiến người ta phải bàng hoàng là, nhiều công nhân lại xin được chôn cất cùng một cuốn Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Cộng sản mới.
Cùng với sự trỗi dậy của Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX), Đảng Cộng sản Mỹ và Đảng Cộng sản Anh đã in ra mấy trăm nghìn cuốn Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Cộng sản giá rẻ. Sau Thế Chiến thứ hai, cuốn sách này đã len lỏi vào các trường học và trở thành một cấu phần trong đề cương khoa học chính trị. Vào những năm 1960, cuốn sách này đã vạch ra đường lối cho giới thanh niên phái cấp tiến. Ngay cả sau khi khối cộng sản sụp đổ vào năm 1989, hệ tư tưởng của nó vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều phong trào xã hội chủ nghĩa.
Gorbachev: Chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô “chỉ là tuyên truyền”
Khi vệ tinh đã bay vào vũ trụ, các chính trị gia cầm quyền của Liên Xô vẫn còn bàn luận về các nhu cầu cơ bản thường nhật, như thuốc đánh răng và bột giặt. Mikhail Gorbachev từng phát biểu tại Đại học Columbia: “Chúng tôi, trong đó có cả tôi, vẫn nói rằng, ‘Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, còn chúng tôi đang lớn mạnh.’ Đương nhiên, đó chỉ là tuyên truyền. Thực tế, đất nước chúng tôi đang bị tụt hậu”, theo một bài báo có tiêu đề “Gorbachev phát biểu trước sinh viên: Chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô chỉ là tuyên truyền” (Soviet Communism ‘pure propaganda’, Gorbachev tells students) đăng trên tờ Irish Examiner vào tháng 3 năm 2002.
Gorbachev đã chấm dứt chế độ Liên Xô vào tháng 12 năm 1991. “Với danh nghĩa chủ nghĩa cộng sản, chúng ta đã vứt bỏ các giá trị cơ bản của con người. Bởi vậy, khi lên nắm quyền ở Nga, tôi đã bắt đầu khôi phục những giá trị đó, đó là ‘tinh thần cởi mở’ và tự do”, ông nói trong một bài phát biểu năm 1997. Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi điều gì khiến ông tiếc nuối nhất, ông đã trả lời không do dự, “Đó là tôi đã mất quá nhiều thời gian ra sức cải tổ Đảng Cộng sản”, The Guardian cho hay trong một bài báo tháng 8 năm 2011 có tên “Mikhail Gorbachev: Lẽ ra tôi phải từ bỏ Đảng Cộng sản sớm hơn”.
Đáng tiếc là, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn chưa nhận ra điều này. Khi kế thừa búa và liềm từ Liên Xô, ĐCSTQ đã bắt đầu làm hại người Trung Quốc ngay khi mới thành lập vào năm 1921. Các nhà sử học đã phát hiện ra rằng biểu tượng này có nguồn gốc từ Freemasonry (Hội Tam điểm), một tổ chức có liên quan đến hội Illuminati, còn chiếc liềm thường được nhiều tôn giáo coi là biểu tượng của cái chết.
Từ Liên Xô đến Trung Quốc
Không lâu sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng 10 vào năm 1917, Vladimir Lenin đã bắt đầu dùng các loại thủ đoạn để truyền bá tư tưởng cộng sản ra toàn cầu. Năm 1919, Lenin thành lập Quốc tế Cộng sản, thu hút các nước gia nhập liên minh này, trong đó có Trung Quốc.
Trung Quốc vốn tự hào là quốc gia duy nhất trên thế giới với nền văn minh và tín ngưỡng được truyền thừa hàng nghìn năm, một mạch từ thời cổ đại. Thế nhưng, ĐCSLX không chỉ một tay thành lập ĐCSTQ vào năm 1921 với tư cách là một chi bộ của Cộng sản Quốc tế, mà còn bồi dưỡng cho nó lớn mạnh. Ngày 9 tháng 8 năm 1945, chỉ mấy ngày trước khi kết thúc Thế Chiến thứ hai, hơn 1 triệu lính Liên Xô đã xâm lấn vùng Đông Bắc Trung Quốc, đánh tan quân Nhật, rồi đem lượng lớn vũ khí thu được giao cho Lâm Bưu, trưởng Khu Quân sự Cộng sản Đông Bắc.
