Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Mỹ

[MINH HUỆ 21-06-2020] Một vài năm trước, tôi nghe nói rằng một trường cấp hai mới được thành lập tại Middletown, New York, và nhà trường nhận học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, tuy nhiên tôi không có ý định gửi con tới đó học.

Chúng tôi sống ở New Jersey, nơi mà chất lượng giáo dục của các trường công lập được xếp hạng cao nhất tại Mỹ. Con tôi lúc đó đang học lớp tài năng. Nếu so sánh thì chương trình giảng dạy tại trường Middletown không quá khó. Tôi biết nhiều giáo viên ở đó tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và xuyên suốt trong giáo dục của họ nhấn mạnh đến các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi nghiêm khắc trong giáo dục con của mình, và ngoài việc đọc các bài giảng Pháp Luân Đại Pháp thường xuyên, chúng tôi thường kiểm tra những gì được dạy ở trường. Nếu có gì đó trái với nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp, chúng tôi sẽ ngay lập tức dạy con mình điều đúng. Do đó chúng tôi không nghĩ là cần thiết phải gửi con tới trường Middletown.

Mọi việc bắt đầu thay đổi khi con trai tôi lên 10 tuổi. Cháu không còn nghe lời khi chúng tôi giải thích với cháu. Cháu sẽ nói: “Những gì mẹ nói là ý kiến của mẹ. Con có quan điểm riêng của con, và không có gì là đúng hay sai. Nó chỉ là vấn đề lựa chọn.” Chúng tôi không có cách nào dạy cháu phân biệt đúng sai. Dần dần, cháu dừng chia sẻ với chúng tôi những chuyện ở trường bởi vì quan điểm của chúng tôi khác nhau. Cháu nghĩ chúng tôi có cách của chúng tôi và cháu muốn tìm con đường riêng của mình.

Nhưng làm thế nào cháu có thể làm được điều này, cháu nên theo tiêu chuẩn nào? Cháu không biết được. Những đứa trẻ thông minh học hỏi mọi thứ một cách nhanh chóng, kể cả những tệ nạn. Ngày nay tư duy tả khuynh đã thấm đẫm vào truyền thông và trường học. Làm thế nào một đứa trẻ có thể học được những giá trị đúng đắn? Quả vậy, con trai tôi bắt đầu có thái độ bất kính và thường nói: “Con không quan tâm.” Cháu học các bài giảng Pháp ít hơn và trở nên giải đãi. Cháu tự nhốt mình trong phòng sau giờ tan học và hiếm khi nói chuyện với chúng tôi. Không khí trong gia đình ngày càng căng thẳng.

Tôi đã lướt qua nhiều lý thuyết về giáo dục và đọc những kinh nghiệm của các bà mẹ khác trên mạng, nhưng tôi cảm thấy các giải pháp đưa ra bởi những người được gọi là chuyên gia không giải quyết được vấn đề căn bản. Có một vài trường hợp thành công dựa vào đức tin tôn giáo. Dĩ nhiên, là học viên Pháp Luân Đại Pháp, cách tốt nhất để vượt qua việc này là phải học các bài giảng. Trong kỳ nghỉ, chúng tôi đã đọc Pháp và luyện công mỗi ngày cùng con trai tôi. Cháu trở nên tốt hơn và vui vẻ hơn.

Khi cháu đi học lại vào tháng 9, ảnh hưởng xấu lại tái diễn. Hơn nữa, cháu có nhiều bài tập về nhà và dành ít thời gian hơn để học Pháp. Tình trạng của cháu ngày càng tồi tệ. Trong kỳ nghỉ Giáng sinh, chúng tôi bắt kịp việc học Pháp và mọi thứ cải thiện đôi chút, nhưng khi quay lại trường học, cháu lại trở nên như cũ. Nó giống như một cuộc thi kéo co, giữa phụ huynh chúng tôi và các tiêu chuẩn đạo đức xuống dốc trong xã hội, những thứ đang kéo cháu đi xuống.

