Bài viết của các phóng viên báo Minh Huệ tại San Francisco, New York, Houston, và Las Vegas
[MINH HUỆ 26-4-2017] Ngày 25 tháng 4 là một ngày đặc biệt ý nghĩa đối với các học viên Pháp Luân Công. Đúng 18 năm về trước, khoảng 10.000 học viên đã tự nguyện tập trung ở Bắc Kinh và thỉnh nguyện ôn hòa để yêu cầu thả hàng chục học viên bị bắt giữ phi pháp vì đức tin của họ vào Chân – Thiện – Nhẫn.
Tin tức trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước Trung Quốc đã ca ngợi sự kiện này là một trong những cuộc tụ tập lớn nhất và ôn hòa nhất trong lịch sử cận đại của Trung Quốc. Tuy nhiên, ba tháng sau đó, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại đối với những người tu luyện pháp môn tu luyện tinh thần này.
Nhân 18 năm sự kiện Ngày 25-4 này, các học viên trên toàn thế giới đã tổ chức kỷ niệm sự kiện này và nâng cao nhận thức cho công chúng về cuộc đàn áp tạn bạo và dai dẳng này.
Thắp nến tưởng niệm ở San Francisco
Tối ngày 24 tháng 4, tại khu vực trước Lãnh sự quán Trung Quốc, các học viên ở San Francisco đã tổ chức lễ thắp nến tưởng niệm. Họ kêu gọi chính quyền Trung Quốc lập tức chấm dứt cuộc đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công kéo dài trong suốt 18 năm qua.
Tại khu vực phía trước Lãnh sự quán Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công kỷ niệm cuộc kháng nghị ôn hoà ngày 25-4 18 năm trước.
Thắp nến tưởng nhớ các học viên bị thiệt mạng trong cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Ông Hứa Đa tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997. Sau khi tu luyện, ông đã cai được thuốc lá và rượu, còn khôi phục được sức khỏe. Năm 2015, ông bị bắt vì kiện cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân về tội phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công và gây ra bao thống khổ cho ông gần hai thập kỷ. Nhưng rốt cuộc, ông lại bị bức thực và tra tấn dã man trong một trại giam.
Học viên Lưu Học Mẫn, vừa chuyển tới Hoa Kỳ sinh sống, bị tra tấn 18 tháng liền tại một nhà tù ở Trung Quốc chỉ vì kiên định vào đức tin của mình. Ông tham gia kháng nghị để đòi quyền tự do cho các học viên Pháp Luân Công đang bị giam cầm vì đức tin của mình ở Trung Quốc Đại Lục.
Sau khi hiểu rõ mục đích của cuộc kháng nghị, người dân và du khách đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công. Đây không phải là lần đầu tiên ông Robert Levering, một cư dân địa phương, gặp cuộc kháng nghị ôn hòa của các học viên. Ông gọi cuộc đàn áp Pháp Luân Công là cuộc khủng bố.
Sau khi hiểu được vì sao cuộc đàn áp Pháp Luân Công là hoàn toàn sai trái, ông Rogilo đến từ Mexico đã ký tên thỉnh nguyện kêu gọi chính quyền Trung Quốc lập tức chấm dứt cuộc bức hại này. Ông nói: “Chính quyền Trung Quốc cần trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công. Mỗi người đều nên có quyền tự do tín ngưỡng của mình.”
Hôm đó, bà Iris Perla đã quyết định tham gia cùng các học viên trước Lãnh sự quán Trung Quốc và phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà đã đọc thông tin về cuộc bức hại trên báo và biết rằng chính quyền Trung Quốc đã kinh doanh kiếm lời từ việc thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống. Bà nói: “Khi biết đến tội ác mổ cướp nội tạng này, tôi đã khóc. Tôi không biết phải làm gì. Chính phủ Hoa Kỳ cần phải ban hành lệnh cấm người dân đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng.”