Được Liên Xô chống đỡ và trang bị đầy đủ, Lâm Bưu cùng các đội quân khác của ĐCSTQ đã giành được quyền kiểm soát vùng Đông Bắc Trung Quốc vào cuối năm 1948, và đến tháng 1 năm 1949 đã chiếm được Bắc Kinh.
Tháng 10 năm 1949, ĐCSTQ giành được chính quyền và thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đặt 540 triệu người dưới ách cai trị của chủ nghĩa cộng sản. Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố sẽ giao ruộng đất cho nông dân và chia của cải với công nhân, nhưng mấy năm sau, nó đã chiếm giữ hết ruộng đất, của cải. Sau đó, nó lại chuyển tầm ngắm sang địa chủ và tiểu thương, quy cho họ là kẻ thù quốc gia, và tiếp tục bức hại con cháu của họ trong những thập kỷ tiếp theo.
Tương tự như Liên Xô, ĐCSTQ cũng truyền bá các tác phẩm của Marx, Engels, Lenin, cùng với các tác phẩm của Mao Trạch Đông. Nó lấy những lý luận này làm cớ để phát động các cuộc vận động chính trị, kích động thù hận, kiểm soát giáo dục, diễn giải lại lịch sử, và nhào nặn tư tưởng con người thành những người như chúng ta thấy hiện nay.
Không chỉ hãm hại địa chủ và tiểu thương, ĐCSTQ còn tiến hành Cách mạng Văn hóa 10 năm ròng, đàn áp gần như toàn bộ giới trí thức và xóa sổ văn hóa Trung Hoa truyền thống. Ngoài ra, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trở thành nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới. Với Dự án Vành đai Con đường (BRL hay OBOR), và gần 500 Viện Khổng Tử ở sáu châu lục, ĐCSTQ đã không ngừng truyền bá chủ nghĩa cộng sản ra toàn thế giới.
Sự tàn bạo chưa từng có
Khi còn sống ở Cologne Đức, Marx đã khởi lập tờ nhật báo Neue Rheinische Zeitung để truyền bá lý luận chủ nghĩa cộng sản của ông ta. Các nhà chức trách đã đình chỉ tờ báo này và ra lệnh trục xuất Marx khỏi Đức. Trong số báo đầu tiên ngày 18 tháng 5, Marx viết “Chúng ta không có lòng trắc ẩn và chúng tôi không yêu cầu các vị phải có lòng trắc ẩn. Hễ thời cơ đến, chúng ta sẽ không có lý do gì để né tránh việc khủng bố.”
Lời này nhất quán với lời kết của Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Cộng sản khi tuyên bố rằng mục đích cuối cùng của họ chỉ có thể đạt được bằng cách lật đổ toàn bộ hoàn cảnh xã hội hiện tại bằng bạo lực. Đến lượt ĐCSTQ thì đã thuần thục với cả bạo lực và dối trá.
Suốt 80 năm qua, khoảng 80 triệu dân Trung Quóc đã bị thiệt mạng vì sự tàn bạo của ĐCSTQ. Trong Nạn đói lớn, chỉ riêng từ năm 1959-1961, đã có 45 triệu người chết đói. Một báo cáo năm 2011 cho thấy tỷ lệ tự vẫn ở Trung Quốc là cứ 22,23/100.000 người, nghĩa là mỗi năm có gần 300.000 người tự tử, hay cứ 2 phút lại có một người tự tử.
