Biên tập: Nguyên Xuân
[MINH HUỆ 7-2-2017] Tết Nguyên tiêu ra đời từ thời nhà Hán, với đèn lồng, câu đố, thơ ca, bánh trôi. Tết Nguyên tiêu có lịch sử lâu đời, nội hàm phong phú, hôm nay chúng ta sẽ cùng xem lại những điển tích lịch sử để tìm hiểu về Tết Nguyên tiêu thời thịnh thế nhà Đường và nhà Tống.
Tết Nguyên tiêu nhà Đường, sắc xuân tràn ngập
Từ thời nhà Đường, vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, đại môn ở khu dân cư được mở rộng và thắp đèn lồng. Thời đó, khu dân cư và khu thương mại được tách riêng, đại môn ở đây là chỉ chiếc cổng lớn của khu dân cư.
Năm Khai Nguyên thứ 24 (năm 736), Đường Huyền Tông xây thêm một bức tường bao bọc bên ngoài tường thành lầu Cần Chính, từ đó lầu ở phía trước lầu Cần Chính trở thành đài quan sát, quảng trường dưới chân lầu trở thành nơi ca hát của cung đình. Mỗi năm đến dịp rằm tháng Giêng, Đường Huyền Tông cùng các hoàng thân quốc thích và các trọng thần lên lầu ngắm đèn xem kịch. Khi tối đến, các cung nữ đến trước lầu ca múa. Có câu thơ rằng: “Tam bách nội nhân liên tụ vũ, nhất thởi thiên thượng trứ từ sinh.” (Ba trăm cung nữ múa tay áo, Nhất thời thi phú vọng hoàng cung.)
Trong lễ hội Tết Nguyên tiêu của Đường Huyền Tông có ca vũ, tạp kỹ, ma thuật và rất nhiều hoạt động dân gian thú vị khác.
Đèn lồng Tết Nguyên tiêu cũng có hàng trăm kiểu, dài ngắn mỏng dày, rực rỡ, thanh nhã, mỗi kiểu đều mang một màu sắc độc đáo riêng. Từ những đèn lồng màu vàng thời nhà Hán, đến nhà Đường, các thợ thủ công đã tạo ra lầu đèn tráng lệ. Những người thợ thủ công ở kinh đô đã xây hai mươi lầu đèn tại cung Thượng Dương của Đường Huyền Tông, mỗi lầu một trăm năm mươi thước. (Hàn Ngạc, “Tuế hoa ký lệ – Thượng nguyên đăng lầu”)
Cung Thượng Dương này chính là nơi Mai Phi viết “Nhất hộc châu”. Sau khi lầu đèn ở cung Thượng Dương được xây dựng xong, vị đạo sỹ nổi tiếng trong lịch sử Diệp Pháp Thiện đã từ Thánh Chân quán đến thưởng ngoạn. Ngắm nhìn cung Thượng Dương lấp lánh ngọc ngà châu báu cùng hơn hai mươi lầu đèn rực rỡ, Diệp Pháp Thiện đã khen ngợi rằng đây quả là khí phách của hoàng thất, đèn lồng trong cung không giống như đèn lồng bình thường, sau đó nhẹ nhàng nói, đèn lồng ở Kinh Châu không thể sánh được với đèn lồng hoàng thất, nhưng cũng đáng để xem một lần. Đường Huyền Tông nghe thấy vậy liền hỏi, lẽ nào ngài đã từng xem đèn lồng ở Kinh Châu? Thời điểm đó cả hai đều ở Trường An thời gian dài, Kinh Châu thuộc Vũ Uy tỉnh Cam Túc ngày nay. Diệp Pháp Thiện nói, tôi vừa từ đó trở về. Đường Huyền Tông tò mò nói trẫm cũng muốn đi xem. Diệp Pháp Thiện nói điều này đơn giản. Thế là ông bảo Đường Huyền Tông nhắm mắt lại, dùng công phu, một lúc sau Đường Huyền Tông mở mắt ra thấy mình đã ở Kinh Châu. Huyền Tông vui chơi ở Kinh Châu một lúc rồi trở về, lúc này màn ca vũ trong cung vẫn chưa kết thúc. Việc xảy ra trong đêm Nguyên Tiêu đó, ngày nay pháp thuật không còn được gọi là ma thuật nữa.