Chia sẻ của phụ huynh một học sinh trường Middletown tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Washington DC năm 2018 đã làm tôi cảm động. Con trai cô ấy đã từ bỏ chơi điện tử trong khi học ở trường và đã thay đổi. Điều này khiến tôi tự hỏi liệu tôi có chấp trước vào danh không. Một lớp học tài năng trong một ngôi trường danh tiếng– không phải đây là truy cầu của người thường sao? Chúng có thể thực sự cho con trai tôi một nền giáo dục tốt không?

Sau đó tôi đã đọc đoạn Pháp này của Sư phụ:

“Thời mới đầu Thần Vận, nhận thức của mọi người về Thần Vận cũng chưa đầy đủ, nói các cháu tập múa, xong sau này làm được gì? Họ không nghĩ tới, rằng Sư phụ dùng người không thể nói dùng xong là xong, tôi cần cân nhắc tới tương lai của các cháu. Tôi làm trung học, đại học, viện nghiên cứu sinh. Những hài tử đó, lúc đầu cha mẹ chúng còn không muốn đưa tới, rất [chần chừ] không buông được. Nhưng mà lúc rất không buông được ấy, lúc ấy 12, 13 tuổi, đúng lúc [cần] thật sự bỏ công phu [tập luyện], [thân thể] còn rất mềm, thì rất chần chừ. Đợi đến 14, 15 tuổi, coi lại, [thì thấy] trẻ em từ 15 tuổi trở ra là không quản được nữa, chúng cãi lại các vị, giận dỗi các vị. [Chư vị] hễ thấy không được nữa, liền lập tức đưa lên núi. (mọi người cười) Nhưng mà, đứa trẻ đó [thân thể] cứng cáp rồi, [nên] lên núi cũng rất vất vả.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2018)

Con trai tôi mới chỉ 12 tuổi, mà mọi thứ đã khó khăn rồi. Tôi không thể tưởng tượng sẽ thế nào khi cháu 15 tuổi. Chồng tôi và tôi đã đưa con trai tôi tới trường Middletown để phỏng vấn.

So với những ngôi trường khác có kinh phí tốt hơn, khuôn viên trường dường như có chút đơn giản. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn, học sinh lại tràn đầy sức sống hơn với nụ cười trẻ trung trên khuôn mặt. Trong khi con trai tôi đang được phỏng vấn, một giáo viên đã đến để trò chuyện. Ông ấy nói rằng tụi trẻ ở trường này rất vui và ông ấy nghe thấy tiếng cười mỗi ngày. Thỉnh thoảng ông ấy phải ra ngoài và nói chúng hãy nhỏ giọng xuống vì điều đó có thể làm phiền các giáo viên đang chuẩn bị lên lớp. Ông ấy nói rằng ông đã dạy ở nhiều trường khác trước đây và quan sát thấy học sinh tại trường Middletown là những học sinh vui vẻ nhất. Ông nói thêm rằng việc dạy dỗ tụi trẻ không thành vấn đề miễn là chúng vui vẻ, vì chúng có nhiều khả năng lắng nghe hơn.

Chúng tôi đã gạt bỏ một số nghi ngờ sau khi nghe vị giáo viên này giới thiệu về ngôi trường. Tuy nhiên khi chúng tôi nhìn thấy thời khóa biểu lên lớp kín đặc, từ sáng đến tối, chúng tôi không thể không băn khoăn: Không có thời gian chơi, những đứa trẻ này có thể vui hay không? Liệu con trai tôi có trở thành một con mọt sách không?

Chúng tôi quyết định buông tâm lo lắng và thử xem sao. Do đó con trai tôi bắt đầu học tại trường Middletown.

Cháu nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới và không phàn nàn về việc không có thời gian chơi. Trên thực tế, cháu thích đến trường và trở nên vui vẻ hơn. Một cách tự nhiên, cháu đã không ngại tuân theo các quy định khác nhau tại trường. Hàng tuần, có một đại hội toàn trường đặt ra quy phạm hành vi cử chỉ của học sinh cũng như các bài học về các giá trị đạo đức phù hợp với trẻ em ở các độ tuổi khác nhau.

