Bài viết của Vũ Tường

[MINH HUỆ 6-6-2017] Trương Cửu Linh, tự Tử Thọ, người Khúc Giang, Thiều Châu (Thiều Quan, Quảng Đông ngày nay), là viên quan nổi tiếng trong những năm Khai Nguyên triều Đường, tài đức song toàn, phụng sự việc công, giữ gìn luật pháp, không vì tư lợi mà bẻ cong phép tắc, không xu thời theo kẻ quyền thế, người đời gọi là “Trương Khúc Giang” hoặc “Văn Hiến Công”. Khi còn nhỏ đã rất thông minh nhanh nhẹn, 13 tuổi đem sách ông viết đi bái kiến Vương Phương Khánh – Thứ Sử Quảng Châu, Vương Phương Khánh khen là “Thần đồng”, “Ắt sẽ tiến xa”. Khi còn trẻ, ông dạy học ở trường làng rất có phương pháp, và nghiêm khắc thực hiện các quy định của trường làng, ngày thường luôn luôn quần áo chỉnh tề, làm việc cẩn thận từng li từng tí.

Ông đỗ tiến sĩ cập đệ, văn chương phong độ của ông là mẫu mực đương thời, được người thời đó khen là “Phong độ Cửu Linh” hay “Phong độ Khúc Giang”. Phong độ của ông không chỉ là tài hoa và dáng vẻ “Chính trực ôn nhã, phong thái, uy nghi nghiêm trang” (Cựu Đường Thư), mà chính là phẩm chất và tiết tháo, tấm lòng gắn chặt với người dân, dám nói lên chính nghĩa. Thời Đường Huyền Tông trị vì, thấy Trương Cửu Linh luôn “Phong thái uy nghi, xuất sắc chỉnh tề”, trực ngôn can gián, đến mức sau này mỗi khi có người tiến cử nhân tài với vua, vua đều hỏi: “Phong độ như Cửu Linh không?” (Tân Đường Thư)

Năm Khai Nguyên thứ nhất, Trương Cửu Linh đảm nhiệm Tả thập di gửi thư cho Tể tướng Diêu Sùng, đề xuất nguyên tắc dùng người trọng đức “Xa kẻ siểm nịnh, nóng nảy, tiến cử người thuần hậu”, kiên trì bổ nhiệm quan lấy “Đức vọng” làm đầu, chống lại phong khí bất chính kết bè đảng mưu lợi cá nhân, dựa quyền thế mua quan bán tước. Ông nói: “Bổ nhiệm người thân, phải là người hiền tài. Cái đạo dùng người tài, là nên trọng dụng người xa lạ”. Diêu Sùng hồi đáp khen ngợi và tiếp thu lời khuyên của ông, “Bãi bỏ những chức dư thừa, sửa lại chế độ, lựa chọn các quan, ai làm đúng chức phận theo tài năng của họ”. Khi Bộ lại mở khoa thi chọn nhân tài, Trương Cửu Linh thường được mời tham gia việc đánh giá xếp loại đẳng cấp các thí sinh, do ông công bằng, xác đáng, lựa chọn cẩn thận, được cả trong và ngoài triều đình khen ngợi.

