Biên tập: Vũ Tường
[MINH HUỆ 22-3-2017] Lục Chí, tự là Kính Dư, người ở Gia Hưng, Tô Châu triều Đường (nay là Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang). Từ thuở nhỏ ông đã chăm chỉ học tập, là người rất có phong thái. Năm mười tám tuổi ông đỗ tiến sỹ, nhậm chức Hàn lâm học sỹ và làm Tể tướng. Ông cống hiến hết mình cho triều đình, thường đưa ra những lời can gián chính trực, cũng chính vì thế đã bị chuyển đi xa, nhưng ông vẫn kiên trì sứ mệnh vì dân, dám chỉ thẳng vào những sai lầm của quân vương, tiết lộ những tội ác hại nước hại dân.
Sau khi nhà Đường trải qua loạn an sử, đất nước bị chia cắt và tàn phá. Sau khi Đường Đức Tông kế vị, quân đội Kinh Nguyên làm phản, Đức Tông phải lưu lạc, tình thế hết sức gay go. Lục Chí dâng sớ “Phụng thiên luận tự thiên hạnh chi do trạng” đưa ra lời khuyên cho những sai lầm của Đức Tông, “Việc làm cần thiết lúc này là xem xét ý dân, nếu ý dân muốn thì bệ hạ làm trước. Ngược lại thì bệ hạ nên đi.” Ông kiến nghị Hoàng đế nên tránh xa gian thần và thân cận với trung thần; cho phép ngôn luận thẳng thắn; dùng đức tu thân, vứt bỏ tâm tự tư.
Lục Chí vô cùng tôn sùng Đường Thái Tông, ông đặc biệt ca ngợi sự tiếp thu ý kiến quần thần của Thái Tông và cho rằng: “Thái Tông có khả năng xem thiên văn, có tài uy vũ dẹp yên họa loạn, có công kiến tạo thái bình”, và biết sửa chữa lỗi lầm. Còn Đường Đức Tông thì không quan tâm đến những lời khuyên can, rất ít khi giáng chỉ hỏi thăm quần thần. Lục Chí khuyên Đức Tông nên đón nhận những lời tư vấn, khuyên can đúng đắn.
Khi Đức Tông trên đường lưu lạc, có người dâng tặng dưa, Đức Tông chợt nghĩ sẽ thu nhận người đó làm quan và ban thưởng, Lục Chí khuyên nhủ vua rằng: “Tước vị là vũ khí trong thiên hạ không thể dùng tùy tiện được.” Ông chỉ ra rằng nếu lạm dụng thưởng phạt thì dễ dẫn đến tai họa.
Trên đường đi lánh nạn, có đại thần xin hoàng thượng thêm tôn hiệu, Đức Tông rất vui nhưng Lục Chí cho rằng không nên thêm tôn hiệu mà nên giữ tôn hiệu vốn có. Lục Chí còn khuyên Đức Tông đưa ra những chính sách khoan dung, độ lượng, đặc biệt tuyên bố rằng đối với những kẻ đồng lõa bị cưỡng ép, nếu biết nhanh chóng hối cải thì sẽ được bỏ qua những lỗi lầm quá khứ; đối với quân lính, ông đề xuất thực hiện thưởng công, giảm thuế, miễn chinh; ông cũng tuyên bố bản thân hoàng đế cũng phải tiết kiệm, làm tấm gương cho cả nước. Sau khi chiếu thư được ban bố, những tướng sĩ ở tiền tuyến đã xúc động đến rơi lệ, những kẻ phản loạn lần lượt quay trở về, dâng biểu tạ tội, Đường Thất chuyển nguy thành an, Lục Chí được mọi người gọi là “cứu thời nội tướng”.
Sau khi mối nguy quốc gia được giải quyết không lâu, Đức Tông cảm thấy nới lỏng một chút, nên cho thiết lập hai nhà kho riêng để cất giữ cống vật, Lục Chí khiển trách sự thiếu tiết kiệm của Đức Tông, dâng thư “Phụng thiên thỉnh bãi Quỳnh Lâm Đại Doanh nhị khố trạng” nói về việc Thiên tử không nên tích trữ tài vật. Ông chỉ ra rằng mối nguy của quốc gia mới được giải quyết, lúc này vẫn có thể xảy ra họa loạn mới. Ông tán dương hành vi tiết kiệm của Đức Tông trước kia, ông khuyên vua tích đức hành thiện, xóa bỏ tư khố, phân chia tài sản, không nên tham lam tài vật, mà nên coi thiên hạ là nhà, coi dân như con. Đức Tông tiếp thu ý kiến của ông, xóa bỏ hai nhà kho, trả toàn bộ cống vật về cho quốc khố.
