Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-05-2020] Mẹ tôi là người đầu tiên trong gia đình chúng tôi tu luyện Pháp Luân Công (hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Sau đó không lâu, mẹ đã dẫn tôi bước vào tu luyện cùng bà.

Lúc đó mới 12 tuổi, tôi hầu như không đọc cuốn sách nào của Pháp Luân Công. Điều tôi yêu thích nhất là nghe các bài giảng thu âm của Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công.

Ban đầu, tôi đã ngủ thiếp đi khi nghe các bài giảng của Sư phụ, nhưng điều đó đúng như điều Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“họ ngủ rất say, nhưng một chữ cũng không bỏ sót,” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Cho tới ngày hôm nay, sau 24 năm, khi tôi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, lời giảng của Sư phụ vẫn vang vọng trong tâm trí tôi. Nền tảng này không chỉ giúp tôi luôn đắm mình trong Pháp, mà còn là điểm tựa cho tôi trong những lúc khó khăn.

Làm một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi

Giống như nhiều học viên trẻ tuổi khác, tôi trở nên bận rộn hơn khi học lên các lớp cao hơn. Bởi vậy, tôi đã sao nhãng việc học Pháp và luyện công. Mặc dù vậy, Pháp lý của Đại Pháp vẫn chỉ đạo cho tôi khi tôi gặp khó khăn.

Tôi cảm thấy hối tiếc về đoạn thời gian lãng phí khi còn niên thiếu. Bởi học Pháp không đủ nên việc tu luyện của tôi dần trượt dốc. Tôi không những không giải quyết các vấn đề thông thường của thiếu niên tốt bằng các bạn cùng trang lứa, mà thậm chí còn gặp nhiều rắc rối hơn họ. Cho tới hôm nay, thỉnh thoảng tôi vẫn không thể giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội nhất định.

Nhưng cuộc sống của tôi đã có một bước ngoặt lớn vào tháng 7 năm 1999, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công và các học viên Pháp Luân Công.

Là một đứa trẻ, tôi không thể hiểu được mức độ nghiêm trọng của cuộc bức hại, và không hiểu tại sao mẹ tôi tới Bắc Kinh bằng mọi cách để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Đại Pháp.

Người chủ của công ty mẹ tôi đã giam giữ bà. Vào thời gian đó, hầu hết hàng xóm của chúng tôi ở tòa chung cư đều làm việc cùng với mẹ tôi. Thậm chí tôi biết Đại Pháp và mẹ tôi là vô tội, nhưng tôi đã cảm thấy xấu hổ đến mức cúi mặt khi ra vào tòa nhà.

Vài ngày sau, tôi quyết định đi thăm mẹ. Khi ở nơi mẹ bị giam giữ, tôi đã hướng nội tìm nguyên nhân của cảm giác xấu hổ này. Sau khi tôi có thể nhìn nhận sự việc một cách có lý trí, tôi cảm thấy can đảm hơn. Những ánh mắt tò mò của hàng xóm không còn làm phiền tôi chút nào nữa.

Mẹ tôi bị bắt giữ

Vào buổi tối trước Tết Nguyên đán, tôi đi ngủ sớm, nhưng được một lát mẹ tôi đã đánh thức tôi dậy. Mẹ ấn một cuộn giấy vào tay tôi và khẽ bảo tôi rời khỏi phòng một lúc.

Tâm trí tôi lập tức trở lên minh bạch: Tôi biết tôi phải bảo vệ bất kỳ thứ gì mà mẹ đã đưa cho tôi.

Cảnh sát đã lục soát cả các phòng khác, kể cả nhà vệ sinh. Một cảnh sát đã để ý tới tôi, quan sát từng hành động của tôi. Sau khi cảnh sát lục soát xong phòng tôi, mẹ lại kéo tôi vào phòng và bảo tôi hãy ngủ ngon. Rồi mẹ nhẹ nhàng đóng cửa phòng ngủ của tôi và đi ra ngoài.

