Tên: Lý Tú Trân
Giới tính: Nữ
Tuổi: trong độ tuổi 50
Địa chỉ: Thôn Tào Gia Đẩu Câu, Thị trấn Linghe, Thành phố An Khâu, Tỉnh Sơn Đông.
Nghề nghiệp: Giáo viên trường mầm non Thị trấn Linghe
Ngày mất: tháng 10 năm 2009
Ngày bị bắt gần nhất: 13/06/2009
Nơi bị giam giữ gần đây nhất: Nhà tù Tế Nam
Thành phố: An Khâu
Tỉnh: Sơn Đông
Phương thức bức hại: sốc điện, không được ngủ, cưỡng bức lao động, tẩy não, kết án bất hợp pháp, đánh đập, tra tấn, bức thực, lục soát nhà cửa, chất vấn, giam giữ.

[MINH HUỆ 30-10-2009] Ngày 13/06/2009, bà Lý Tú Trân, một học viên Pháp Luân Công đến từ Thành phố An Khâu, đã bị Sở Công an thành phố An Khâu và cảnh sát địa phương bắt giữ bất hợp pháp tại cổng tòa nhà nơi bà đang sống trong một căn hộ thuê. Cảnh sát đã lấy chìa khóa căn hộ, đột nhập vào nhà và lấy đi tài sản cá nhân của bà.

Mọi người không biết bà ở đâu cho đến tận một tháng sau, khi gia đình phát hiện rằng bà đang bị giam giữ tại Trại giam trung tâm thành phố An Khâu. Bà đã từ chối từ bỏ đức tin vào Đại Pháp và tuyệt thực để phản đối bức hại, nhưng đã bị bức thực tàn nhẫn. Sau đó, bà bị đưa tới phòng tẩy não tại trường Đảng của Thành phố An Khâu. Rồi sau đó, bà bị đưa tới một lớp tẩy não được tổ chức cho mình bà và bị đánh đập dã man.

Sau đó, mọi người lại mất thông tin liên hệ về bà. Cuối cùng, bà đã chết bởi những sự đàn áp, tra tấn trên. Vào tháng 10/2009, vài ngày sau cái chết của bà, các nhà chức trách từ nhà tù Tế Nam mới thông báo cho gia đình bà. Xác bà đã được hỏa thiêu mà không có sự đồng ý của gia đình.

Bài viết còn dang dở sau đây được gia đình phát hiện khi dọn dẹp đồ đạc còn sót lại của bà.

* * * * * * * * *

Tên tôi là Lý Tú Trân. Tôi là một nông dân đến từ thôn Tào Gia Đẩu Câu, thị trấn Hồng Sa Câu, thành phố An Khâu, tỉnh Sơn Đông. Tôi 46 tuổi. Từ nhỏ tôi vốn đã ốm yếu. Năm 1978, tôi bị một chiếc ôtô tông phải. Bệnh viện Nhân dân Duy Phường cho biết có một vết nứt ở đầu gối chân phải của tôi. Tai nạn cũng để lại một vết lõm lớn bên góc mắt phải. Từ đó trở đi, tôi đã phải chịu đựng những cơn đau dai dẳng ở chân và đầu. Tôi đã tới bệnh viện Tế Nam để điều trị nhưng không chữa được. Năm 1994, khi con gái mới được sáu tuổi thì chồng tôi qua đời trong một tai nạn ôtô. Đau đớn về tinh thần và những khó khăn trong cuộc sống khiến tôi ốm yếu hơn. Tôi bị viêm – loét dạ dày, và các vấn đề về phụ khoa. Mùa hè năm 1998, tôi rất yếu và không ăn được. Tôi đã tới bệnh viện Thành phố An Khâu để xét nghiệm và mua về nhà một số thuốc, nhưng nó không có tác dụng. Mùa thu năm 1998, tôi may mắn gặp Đại Pháp. Ngay sau khi tôi bắt đầu tập luyện, tất cả bệnh tật của tôi biến mất và tôi đã thành một người hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi lại vui vẻ trở lại. Đại Pháp đã thay đổi cả tâm và thân tôi.

