Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-06-2020] Cảnh tượng quen thuộc thường bắt gặp trong các công viên ở Trung Quốc trước khi cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999 là các cặp vợ chồng cùng với các con của họ luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp. Những đứa trẻ ngày đó giờ đã ngoài 30 tuổi. Thật không may, một số người trong đó đã mất môi trường tu luyện vì cuộc bức hại, và cuối cùng đã ngừng tu luyện Đại Pháp.

Sống trong một xã hội đã trượt dốc về mặt đạo đức, những thanh niên nam nữ trẻ này bị chìm đắm trong tiền bạc, danh vọng và Internet. Cha mẹ của họ cảm thấy bất lực và tuyệt vọng. Vài người trong số họ lo lắng về mẫu người mà các con của họ trở thành. Con trai của chúng tôi là một trong những thanh niên trẻ tuổi đó, nhưng cháu đã tìm được đường trở lại tu luyện.

Những năm đầu

Con cái của chúng ta giống như những tấm gương phản ánh hành vi của chúng ta. Trước khi bức hại bắt đầu, mỗi ngày hai vợ chồng tôi đều cùng con trai đến học Pháp nhóm và luyện công trong công viên khu phố của chúng tôi. Khi ấy con trai của chúng tôi chưa biết đọc, nhưng cháu đã có thể nhớ rất nhiều bài thơ trong Hồng Ngâm và bài kinh văn trong Tinh Tấn Yếu Chỉ của Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp).

Con trai của chúng tôi và bạn bè của cháu sẽ cùng nhau đọc thuộc lòng các bài thơ của Sư phụ trong khi chúng chơi đùa. Những giọt mồ hôi do đau đớn đôi lúc chảy xuống khuôn mặt của cháu khi cháu ngồi đả tọa. Đôi khi chúng tôi hỏi xem cháu có muốn dừng lại không. Nhưng cháu luôn từ chối và tiếp tục luyện cho hết bài. Thái độ của cháu đã truyền cảm hứng cho những người lớn chúng tôi, khích lệ chúng tôi tiếp tục tinh tấn.

Con trai của chúng tôi nhỏ tuổi nhất trong lớp và thường bị bắt nạt. Cháu thường về nhà với thân hình đầy vết cắt và bầm tím. Cháu không bao giờ đánh lại và cũng không kể nhiều về việc bị bắt nạt và bị thương.

Môi trường tu luyện bị huỷ hoại

Nhóm học viên chúng tôi đã tan rã sau ngày 20 tháng 7 năm 1999 và chúng tôi đã mất liên lạc với rất nhiều bạn bè của mình. Vài người trong số họ đã ngừng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vì sợ bị bắt giữ.

Độc tu không phải là lý tưởng nhưng chúng tôi vẫn kiên trì.

Con trai của chúng tôi học Pháp cùng chúng tôi. Đôi khi cháu không chịu học nhưng chúng tôi không bao giờ từ bỏ cháu. Chồng tôi và tôi tin rằng dù thế nào đi nữa chúng tôi cũng phải dẫn dắt con của chúng tôi chiểu theo nguyên lý Chân–Thiện-Nhẫn.

Con trai chúng tôi là học sinh ngoan. Chúng tôi không bao giờ đánh đòn hay la mắng cháu khi cháu phạm lỗi. Thay vào đó chúng tôi giải quyết các vấn đề dựa trên Pháp của Sư phụ.

Những năm tháng thanh xuân của cháu trôi qua một cách bình lặng. Chân–Thiện–Nhẫn đã bám rễ trong tâm của con trai chúng tôi. Cháu là một thanh niên tốt bụng và rộng lượng.

Con trai chúng tôi không bao giờ tự học Pháp trong những năm đó một phần cũng là do lỗi của chúng tôi. Hai vợ chồng tôi yêu cầu cháu phải học cùng chúng tôi. Cháu cũng không luyện công thường xuyên.

Khi vào đại học, không có môi trường tu luyện, cháu đã nhập vào xã hội người thường. Khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng lớn.

Trưởng thành

Con trai của chúng tôi đã ra nước ngoài để học cao học. Chúng tôi hy vọng cháu có thể trở thành một học viên tinh tấn khi cháu ra khỏi Trung Quốc. Thật không may, chuyện không được như mong đợi. Bị ảnh hưởng bởi môi trường mới, cháu bắt đầu chạy theo tiền bạc và danh vọng.

