Bài viết của một nhóm học viên Đại Pháp ở Việt Nam

Gần đây trong cộng đồng học viên Việt Nam đang chia sẻ, phát triển hình thức “học thấu Pháp” ở nhiều địa phương. Theo thể ngộ của chúng tôi, hình thức này rời xa Pháp, rời xa ý nghĩa của việc học Pháp chân chính; thậm chí là cải biến, thay đổi hình thức học Pháp nhóm mà Sư phụ đã an bài cho học viên, có dấu hiệu loạn Pháp đang lan rộng trong cộng đồng học viên Việt Nam. Chúng tôi xin phép được chia sẻ thể ngộ của mình về vấn đề này, có điều gì không đúng mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

1. Hình thức “học thấu Pháp”

Khoảng gần một năm trở lại đây, tại Hà Nội xuất hiện hình thức học Pháp nhóm mới lạ và nhanh chóng lan rộng sang các tỉnh thành khác như Sài Gòn, Hòa Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Nam Định… Hình thức này có tên gọi “học thấu Pháp”. Nhiều buổi chia sẻ về phương pháp này đã được tổ chức, thu hút khá đông học viên tham gia, thậm chí gần đây có buổi chia sẻ lên tới 700 người. Buổi chia sẻ còn tiến hành những hình thức kiểu tôn giáo.

Sau các buổi chia sẻ, nhiều đồng tu nhìn nhận đây là hình thức loạn Pháp nên không theo. Tuy nhiên khá nhiều người đồng tình với cách làm của họ, trở về địa phương tổ chức học Pháp theo mô hình “học thấu Pháp” thay vì học theo cách “thông đọc” mà Sư phụ đã an bài cho chúng ta.

Để truyền bá cách học của họ, nhóm này có viết hướng dẫn quy chuẩn gồm năm bước, cụ thể: cả nhóm cùng nhau đọc một đoạn Pháp, nếu có người đọc sai một chữ, cả nhóm sẽ phải đọc lại một lần; cả nhóm quay lại đọc từng câu, mỗi câu đọc 3-9 lần; sau đó từng học viên trong nhóm lại đọc lại từng câu;… Để đọc cho đều, người duy hộ nhóm bắt nhịp trước mỗi đoạn, mỗi câu. Kết quả là sau 2 giờ học Pháp, cả nhóm học được một đoạn Pháp. Có thể sau 1-2 năm học hàng ngày mới xong một lượt cuốn Chuyển Pháp Luân.

Nhóm này còn chia sẻ với các học viên về phương pháp học Pháp mới của họ, rằng: “đây mới là hình thức học Pháp của bậc đại học, lớp 9 ngày là của học sinh tiểu học”.

Không chỉ vậy, nhóm này còn ‘sáng tác’ ra niệm đầu phát chính niệm hoàn toàn khác biệt với Yếu lĩnh phát chính niệm đăng trên trang web Minh Huệ, cụ thể là: “5 phút đầu: Thanh lý bản thể, thanh lý mọi niệm đầu bất hảo. Cho nổ tung tất cả các niệm đầu bất hảo, suy nghĩ bất hảo, lời nói bất hảo, hành động bất hảo, chia sẻ bất hảo trong buổi Sáng/Chiều/Tối ngày hôm nay. Cho nổ tung tất cả những côn trùng, vi trùng, vi khuẩn, virus có hại…”

Để thuyết phục và mở rộng hình thức “học thấu Pháp” trong cộng đồng học viên, nhóm này trích Pháp của Sư phụ nhưng mang tính đoạn chương thủ nghĩa. Ví dụ như, họ trích đoạn Pháp trong Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân: “Ngoài ra, [chư vị] nhất định phải học thật thấu Pháp tại cao tầng, [phải biết] tu luyện như thế nào.”

Còn có một số đoạn Pháp khác từ các kinh văn của Sư phụ, nhưng họ lại không đề cập đến các kinh văn Sư phụ giảng về tâm thái học Pháp, phương thức học Pháp tập thể, thông đọc v.v..

Việc đoạn chương thủ nghĩa như vậy đã khiến nhiều học viên bị lôi kéo, thậm chí còn tham gia vào việc truyền bá hình thức này thành quy chuẩn cho các điểm học Pháp tập thể ở nhiều nơi.

2. “Học thấu Pháp” không phải là hình thức học Pháp tập thể mà Sư phụ an bài cho chúng ta

Trên thực tế, cách đọc đi đọc lại một câu, một đoạn giảng Pháp không phải là thông đọc, cũng không phải là “học thấu Pháp”, không phải là hình thức học Pháp tập thể mà Sư phụ an bài cho chúng ta.