Các bài học đạo đức quy chính tư tưởng cho học sinh thông qua việc giảng dạy các triết lý truyền thống phương Tây, chẳng hạn như các học thuyết của Aristotle, v.v… Thời gian trôi qua, con trai tôi trở nên lịch sự hơn khi ở nhà và học được cách nói xin lỗi hay cảm ơn khi làm phiền chúng tôi hoặc khi đề nghị giúp đỡ.

Bạn bè tôi không thể hiểu được lý do tại sao chúng tôi chuyển từ một khu đô thị New York nhộn nhịp đến một thị trấn yên tĩnh ở ngoại ô. Con trai tôi nói với họ rằng trước đây cháu không thích học nhưng bây giờ cháu thích đến trường. Các bạn tôi vẫn hoang mang: Hoạt động ngoại khóa của trường Middletown không có gì đặc biệt và có rất ít phương tiện giải trí, vậy làm sao tụi trẻ lại vui vẻ như vậy?

Tôi kể cho anh ấy nghe câu chuyện con trai tôi học tiếng Trung. Vì chúng tôi là một gia đình người Trung Quốc, chúng tôi muốn cháu học tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng con trai tôi không nhiệt tình vì bạn cháu không nói tiếng Trung. Cháu đã từng đến một trường học tiếng Trung vào cuối tuần nhưng từ chối quay lại đó học. Cháu nói rằng chúng tôi đang tra tấn cháu khi yêu cầu cháu học tiếng Trung. Tại trường Middletown, các nhân viên xếp cháu vào thẳng lớp Trung Quốc cấp độ 2, nghĩ rằng hẳn cháu có một số nền tảng về ngôn ngữ vì cháu là người Trung Quốc và chúng tôi nói tiếng Trung.

Nhưng con trai tôi hầu như không nói tiếng Trung Quốc. Giáo viên đã cho cháu xuống học cấp độ 1 khi ông ấy phát hiện rằng con trai tôi không theo kịp. Sau khi học một buổi, con trai tôi muốn quay trở lại lớp cấp độ 2 bởi vì cháu ở đó vui hơn. Tôi được biết rằng học sinh lớp cấp độ 2 được yêu cầu học thuộc cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi tới gặp thầy giáo và đề nghị thầy cho con trai tôi một cơ hội.

Thầy giáo miễn cưỡng đồng ý cho cháu thử trong một tháng với điều kiện rằng cháu phải vượt qua kỳ thi sắp tới. Con trai tôi chấp nhận thử thách. Cháu nhờ chúng tôi dạy cháu những chữ mới mỗi ngày và đọc một câu trong Chuyển Pháp Luân. Cháu không thể hiểu được ý nghĩa, và các cụm từ thì không giống với những gì người ta sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Ban đầu, cháu ghi nhớ các từ dựa trên cách phát âm. Nhưng cháu càng học thuộc, cháu càng thích thú. Cháu nhanh chóng tiến bộ từ việc nhớ một đoạn ngắn (giữa các dấu phẩy) tới học đủ một câu mỗi ngày. Hai tuần sau, cháu kiểm tra và đạt điểm tối đa.

Do đó, con trai tôi vẫn được học ở lớp cấp 2 và tiếp tục học thuộc Chuyển Pháp Luân. Nếu cháu vượt mục tiêu của mình ngày hôm đó, chúng tôi sẽ nói với giáo viên. Sau đó, cháu sẽ được kiểm tra tại lớp, và thầy giáo sẽ khen ngợi cháu có tiến bộ. Chính điều này đã khuyến khích con trai tôi học tập chăm chỉ hơn. Tính khí của cháu cũng bắt đầu thay đổi.

Các giáo viên và phụ huynh tại trường Middletown cùng chung một mục tiêu: khơi dậy những tính cách tốt trong trẻ. Chúng tôi hợp tác cùng nhau và dốc sức cùng về một hướng. Những trường khác có ý tưởng giáo dục khác chúng tôi. Trên hết, nhiều nhân tố tiêu cực trong xã hội đã tác động xấu đến bọn trẻ. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do mà nhiều đứa trẻ lớn lên trở thành những thanh niên xấu tính.