Khi hướng nội chúng tôi đã nhận ra vấn đề của cháu bắt nguồn từ chúng tôi. Những chấp trước ẩn sâu của chúng tôi như hiển thị, truy cầu danh và giàu có là một trong những lý do mà chúng tôi đã cho cháu đi học ở nước ngoài. Sự nghiệp thành công của con trai chúng tôi sẽ mang lại vinh quang cho chúng tôi.

Con trai chúng tôi chỉ tập trung vào mức lương cao và địa vị khi cháu tìm việc. Cháu cố chấp và luôn nghĩ về bản thân. Thời gian đầu chúng tôi giữ im lặng. Nhưng sau khi thấy cháu thay đổi công việc lần thứ ba trong một năm và ngày càng xa cách chúng tôi, chúng tôi biết có điều gì đó không ổn.

Sư phụ đã điểm hoá cho chúng tôi vài lần rằng tôi nên chú ý đến con trai của mình. Tôi đã lo lắng. Hai vợ chồng tôi quyết định khuyên cháu về nhà.

Về nhà

Khi trở về cháu tỏ ra lạnh nhạt với chúng tôi, không giống như cậu thanh niên dễ mến mà chúng tôi biết. Chúng tôi không được phép vào phòng của cháu. Cháu dành cả ngày ở trong phòng để chơi game và xem điện thoại. Cháu không muốn ăn cùng chúng tôi, thay vào đó cháu thường đi ra ngoài vào mỗi bữa ăn.

Chúng tôi đã tìm hiểu thêm về đời sống ở nước ngoài của cháu. Mỗi ngày cháu đều ra ngoài ăn. Lương của cháu cao nhưng cháu chẳng để dành được đồng nào. Cháu phàn nàn rằng cháu là người nghèo nhất trong nhóm đồng nghiệp của cháu. Sau đó cháu cho chúng tôi hay rằng cháu đã suýt mắc một sai lầm lớn trong mối quan hệ với một phụ nữ.

Hai vợ chồng tôi rất buồn. Cháu là một thanh niên giản dị, tuấn tú khi rời nhà! Chỉ vài năm xa nhà, cháu đã trở thành bẩn thỉu và luộm thuộm. Mặt của cháu béo phị còn nét mặt thì ủ rũ. Chúng tôi thậm chí không thể nhận ra cháu khi đón cháu tại sân bay.

Tôi đã đổ lỗi cho chồng mình vì đã tự phụ (tôi phải thừa nhận rằng mình cũng quá tự phụ) và rằng anh ấy đã khuyên con trai chúng tôi đi du học và làm việc ở nước ngoài. Kết quả là con trai chúng tôi đã thay đổi và trở nên tệ hơn. Lẽ ra chúng tôi nên giữ cháu gần chúng tôi.

Chồng tôi chỉ ra rằng tôi là một người mẹ độc đoán và đã quá bao bọc cho con trai.

Tôi biết cả hai vợ chồng tôi đều có lỗi. Cách duy nhất để giúp con trai chúng tôi là trước tiên chúng tôi phải buông bỏ những chấp trước của bản thân vào tiền và tình, rồi dẫn dắt cháu quay lại tu luyện. Rõ ràng là chấp trước của chúng tôi vào những thứ trong xã hội người thường này hoàn toàn không quan trọng. Điều chúng tôi nên làm là dẫn dắt con trai chúng tôi quay lại con đường tu luyện, tìm lại chân ngã của mình.

Làm thế nào đây? Con trai của chúng tôi đã không giao tiếp với chúng tôi. Chúng tôi cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Chúng tôi phát chính niệm để loại bỏ mọi can nhiễu. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm đánh thức được chủ nguyên thần của cháu.

Dần dần tình trạng đã thay đổi. Chúng tôi được phép vào phòng của cháu, và cháu đã nói chuyện với chúng tôi. Tôi nhân cơ hội này nói mọi thứ mà tôi muốn nói với cháu: cách tôi bước vào tu luyện, ký ức của chúng tôi về cháu khi còn là tiểu đệ tử, cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp, sứ mệnh của đệ tử Đại Pháp và niềm hy vọng của Sư phụ đối với các học viên trẻ.