Năm Trinh Nguyên thứ tám, bốn mươi châu phủ xảy ra lũ lụt nghiêm trọng khiến cho hơn hai mươi nghìn người thiệt mạng, dân chúng ly tán mất nhà cửa. Lục Chí vội vàng đến gặp Đức Tông, thỉnh cầu triều đình nhanh chóng tiếp tế nhưng vua không đồng ý. Lục Chí ngay lập tức viết dâng tấu, liệt kê chi tiết tình hình thiên tai, và viết: Đạo của quân vương là nhất tâm vì dân. Mặc dù ở trong cung nhưng luôn lo lắng cho nỗi khổ của dân chúng. Hiện nay thiên tai lũ lụt xảy ra ở các nơi, nếu hoàng thượng hoài nghi báo cáo của thần thì cũng nên cho tuần tra để biết rõ tình hình thực tế.
Lục Chí luôn hướng tới chính quyền nhân đức. Ông nhấn mạnh nhân quân trị quốc ở “đức uy soi sáng”. Ông chủ trương giảm bớt luật lệ, phản đối những hình phạt tra tấn, cho rằng những lệnh cấm rất phức tạp, điều lệ hà khắc, sẽ khiến cho “quan lại không nghe lệnh, dân không sợ lệnh”; cần làm được “ngăn không làm điều sai”, “bỏ những điều luật hà khắc”, “làm điều tốt cho dân”. Ông chủ trương thưởng phạt phân minh, phản đối coi nhẹ tước vị, coi thường hình phạt. Ông cho rằng thưởng cần “trước tiên xét đến những người địa vị thấp ở xa, sau mới đến những quan lại cận kề”; hình phạt cần “trước tiên trách những người cận kề, sau mới đến những người địa vị thấp ở xa“. Nếu không công mà được thưởng thì đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến họa loạn quốc gia. Lục Chí coi trọng chỉnh đốn hình ngục, khi triều đình cử đại thần đi các địa phương kiểm tra, ông coi hình ngục là một trong những trọng tâm để khảo sát, kiểm tra nội dung giấy tờ sổ sách để xem tố tụng có công bằng; kiểm tra thực tế nhà lao để xem thi hành án có kịp thời. Cần phân biệt phải trái, chỉ cần có báo cáo thì phải điều tra kỹ lưỡng, làm rõ sự thật. Ngoài ra, về việc luận tội ông đề xuất truy rõ ngọn nguồn, chấp pháp khoan dung, kẻ bị ép đồng lõa thì không hỏi tội, khích lệ tự cải tạo.
Ông làm quan thanh liêm, không hề nhận một đồng hối lộ. Khi mẹ ông mới qua đời, trong ba năm đầu để tang, các nơi ồ ạt kéo đến tặng quà thăm hỏi nhưng ông đều không nhận. Trong giao thiệp chốn quan trường, ông cũng luôn giữ mình trong sạch, không nhiễm những thói hư tật xấu. Sau khi Đức Tông biết chuyện đã hỏi ông rằng: Khanh quá đỗi trong sạch liêm khiết, có thể không nhận những lễ vật quý giá nhưng nhận những tặng phẩm nhỏ thì cũng được. Lời nói này của Đức Tông đã khiến cho Lục Chí dâng tấu chương hơn hai nghìn chữ với nội dung rằng Thiên tử không nên khuyên quần thần nhận quà. Lục Chí nói, trong giao thiệp giữa các quan trong triều, lẽ nào nhất định phải nhận lễ vật mới là quan hệ tốt? Nếu cứ thế trong thời gian dài, thì từ lợi nhỏ sẽ dần dần thành cái lợi to.
Bùi Diên Linh là một kẻ tiểu nhân rất giỏi nịnh bợ, giả tạo, nhưng Đức Tông lại tưởng là trung thần, cho đảm nhận chức Bộ hộ Thượng thư, nắm quyền thu chi tiền bạc của quốc khố. Bùi Diên Linh kéo bè kéo phái, tìm trăm phương ngàn kế để bịt mắt hoàng đế, ăn chặn của dân, lợi dụng các thủ đoạn để biển thủ tiền bạc, lãng phí của cải của hoàng gia. Các quan văn võ trong triều đều rất phẫn nộ mà không dám nói ra, chỉ có Lục Chí một mình dâng biểu “Luận tuyên lệnh trừ Bùi Diên Linh độ chi sử trạng”, “Luận Bùi Diên Linh gian đố thư”, kể ra bảy tội lớn mà Bùi Diên Linh phạm phải. Sau đó ông còn nhiều lần dâng tấu tố cáo tội của Bùi Diên Linh, nhưng vì quá ngay thẳng chính trực nên đã bị giáng chức.
Bị chuyển về nơi khác nhưng Lục Chí vẫn hết sức tận tâm vì dân chúng, do khí hậu ở địa phương khắc nghiệt, bệnh dịch hoành hành, ông đã soạn ra “Lục thị tập nghiệm phương ” để giúp mọi người sử dụng để trị bệnh. Ông gửi cho Hoàng đến gần trăm điều tấu sớ nói về cuộc sống người dân. Ông cũng viết rất nhiều đề nghị, khuyên vua yêu thương bách tính, miễn lao dịch, giảm trừ thuế, phản đối dùng bạo lực để áp thuế cho dân.
Trích từ “Tân Đường Thư”, “Cựu Đường Thư”, “Tư trị thông giám”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/3/22/344576.html
Đăng ngày 23-4-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.