Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-12-2019] Cách đây hai tuần, dạ dày của tôi bắt đầu đau. Có lúc nó đau bên ngoài bụng, có khi cơn đau như cuộn lên và xuyên qua bụng, sau đó tất cả các cơ quan nội tạng rồi đến toàn bộ ngực tôi đều đau đớn. Cơn đau dữ dội và kéo dài, đó là điều mà tôi chưa từng trải qua.

Tôi hướng nội và phát hiện mình có nhiều tâm chấp trước. Một là tâm sợ hãi. Vào ngày trước khi bụng bắt đầu đau, tôi được biết một học viên đã qua đời do nghiệp bệnh đau đớn. Tôi cảm thấy sợ, sợ mình tu không tốt có thể phát sinh nghiệp bệnh và chết.

Tôi còn tìm ra tâm sắc dục, chấp trước đọc tin tức và bị cuốn theo các sự kiện. Sau khi buông được một chấp trước, tôi cảm thấy khỏe hơn một chút, nhưng không lâu sau lại bắt đầu đau. Tôi liên tục phải chịu đau trừ những lúc học thuộc Pháp hoặc làm hạng mục Đại Pháp. Việc ngày kéo dài khoảng một tuần. Tôi cảm thấy bối rối, không biết mình đã sai ở đâu, không biết cần phải làm gì.

Một tuần sau, một đồng tu đã đề cập đến tâm oán hận. Lúc đầu, tôi nghĩ nó không liên quan đến mình. Nhưng khi cẩn thận xem xét trạng thái tu luyện của mình gần đây, tôi bị sốc khi thấy thực ra mình đã nuôi dưỡng tâm oán hận mạnh mẽ đối với một đồng tu. Trước đây, học viên này và tôi đã làm tổn thương nhau và bây giờ chúng tôi xem thường nhau. Tôi thường nghĩ về việc cô ấy đã cư xử tệ như thế nào, cô ấy đã làm tổn thương tôi ra sao. Đôi lúc tôi dành nhiều thời gian để nghĩ cách thuyết phục cô ấy rằng cô ấy đã sai. Tâm oán hận của tôi đã ăn sâu đến mức tôi không ý thức được nó.

Trong khoảng thời gian này, có một ngày trong lúc đang ngồi đả tọa, tôi nhìn thấy một cảnh tượng. Đó là hình ảnh hai đống phân với ruồi nhặng vây quanh. Lúc đó, tôi không hiểu điều này có ý nghĩa gì. Bây giờ tôi đã minh bạch rằng tâm oán hận của tôi trông bẩn thỉu và ghê tởm ở không gian khác. Và “hai đống” nghĩa là tôi có nhiều hơn một chấp trước.

Khi nhận ra rằng tôi đang nuôi dưỡng tâm oán hận này, từ sâu trong tâm tôi cảm thấy mình đã sai. Ngay khi cảm thấy hối hận về việc đã đối xử với học viên kia như thế nào, bụng tôi bắt đầu sôi lên, như thể có thứ gì đó trong nội tạng của tôi đang giải thể, và tôi thải ra nhiều khí. Bụng tôi cũng bớt đau. Sáng hôm sau khi tôi đang luyện công, tôi liên tục bị nấc cụt và xì hơi. Sau đó, tôi không còn bị đau bụng nữa.

Không lạ khi từ “tức giận” trong tiếng Trung có nghĩa đen là “sinh ra khí” (shengqi)! Tôi phát hiện trạng thái đau đớn trước đây ở dạ dày, chính là do tâm oán hận tích lũy biểu hiện ra ngoài.

Một học viên khác nhắc tôi: “Tâm oán hận không phải là bản thân chúng ta, chúng ta cần bài xích và thanh trừ chúng.” Đối với người khác, đặc biệt là các học viên, chúng ta luôn nên tập trung vào mặt tốt của họ. Chúng ta nên thấy rằng mỗi học viên đang rất nỗ lực vất vả – họ đều không hề tầm thường. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ không dễ sinh tâm oán hận.

