Biên tập: Vũ Tường
[MINH HUỆ 3-12-2016] Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, nhân quả hay còn gọi là nhân quả báo ứng có nghĩa là trồng cây thiện thì gặt quả thiện còn trồng cây ác thì gặt quả ác. Dưới đây xin kể một vài câu chuyện về thiện ác hữu báo của người xưa.
Viên An hành thiện giúp dân, tích đức cho con cháu
Viên An là người ở Nhữ Dương, Nhữ Nam thời Đông Hán (nay là huyện Thương Thủy, tỉnh Hà Nam), là một vị quan có tài có đức nên được mọi người vô cùng kính trọng.
Ban đầu ông đảm nhiệm chức công tào trong huyện, một lần, ông mang theo hịch văn đến châu công tác, một người ở đó đã nhờ ông chuyển một bức thư đến cho huyện lệnh, ông trả lời rằng: “Nếu là vì việc công thì sẽ có người chuyển thư đến huyện lệnh giúp anh; còn nếu là việc tư, thì anh không nên tìm đến tôi.” Rồi ông từ chối không nhận thư, người đó cũng e dè, không ai dám nhờ vả ông nữa.
Một lần, ở Lạc Dương tuyết rơi rất dày. Huyện lệnh Lạc Dương đi ra ngoài để xem xét tình hình thiên tai, thấy nhà nhà đều quét tuyết để đi ra ngoài xin ăn, nhưng đến nhà của Viên An thì không thấy có đường vào, liền sai người dọn tuyết để đi vào, gặp Viên An đang nằm ở trên giường liền hỏi tại sao ông không ra ngoài xin cứu trợ, ông đáp: “Tuyết rơi dày thế này thì ai cũng đều đói, tôi không nên đi làm phiền người ta nữa!” Huyện lệnh nghe thấy vậy hết lời khen ngợi sự hiền đức của Viên An. Về sau ông được đảm nhiệm chức huyện lệnh Âm Bình. Câu chuyện này đã được hậu thế lưu truyền rộng rãi, gọi là “Viên An ngọa tuyết” để ví von cho cuộc sống thanh bần mà có tự trọng.
Giữa năm Vĩnh Bình, Sở Vương Lưu Anh mưu phản khiến cho rất nhiều người bất hạnh bị liên lụy. Viên quan trong quận vì kết án vội vã đã đẩy hàng nghìn người vào tù, oan ngục vô số, nhiều người bất hạnh bị ép phải chết. Vì Viên An chấp pháp công chính nên triều đình giao cho ông làm thái thú quận Sở tiếp tục thụ lý án này. Nhậm chức xong, ông không đến công đường ngay, mà trước tiên là đến nhà lao thu thập chứng cứ, điều tra những sự việc không có chứng cứ thực tế, liệt kê rõ ràng rồi chuẩn bị trình báo lên trên để cho họ ra ngục. Khi đó các phủ thừa duyện sử đều nói với Viên An rằng ông làm như vậy là có ý che chở cho kẻ phản bội, Viên An nói: “Nếu có điều gì làm trái, thì tôi sẽ tự chịu trách nhiệm không làm liên lụy đến các ông.” Sau đó ông đem các oan tình ở quận Sở trình tấu lên trên, Hán Minh Đế cảm động nhận ra, phê chuẩn cho xét xử lại những người bị oan, kết quả là hơn bốn trăm gia đình, bốn nghìn người liên lụy đã được phóng thích. Nhờ sự công minh chính trực, Viên An đã được thăng chức làm Tư đồ (tể tướng).