Sau lần đó, Đường Huyền Tông không còn nghi ngờ bản sự của Diệp Pháp Thiện nữa. Năm Khai Nguyên thứ mười tám, vua hỏi Diệp Pháp Thiện nói hôm nay nơi nào náo nhiệt nhất? Ông trả lời, Quảng Lăng. Huyền Tông nói, ta muốn đến đó xem. Trong nháy mắt, trước điện xuất hiện một chiếc cầu cầu vồng, ông nói với vua, cầu đã xây xong. Đường Huyền Tông đưa Dương Phi, Cao Lực Sỹ và nhạc cung lên cầu, một lát là đến Quảng Lăng. Huyền Tông rất vui, cho nhạc cung diễn tấu một khúc “Nghê thường vũ y khúc” rồi hồi cung. Mười mấy ngày sau quan thượng thư tại Quảng Lăng nói, vào ngày rằm tháng Giêng có mấy vị thần tiên đến tấu một khúc “Nghê thường” rồi đi. Huyền Tông nghe thấy vậy rất vui.
Vào thời Đường Duệ Tông, một người xin thắp hàng trăm nghìn ngọn đèn ở trước lầu Huyền Vũ để cúng Phật, mọi người trong đô thành đều nô nức đến xem.
Từ những bức vẽ tại Đôn Hoàng cho thấy, vào thời Đường, Tống, cứ vào ngày rằm tháng Giêng, người Đôn Hoàng thường tổ chức lễ thắp đèn rất long trọng, vương công quý tộc và những người dân thường cùng nhau tham gia lễ hội. Trong “Hà Tây tiết độ sứ đại vương bảo sát nhiên đăng văn”, cuốn sách từ hàng nghìn năm trước đã viết, vào một dịp lễ Nguyên Tiêu từ năm 964 đến năm 974 sau Công nguyên, vị quan cai quản ở khu vực Đôn Hoàng “Hà Tây tiết độ sứ đại vương” Tào Nguyên Trung, đã tổ chức hội đèn lồng ở hang Mạc Cao, vị quan cao nhất địa phương chủ trì nghi thức đèn lồng, và có văn kiện ghi chép. Điều này cho thấy rằng thời đó ngày Tết Nguyên tiêu được tổ chức long trọng trên khắp cả nước, cả trong và ngoài Trung Nguyên đều có tinh thần sùng Phật tín Đạo.
Tết Nguyên tiêu thời Tống – Thịnh thế phồn hoa với ánh đèn rực rỡ huy hoàng
Nhà Tống đã nối tiếp tập quán của nhà Đường, trước sau tết Thượng Nguyên mấy ngày, trong thành đã thắp đèn, cổng lớn ở đại nội rực rỡ đèn lồng, nhạc đội cung đình biểu diễn các tiết mục đặc sắc. Hoàng thượng đến đạo quán thưởng thức, sau đó lên lầu đèn lồng, hoặc là Đông Hoa Môn và Đông Tây Giác lầu để ngắm đèn, dự yến tiệc cùng các đại thần. Các sứ thần nước láng giềng cũng góp vui theo đội ca múa của bản quốc. Hoàng thành được trang trí bởi những chiếc đèn lồng sắc màu. Buổi tối cửa thành cũ được mở cho đến tận sáng để cho mọi người đọc sách và người dân có thể đến chơi, hoạt động này được kéo dài đến ngày mười bảy và mười tám. Đến năm Chính Hòa, Tống Huy Tông hạ chiếu treo đèn năm ngày. Ngày mười tám tháng Giêng thì cất đèn, sau một khúc hát cuối cùng thì bắt đầu tháo đèn lồng xuống: “Lâu đài tịch mịch thu đăng dạ, Lý hạng tiêu điều tảo tuyết thiên.”
Vào Tết Thượng Nguyên năm Kiến Long thứ hai, Tống Thái Tổ lên lầu Minh Đức ngắm đèn, khoản đãi các đại thần trong triều yến tiệc Tết Nguyên tiêu, sứ giả Giang Nam và Ngô Việt cũng tham gia. Người nước ngoài ở phương Tây và phương Nam thì được mời ở lầu dưới, cùng thưởng thức yến tiệc đến nửa đêm.
