Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Bắc Kinh

[MINH HUỆ 10-3-2017] Trong quá trình thực tu tâm tính, tôi đã đấu tranh vật lộn với tất cả các loại tâm chấp trước, và tôi cảm thấy rất khó khăn để vượt qua những vướng mắc này. Mỗi khi nhận ra một tâm chấp trước nào đó của bản thân, tôi liền nỗ lực loại bỏ nó đi. Tuy nhiên, vừa mới thấy chấp trước đó nhẹ đi một chút, chưa kịp nghỉ ngơi, thì một chấp trước khác lại xuất hiện. Các tâm chấp trước còn trở lại hết lần này đến lần khác, có lúc tôi cảm giác dường như chúng đã khá nhẹ rồi, nhưng sau đó chúng lại nổi lên trở lại.

Gần đây tôi mới nhận ra rằng tôi đã mắc phải một vấn đề cơ bản, và đó là nguồn gốc của hầu hết các tâm chấp trước của tôi. Tôi xin viết ra để giao lưu chia sẻ với các đồng tu.

Vấn đề của tôi là ở tâm tự cao tự đại, và nhiều tâm chấp trước khác liên quan đến nó. Ví dụ, tâm hiển thị bắt nguồn từ việc muốn bản thân mình được tán dương; tâm hoan hỷ xuất phát từ tâm tự cao muốn được người khác công nhận; tâm tranh đấu là do mong muốn bản thân mình luôn đi đầu; và tâm tật đố là phản ánh tiêu cực của tâm tự cao tự đại khi tôi luôn cố gắng để được công nhận nhưng thất bại.

Tôi ngộ ra rằng, đôi lúc ẩn dưới những lời nói của tôi là tâm mong muốn đưa mình lên cao và được mọi người công nhận. Trong tiềm thức của mình, tôi luôn cho rằng mình tốt hơn những người khác.

Khi suy nghĩ về điều này sâu sắc hơn, tôi nhận thấy rằng rất nhiều tạp niệm xuất hiện trong đầu tôi đều có liên quan đến tâm tự cao của bản thân – chẳng hạn như khi tôi tự thấy việc kia mình làm cũng không tệ nên có cảm giác dương dương tự đắc, khi tôi chỉ ra lỗi lầm của người khác, hay khi tôi yêu cầu người khác làm theo ý mình.

Đây có thể là một vấn đề phổ biến đối với một số học viên, đặc biệt là những người có trình độ học vấn cao. Trên bề mặt, có vẻ như chúng ta đang học Pháp, nhưng tâm tự cao tự đại quá lớn trong tiềm ý thức của chúng ta là đi ngược lại với Pháp. Chúng ta trở nên mất bình tĩnh khi lòng tự cao của mình bị động chạm đến, lại còn cho rằng bản thân mình đúng và kiên trì nắm giữ quan niệm cố hữu đó mà không buông. Cựu thế lực tin rằng chúng luôn đúng và không bao giờ từ bỏ quan niệm của chúng. Nếu chúng ta biểu hiện ra trạng thái tương tự, chẳng phải chúng ta đang hành xử giống như cựu thế lực? Điều này sẽ cản trở nghiêm trọng đến sự đề cao trong tu luyện của chúng ta.

Khi đối mặt với những chấp trước này, tôi đã không hướng nội và không bao giờ nghĩ rằng tôi là người có lỗi. Những lời giảng Pháp đã không thực sự nhập tâm tôi, trên bề mặt tôi đang học Pháp cùng với các đồng tu, nhưng trong nội tâm thì tôi lại không hề có sự cải biến nào hoặc không muốn cải biến, và tôi cứ hành xử dựa trên những quan niệm ban đầu của mình.

Đây có lẽ là một phương diện mà cựu thế lực ngăn trở chúng ta tu luyện – mặc dù tôi có vẻ là một người thông minh và có năng lực trong xã hội, nhưng chủ ý thức của tôi đã bị cựu thế lực kiềm chế, và tự tôi không nhận ra rằng chủ ý thức của tôi đã không đủ mạnh.

Các tâm chấp trước này không chỉ ảnh hưởng đến tu luyện của bản thân tôi mà còn can nhiễu đến các đồng tu và Chính Pháp. Người tu luyện Đại Pháp không nên bỏ qua những vấn đề này.

Trên đây là một số nhận thức của tôi, nếu có gì không đúng xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/3/10/344049.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/3/23/162596.html
Đăng ngày 20-4-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share