Vào thời Hán Hòa Đế, anh em ngoại thúc Đậu Thị chuyên quyền, kéo bè kéo cánh. Chúng bố trí chân tay thân tín ở khắp các thành và quận lớn, bắt dân chúng phải nộp sưu cao thuế nặng, nhận hối lộ bừa bãi và ngang nhiên cướp bóc ở ngay thành Lạc Dương. Nếu ai không phục tùng thì chúng sẽ hãm hại thậm chí áp bức người đó đến chết, dân chúng ngày đêm lầm than oán thán. Các triều thần đều sợ sự uy hiếp của Đậu Thị nên cũng không ai dám đứng lên tố cáo, duy chỉ có Viên An nhiều lần dâng tấu trình bày những hành vi bất chính của anh em Đậu Thị và đề nghị bãi miễn chức vụ. Đảng phái Đậu Thị trong lòng căm ghét và âm mưu trả thù, những đại thần khác đều lo lắng cho ông, nhưng Viên An vẫn luôn giữ chính khí. Một thời gian sau, sự nổi loạn của anh em Đâu Thị bị trừng phạt đúng như Viên An đã dự liệu. Viên An giữ nghiêm lòng chính trực, được các đại thần trong triều ca ngợi là trụ cột của quốc gia.
Viên An làm quan qua ba triều, đảm nhận các chức vụ Tư không, Tư đồ. Con cháu đời sau của ông cũng đều làm quan: Con trai Viên Thường làm Xa kỵ Đô úy, Viên Xưởng làm Tư không; cháu trai Viên Bành làm Quang lộc huân, Viên Thang làm Tư đồ; chắt nội Viên Phùng làm Tư không, Viên Ngôi làm Tư đồ, “Nhữ Nam Viên Thị” trở thành đại tộc “Tứ thế tam công” ở Đông Hán. Trong “Hậu Hán thư” có viết: “Viên Công Đậu Thị chi gian, nãi tình đế thất, dẫn nghĩa nhã chính, khả vị vương thần chi liệt. Cập kỳ lý Sở ngục, vị thường nghi hô?” Ý nghĩa là: Trong thời kỳ ngoại thúc Đậu Thị chuyên quyền, Viên An không ỷ vào sự quyền quý mà dựa vào đạo nghĩa, duy trì sự công bằng, lấy quốc gia làm trọng. Khi thụ lý vụ án Sở Vương Lưu Anh làm loạn, ông phán quyết công minh, không dùng khổ hình để ép cung, ép người nhận tội mà dùng pháp luật để định tội phân minh, rửa sạch án oan. Tấm lòng nhân ái của ông đã tích được âm đức cho con cháu đời sau. Vậy nên con cháu thịnh vượng há chẳng phải là lẽ tự nhiên?
Lô Quân cứu người được tăng tuổi thọ, hành thiện giúp chuyển đổi vận mệnh
Lô Quân, người ở Lam Điền, Kinh Triệu nhà Đường (nay là huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây), đỗ bậc tiến sỹ, thụ chức thượng thư lang, làm thứ sử Châu Quân, nhưng trong người lại có bệnh. Sau khi nhậm chức ở quận bệnh tình ngày càng nặng hơn, tính tình trở nên nóng nảy, thường ở một mình trong sơn trai để dưỡng bệnh, thuộc hạ cũng không ở cùng, nếu ông không gọi thì cũng không ai dám xuất hiện trước mặt ông.
Một hôm, Lô Quân đột nhiên nhìn thấy một người đi từ ngoài vào, tự xưng là họ Vương, từ trên núi xuống. Lô Quân liền cười nói: “Ngài là Vương Sơn Nhân, lần này đến đây chắc có điều gì chỉ giáo?” Vương Sơn Nhân nói: “Lộc vị của ông rất cao, địa vị cũng ở đỉnh điểm, nhưng thọ mệnh lại không dài, tai vận đang nặng nên có bệnh mà chữa mãi không khỏi, ta đến để giúp ông.” Sơn trai không có nước, nên Lô Quân định gọi người dâng trà, Vương Sơn Nhân ngăn cản, rồi ra giếng dùng đai áo để thấm nước, sau đó lấy ra một viên đơn dược và vắt nước từ đai áo ra đưa cho Lô Quân uống.
Vương Sơn Nhân nói với Lô Quân: “Năm ngày sau thì bệnh sẽ khỏi, sức khỏe tăng lên gấp đôi. Hai năm sau là đại ương vận của ông. Người làm quan nhất định giữ liêm chính, cần bình tĩnh, sáng suốt, không được nghe lời nói của kẻ tiểu nhân mà phải theo dõi sát tình hình. Nếu làm sai thì sẽ gặp báo ứng. Cần phải tích cực hành thiện, cứu người vô tội, khi đó ta sẽ lại tương ngộ, thời gian là khoảng đầu mùa hạ.” Lô Quân ghi nhớ lời của thần nhân, từ đó bệnh đỡ dần, mười ngày sau thì khỏi hẳn.