Nằm trong bóng tối, tôi không thể ngủ được. Tôi nhìn chằm chằm lên trần nhà và chờ đợi. Tôi nghe thấy cảnh sát đưa mẹ tôi đi; tôi nghe thấy cửa trước đóng sầm lại. Cố gắng không để cha tôi phải buồn lo, tôi đã ôm gối khóc.

Đối với lần đầu tiên này, tôi cuối cùng đã hiểu ra được cuộc bức hại này tàn khốc đến mức nào. Ngày hôm đó cũng đặt dấu chấm hết cho tuổi thơ vô âu vô lo của tôi. Trong mấy năm tiếp theo, tôi không đi ngủ sớm nữa và cũng bắt đầu phát chính niệm.

Mất mẹ cũng có nghĩa là tôi mất đi môi trường tu luyện của mình. Không có sách Đại Pháp nào ở nhà cả. Cha tôi, người không phải là một học viên Pháp Luân Công, vừa phải cố gắng tìm cách giải cứu mẹ vừa chăm sóc cho tôi.

Tôi sợ hỏi ông về mẹ, và tôi cũng không muốn ông phải giải quyết những rắc rối của tôi ở trường. Vì thế, tôi đã không có ai để nói chuyện cùng.

Một lần, khi ngắm trăng tròn, tôi gửi tới mẹ một lời nhắn trong tâm. Tôi nói với bà rằng tôi sẽ luôn ở bên bà và sẽ không trở thành gánh nặng cho bà.

Một người dì của tôi, cũng là một học viên, đã liên lạc với tôi. Toàn gia đình không cho chúng tôi gặp nhau, bởi vì họ lo sợ họ sẽ bị cảnh sát sách nhiễu. Nhưng cứ vài ngày, người dì này lại đi một quãng đường khá xa để đến gặp tôi ở trường vào giờ nghỉ trưa. Dì nói với tôi về những kinh văn mới của Sư phụ, sự cần thiết phải phát chính niệm và các câu chuyện về những học viên khác.

Tôi tạ ơn Sư phụ và cảm ơn dì đã cho tôi sức mạnh và chính niệm khi tôi cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng.

Một lần, tôi đã có dịp tới thăm mẹ trong trại lao động. Tôi biết Sư phụ đã an bài sự việc này để tôi có thể nói với mẹ về tầm quan trọng của việc phát chính niệm. Thời điểm đó là cao trào của cuộc bức hại, và trại lao động đang giam giữ mẹ tôi khét tiếng với việc ngược đãi các học viên Pháp Luân Công.

Có lẽ vì chính niệm mạnh mẽ của tôi nên lính gác đã để mẹ con tôi có không gian riêng. Tôi đã kể cho mẹ các tin tức về Đại Pháp; chúng tôi có rất nhiều điều để nói với nhau nhưng có quá ít thời gian. Tôi vẫn có thể nhớ được một cách sống động cảnh hai mẹ con tôi cùng nhau ngồi trên ghế đẩu bên ngoài buồng giam và thì thầm nói chuyện với nhau.

Mẹ kể với tôi rằng tất cả các học viên trong trại lao động này đều bị bắt phải ngồi trên ghế đẩu trong nhiều giờ vào một thời điểm. Nhiều người trong số họ đã mất đi hy vọng. Tôi quay lại tươi cười với các học viên trong buồng giam. Tôi cầu xin Sư phụ ban sức mạnh cho tôi, hy vọng nụ cười của tôi có thể mang tới cho họ sự ấm áp và sự động viên.

Trưởng thành

Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc tại quê nhà. Nhiều mâu thuẫn đã xuất hiện giữa mẹ con tôi, nguyên nhân chính là do sự tu luyện không vững chắc của tôi trước đây. Tôi không biết tôi cần đối xử với mẹ như một học viên cũng như là một người thân trong gia đình thế nào.

Năm 2008, mẹ tôi bị bắt giữ lần thứ hai. Lần này, tôi phản ứng trước việc mẹ tôi bị bắt như một học viên trưởng thành.