Bạo lực đi đôi với lừa dối và tuyên truyền. Chẳng hạn, năm 1957, Mao phát động “Chiến dịch Trăm hoa Đua nở”, khuyến khích mọi người đóng góp ý kiến và phê bình Đảng. Tuy nhiên, sau đó không lâu, tất cả những ai đã có nhận định tiêu cực về Đảng đều bị trả đũa; 400.000 đến 700.000 người đã bị bỏ tù.
Nhưng chủ nghĩa cộng sản không dừng lại ở Trung Quốc. Từ những năm 1960, ĐCSTQ đã thâm nhập vào xã hội phương Tây, với danh nghĩa là các phong trào tư tưởng, nó đã phá hoại một cách có hệ thống các giá trị truyền thống trên toàn cầu. Đây là điều Marx muốn, cũng như mục tiêu mà hội Illuminati và hội Freemasonry đã đặt ra.
Cuộc chiến giữa thế giới tự do và chủ nghĩa cộng sản
Ở thời điểm hưng thịnh nhất, chủ nghĩa cộng sản đã thống trị khoảng 1/3 dân số toàn cầu. Toàn thế giới bị chia thành hai khối đối lập.
Ngoài Chiến tranh Lạnh, các cuộc chiến liên miên cũng nổ ra giữa hai phe phái ở xã hội Mỹ. Năm 1932, người đứng đầu Đảng Cộng sản Mỹ (ĐCS Mỹ) cho xuất bản cuốn sách có tiêu đề Tiến tới Mỹ Xô-viết (Towards Soviet America), và tổng bí thư bấy giờ đã đưa ĐCS Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn với những người Xô-viết cũng như trợ giúp phát triển mạng lưới ngầm bí mật dưới sự kiểm soát của cơ quan mật vụ của Stalin NKVD (tiền thân của KGB).
Trong những năm còn lại của thập niên 1930, ĐCS Mỹ riết ráo thâm nhập chính trị, bầu cử, và các tổ chức dân quyền. Những nỗ lực này đã dần dần làm thay đổi các chính sách của Mỹ theo hướng có lợi cho ĐCSTQ. Đến năm 1949 và đầu những năm 1950, khi mối nguy của chủ nghĩa cộng sản đã trở nên rõ rệt, và tình báo Liên Xô bị lộ diện. Joseph McCarthy và các chính khách khác đã có hành động và giảm mạnh ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản đối với văn hóa, khoa học, và chính phủ Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã có nhiều hành động để chấm dứt sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ngay từ ngày đầu nhậm chức. Trong bài diễn văn nhậm chức vào năm 1981, ông gọi cộng sản là “kẻ thù của tự do”. Ông kinh ngạc trước quy mô của tình báo Liên Xô và gọi chủ nghĩa cộng sản là “tâm điểm tà ác của thế giới hiện đại”.
Chính nhờ những nỗ lực này mà Bức tường Berlin đã sụp đổ vào tháng 11 năm 1991 và Liên Xô bị rớt đài vào tháng sau đó. Gorbachev phát biểu trong lễ chuyển giao quyền lực ngày 25 tháng 12 năm 1991: “Chế độ độc tài toàn trị tước đoạt cơ hội để nước ta trở thành một quốc gia thành công, thịnh vượng lâu nay đã bị tiêu diệt. Đó là một bước đột phá đã đạt được trên con đường chuyển mình hướng tới dân chủ. Tự do bầu cử, tự do báo chí, tự do tôn giáo, các cơ quan quyền lực đại diện cho dân chúng, (chế độ) đa đảng đã trở thành hiện thực, và nhân quyền được nhìn nhận là nguyên tắc tối cao.”
Sau đó là hàng loạt hành động trên diện rộng nhằm thanh trừ ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu và Trung Âu: Luật được thông qua, các biểu tượng và tượng đài của chủ nghĩa cộng sản bị phá hủy, sách giáo khoa được cải chính để khôi phục lại sự thật lịch sử.
(Còn nữa)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/1/414522.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/18/188311.html
Đăng ngày 23-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.