Vượt qua khảo nghiệm tâm tính giúp thanh trừ nghiệp bệnh

Trên bề mặt, tôi bị đau bụng. Đằng sau nó là rất nhiều tâm chấp trước: quan niệm con người, tâm sợ hãi, nghi tâm, tâm phẫn nộ, tâm tranh đấu, tâm sắc dục, thích ăn vặt và ăn thịt, và những chủng dục vọng khác. Trong khảo nghiệm, chúng lần lượt bị phơi bày, và tôi cố gắng loại bỏ chúng từng tâm một.

Tôi nhận ra rằng nghiệp bệnh là một khảo nghiệm tâm tính. Các triệu chứng bệnh đều nhắm vào tâm tính của chúng ta. Chúng bảo chúng ta rằng chấp trước hay chủng dục vọng người thường nào đó cần được loại bỏ, sai lầm nghiêm trọng nào đó cần được chính lại, một số chủng tư tưởng xấu ôm giữ thời gian lâu cần được cải biến, và trạng thái tu luyện của chúng ta cần đề cao.

Cựu thế lực luôn tìm sơ hở của chúng ta. Sư phụ đã tương kế tựu kế, lợi dụng chúng để giúp chúng ta đề cao tâm tính. Việc chúng ta hướng nội rất quan trọng. Ngay khi phát hiện ra chấp trước, chúng ta nên loại bỏ nó bằng chính niệm.

Đối mặt với khổ nạn, chúng ta nên hướng nội và dùng Pháp để chính lại bản thân. Chấp trước căn bản có thể bị che đậy bởi các lớp chấp trước khác. Khi buông bỏ tầng tầng lớp lớp các chấp trước, chấp trước căn bản có thể lộ ra. Chúng ta không nên mất tự tin nếu chưa tìm ra được ngay chấp trước căn bản.

Trong khổ nạn, chúng ta nên phát chính niệm để loại bỏ can nhiễu. Trong khi đó, chúng ta đừng bao giờ quên thực sự hướng nội và đề cao tâm tính. Vượt qua khổ nạn bản thân nó không phải là mục đích của tu luyện. Khổ nạn là cơ hội tốt để hướng nội và đề cao. Khi buông bỏ chấp trước người thường và thực sự đề cao lên, khổ nạn sẽ mất gốc và biến mất.

Sư phụ giảng:

“Đề cao tầng thứ thị căn bản” (Kiến chân tính, Hồng Ngâm II)

“Tĩnh tư kỷ đa chấp trước sự
Liễu khước nhân tâm ác tự bại”
(Biệt Ai, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Tĩnh lặng suy nghĩ xem bản thân có bao nhiêu chấp trước
Dứt đi được tâm người thường thì tà ác sẽ tự thất bại”

Khi tạm thời chưa tìm ra được chấp trước căn bản thì bạn cũng đừng sợ, có không ít học viên chính niệm rất tốt: “Mình sẽ buông hết quan niệm người thường, giao phó bản thân cho Sư phụ.” Lúc này, họ xem khó chịu và thống khổ là Sư phụ đang tịnh hóa thân thể cho mình. Khi một người buông bỏ được sinh tử, thì không có lý do nào để khổ nạn có thể tiếp diễn. Trên thực tế, đây là khảo nghiệm để xem chúng ta kiên định tín Sư tín Pháp như thế nào.

Đừng để những quan niệm người thường quấy nhiễu chúng ta

Khi đang vượt qua nghiệp bệnh, quan niệm người thường thường ngăn trở chúng ta hướng nội. Quan niệm này là “kiến thức” mà chúng ta tích lũy trong sinh hoạt. Ví dụ, kiến thức về y học, thể dục, các triệu chứng bệnh và cách điều trị, v.v.. Thông thường, khi một bộ phận cơ thể đau đớn, tư tưởng người thường của chúng ta lập tức muốn biết đó là bệnh gì, thuốc gì có tác dụng, và cần chú ý điều gì.

Là người tu luyện, chúng ta sẽ nhìn mọi thứ từ góc độ tu luyện và hướng nội.