Kháng nghị và thắp nến tưởng niệm tại New York
Ngày 23 tháng 4, các học viên đã tổ chức một buổi kháng nghị trên Đại lộ Kissena bên ngoài Thư viện Nữ Hoàng ở Flushing, New York. Họ kêu gọi người dân toàn thế giới đứng lên phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công tàn bạo ở Trung Quốc và đấu tranh cho nhân quyền.
Các học viên Pháp Luân Công kháng nghị ở Flushing để kỷ niệm sự kiện thỉnh nguyện Ôn hòa 18 năm trước ở Bắc Kinh.
Nhiều diễn giả đã tham gia phát biểu tại buổi kháng nghị; bao gồm các học viên Pháp Luân Công từng bị bức hại ở Trung Quốc, một đại diện từ Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp Hoa Kỳ và các bình luận gia chính trị khác. Các học viên đã hát một số bài hát ca ngợi Pháp Luân Đại Pháp và lên án cuộc bức hại. Buổi kháng nghị đã giành được nhiều sự quan tâm của khách bộ hành, một số người Trung Quốc còn lựa chọn thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó, để cắt đứt liên hệ giữa họ với chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Ông Trương Nhi Bình, người phát ngôn của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã phát biểu tại buổi kháng nghị.
Ông Trương Nhi Bình của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp tại Hoa Kỳ nói về tầm quan trọng của sự kiện Kháng nghị Ôn hòa Ngày 25-4. Ông nói: “18 năm qua chúng ta đã và đang chứng kiến các học viên Pháp Luân Công đương đầu với bạo lực bằng các biện pháp phi bạo lực, gỡ bở những tuyên truyền dối trá sai sự thật của chế độ cộng sản Trung Quốc. Bằng lương tâm của mình, dù ai đó tin vào bất cứ điều gì chăng nữa thì cũng có thể thấy rằng các học viên Pháp Luân Công không hề làm chính trị, mà họ chỉ muốn được tu luyện một cách hợp pháp và tự do. Cuộc đấu tranh vì nhân quyền của các học viên Pháp Luân Công cũng chính là đấu tranh cho nhân quyền của chính bạn.”
Học viên Trương Hồng Ngọc là người tỉnh Liêu Ninh. Người thân của cô đều từng là các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Trước khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, họ là những người hạnh phúc và khỏe mạnh. Sau đó, họ bị mất việc làm và nhiều lần bị tống vào tù và bị tra tấn. Cuối cùng, học viên Trương đã mất đi ông bà nội và người mẹ của mình. Cô nói: “Ở đây, với tư cách là một người bị hại, tôi muốn nói cho mọi người biết tại sao cuộc bức hại này là hoàn toàn sai trái và chúng ta nên chấm dứt nó. Hiện nay, cuộc bức hại vẫn còn đang tiếp diễn ở Trung Quốc và chúng ta cần cộng đồng quốc tế hỗ trợ để kết thúc nó.”
Ông Vương Trí Viễn đến từ Tổ chức Thế giới Điều tra về cuộc bức hại Pháp Luân Công đã cảnh báo những người tham gia vào cuộc bức hại này rằng, cuộc bức hại Pháp Luân Công là tội ác diệt chủng và chống lại loài người, những ai tham gia tội ác này đều sẽ phải chịu trách nhiệm.
Bình luận gia chính trị, Tiến sỹ Lý Thiên Tiếu đến từ Bộ môn Khoa học Chính trị thuộc trường Đại học Columbia, cùng với ông Lưu Quốc Hoa, nhà hoạt động chống ĐCSTQ, từng là Phó giáo sư thuộc trường Đại học Đông Bắc Trung Quốc, và ông Lục Đông, phát ngôn viên của Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo người Trung Quốc tại New York, đã tới tham dự buổi kháng nghị và bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công nhằm chấm dứt cuộc bức hại kéo dài suốt 18 năm qua.