Thông qua trải nghiệm của con mình, chúng tôi nhận ra rằng những ngôi trường danh tiếng có thể có tiện nghi sang trọng và khuôn viên hiện đại, cũng như đội ngũ giảng viên với chất lượng hàng đầu, nhưng sự đẹp đẽ bề ngoài không có ý nghĩa gì nếu mục tiêu giáo dục đi trệch hướng.

Một học sinh khác học cách yêu thích âm nhạc

Con trai tôi không thích chơi các nhạc cụ dây của cháu, nhưng cháu học những thứ mới rất nhanh. Ở trường công, các bạn cùng lớp cháu coi âm nhạc là một thú vui. Cháu dễ dàng nổi bật trong số họ và không có động lực để luyện tập chăm chỉ. Mỗi lần kèm cặp cháu tập luyện là một sự vật vã.

Sau khi chuyển sang học nhạc tại trường ở Middletown, cháu trải qua một sự thay đổi to lớn. Trường học có một buổi hòa nhạc mỗi tuần, ở đó học sinh phải có một bài biểu diễn độc tấu trước mọi người. Các học sinh khá tài năng và có một tiêu chuẩn cao dù học trong một thời gian ngắn. Con trai tôi cảm thấy một chút áp lực sau khi nghe lời kể của những người khác và không dám coi nhẹ mọi việc.

Trên hết, nhà trường dành thời gian cho việc tập luyện cá nhân vào các buổi chiều dưới sự giám sát của giáo viên. Bởi vì mọi người xung quanh cháu đều chăm chỉ luyện tập, con trai tôi cũng buộc phải tập luyện. Dần dần cháu đã quen với việc luyện tập hàng ngày. Các hình thức luyện tập khác, chẳng hạn như luyện trong dàn nhạc hay ban nhạc, khiến mọi thứ trở nên thú vị hơn đối với học sinh.

Động lực lớn nhất cho sự cải thiện của con trai tôi là mơ ước của cháu được nhận vào Học viện Phi Thiên. Cuối năm học đầu tiên, gần một nửa lớp cháu đã được nhận vào Học viện Phi Thiên. Con trai tôi cảm thấy một chút mất mát khi thấy bạn bè của mình rời đi. Cháu tiếc nuối đã không luyện tập chăm chỉ hơn và lãng phí thời gian quý giá. Cháu đã đặt mục tiêu cho mình: được vào Học viện Phi Thiên. Cháu luyện tập chăm chỉ trong suốt kỳ nghỉ Hè. Cháu tăng luyện tập từ một tiếng mỗi ngày lên thành ba tiếng.

Kỹ năng của cháu cải thiện rõ rệt sau mùa Hè. Các bạn cùng lớp mừng cho cháu, và tất cả tụi trẻ học hỏi lẫn nhau. Lĩnh vực nghệ thuật được biết đến là cạnh tranh khốc liệt, và mối quan hệ giữa các học sinh trong các trường nghệ thuật khác thường căng thẳng. Tại trường Middletown, mặc dù có cạnh tranh giữa các học sinh, nhưng nó là tích cực. Mọi người cạnh tranh để xem ai tiến bộ nhanh chóng hơn, đồng thời giúp đỡ lẫn nhau. Những đứa trẻ lớn hơn chăm sóc cho những đứa nhỏ hơn, và những học sinh khá chăm sóc cho những học sinh mới. Tụi trẻ sống hòa đồng. Ngoài việc tiến bộ trong kỹ năng âm nhạc, con trai tôi cũng học được tâm thái tích cực và quan tâm đến người khác trong một môi trường như vậy.

Học sinh thứ ba tìm thấy miền đất thanh tịnh cho nghệ thuật truyền thống

Khi còn rất nhỏ, con chúng tôi có niềm đam mê với âm nhạc truyền thống và từ chối lắng nghe nhạc đương đại. Cháu thể hiện một năng khiếu âm nhạc từ rất sớm và đã đạt giải nhất trong một cuộc thi Piano quốc tế. Nhưng khi cháu lớn lên, cháu bị ảnh hưởng bởi bạn bè và bạn học khi nghĩ rằng công nghệ là con đường sự nghiệp tốt hơn và rằng âm nhạc chỉ có thể là một thú tiêu khiển. Cháu cũng không quan tâm đến âm nhạc phổ thông được chơi trong dàn nhạc của trường học. Thời gian trôi qua, cháu dừng chơi nhạc. Nhưng cháu thừa nhận rằng cháu yêu âm nhạc hơn mọi thứ. Cháu cảm thấy như thể đã đánh mất mục tiêu của cuộc đời khi từ bỏ âm nhạc. Cháu trở nên trầm cảm và sống khép mình. Tính khí của cháu càng tệ hơn.