Năm Khai Nguyên thứ 4, Trương Cửu Linh gửi thư cho Đường Huyền Tông, xin làm lễ tế Giao tự kính trời, còn nói: “Cái khí trái với chính sự, phát ra thành hạn hán lụt lội; Đạo trời tuy xa, nhưng báo ứng rất gần. Xưa Đông Hải giết oan người phụ nữ hiếu thảo, trời giáng hạn rất lâu…”. Trong thư chỉ ra: Nếu mất đức thì mất chính sự, trời sẽ hiển thị thiên tai, dị tượng để cảnh cáo, như biểu hiện là tai hại lụt lội, hạn hán v.v… Đạo trời rất cao, nhưng báo ứng thì rất gần. Ngày xưa Đông Hải giết nhầm người phụ nữ hiếu thảo, dẫn đến trời làm hạn hán rất lâu. Một quan lại không xem xét sáng tỏ, một người dân chịu oan mà chết, Trời còn muốn làm rõ cái oan khuất của người đó. Mà Huyện lệnh, Thứ sử là những người cùng Bệ hạ quản trị thiên hạ, phải là những người gần gũi với nhân dân. Nếu dùng sai người, thì đó là nguồn gốc của tai họa lũ lụt hạn hán, đâu phải chỉ là vì oan uổng của một người phụ nữ mà gây ra? Ông biết rõ quan chức địa phương gần với người dân, có phải là hiền tài không có quan hệ rất lớn đối với nhân dân, đã đề xuất “Làm quan trước tiên là vì quốc gia, lo cho người dân, mỗi viên quan cần làm nổi bật xứng với chức của mình, không nên vì vinh hoa, vì tiền đồ, mưu lợi riêng, các hủ tục không thể không bỏ, thuần phong không thể không thúc đẩy phát triển… Phải biết nếu huyện có quan (huyện tể) cai trị tốt, thì vạn hộ không phải mệt nhọc; Châu có quan (châu mục) cai trị tốt, thì nghìn dặm nhàn nhã. Nền nhân chính không xa, cứ thực hiện là đạt được”.

Tể tướng Trương Thuyết rất tán thưởng văn chương của Trương Cửu Linh, khen ông và văn tài xuất chúng, văn ông “như có tơ mềm lụa trơn” có thể “phù hợp giúp thời thế”, đã đề bạt ông làm Trung thư xá nhân nội cống phụng, sau này đến Trung thư xá nhân. Nhưng Trương Cửu Linh chưa bao giờ phụ họa Trương Thuyết, giữ gìn công minh chính trực, còn khuyên giải Trương Thuyết về một số công việc độc đoán của ông ta. Trương Thuyết phụng chỉ chuẩn bị cho đại lễ phong Thái Sơn, vì sau khi phong thiện có việc ban thưởng lên cấp bậc. Trương Thuyết sắp đặt nhiều người thân cận trong những người đi cùng. Khi Trương Cửu Linh thảo chiếu thư, ông lập tức khuyên can: “Quan tước là tước hiệu chung của thiên hạ, đức vọng trên hết, sau đó mới đến công sức, thân quen”, nhắc nhở Trương Thuyết phải chọn người “phẩm đức thanh cao”. Ông đề xuất, khi chiếu mệnh còn chưa chính thức công bố thì vẫn sửa kịp. Trương Thuyết không nghe theo, sau đó quả nhiên gây ra rất nhiều lời oán trách, vì ban tước không công bằng nên Trương Thuyết bị mất chức tể tướng, hạ quan phẩm.

Tiết Thiên Thu năm Khai Nguyên thứ 17 (Đại lễ sinh nhật Đường Huyền Tông), các đại thần có người dâng tiến các báu vật kỳ lạ, đa số theo trào lưu thời đó là dâng tiến bảo kính (Gương báu). Duy chỉ có Trương Cửu Linh dâng tiến 5 quyển “Thiên thu kim kính lục” (Ghi chép tấm gương vàng nghìn năm), viết về các kinh nghiệm và bài học thịnh suy từ thời xưa, hy vọng vua lấy người xưa làm gương, xem xét lành dữ, đã chỉ ra: “Lấy gương soi mình, thấy bóng hình, lấy người soi mình, thấy lành dữ”, đã thể hiện rõ ràng chi tiết “Phong độ Khúc Giang biểu dương cái thiện, trừng trị cái ác, thấy nghĩa chẳng lùi”. Bộ sách này dẫn chứng kinh điển, nội dung 10 chương bao gồm kính trời, thân cận hiền tài, tránh xa xu nịnh, tận tâm tận lực vì dân, tu thân v.v.. lấy cổ luận kim, nói những tệ nạn hiện nay, đồng thời chỉ ra làm thế nào để thay đổi, đối phó. Ông viết: “Gương sáng, do đó soi rõ hình dáng, có đẹp xấu thì thấy ở vẻ ngoài; Chuyện xưa có thể soi sáng lòng, có thiện ác sẽ tự kiểm điểm trong lòng”. Ông nêu ra, mọi người thường coi trọng học hỏi từ những tấm gương sáng, mà không coi trọng lịch sử. Con người nên lấy lịch sử làm gương để kiểm tra, phản tỉnh chính mình, để nuôi dưỡng cái thiện và tiêu trừ cái ác, trở thành bậc chí nhân. Đường Huyền Tông đã ban chiếu khen thưởng cho ông vì món quà này.