Về hình thức, nếu một cá nhân ngộ ra cách học Pháp nào đó, và tự học để phù hợp với hoàn cảnh của mình thì đó là cách riêng của người đó. Nhưng khi đã phổ biến thành quy chuẩn, rồi cải biến cả hình thức học Pháp tập thể có quy mô lớn trong cộng đồng học viên thì có thể đã vô tình mà thành loạn Pháp, vì đây không phải là hình thức học Pháp tập thể mà Sư phụ an bài cho chúng ta.

Về học Pháp tập thể, Sư phụ giảng như sau:

“Đệ tử: Trong học Pháp tập thể có người nhận thức rằng ‘thông đọc’ là niệm [đọc] hết lượt này đến lượt khác, không cần thảo luận, tự mình ngộ. Mỗi ngày đọc một bài giảng, như thế có lợi cho việc học Pháp hay không?

Sư phụ: Đọc như thế chính là ‘thông đọc’, không gì cần nói nữa, chính là đọc từng lượt từng lượt, thông đọc. Mọi người chúng ta dù sao cũng là cùng nhau học Pháp, sau khi đọc xong thì trao đổi chia sẻ với nhau, đàm luận đàm luận. ‘Tôi đột nhiên ngộ ra rằng Thầy ở chỗ này còn có ý tứ thế này’, ‘tôi còn làm chưa đủ về phương diện này’. Chúng ta nếu đọc ở nhà thì có thể thiếu sót về phương diện đó, chỗ thiếu sót ấy thì từ nay về sau hãy sửa đổi nó đi. Chính là trao đổi chia sẻ với nhau, điều đó là tất yếu. Nhưng ‘thông đọc’ là chủ yếu . Chúng ta không được đọc một đoạn, rồi dừng lại, mọi người bắt đầu nghị luận nghị luận, rồi lại tiếp một đoạn, lại nghị luận nghị luận, như thế không tốt. Cần phần lớn là ‘thông đọc’. Thời lượng nói về bản thân và nói về nhận thức thì không thể nhiều hơn đọc Pháp, học Pháp là chủ yếu nhất” (Giảng Pháp tại Pháp hội các phụ đạo viên ở Trường Xuân [1998])

Còn liên quan đến tâm thái, phương thức hay mục đích học Pháp của học viên, Sư phụ có giảng:

“Đệ tử: Dùng tâm thái thuần tịnh thông đọc “Chuyển Pháp Luân”, gặp mâu thuẫn thì hướng nội tìm, đường đường chính chính tu luyện, thì có thể đạt được dũng mãnh tinh tấn chưa?

Sư phụ: Đây đã là biểu hiện của tinh tấn rồi. Nếu có thể đạt đến điểm này, thì đã là biểu hiện của tinh tấn rồi. Nếu chư vị muốn viên mãn, có thể sẽ còn có việc vượt quan.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [1999])

Sư phụ cũng giảng:

“Đệ tử: Khi học Pháp tập thể, đọc đến một đoạn nào đó con có chỗ lĩnh ngộ, nhưng đợi đến khi con minh bạch rồi, thì mọi người đã đọc qua một hai đoạn rồi.

Sư phụ: Đó không thành vấn đề. Mục đích của học Pháp chính là để chư vị minh bạch, minh bạch mới là vị trí số một. Khi chư vị học Pháp, mọi người nhất định phải biết hàng chữ mình đang đọc có ý nghĩa gì, tối thiểu chư vị phải biết được ý nghĩa bề mặt. Còn về việc chư vị đọc xong liền quên rồi, cái đó chư vị cũng đừng quản, không thành vấn đề, chư vị chỉ quản việc đọc. Nhưng việc chư vị ngay cả là chữ gì cũng không biết, cứ nhìn vậy thôi, cứ nhìn, miệng vẫn đọc, mắt vẫn nhìn nhưng tư tưởng thì không ở đây, như vậy không được, không đạt được mục đích tu luyện” (Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [1999])

Chúng ta chỉ có thể đề cao trong Pháp, thấu Pháp khi chúng ta học Pháp bằng tâm thuần tịnh, đọc không bị mê mờ, ít nhất phải hiểu trên bề mặt chữ nghĩa. Chúng ta cần duy trì hàng ngày việc học Pháp trong thanh tỉnh với tâm thuần tịnh. Mỗi cá nhân khi nghiêm khắc ước thúc bản thân, hướng nội vô điều kiện, chiểu theo Pháp để hành xử, sẽ có trải nghiệm khác nhau sau mỗi lần học Pháp, sau mỗi lần vượt quan qua những mâu thuẫn và khổ nạn.

Ngoài ra, khi theo phương pháp này, việc cả nhóm đọc Pháp rất chậm, sau hai tiếng đồng hồ đọc hết 1-2 đoạn có thể khiến một học viên phải mất 1-2 năm mới học xong một lượt cuốn Chuyển Pháp Luân. Theo thể ngộ của chúng tôi, việc phát triển phương pháp học này và bỏ qua lối học thông thường mà Sư phụ yêu cầu, về lâu dài sẽ cản trở việc chân chính học Pháp, đề cao và làm ba việc trong giai đoạn Chính Pháp cuối cùng này.