Một ngày nọ, khi bị đau bụng, tôi cho rằng đó là do thứ mình vừa ăn – “Phải chăng là do thịt lợn?” Một ngày khác tôi nghĩ đó hẳn phải do gạo mà tôi vừa mua – “Tôi nghĩ nó có mùi thật lạ.”

Các nhân tố tà ác tìm mọi cách để ngăn chúng ta xem bản thân là người tu luyện. Chúng tìm mọi cách để khiến chúng ta suy nghĩ như một người thường và hướng ngoại. Khi những suy nghĩ về việc sử dụng các biện pháp y tế của người thường xuất hiện, chúng ta nên phân biệt chúng và nhận ra rằng chúng là các quan niệm của chúng ta. Chúng ta nên bài xích chúng, phủ nhận chúng và thanh trừ chúng.

Chính niệm: Học Pháp khi đối mặt với khảo nghiệm nghiệp bệnh

Trạng thái tinh thần của chúng ta trong một khổ nạn rất là quan trọng. Nếu chúng ta tuyệt vọng và lo lắng, sẽ khó mà giữ được chính niệm.

Khi đối mặt với khổ nạn, chúng phải chịu thống khổ cả về thể xác và tinh thần, điều đó khiến chúng ta bị tiêu trầm và cảm thấy sợ hãi. Những suy nghĩ tiêu cực khiến cho đau đớn về thể xác trở nên nghiêm trọng hơn.

Mấy ngày trước khi bụng tôi bắt đầu đau nhức, trong lúc ngồi đả tọa, tôi chợt nghĩ: “Nhục thân của mình sắp tử vong.” Tôi lập tức bài xích nó, nhưng không triệt để. Bóng ma tâm lý tồn tại khiến tôi sợ hãi khi nghe tin một học viên qua đời. Khi tôi đau bụng, một vài suy nghĩ bất chính xuất hiện trong đầu tôi, chẳng hạn như đau bụng có ý nghĩa gì. Tôi thậm chí đã nghĩ đến cái chết. Những suy nghĩ này khiến tôi ngày càng lo lắng và đau đớn.

Khi tôi nhận ra đó không phải là an bài của Sư phụ, tôi dùng Pháp để bài xích nó, và liên tục tự nhủ:

“‘Ta là đệ tử của Lý Hồng Chí, các an bài khác thì đều không cần, đều không thừa nhận’” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)

Tôi nói: “Sư phụ không an bài để nhục thân của ta tử vong. Bất cứ ai cố gắng khiến nhục thân của ta tử vong đều là phạm tội nghiêm trọng. Ta là đệ tử Đại Pháp và là một lạp tử của Đại Pháp. Ta là hy vọng duy nhất đối với sự tồn vong của vô số sinh mệnh. Chỉ có giữ được nhục thân, ta mới có thể cứu độ chúng sinh và chứng thực Pháp. Nếu bất cứ ai bức hại ta, người đó chính là đang bức hại Đại Pháp và can nhiễu Chính Pháp. Điều đó không được phép.”

Tôi giữ niệm này và liên tục niệm Pháp của Sư phụ. Nỗi sợ chết của tôi biến mất.

Tôi cũng hiểu rằng chỉ qua học Pháp tốt, chúng ta mới có thể giữ vững chính tín và chính niệm, vì vậy chúng ta cần duy trì một trạng thái tinh thần tốt. Trong khổ nạn, tôi tiếp tục học thuộc Pháp. Mặc dù đau đớn không dừng lại khi tôi niệm Pháp, nhưng tôi cảm thấy thanh thản. Đôi khi tôi cảm thấy chân ngã của mình được Pháp bao quanh và được tách biệt khỏi đau đớn.

Dù gặp bất kể khổ nạn nào, chúng ta nên luôn làm tốt ba việc. Đây là chiểu theo và tin theo Sư phụ. Sư phụ luôn bảo hộ, gánh chịu và an bài tốt nhất cho chúng ta. Chúng ta có thể vượt qua khổ nạn miễn là chúng ta tín Sư.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/17/397078.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/25/183385.html

Đăng ngày 22-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share