Ngày mười bốn tháng Giêng năm nguyên niên Chân Tông Cảnh Đức, tổ chức tiệc mặn, tiệc chay. Những sứ giả nước láng giềng đến cống nạp cũng được mời tham dự, đây cũng là lễ tiết ngoại giao và thể hiện sức mạnh của triều đình nhà Tống.
Tác giả của “Đông Kinh mộng hoa lầu” có viết, vào tối ngày rằm tháng Giêng, hoàng thượng đưa thái tử, hậu phi và các cung nhân lên lầu Tuyên Đức để ngắm đèn lồng dưới phố. Tết Nguyên tiêu thời nhà Tống phồn thịnh biết bao. Tất cả mọi thứ được chuẩn bị từ mùa đông năm trước cho đến sau tết.
Theo “Đông Kinh mộng hoa lầu”, sau khi Dương Phi nhập cung, mỗi khi đến đêm Thượng Nguyên, cho thắp hàng nghìn ngọn nến lớn để cầu phúc. Đến triều Tống, vào Tết Nguyên tiêu quan phủ địa phương có thể treo hàng nghìn ngọn đèn lồng, việc này cũng chỉ chiếm phần nhỏ so với thực lực kinh tế của triều Tống.
Sau Tống thất nam độ, sự đề cao đời sống tinh thần không hề thuyên giảm. Xu hướng “Tam thu quế tử, thập lý hà hoa” khiến cho cuộc sống trở nên thú vị hơn. Từ sau ngày đông chí của năm trước người Bắc Tống đã chuẩn bị cho Tết Nguyên tiêu, còn ở Nam Tống, từ sau lễ đèn hoa cúc tết Trùng Dương của năm trước mọi người bắt đầu chuẩn bị đèn lồng cho Tết Nguyên tiêu. Khi đó đèn lồng của Tô Châu và Phúc Châu là đẹp nhất thiên hạ, sau đó là đèn lồng của Tân An. Có đèn lồng còn được trang trí bằng mai rùa. Đèn lồng pha lê nhìn giống như một quả cầu pha lê lấp lánh. Đèn lồng châu tử với vòng tròn ngũ sắc bao quanh, còn đèn da dê thì nhìn giống như màn kịch rối đặc sắc.
Đèn lồng bằng lụa có rất nhiều, thú vị nhất là “vạn nhãn la”. Chúng ta hiện nay chỉ có thể tưởng tượng vẻ đẹp của những chiếc đèn lồng thời xưa qua những trang sách sử. Trên đèn lồng còn có hội họa, thơ ca, lời bình để người xem có thể thưởng thức.
Còn có đèn lồng tơ lụa nức tiếng được làm từ loại tơ cao cấp nhất và dệt thành hình của nhân vật, “có thiên nhân, quỷ thần, hình rồng, cung điện, tinh tế sắc sảo, kỳ diệu vô cùng.” (Thiết vi sơn tùng đàm).
Trong “Võ Lâm cựu sự” còn ghi lại một câu chuyện về việc cạnh tranh để đèn lồng được trưng bày trước hoàng thượng. Có một nhà quý tộc nọ làm đèn lồng bằng tre và thêm vào đồ trang trí màu sắc, hoàng thượng nhìn thấy rất thích, cho làm hàng trăm chiếc đèn lồng như vậy. Những thợ thủ công trong cung hổ thẹn vì không làm được, vắt óc suy nghĩ xem làm thế nào để đèn lồng được đẹp hơn nữa. Họ dùng vải hoàng thảo để làm, tô thêm màu sắc vào, nhìn giống hệt với đèn lồng bằng tre, tổng cộng hai ngày đã làm xong một trăm chiếc đèn cho hoàng cung. Điều này cũng cho thấy có rất nhiều chất liệu có thể làm ra đèn lồng, ngay cả tờ giấy mỏng cũng có thể làm được đèn lồng.
Từ thời thịnh thế Đường Tống cho đến thời nhà Thanh, Tết Nguyên tiêu luôn là ngày Tết quan trọng. Đến nay một số vùng ở Tây Nam vẫn gọi Tết Âm lịch là tiểu niên, còn Tết Nguyên tiêu là đại niên. Từ hàng nghìn năm trước không khí Tết Nguyên tiêu thật rộn ràng với những chiếc đèn lồng rực rỡ, khác hẳn so với Tết Nguyên tiêu ngày nay!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/2/7/342755.html
Đăng ngày 25-3-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.