Sau buổi kháng nghị, gần 1.000 học viên đã tập hợp trước Lãnh sự quán Trung Quốc. Chiều cùng ngày, họ chăng các băng-rôn biểu ngữ lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công và tổ chức thắp nến tưởng niệm vào buổi tối.
Các học viên kháng nghị và thắp nến tưởng niệm bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở New York, yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Học viên Niu Dan tham gia cuộc kháng nghị ôn hòa 18 năm trước ở Bắc Kinh khi cô mới 17 tuổi. Cô cho biết: “Chúng tôi chỉ muốn được tu luyện hợp pháp. Tôi đã bị tống vào trại lao động cưỡng bức khi mới 18 tuổi.” Sau đó cô đã bị chuyển đến một trung tâm tẩy não. Cô liên tục bị sách nhiễu và sau cùng quyết định trốn sang Mỹ. Cô nói: “Sau 18 năm tôi vẫn có mặt tại đây. Tôi muốn thế giới biết rằng Pháp Luân Công là môn một tu luyện an hòa và rất chân chính.”
Bà Shi Ning đã chuyển đến Mỹ được 9 tháng. Vì từ chối từ bỏ đức tin của mình, bà đã bị bắt và bị tống vào tù và trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc. Thay vì từ bỏ niềm hy vọng, bà đã nói với các bạn tù về đức tin của mình và nhiều người đã ủng hộ bà và Pháp Luân Công.
Kháng nghị trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston
Nhiều học viên Pháp Luân Công kháng nghị trước Lãnh sự quán Trung Quốc với băng-rôn có nội dung yêu cầu chính quyền cộng sản Trung Quốc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Ông Tống đến từ Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hoa Kỳ đã ca ngợi những hành động của các học viên 18 năm trước. Ông lên án cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân vì đã hành động chống lại đức tin của người dân, ông cho biết: “Các học viên luôn kiên định đức tin của mình vào Chân-Thiện-Nhẫn và giảng chân tướng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công cho người dân toàn thế giới. Dần dần những nỗ lực của họ đã được đền đáp và ngày càng có nhiều người hơn nữa nhìn rõ bản chất xấu xa, độc ác của chế độ cộng sản Trung Quốc. Tính đến nay đã có hơn 200 triệu người dân Trung Quốc thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.”
Cô Dương Trân kêu gọi thế giới quan tâm tới cuộc bức hại Pháp Luân Công và hỗ trợ giải cứu mẹ mình vừa mới bị cầm tù.
Nhiều học viên đã giải thích cho khách bộ hành vì sao cuộc đàn áp Pháp Luân Công là sai trái. Nhiều người có thể hiểu được thực trạng này ở Trung Quốc và quyết định ký tên thỉnh nguyện yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công cũng như tội ác giết hại các học viên còn sống để thu hoạch tạng.
Khách bộ hành ký tên thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công và tội ác mổ cướp nội tạng
Nâng cao nhận thức ở Las Vegas
Tối ngày 25 tháng 4, học viên ở Las Vegas đã treo băng-rôn và áp phích nhằm nâng cao nhận thức cho công chúng về cuộc bức hại Pháp Luân Công
Các học viên tập hợp trước khách sạn Mirage trên Đại lộ Las Vegas để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Các học viên treo băng-rôn và áp phích có thông tin về cuộc bức hại. Nhiều khách bộ hành để ý những thông tin này nên đã tìm hiểu về Pháp Luân Công cũng như cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Sau khi trò chuyện với một học viên, một người cho biết ông sẽ viết thư gửi Nhà Trắng và kêu gọi ủng hộ cho Pháp Luân Công. Một du khách người Trung Quốc nói với một học viên rằng, ông đã biết về cuộc đàn áp sai trái này và đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/26/346218.html
https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/26/346213.html
https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/26/346192.html
https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/26/346210.html
https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/26/346194.html
Bản tiếng Anh: https://www.clearwisdom.net/html/articles/2017/4/27/162994p.html
Đăng ngày 2-5-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.