Ngay sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào ngày 20/07/1999, tôi đã cố gắng đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, vì tôi muốn nói với chính phủ rằng tu luyện theo chân lý Chân – Thiện – Nhẫn là tốt. Tại nhà ga tàu hỏa ở thành phố Duy Phường, Tống Thụ Linh – bí thư Đảng thị trấn Hồng Sa Câu, và Vương Giáp Minh – giám đốc Sở cảnh sát thị trấn Hồng Sa Câu, đã bắt giữ tôi. Tôi được thả ra sau hai ngày tuyệt thực phản đối.

Ngày 18/12/1999, các viên chức chính quyền thị trấn lại bắt giam tôi. Các học viên Lý Văn Thải và Thạch Quế Lan cũng bị bắt giam cùng tôi. Chúng tôi bị nhốt trong 3 căn phòng học rộng với cửa sổ đã bị hỏng. Nơi đó lạnh cóng khi những cơn gió mùa đông thổi qua. Tôi lại tuyệt thực lần nữa và được thả sau 5 ngày.

Vào ngày 29/01/2000, ngay trước Tết Nguyên đán, viên chức thị trấn giam giữ các học viên Lý Văn Thải, Triệu Phượng Anh, Triệu Phượng Mỹ và tôi tại phòng phát thanh trị trấn trong hai ngày. Tôi không thể hiểu tại sao các quan chức thị trấn lại thường xuyên bắt giữ chúng tôi như vậy, vì tôi đã hồi phục sức khỏe thông qua việc tu luyện Đại Pháp, và tôi đã hạnh phúc hơn. Hiến pháp có nói rằng mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng. Sau khi được thả, tôi đến Bắc Kinh ngày 03/02/2000. Tôi muốn tìm công lý cho Pháp Luân Công và quyền tự do tập luyện. Nhưng tôi đã bị bắt giữ trong cùng ngày và được đưa đến Trung tâm giam giữ thành phố An Khâu.

Tại trung tâm giam giữ, tất cả học viên đều tiến hành tuyệt thực. Ngày 15/12 tôi được thả. Tuy nhiên, các quan chức thị trấn lại bắt giữ tôi ngay ngày hôm sau. Họ nhốt tôi vào một căn phòng lạnh cóng. Tôi tiếp tục tuyệt thực và lại được thả ra.

Ngày 20/02/2000, tôi lại bị bắt và lại tuyệt thực. Họ thả tôi ra sau ba ngày để tôi có thể ăn tại nhà, rồi lập tức lại bắt giữ tôi. Cuối cùng, khi thấy sức khỏe của tôi suy yếu trầm trọng, họ mới thả tôi về nhà. Tuy nhiên, họ đến nhà tôi, thay khóa cửa rồi 7-8 người  thay phiên theo dõi tôi. Ban đêm, họ ngủ tại nhà tôi. Họ cũng cho thuốc ngủ vào thức ăn của tôi.

Ngày 12/03/2000, họ mang con trai tôi từ trường trung học về và dọa rằng sẽ không cho nó được đến trường hay anh trai và chị dâu tôi sẽ mất việc nếu tôi không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Dưới đủ mọi áp lực, gia đình tôi đã đồng ý giúp họ quản thúc tôi.

Ngày 20/04/2000, Lý Học Cương và Tôn Kiến Dương đến nhà yêu cầu tôi đến văn phòng thị trấn. Tôi từ chối. Buổi đêm, tôi bỏ trốn khỏi nhà nhưng bị bắt lại và bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ thành phố An Khâu. Tôi được thả vào ngày 09/05 sau mười ngày tuyệt thực. Sáng ngày 11/05/2000, Tống Thụ Linh, Vương Giáp Minh, Lý Học Cương, Vu Giang Tích và Tôn Kiến Dương đến nhà và lôi tôi ra xe. Sau đó, họ  cũng bắt giữ học viên Triệu Phượng Anh và thả cô ấy ra sau tám ngày. Vì liên tục tuyệt thực trong một thời gian dài, sức khỏe tôi rất yếu và thường bị nôn ra máu. Tôi cũng đi lại rất khó khăn. Sau mười ngày tạm giam, tôi được thả vào sáng ngày 20/05. Sau khi ăn trưa và trước khi trời tối, Tôn Kiến Dương đến nhà và bảo tôi rằng hắn ta sẽ đến đón tôi sau bữa tối. Tôi đã bảo con trai và con gái rằng tôi phải rời khỏi nhà để tìm một cuộc sống tự do. Con gái tôi khóc mãi và không muốn tôi đi. Con trai tôi thì hiểu và nói “Mẹ ạ, mẹ cứ đi đi. Nếu mẹ bị bắt lại, con e rằng mẹ sẽ chết mất”. Vậy là tôi tạm biệt chúng và rời nhà không một xu dính túi. Tôi tới Bắc Kinh. Tôi đi xin ăn, ngủ vệ đường và đã trải qua rất nhiều khó khăn.

Vào đêm mà tôi bỏ đi, các viên chức chính quyền và cảnh sát thị trấn rất hoảng sợ và đã gửi rất nhiều xe tỏa đi tìm kiếm tôi để họ không phải chịu trách nhiệm vì một người đến Bắc Kinh thỉnh nguyện. Họ cũng đến nhà chị gái tôi ba lần trong đêm đó. Sau khoảng 100 ngày rời nhà, tôi trở về vào dịp Tết Trung Thu. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, các quan chức thị trấn lại nỗ lực tìm cách bắt giam tôi. Tôi lại phải rời nhà một lần nữa.

Ngày 27/10/2000, tôi bị bắt khi đang giảng rõ sự thật về Pháp Luân Công cho người dân. Tôi bị đưa đến Trung tâm giam giữ thành phố An Khâu. Các học viên bị giam giữ khác và tôi tổ chức tuyệt thực để phản đối đàn áp. Ngày 17/11, bốn học viên chúng tôi gửi đưa tới Trại lao động cưỡng bức thành phố Tế Nam, nhưng các quan chức ở đó từ chối nhận chúng tôi nên chúng tôi lại bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Vương Thôn. Tôi không vượt qua được phần giám định sức khỏe nên trại đã từ chối nhận. Tôi bị đưa trở về trung tâm giam giữ. Ngày 20/11, tôi được thả. Nhưng sáng hôm sau, tôi đã phát hiện ra vài kẻ đang theo dõi tôi.

Vào khoảng 8 giờ tối ngày 22/11/2000, các quan chức thị trấn tới. Trương Hồng Đào yêu cầu tôi mở cửa nhưng tôi từ chối. Cuối cùng họ đã phá cửa vào. Tống Thụ Linh, Vương Giáp Minh và khoảng một chục người khác cầm dùi cui xông vào sân nhà tôi. Họ cố đột nhập phòng ngủ. Con gái tôi sợ đến mức phát khóc. Tôi hỏi họ “Tôi muốn làm một người tốt. Điều đó có gì không đúng hả? Còn các người nửa đêm đến nhà tôi quấy rối rồi đột nhập nhà tôi. Vậy có hợp pháp không?” Họ không nói được gì cả. Sau đó, họ mang con trai tôi từ trường học về nhà và cũng đưa anh trai tôi đến nhà tôi. Họ đập vỡ các cửa sổ để đột nhập và mang tôi đến đồn cảnh sát vào giữa đêm.

Sáng sau, Tống Thụ Linh và Vương Giáp Minh tới Sở Cảnh sát thành phố An Khâu. Sau đó, họ và cảnh sát viên Đồng đã đưa tôi tới Trại lao động cưỡng bức thành phố Tế Nam. Vì tôi không qua được kiểm tra sức khỏe, trại đã từ chối nhận. Tên Đồng mang hai hộp quà cho các quan chức trại, nhưng họ vẫn từ chối nhận tôi.

Ngày 24/11, hai tên Tống và Đồng đi tìm kẻ liên lạc. 7 giờ tối, tôi được đưa tới trại lao động cưỡng bức thành phố Tế Nam. Vào đêm hôm đó, bảo vệ trại đã bức thực tôi tàn độc. Tôi đau nhiều đến mức bàn tay và chân tôi bị co rút lại. Sau đó, họ treo tôi lên sao cho chân không chạm sàn nhà. Tôi đổ mồ hôi liên tục. Sau 24 tiếng bi treo tôi mới được hạ xuống. Lúc đó, người tôi tê cứng khiến tôi không thể cử động. Khắp người tôi đầy vết rộp. Bác sỹ của trại nói tính mạng tôi rất nguy hiểm. Và họ thả tôi vào ngày 28/11.

Để tránh bị quấy rối liên tục, tôi đã phải rời nhà lần nữa. Ngày 27/06/2001, các quan chức phòng cảnh sát Trường Lạc đã bắt giữ tôi. Tôi tiến hành tuyệt thực và bị họ bức thực dã man. Sau 37 ngày giam giữ, họ thả tôi ra vào ngày 04/07.

Ngày 29/11/2001, quan chức phòng cảnh sát thành phố Duy Phường bắt và đưa tôi đến trung tâm giam giữ Trường Lạc. Tại trung tâm, cảnh sát viên Tống đánh đập và trói tôi vào ghế sắt để bức thực tôi. Sau đó, tôi bị trói vào “giường chết” để chịu bức thực. Sau 2 tháng giam giữ, tòa án Trường Lạc kết án tôi bảy năm tù giam. Ngày 31/01/2002, Lý Khánh Quả – giám đốc trung tâm giam giữ Trường Lạc – và bác sỹ Vương (không rõ tên) đã đưa tối đến nhà tù thành phố Tế Nam. Bác sỹ ở đây khám sức khỏe cho tôi phát hiện tôi bị cao huyết áp, bệnh tim và giãn đồng tử , nên đã từ chối tiếp nhận tôi. Tuy nhiên, sau khi Lý Khánh Quả nài nỉ thì tôi lại được chấp nhận.

Trong nhà tù, năm đến sáu tù nhân đè tôi xuống giường để bức thực. Tôi bất tỉnh sau đó và bị khó thở. Tôi không thể thở nếu không có trợ giúp của bình ôxy. Họ bức thực tôi theo cách này ba lần một ngày. Đôi khi, họ năm lần bảy lượt để cố nhét ống dẫn thức ăn vào miệng tôi hoặc banh miệng tôi ra nếu cần thiết. Một tù nhân tên Vương Lý đã tra tấn tôi bằng cách liên tục nhét ống vào rồi lại lôi ra. Mũi tôi chảy máu liên tục sau khi bị bức thực như vậy. Các cai tù đã ra lệnh cho các tù nhân đánh đập tôi. Các tù nhân Vương Thành Ái, Hình Tố Vân, Lý Tú Anh và Lý Quế Cúc đã tích cực khủng bố tôi.  Họ cùng nhau đánh tôi năm sáu lần mỗi ngày. Thỉnh thoảng, họ bắt tôi thực hiện tư thế “lái máy bay” (1), đập đầu tôi vào tường, hoặc kéo lê tôi trên sàn nhà. Tôi bị trói vào ghế sắt suốt ngày, rồi lại bị trói trên giường cả đêm. Tôi bị nhốt trong buồng độc lập. Nếu tôi hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, họ bịt mồm tôi lại và để tôi dưới ánh mặt trời thiêu đốt.

Ngày 09/05/2002, khoảng 3 giờ chiều, các tù nhân lại đánh đập một tù nhân. Để giúp động viên đồng tu, tôi hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Lập tức vài cai tù đến buồng giam của tôi với dùi cui điện. Họ sốc điện tôi vài lần vào mặt, tay, tai, cổ và lưng. Thân thể tôi phủ đầy vết máu bầm sau đó, và tôi chịu đau đớn trong nhiều ngày liền. Đây là lần thứ ba tôi bị sốc điện. Khi tôi trông gầy mòn hốc hác, họ gửi tôi đến bệnh viện Công an tỉnh Sơn Đông để tiếp tục tra tấn tôi. Sau khi bức thực tôi, họ để lại ống dẫn thức ăn trong mũi tôi. Cân nặng tôi chỉ còn 70 pounds (khoảng 31kgs) và quá yếu để có thể đi lại. Tôi thường xuyên bị nôn ra máu, và máu mà bác sỹ lấy từ tôi để đi xét nghiệm thì bầm đen. Bác sỹ nói tôi có thể chết bất cứ lúc nào.