Tôi lập tức thông báo sự việc này cho các học viên khác trong khu vực của chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau phát chính niệm. Chúng tôi yêu cầu đồn cảnh sát thả mẹ tôi và trả lại tất cả tài sản cá nhân của bà. Chúng tôi đã giảng chân tướng cho họ. Người dì trước đây đã giúp tôi, cũng tới để trợ giúp tôi.

Niệm đầu của tôi rất chính và kiên định. Tôi không còn là cô bé của bảy năm trước, chỉ biết ôm gối khóc nữa.

Trong tháng tiếp theo, tôi đã cùng các học viên khác kéo dài thời gian phát chính niệm. Chính niệm của tôi không được thuần tịnh như trước khi xảy ra sự việc này. Tôi không thể ngồi lâu hơn 10 phút và khó tập trung tư tưởng.

Tôi đã phát chính niệm để bài trừ can nhiễu. Dần dần, tôi có thể phát chính niệm với một tâm thái thuần tịnh và kiên định. Ngoài ra, tôi có thể nắm bắt được những niệm đầu của bản thân không phù hợp với Pháp.

Với sự trợ giúp của các học viên qua việc tăng cường học Pháp nhóm và luyện công thường hằng, tôi nhận thấy bản thân và môi trường tu luyện của tôi được cải thiện.

Một hôm vào bữa sáng, tôi đột nhiên ngộ ra những mâu thuẫn giữa mẹ con tôi là vì tôi đã không hành xử chiểu theo Pháp. Có lẽ mẹ đã phải chịu khổ nạn thay cho tôi, và tôi đã bật khóc. Bất kể mối nhân duyên của chúng tôi trong các đời trước có thế nào đi nữa thì mẹ đã dẫn dắt tôi đến với Đại Pháp trong đời này. Mẹ là người đồng hành của tôi trên con đường tu luyện. Thực ra, hai mẹ con tôi vẫn đang trong tình trạng “chiến tranh lạnh” khi bà bị bắt.

Tu luyện là nghiêm túc, và tôi không thể để Sư phụ thất vọng. Khi tôi ngộ ra được điều này, tôi cảm thấy giống như một gánh nặng được gỡ bỏ.

Mẹ con tôi vẫn có những lúc xung đột với nhau. Đôi khi, tôi gần như muốn rời xa bà. Nhưng sau đó, tôi nghĩ về buổi sáng nhiều năm trước, khi tôi ngộ ra những chấp trước của tôi là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn giữa mẹ con chúng tôi.Tôi liền hít thở thật sâu và để khởi nguồn năng lượng trong tôi.

Bất kể là rào cản ngăn cách mẹ con tôi có cứng đầu đến đâu, tôi vẫn tin tưởng Sư phụ sẽ an bài tốt nhất để có thể hóa giải những rào cản này.

Gặp gỡ các học viên có cùng hoàn cảnh

Hai năm trước, tôi gặp một số học viên có tuổi thơ giống như tôi. Chúng tôi đã lập một nhóm học Pháp và gặp nhau hai lần một tuần.

Gần đây, mẹ của một học viên trong nhóm đã phải rời nhà để tránh bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Người học viên này không biết cần làm gì. Chúng tôi đã giúp cô ấy phân tích tình huống và tìm sơ hở cũng như đưa ra các giải pháp.

Chúng tôi phát chính niệm và động viên cô ấy bằng những lời dạy của Sư phụ:

“có Sư phụ ở đây, có Pháp ở đây, sợ cái gì?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])

Cô ấy bình tâm trở lại, và vài ngày sau, cô đã trở lại như trước đây.

Cũng có những can nhiễu đến nhóm học Pháp của chúng tôi.

Một lần, chúng tôi đang học Pháp thì mất điện. Toàn bộ khu phố chìm trong bóng tối. Chúng tôi tìm thấy một chiếc đèn pin nhưng pin lại hỏng. Nhận ra đây là can nhiễu, chúng tôi chuyển tới một địa điểm khác và tiếp tục học Pháp. Sau đó, chúng tôi biết được điện đã có trở lại khi chúng tôi học Pháp xong.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/5/404596.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/28/185670.html

Đăng ngày 01-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share