Năm Khai Nguyên thứ 11, Trương Cửu Linh nhậm chức tể tướng, thúc đẩy nền nhân chính, đẩy mạnh giáo hóa. Trong bài thơ của ông họa lại Đường Huyền Tông có viết:

“Mỗi lao thương sinh niệm,
Bất dĩ hoàng ốc tôn.
Hưng hóa sĩ quần tịch,
Trạch hiền thủ liệt phiên.”

Dịch nghĩa:

“Mỗi lần phải để người dân vất vả lo lắng,
Sống trong lầu vàng vẫn không thấy cao quý.
Chấn hưng, giáo hóa đến khắp các miền hẻo lánh
Chọn người hiền tài trấn giữ các vùng biên cương.”

Dịch thơ:

“Mỗi lần để dân lo,
Ở nhà vàng chẳng xứng.
Giáo hóa đến muôn nơi,
Chọn hiền cho biên ải.”

Trong chiếu thư ông soạn thảo vì quốc gia có viết: “Lời nói, suy nghĩ đều vì người dân, phải phổ biến khắp nơi trong thiên hạ” “Chân thành cáo thị, lòng dân sẽ quy về. Đâu cần dùng sức mạnh, rồi đến lý lẽ? Trước tiên thực hiện nhân đức, khoan thứ, thì yên ổn không phải lo đó sao?”. Ông hiểu rõ chức năng xã hội đặc biệt của giáo hóa, ông nói: “Đạo là cánh cửa đến mọi sự kỳ diệu, mà tâm là đầu mối của vạn sự”. Ông đề xướng ít dùng hình phạt tù tội, nghiêm túc làm việc theo pháp luật, không vì lợi ích các nhân. Ông nói: “Ngục tù và tòa án, là nơi đang treo những sinh mạng con người… Từ nay về sau, tất cả các tù nhân trong thiên hạ, cần phúc thẩm để biết rõ chứng cứ. Các vụ ở nơi xa mà mức độ trung và nặng, không được quá 10 ngày, nhẹ hơn thì không quá 5 ngày. Các vụ nhẹ khác thì tùy tình hình mà xét xử, không được vì thế mà làm tăng sự thống khổ cho phạm nhân.” “Những người có tránh nhiệm mà để tồn đọng các vụ hình sự ngồi tù lâu chưa xử, thì phải tra xét.” Ông còn trực tiếp phán xử, khai khẩu xử án, đều phán xử tìm được lẽ công bằng. Ông lập 10 đạo Thái phỏng sử, chuyên trách giám sát kiểm tra các quan lại các châu, huyện, tuyên dương người tốt, trừng phạt kẻ ác, mở rộng đường cho mọi người được nói ra nỗi oan ức, bất bình.

Ông quan tâm đến dân sinh, bảo vệ, giáo dục nhân dân, coi trọng trồng nông nghiệp, trồng dâu, phản đối lạm dụng vũ lực: “Xem xét cây trồng vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng từng địa phương, lấy phát triển nông nghiệp, trồng dâu nuôi tằm làm gốc.” “Ngày nay là lúc thái bình, cần chú trọng phát triển nông nghiệp, trồng dâu nuôi tằm.” Ông đã vì quốc gia soạn thảo “Tịch điền chế” (Chế độ tịch điền), từ vua đến các quan triều đình, đều phải tham gia hoạt động tịch điền (cày ruộng) vào mùa cày ruộng xuân, để “Coi trọng phát triển nông nghiệp, trồng dâu nuôi tằm, giảm nhẹ thuế khóa”. Ông còn đích thân kiêm nhiệm chức Khai đạo điền sứ Hà Nam, thúc đẩy áp dụng kỹ thuật trồng lúa nước của miền nam cho vùng trung nguyên, xây dựng hệ thống thủy lợi. Ông chủ trì đục núi làm đường mới Đại Dữu Lĩnh nối thông bắc nam, tạo phúc cho người đời sau. Do đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, triều Đường vào những năm cuối Khai Nguyên và những năm đầu Thiên Bảo, tài lực quốc gia và hạnh phúc của nhân dân đều đạt đến cực đỉnh kể từ khi khai quốc. Gạo ở Tây đô Tràng An và Đông Đô Lạc Dương giá không đến 200 xu một thạch (1 quan tiền = 1000 xu; 1 thạch = 150 kg; tức 1 quan = 5 thạch gạo), giá lụa, vải cũng rất thấp, trong nước yên ổn, giàu mạnh.