Hơn nữa, việc lưu truyền tài liệu gọi là ‘hướng dẫn học thấu Pháp’ hay ‘niệm đầu phát chính niệm’ giữa các học viên, theo nhận thức của chúng tôi cũng là không đúng với Pháp.

Sư phụ đã giảng:

“Đệ tử: Học viên người Tây phương một địa phương nọ ở Bắc Âu yêu cầu dùng phương pháp thuận theo lịch để đọc «Chuyển Pháp Luân», và…

Sư phụ: Không có nói thế và làm thế. Mọi người tốt nhất là có một thời gian cố định học Pháp. Học Pháp cùng nhau là hình thức mà tôi lưu lại cho mọi người. Nhưng học Pháp cần phải tinh tấn, chư vị phải thường xuyên, thế thì chư vị mới không mê lạc phương hướng, mới có thể bước đi ngay chính con đường của mình, mới có thể làm tốt những gì chư vị nên làm. Không được thay đổi trạng thái đọc Pháp, mà cứ đọc hết, không được làm kiểu mới lạ, độc đáo khác người. Học Pháp mà chọn để học, làm ra hình thức học nào đấy, tôi thấy rằng đó là dùng nhân tâm rồi đó.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010)

Trong kinh văn “Vĩnh viễn nhớ kỹ”, Sư phụ cũng giảng rõ ràng:

“Từ nay trở đi bất kể ai cũng không được [tự ý] thu âm thu hình các lời giảng nói của bất kể người phụ trách địa phương nào cũng như của đệ tử nào, càng không được soạn [chúng] thành bài viết hoặc truyền nhau xem. Đây không phải là vấn đề của cá nhân ai, cũng không phải định phê bình một cá nhân nào, mà là tu chỉnh Đại Pháp. Trừ những [bài] của học viên Đại Pháp trong hội giao lưu học Pháp và các hoạt động do Tổng hội đồng ý, hãy nhớ kỹ rằng, tất cả những gì lưu truyền trong Đại Pháp mà không phải là điều của Đại Pháp thì đều là phá hoại Đại Pháp!”

3. Cần nghiêm túc hướng nội và thanh tỉnh duy hộ Đại Pháp

Sau khi một bộ phận học viên Việt Nam xảy ra sự việc nghiêm trọng này, chúng tôi đã nghiêm túc hướng nội và nhận ra thời gian gần đây việc học Pháp cá nhân và ở một số nhóm chúng tôi tham gia đang chạy theo hình thức, chưa đặt tâm vào việc học Pháp, chưa thực sự trân quý Đại Pháp mà Sư tôn đã lưu cấp cho chúng ta, dẫn đến việc không ngộ Pháp, không hướng nội, không đề cao tâm tính trong thời gian dài mà sinh ra tâm hướng ngoại, truy cầu đề cao thông qua “thấu Pháp”, “thuộc Pháp”…

Một vấn đề nổi trội mà chúng tôi nhận thấy đó là có nhiều học viên không “dĩ Pháp vi Sư” mà tu theo người phụ trách, tu theo đồng tu.

Để duy hộ sự chân chính của Đại Pháp, phá trừ an bài của cựu thế lực, mong các đồng tu bảo trì thanh tỉnh, tránh sa vào hình thức “học thấu Pháp” mà xa rời an bài của Sư phụ, đánh mất thời gian thực tu và cứu độ chúng sinh trong giai đoạn cuối cùng này.

Cuối cùng, xin chia sẻ lại đoạn kinh văn sau đây trong bài Điều chỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ. Hy vọng chúng ta có thể chiểu theo lời Sư phụ đã giảng trong đó, khi xuất hiện tình huống “tinh đọc” (tương tự với hiện tượng “học thấu Pháp” xuất hiện lần này trong chỉnh thể của Việt Nam):

“Ý của ‘tinh đọc’ là khác rất lớn so với yêu cầu của tôi đối với học Pháp. Thực ra liên quan về ‘đọc sách’ thì trong bài “Học Pháp” viết ngày 9 tháng Chín, 1995 tôi đã giảng rất minh xác rồi, hơn nữa ý ‘tinh đọc’ gây can nhiễu nghiêm trọng đến “học Pháp”, từ nay trở đi nhất định phải chú ý tính nghiêm trọng của vấn đề này. Tôi đã giảng bài học giáo huấn và nguyên nhân Phật giáo thất truyền ở Ấn Độ, từ nay trở đi nếu không chú ý là sẽ bắt đầu loạn Pháp.” (Điều chỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Trên đây là thể ngộ của chúng tôi, có gì chưa phù hợp với Pháp mong các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Đăng ngày 21-3-2020.

Share