Khi tôi ở tù, con gái tôi, anh trai và cháu trai được đưa đến phòng giam của tôi. Khi nhìn thấy tôi quá hốc hác và bị trói trên giường, con gái tôi khóc lớn và chạy ra ngoài. Cháu trai và anh trai tôi cũng không ngừng khóc. Hai con tôi lúc đó ở nhà không có ai chăm sóc. Đứa con gái 12 tuổi bị buộc thôi học và phải đi làm để kiếm sống. Mỗi khi nhớ tôi, cháu chỉ biết ôm ảnh mẹ và khóc.

Trong suốt 10 tháng ở tù, con gái tôi vào thăm tôi ba lần và lần nào cũng thổn thức khóc. Người mẹ già của tôi cũng khóc vì nhớ thương tôi hàng ngày. Bà thường ra ngoài đường ngóng, hy vọng sẽ thấy tôi trở về nhà. Khi nghe tin tính mạng tôi rất nguy hiểm, bà đã chuẩn bị quần áo tang cho tôi. Bà đổ bệnh vài lần vì quá thương nhớ con mình.

Vào ngày 24/09/2002, các quan chức nhà tù đã thả tôi ra vì tôi quá yếu. Ngày 16/11, Vương Tử Thanh từ Phòng 610 thành phố An Khâu đã yêu cầu Tống Thụ Linh và Trương Hồng Đào bắt giữ tôi. Bốn đến năm cảnh sát đã đột nhập nhà tôi và mang tôi ra xe của họ. Tôi được đưa đến Phòng 610 thành phố An Khâu. Ở đó, họ còng tay tôi vào giường. Khi tôi hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, chúng tát cho đến khi tôi đổ máu. Mặt tôi sưng vù lên. Sau đó, họ còng tay tôi vào ghế sắt. Hồ Thiệu Quần đã đổ nước vào mặt tôi để không cho tôi được ngủ. Họ cũng dán để mí mắt tôi mở ra. Tống Duyên San đắp một chiếc khăn lạnh lên mặt tôi và làm nó rất đau đớn. Họ còn tháo tất chân để cho chân tôi lạnh cóng.

Vào ngày 06/03/2000, hai học viên Lý Thúy Bình và Triệu Phượng Anh đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện để yêu cầu chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công. Họ đã bị đưa trở lại thành phố An Khâu vào ngày 08/03. Đêm đó, cảnh sát Tống đã đánh hai người đó từ khoảng 8 giờ tối đến tận 11 giờ đêm. Sau đó, ông ta lôi tóc và đốt mặt họ bằng tàn thuốc lá. Cả hai người đó đều bị vài vết bỏng trên mặt. Học viên Lý Diễm Hương, Lý Tú Hoa và Trầm Minh được đưa tới Phòng 610. Các học viên Lý Văn Thải, Thạch Quế Lan và Lý Triệu Cự đã bị bắt giữ và kết án ba năm lao động cưỡng bức. Thạch Quế Lan và Lý Triệu Cự vẫn đang bị giam giữ. Lý Thúy Bình thì bị kết án năm năm tù giam.

Trên đây là những tội ác do hai tên Tống và Dương cùng các viên chức khác của thị trấn Hồng Sa Câu gây ra đối với các học viên Pháp Luân Công.

Các nhân viên Phòng 610… (chưa hoàn thành)

Ghi chú:

(1) Lái máy bay – hình thức tra tấn bắt học viên cúi gập đầu xuống cho đến khi không thể cúi hơn được nữa, trong khi hai tay phải giang ra và giữ ở vị trí cao nhất có thể, hông phải dựng lên. Người bị bắt đứng theo tư thế này trong một thời gian lâu. Cơ thể lúc đó trông giống như chiếc máy bay nên được gọi thành tên như vậy. Xem hình tại đây: https://en.minghui.org/html/articles/2004/9/29/52921.html

Các báo cáo liên quan
Bà Lý Tú Trân đã chết trong nhà tù sau khi bị tra tấn (Ảnh) – xem link: https://en.minghui.org/html/articles/2009/10/26/111844.html
Học viên Lý Tú Trân bị tra tấn dã man tại nhà tù nữ Tế Nam (Ảnh), xem link: https://en.minghui.org/html/articles/2005/1/19/56709.html

Viết ngày 29/10/2009.
________________________________________
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/10/30/211281.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2009/11/12/112329.html
Đăng ngày 18-11-2009; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share