Chúng tôi biết rằng các Giáo sư âm nhạc tại trường Middletown dạy nhạc cổ điển. Chúng tôi hy vọng môi trường này sẽ giúp vực dậy niềm đam mê âm nhạc của cháu.

Con trai tôi nghe và chơi nhạc cổ điển chính thống mỗi ngày tại trường. Sau một tuần, cháu bắt đầu hát ở nhà, và vào buổi tối khi cháu đi ngủ, tâm hồn cháu ngập tràn âm nhạc do dàn nhạc biểu diễn trong ngày. Chưa đầy một tháng, cháu quyết định muốn trở thành một nhạc sỹ chuyên nghiệp.

Tìm thấy mục tiêu trong cuộc sống, con trai tôi bắt đầu mỉm cười trở lại, và cháu trở nên vui vẻ. Khi chúng tôi nhắc cháu đừng mất bình tĩnh ở trường, cháu nói cháu đã không còn buồn bã trong nhiều tháng.

Để mở rộng tâm hồn âm nhạc cho cháu, chúng tôi thường đưa cháu đi nghe các buổi biểu diễn của sinh viên và các buổi hội thảo âm nhạc trình bày tại các tổ chức danh tiếng trên thế giới ở Manhattan. Chúng tôi đã rất thất vọng. Mặc dù kỹ thuật chơi của sinh viên rất xuất sắc, dáng vẻ của họ lại thô lậu và biểu hiện của họ thì khoa trương. Các giáo viên thậm chí còn tệ hơn. Chơi một chuỗi các nốt cao trên Piano, cố gắng bắt chước âm thanh của tiếng chim hót trong tự nhiên, điều đó thật bất bình thường và vô nghĩa. Tuy nhiên, khán giả dường như thích buổi biểu diễn. Đây chẳng lẽ lại là sản phẩm của một tổ chức âm nhạc nổi tiếng sao? Con trai tôi nói một cách giận dữ, sau đó cháu không muốn tham dự một buổi biểu diễn như vậy nữa.

Sau này, chúng tôi tham dự một buổi biểu diễn giao hưởng đẳng cấp tại Trung tâm Lincoln. Nó thực sự là một màn trình diễn cổ điển, nhưng chúng tôi không biết tại sao các nhạc sỹ lại lắc lư đồng loạt trong khi chơi nhạc. Nó gây mất tập trung và chúng tôi không thể thưởng thức âm nhạc. Chúng tôi không chắc liệu họ đang chơi nhạc bằng nhạc cụ hay cơ thể.

Sau nhiều trải nghiệm khó chịu, chúng tôi nhận ra rằng mọi thứ trong thế giới này đã trượt dốc, và ngay cả một thứ tinh tế và thánh khiết như âm nhạc cổ điển cũng không ngoại lệ. Trong khi chúng tôi bị sốc với nhận thức của mình, chúng tôi vô cùng biết ơn trường Middletown đã mang đến cho tụi trẻ một nơi để học thứ âm nhạc cao quý, không tì vết và biểu diễn với sự duyên dáng và lịch lãm.

Các bài học âm nhạc được dạy ở đó là toàn diện và vững chắc. Học sinh không chỉ học nhạc cổ điển và luyện tập cho dàn nhạc, mà chúng còn được học lý thuyết âm nhạc và rèn luyện khả năng nghe. Đồng thời, chúng được dạy để thưởng thức các hình thức âm nhạc khác, chẳng hạn như âm nhạc dân gian và nhạc cổ điển Trung Hoa.