Năm thứ hai Lô Quân hết nhiệm kỳ trở về kinh thành, tạm nhậm chức phán quan diêm thiết. Tháng tư năm đó, ông lại nhìn thấy Vương Sơn Nhân ở cửa đông liền mời vào nhà. Vương Sơn Nhân vui mừng nói: “Năm nay ông đã qua được cái hạn thứ hai. Hạn vốn rất nặng nhưng vì ông làm việc công bằng chính trực, năm ngoái xét xử án oan, cứu được mấy người, nên đại họa đã qua. Tháng này sẽ có bệnh nhỏ khoảng ba đến năm ngày nhưng không đáng lo. Hy vọng rằng từ nay về sau ông sẽ tích đức lập công!” Ngày thứ hai, Vương Sơn Nhân sai hai người hầu lấy ra một vài viên thuốc đến những nơi lân cận phân phát cho những người nghèo khổ bị bệnh, từ đó về sau không xuất hiện nữa.
Lô Quân nhậm chức giám sát ngự sử, nổi tiếng vì xét án ngục oan, giữ nghiêm pháp luật cho quốc gia, duy trì chính nghĩa, đã từng cùng các quan trong triều liên tục dâng sớ giải oan cho những đại thần giúp họ bảo toàn tính mệnh nên được người đời ca ngợi.
Ông cũng từng giữ chức Tiết độ sứ Lĩnh Nam. Vào thời Đường, đảo Hải Nam là nơi giao thương tấp nập, tập trung rất nhiều của ngon vật lạ, những tiết độ sứ cũ ở đây không ai là không trục lợi, phàm là đến trấn giữ Hải Nam một thời gian thì khi trở về ai cũng mang theo vàng bạc châu báu. Lô Quân thanh khiết, nhất quyết không lấy một đồng, cử giám quân chuyên trách giám sát việc tàu bè, còn ông thì không hề can dự, thương nhân không một ai không ca ngợi đạo đức của ông. Từ những năm Trinh Nguyên, những đại thần có tội đều bị lưu đày đến Lĩnh Nam, rất nhiều người sau khi qua đời con cháu vì quá nghèo khổ nên không thể quay về quê hương. Lô Quân liền ra tay giúp đỡ người nghèo khó, ông tiết kiệm bổng lộc giúp họ lo việc mai táng, người bị bệnh thì tiếp tế thuốc men, đối với cô nhi quả nữ thì ông lo cho việc hôn sự, tổng cộng đã giúp đỡ hàng trăm hộ gia đình. Ông còn trình tấu lên triều đình xin xóa bỏ những sưu thuế nặng nề mà người dân không thể gánh nổi, vì thế bách tính Sơn Việt đều ca ngợi tấm lòng nhân ái của ông. Đến khi ông hết nhiệm kỳ ba năm, dân chúng địa phương (người Hán và dân tộc thiểu số) xin được lập sinh từ, lập bia ghi nhớ công ơn của ông, nhưng ông kiên quyết từ chối.
Lô Quân làm quan công minh liêm chính, nhân ái nhân đức, được triều đình khen thưởng, về sau được làm thầy cho thái tử, hưởng thọ hơn chín mươi tuổi. Mệnh của ông vốn được định mấy lần kiếp nạn, nhưng nhờ nghe lời đạo nhân Vương Sơn Nhân lấy việc cứu người làm gốc, yêu thương dân chúng, rửa sạch án oan, nên không những qua được kiếp nạn mà còn được hưởng thọ dài lâu. Con cháu đời sau cũng đều được làm quan lớn. Đây chính là tích đức hành thiện mang lại phúc báo cho đời sau.
Xem tiếp Phần 2
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/12/3/338461.html
Đăng ngày 6-1-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản