Bài viết của học viên Pháp Luân Công ở New York

[MINH HUỆ 24-4-2017] Hơn 2.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tập hợp tại Flushing, thành phố New York hôm 23 tháng 4 năm 2017 để kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa quy mô lớn của các học viên tại Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 năm 1999. Ba tháng sau khi diễn ra sự kiện này, cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp đã chính thức khai màn.

2017-4-23-new-york-425_01--ss.jpg
Đoàn nhạc Tian Guo biểu diễn ở Flushing hôm 23 tháng 4 năm 2017

2017-4-23-new-york-425_02--ss.jpg
Dòng chữ trên biểu ngữ: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”

Sau khi 50 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ phi pháp ở Thiên Tân vào tháng 4 năm 1999, khoảng 10.000 học viên đã tập trung ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa lên chính quyền trung ương nhằm yêu cầu trả tự do cho các học viên đang bị bắt giữ. Ông Chu Dung Cơ, khi ấy là Thủ tướng đương nhiệm của Trung Quốc, đã gặp mặt các học viên và đồng ý trả tự do cho những học viên đã bị bắt giữ ở Thiên Tân. Tuy nhiên, ba tháng sau, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc đó là Giang Trạch Dân đã ra lệnh cấm Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 và phát động cuộc bức hại tàn bạo đối với pháp môn này trên phạm vi toàn quốc.

Trong chiến dịch này, hàng chục triệu học viên đã bị ngược đãi vì từ chối từ bỏ đức tin của mình, họ bị bắt giữ, giam cầm, tra tấn, cưỡng bức lao động, tẩy não, và cầm tù… Theo số liệu do Minh Huệ Net tổng hợp, ít nhất 4.000 học viên được xác nhận là bị thiệt mạng trong thời gian bị cảnh sát giam giữ.

Đoàn nhạc Tian Guo hùng tráng gồm 200 thành viên dẫn đầu đoàn diễu hành với chủ đề “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Theo sau là các biểu ngữ, thuyền hoa, và nhóm biểu diễn các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn khán giả.

Bà Judith Harrison, tư lệnh Khu 109, đã chỉ huy cảnh sát đến bảo vệ sự kiện. Khi đội múa rồng và múa lân đi ngang qua, bà đã nhờ một cảnh sát chụp hình trước đoàn rước. Bà đã đăng tải bức hình này lên Twitter của sở cảnh sát sau đó cùng ngày với dòng bình luận: “Một ngày tươi đẹp!”

2017-4-23-new-york-425_04--ss.jpg
Thuyền hoa và nhóm biểu diễn các bài công pháp

2017-4-23-new-york-425_05--ss.jpg
Biểu ngữ: “Kỷ niệm 18 năm ‘cuộc kháng nghị ôn hòa ngày25 tháng 4’ của các học viên Pháp Luân Công”

“Công lý sẽ chiến thắng”

Nhóm thứ hai của đoàn diễu hành kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc. Nhóm thứ ba nâng cao nhận thức về phong trào thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức thanh thiếu niên của nó. “Vì ĐCSTQ đã làm hại dân chúng trong bao thập kỷ qua nên bất kỳ ai có can hệ với chế độ đó đều có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng”, ông Dịch Dung, điều phối viên của Trung tâm Phục vụ Thoái ĐCSTQ Toàn cầu giải thích. Ông cho hay: “May mắn thay, toàn cầu đã có hơn 270 triệu người Trung Quốc thoái xuất khỏi Đảng.”

Ông Lục Đông, đại diện của một tổ chức Ki-tô giáo, cho hay ông rất vui khi có mặt ở đây để hỗ trợ các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Ông Lâm Sinh, một thành viên khác trong đoàn diễu hành, rước biểu ngữ có nội dung “Bức hại Pháp Luân Đại Pháp là tội ác, và cưỡng bức thu hoạch tạng là tà độc.” Ông Lâm nói ông “hy vọng ngày càng có nhiều người quan tâm tới vấn đề này.’

2017-4-23-new-york-425_11--ss.jpg
Một nhóm Ki-tô giáo tham gia diễu hành để ủng hộ các học viên Pháp Luân Đại Pháp

Từng chứng kiến một lần khoảng 300 người thân Trung Cộng bao vây và tấn công các học viên hồi năm 2008, ông Lục rất vui khi thấy giờ đây tình hình đã thay đổi đáng kể. Ông nói: “Chúng ta đều biết rằng công lý sẽ chiến thắng.”

2017-4-23-new-york-425_06--ss.jpg
Biểu ngữ kêu gọi chấm dứt bức hại

2017-4-23-new-york-425_10--ss.jpg
Hơn 270 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản, Đoàn Thanh niên Cộng sản, và Đội Thiếu niên Tiền phong của Trung Quốc

Vì một thế giới tốt đẹp hơn

Ông Đái, một người qua đường, cho hay ông không lạ gì việc ĐCSTQ dùng bạo lực và lừa mị nhân dân Trung Quốc trong các phong trào chính trị trước đây. “Đó là lý do tại sao lần đầu tiên nghe nói đến cuộc bức hại vào năm 1999, tôi đã biết ngay là Pháp Luân Đại Pháp bị oan.” Ông nói rằng ông lấy làm đau lòng vì nhiều người Trung Quốc, kể cả những người sống ở hải ngoại, vẫn mắc bẫy trước tuyên truyền của ĐCSTQ.

Anh William, một người nhập cư vào Hoa Kỳ cách đây hơn 30 năm, nói anh luôn đứng về phía các học viên: “Nhiều người như tôi biết rõ ai đúng ai sai nhưng không biết làm sao để giúp đỡ. Tuy nhiên, chúng tôi mong các bạn sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về cuộc bức hại này cho đến khi nó kết thúc.”

Sau khi kết thúc diễu hành, các học viên tổ chức mít-tinh ở trung tâm Flushing gần Thư viện Nữ hoàng (Queens Library), tiếp đó là thắp nến tưởng niệm. “Chúng tôi đã chứng kiến Pháp Luân Đại Pháp và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn cải biến con người thành người tốt như thế nào. Mỗi người trong chúng tôi đều đã trải qua quá trình đó,” học viên Hầu Minh Vũ chia sẻ.

Ông Lý, một người qua đường xem sự kiện nói ông rất cảm động trước lòng can đảm của các học viên kiên định bảo vệ đức tin của mình: “Năng lượng tích cực này sẽ lan tỏa và dần dần sẽ thay đổi thế giới.”

Bối cảnh

Ngày 25 tháng 4 năm 1999, khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung kháng nghị ôn hòa trên đường phố ở Bắc Kinh, sau khi gần 50 học viên ở thành phố phụ cận Thiên Tân bị bắt giữ vô cớ. Điểm diễn ra cuộc kháng nghị ở ngay sát cạnh Văn phòng Kháng cáo Trung Ương, nơi họ hy vọng được trình bày về vụ việc của mình. Cảnh sát đã hướng dẫn họ xếp hàng trên mấy con phố trong khu vực, cũng là Trung Nam Hải, nơi đặt trụ sở chính quyền Trung ương Đảng.

Chiều cùng ngày, cả 10.000 người đã lặng lẽ rời đi sau khi gặp mặt Thủ tướng Chu Dung Cơ và được hứa hẹn sẽ thả những học viên bị bắt giữ trái phép ở Thiên Tân.

Tuy nhiên, Tổng bí thư Đảng, bấy giờ là Giang Trạch Dân, đã lệnh cho bộ máy tuyên truyền đưa tin sai lệch rằng cuộc tụ họp đó không phải là cuộc kháng nghị ôn hòa, mà là vụ “bao vây Trung Nam Hải”, khu phức hợp của chính quyền trung ương. Chiến dịch tuyên truyền tệ hại này được sử dụng để khiến dư luận quay lưng với Pháp Luân Công, và là cái cớ để phát động cuộc bức hại tàn bạo mấy tháng sau đó. Từ đó đến nay, cuộc bức hại này đã diễn ra gần 18 năm.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/24/346096.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/4/25/162966.html
Đăng ngày 28-4-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share