Trương Cửu Linh có tài đánh giá người, giỏi nhận biết người trung kẻ gian. Ông nói: “Quốc gia suy bại, là do quan gian tà vậy.” Lý Lâm Phủ là kẻ bất tài không học thức, nhưng lại ghen ghét người hiền tài, giỏi a dua nịnh hót, dối trên lừa dưới, hãm hại người tốt, người đương thời gọi hắn là “miệng nam mô bụng bồ dao găm”. Lý Lâm Phủ muốn làm tể tướng, Trương Cửu Linh dâng thư phản đối: “Tể tướng liên quan đến an nguy quốc gia, Lý Lâm Phủ không phải là kẻ bề tôi vì xã tắc, người ít đức kém tài như ông ta mà làm tể tướng, tôi lo là sau này quốc gia sẽ vì thế gặp tai ương.” Sau này quả nhiên Lý Lâm Phủ trở thành tể tướng gian thần nổi tiếng trong lịch sử. Tiết độ sứ U Châu là Trương Thủ Khuê nhiều lần đánh bại Khiết Đan, Đường Huyền Tông muốn phong ông ta làm Tể tướng, Trương Cửu Linh can ngăn: “Duy có danh phận và tước vị không được lấy để ban thưởng cho người, lấy quan phẩm để thưởng công, cuối cùng sẽ có ngày không còn quan tước để thưởng nữa.” Đường Huyền Tông tiếp thu ý kiến của ông. Trương Cửu Linh phản đối ban tước vị danh phận tùy tiện, ông chủ trương, quan phẩm bổ nhiệm theo năng lực, tước vị thưởng theo công lao, của cải để thưởng cho thành tích, không được lẫn lộn, phải nghiêm khắc kiên trì giữ tiêu chuẩn dùng người.

An Lộc Sơn với chức Phạm Dương Thiên Hiệu vào triều tấu sự vụ, ngạo mạn ngang ngược ở từng lời nói, dáng vẻ. Trương Cửu Linh thấy, nói với Thị Trung Bùi Quang Đình: “Người này tương lai sẽ nhất định gây họa loạn U Châu.” Đồng thời khuyên Đường Huyền Tông tăng cường đề phòng. Sau này quả nhiên xảy ra Loạn An Sử. Tể tướng gian thần Dương Quốc Trung chuyên quyền, làm hại quốc gia, xa xỉ vô độ, dùng những kẻ nịnh thần. Bọn họ dùng gian xảo và xiểm nịnh kết bè quan lại triều đình. Mỗi khi đến tiết tam phục, bọn chúng lấy băng khối, sai thợ tạc thành hình các loài thú, phượng, rồi trang trí các vòng vàng, dây màu, để trên mâm điêu khắc, tặng các vương công đại thần để chống nóng. Các quan văn võ trong triều đa phần tranh nhau phụ họa hùa theo chúng, Duy Trương Cửu Linh không nhận ân huệ này. Trương Cửu Linh từng nói với người ta rằng, những kẻ hùa theo Dương Quốc Trung, không chỉ gây họa cho quốc gia, tất cũng tự hại chính họ, thực ra cái họa cũng chẳng còn bao xa. Quả nhiên, sau này do loạn An Sử, Dương Quốc Trung bị binh sỹ giết chết, những ai theo hắn cũng bị liên lụy, những người thân bại danh liệt nhiều không đếm xuể.