Cháu đã lắng nghe! Tôi nhìn thấy niềm hy vọng trong đôi mắt của cháu. Tôi cảm nhận được sự hiện diện của Sư phụ. Quan hệ của chúng tôi không còn là quan hệ giữa mẹ và con nữa. Chúng tôi nói chuyện với nhau như những học viên.

Mọi thứ thay đổi

Hai dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của con trai chúng tôi khi cháu luyện bài Pháp Luân Trang Pháp (bài công pháp thứ hai) lần đầu tiên sau nhiều năm không luyện. Cháu cho tôi hay cháu muốn theo Sư phụ. Sư phụ đã điểm hoá cho cháu lý do tại sao cháu đến thế gian này, và khích lệ cháu tu luyện tinh tấn.

Cháu trở thành một học viên trưởng thành và không còn cần chúng tôi nhắc cháu phải học Pháp hay luyện công nữa.

Là con một cháu đã quen với việc được nuông chiều. Sau khi trở thành một học viên chân chính, cháu đã thay đổi rất ấn tượng. Cháu tự làm việc nhà mà không cần phải bảo. Không còn kén chọn đồ ăn, cháu ăn bất cứ thứ gì có trên bàn. Cháu không còn lãng phí và biết quan tâm nhiều hơn.

Con trai của chúng tôi đã chăm sóc cho ông nội đang nằm liệt giường. Cháu tắm rửa sạch sẽ cho ông. Cháu thậm chí còn nấu cho ông ăn và thay ga trải giường cho ông. Cháu mua những món mà ông nội thích ăn và đút cho ông ăn. Cháu cũng ăn những thức ăn thừa còn lại của ông nội. Cháu cũng học Pháp và nghe các bài giảng của Sư phụ cùng với ông nội.

Trước kia, cháu thường tránh xa người già, vì cháu nói rằng họ có “mùi người già.” Cháu không bao giờ ăn thức ăn thừa. Người thân của chúng tôi đã xúc động khi họ thấy con trai chúng tôi đã trở nên chu đáo như thế nào đối với ông của mình.

Hằng ngày sau bữa tối, cháu sẽ học Pháp, luyện công và phát chính niệm. Cháu thức dậy vào lúc 3 giờ sáng để luyện công buổi sáng.

Ngoài việc đọc và học thuộc lòng Chuyển Pháp Luân, Hồng Ngâm và Tinh Tấn Yếu Chỉ, cháu còn đọc từng cuốn sách và bài viết của Sư phụ hai lần.

Cháu cũng hướng nội và tu luyện bản thân. Không còn cứng đầu, cháu sẵn sàng lắng nghe ý kiến phê bình và sửa chữa lỗi lầm của mình. Không còn dính mắc vào tiền hay địa vị, cháu hài lòng miễn là công việc cho cháu nhiều thời gian để tu luyện và chăm sóc cho ông nội. Cháu nói rằng tu luyện trước rồi mới đến những thứ khác.

Trải nghiệm của tôi

Trong quá trình giúp đỡ con trai mình, tôi nhận ra rằng chúng tôi chỉ có thể giúp được người khác khi bản thân chúng tôi tu luyện tinh tấn. Chỉ có sức mạnh của Pháp cùng sự hỗ trợ và giúp đỡ của Sư phụ mới có thể xoay chuyển người khác.

Tôi phải buông bỏ tình cảm của mình và đối mặt với con trai mình bằng lòng từ bi.

Tuần báo Minh Huệ và các chương trình Radio trên website Minh Huệ đã giúp ích rất nhiều cho cháu. Những bài chia sẻ là vô giá đối với cả học viên mới và cũ.

Hiện gia đình chúng tôi là một nhóm học viên nhỏ. Chúng tôi cùng nhau làm ba việc.

Con trai của chúng tôi bắt đầu tìm kiếm các học viên trẻ khác mà cháu biết hồi còn nhỏ. Cháu muốn giúp họ quay lại tu luyện.

Cả nhà chúng con xin cảm ân Sư tôn đã từ bi cứu độ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/22/405130.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/25/186487.html

Đăng ngày 15-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share