Con trai tôi tốt nghiệp trung học cơ sở trong năm nay. Trong khi lựa chọn một tác phẩm tốt nghiệp, chúng tôi đã có được lý giải sâu sắc hơn thế nào là âm nhạc hay. Nhà trường yêu cầu tác phẩm phải là nhạc cổ điển. Ban đầu con trai tôi chọn một tác phẩm của một nhà soạn nhạc nổi tiếng người Anh từ thế kỷ trước. Tác phẩm này đã được gần như mọi nghệ sỹ cello nổi tiếng trình bày trong lịch sử đương đại. Nó cũng được coi là một trong những bài hát phổ biến nhất. Giai điệu u sầu và cảm động. Khi cháu gửi tác phẩm mà cháu lựa chọn cho nhà trường, giáo viên bảo cháu rằng nó không phù hợp, bởi vì nó không được coi là một tác phẩm cổ điển. Họ đề nghị con trai tôi thay đổi tác phẩm khác.

Con trai tôi không hiểu tại sao một tác phẩm hay như vậy lại không đáp ứng được yêu cầu của nhà trường. Cháu đã chọn một bài hát khác nhưng vẫn cố luyện tập tác phẩm lựa chọn ban đầu trong lúc rảnh rỗi. Sau vài ngày, cháu nói rằng bản nhạc đó đã đưa cháu tới quãng thời gian mà cháu trầm cảm nhất. Nó khiến cháu cảm thấy u sầu. Khi tôi nghe thấy vậy, tôi đã bảo cháu hãy dừng chơi bản nhạc đó.

Sư phụ đã giảng:

“Cần biết rằng, nghệ thuật chân chính của nhân loại ban đầu là xuất hiện trong điện đường của Thần. Thần truyền chủng văn hoá này cho con người có một mục đích nữa là để con người thấy được sự vĩ đại của Thần, tin rằng ‘thiện ác hữu báo’, kẻ làm ác sẽ bị ác báo, người tốt sẽ có phúc báo, người tu sẽ lên thiên đường.” (Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác và Nghiên cứu Mỹ thuật)

Sư phụ cũng giảng:

“Tôi thích xem các tác phẩm chính thống, những trần nhà, những bích hoạ vẽ chư Thần, còn có những bức tượng điêu khắc chư Thần. Tôi xem thì luôn luôn là thấy nhân loại còn có hy vọng quay trở lại, bởi vì những tác phẩm ấy là biểu hiện sự vĩ đại của Thần, mà Thần bên kia ở trong hình tượng Thần cũng thật sự đưa cái Thiện cho người.” (Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác và Nghiên cứu Mỹ thuật)

Tôi nhận ra rằng tác phẩm nghệ thuật tốt có thể tịnh hóa và nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của con người. Cổ nhân tin rằng nghệ thuật và âm nhạc đạo đức có thể có tác dụng nâng cao tinh thần và thể chất của con người. Ngược lại, nếu một tác phẩm âm nhạc khiến người ta cảm thấy chán nản, mặc dù kỹ thuật và bố cục phù hợp với định nghĩa về âm nhạc cổ điển, nhưng nó không phải là âm nhạc hay bởi vì chủ đề và khải niệm không lành mạnh, cho dù giai điệu có ấn tượng thế nào.

Nhà trường nghiêm khắc trong việc xem xét những gì học sinh được dạy, và thái độ của giáo viên đối với việc dạy học cũng rất đáng khen. Các giáo viên có trách nhiệm và thực sự quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh. Họ đưa ra hướng dẫn chuyên nghiệp dựa trên khả năng riêng của từng học sinh.

Con chúng tôi bắt đầu học Piano khi còn nhỏ và sau đó học clarinet. Cháu giỏi cả hai nhạc cụ này. Thầy giáo dạy Piano tại trường nghĩ một nhạc cụ dây sẽ phù hợp với cháu hơn do vóc dáng của cháu. Chúng tôi chấp nhận lời khuyên của giáo viên và đã cho cháu đổi sang học nhạc cụ dây. Thực vậy, sau khi thay đổi nhạc cụ, cháu đã có tiến bộ rất nhanh, vượt xa sự mong đợi của chúng tôi. Năm nay, cháu đã được nhận vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/21/407959.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/27/185661.html

Đăng ngày 04-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share