Trương Cửu Linh trong “Thượng phong sự thư” chỉ ra tầm quan trọng của việc chọn quan trọng đức: “Đó đều là đầu mối lớn liên quan đến hưng thịnh hay suy bại.” Ông cho rằng, những kẻ khinh bạc thất tiết, bất luận có tài hay không, đều phải át chế. Ông nhấn mạnh, chỉ cần là “hiền năng” có “danh tiếng thực sự”, thì có thể đề bạt vượt cấp. Trong những năm “Thịnh trị Khai Nguyên”, những nhân tài ông đã tiến cử bổ nhiệm có: Nghiêm Đình Chi, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Viên Nhân Kính, Hoàng Phủ Nhiễm, Lư Tượng, Bao Dung, Lý Bí, Chu Tử Lượng v.v.. Những người này đều là những nhân vật được ca ngợi thiện lương, họ đều lấy đạo nghĩa kết giao, quang minh chính đại, thủy chung không hề thay đổi. Như Vương Duy trong thơ “Hiến thủy hưng công” ca ngợi Trương Cửu Linh “Không mua quan bán tước, mọi việc đều vì dân”, ca ngợi ông, thân làm tể tướng, chỉ dùng người hiền năng, không kết bè phái mưu lợi riêng, đối với các quan tước quốc gia, không vì tư lợi bán tước, tất cả những gì ông làm, không việc gì không lấy lợi ích quốc gia làm trọng, không việc gì không suy nghĩ vì nhân dân. “Tân Đường Thư” ca ngợi ông “Bàn luận nhất định đến tận cùng lý lẽ được mất, giới thiệu tiến cử đều là bậc chính nhân quân tử”. Ông nhiều lần dâng thư nếu rõ các hành vi xấu của Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung v.v.. bị họ bài xích và phỉ báng, bị giáng chức làm Trường Sử Kinh Châu.

Ở Kinh Châu, ông viết “Cảm ngộ thập nhị thủ” (12 bài thơ cảm ngộ), trong thơ có câu: “Lá lan xuân tươi tốt, hoa quế thu thanh khiết” ca ngợi phẩm chất thanh khiết thơm hương, bừng bừng sức sống của lan quế. Hương thơm thanh khiết của lan quế hoàn toàn từ thiên tính tự nhiên, chứ không cầu được mọi người thưởng thức, đã biểu đạt quyết tâm của ông kiên trì giữ chính đạo, không hùa theo bọn gian nịnh. Ông còn viết:

“Giang Nam hữu đan quất,
Kinh đông do lục lâm.
Khởi y địa khí noãn,
Tự hữu tuế hàn tâm.”

Dịch nghĩa:

“Giang Nam có loài quất đỏ,
Trải qua mùa đông mà vẫn xanh tốt như rừng
Đâu phải đất đó khí trời ấm áp,
Mà là do hùng tâm vượt qua cái giá lạnh của đông hàn.”

Dịch thơ:

“Giang Nam cây quất trái hồng
Mùa đông mà lá xanh không úa tàn
Phải nào đất ấm Giang Nam
Mà do tính quất chịu hàn tự nhiên.” (Trần Trọng Kim dịch)

Nơi ông bị giáng chức đi đày chính là nơi có loài quất đỏ này, do đó đã mượn quất nói lên tiết tháo của mình. Quất đỏ cành lá xum xuê tươi tốt, trải qua đông hàn vẫn không bị tàn rụng, xanh tốt quanh năm, không phải vì nơi đó khí hậu ấm áp, mà do nó có bản tính vượt trên đông hàn gió sương! Người đời sau khen ông “Tiết tháo thanh cao, không bị dòng đời ô trọc vấy bẩn.” Trong “Vọng nguyệt hoài viễn” (Ngắm trăng nhớ xa) ông viết: “Vầng trăng mọc ở bể khơi, cùng trong một lúc, góc trời soi chung” (Hải thượng sinh minh nguyệt, Thiên nhai cộng thử thời) được lưu truyền thiên cổ, đã nói lên tiếng lòng chung của người trong thiên hạ, trong bối cảnh biển trời bát ngát, dưới ánh trăng người người nhớ về nhau, chúc phúc cho nhau, nơi chân trời góc biển cùng ngắm trăng, “cùng trong một lúc” này đã thể hiện ra cảnh tượng cao xa thâm sâu hòa hợp, thể hiện ra tấm lòng rộng lớn ngay thẳng của tể tướng hiền lương một thời của đời Thịnh Đường.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/6/6/349230.html

Đăng ngày 4-7-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share