Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
[MINH HUỆ 05-11-2016] Con xin kính chào Sư phụ! Chào tất cả các bạn đồng tu!
Nhân dịp Pháp hội Trung Quốc lần thứ 13, con xin báo cáo Sư phụ và chia sẻ với các bạn đồng tu kinh nghiệm tu luyện của con khi làm công tác quản lý nhà ăn ở một cơ quan chính phủ.
Tôi từng là một quan chức chính phủ. Năm 1996, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công). Năm 2001, vì giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho các quan chức chính phủ nên tôi bị giam giữ tại trại lao động cưỡng bức trong hai năm. Cũng vì vậy mà cương vị trưởng phòng của tôi bị phế truất và tôi bị đẩy xuống làm nhân viên.
Năm 2003, tôi được trả tự do và quay trở lại cơ quan làm việc. Khi ấy, cấp trên và đồng nghiệp của tôi đều bị chiến dịch tuyên truyền giả dối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lừa dối nên đã có những hiểu lầm về Pháp Luân Công.
Ở cơ quan, trừ tôi ra, mọi người đều có máy tính riêng. Họ không bao giờ dám để tôi ngồi làm việc một mình trong văn phòng. Khi tôi có mặt ở đó, sẽ có người ở lại để giám sát tôi. Bất cứ khi nào tôi rời khỏi văn phòng, họ lại cho người theo dõi tôi.
Tôi chỉ được giao việc nhận và phân phát báo chí, và không được phép tiếp xúc với bất kỳ văn bản tài liệu nào. Tôi đã giải thích chân tướng về Pháp Luân Công nhưng không ai dám nghe tôi nói. Do vậy, tôi không thể thuyết phục họ thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.
Tôi nên làm gì bây giờ? Tôi phải tìm cách giảng chân tướng và cứu họ. Cuối cùng, tôi đã tìm được một giải pháp: phân phát tài liệu giảng chân tướng cho từng người một.
Dần dần, khi họ đọc nhiều tài liệu hơn về Pháp Luân Đại Pháp, họ đã có nhận thức mới về Đại Pháp và những người tu luyện. Một số người đã đồng ý thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Trong khi đó, những người khác không dám thoái. Những người này sẽ có cơ hội trong tương lai nếu họ gặp được các học viên khác khuyên họ thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Tháng tư vừa rồi, cấp trên của tôi hỏi tôi có muốn đảm nhiệm vai trò quản lý nhà ăn của cơ quan không.
Tại sao ông ấy lại lựa chọn tôi? Bởi vì tôi là một học viên Pháp Luân Công, vì vậy ông ấy biết ông có thể tin tưởng vào tôi, rằng tôi sẽ làm tốt công việc.
Nguyên do là, một bữa sáng có giá 6 nhân dân tệ, mỗi công chức phải tự bỏ ra 1 tệ và cơ quan trợ cấp 5 tệ, nhưng gần đây lãnh đạo đã quyết định cắt trợ cấp vì chính phủ đang bắt đầu chiến dịch thanh trừ nạn tham nhũng.
Nhà ăn vẫn phục vụ bữa sáng và bữa trưa. Công chức và người nhà vẫn có thể đến ăn nhưng mọi người phải tự bỏ tiền túi để chi trả. Không còn trợ cấp, cũng không có lợi nhuận. Đối với công chức và người nhà, thì vẫn còn chút thuận tiện. Nhưng vấn đề là, để quản lý một nhà ăn như vậy rất khó khăn. Vì vậy, cấp trên đã nghĩ đến tôi, một học viên Pháp Luân Đại Pháp.
Lúc đầu, tôi không muốn nhận công việc này vì e ngại nó sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm ba việc của tôi. Tôi nghĩ: “Mình đã trải qua bao nhiêu năm khó khăn vất vả. Hai năm nữa là mình được về hưu rồi. Hơn nữa, người xưa có câu: ‘Trong tất cả các ngành nghề, nghề đầu bếp chính là dâu trăm họ.’ Vì vậy, mình không muốn nhận việc này.”
Nhưng cấp trên đã cố gắng thuyết phục tôi và nói rằng chỉ tôi mới có thể làm được việc này.
Ông ấy nói: “Tôi biết đây là một công việc khó khăn. Không có trợ cấp của cơ quan, nếu giá đồ ăn mà cao thì sẽ chẳng có ai mua. Nếu hạ giá, thì chúng ta sẽ bị thua lỗ. Chúng tôi chọn anh bởi vì anh là người trung thực và chính trực.”
Tôi nói: “Anh nói đúng. Những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chúng tôi không bao giờ tham chiếm tiền hay tài sản không thuộc về mình.”
Cân nhắc lời đề nghị thống thiết của họ, tôi nghĩ có lẽ mình nên nhận công việc này, nếu không nhận thì cũng không đúng lắm. Họ từng cách ly tôi với tất cả công việc và đồng nghiệp ở văn phòng, bây giờ họ lại tin tưởng tôi làm một công việc khó khăn như vậy. Điều ấy có nghĩa là họ đã có nhận thức tốt về Pháp Luân Công và về tôi. Nếu làm tốt công việc này, thì đây sẽ là cơ hội để tôi chứng thực Pháp, giảng chân tướng, và cứu họ.
Chứng thực Pháp ở nơi làm việc
Khoảng hơn 100 công nhân viên chức dùng bữa ở nhà ăn của chúng tôi, trong đó khoảng 70 người thuộc đơn vị chúng tôi, và những người còn lại thuộc các đơn vị khác trong cùng tòa nhà. Ngoài ra, người nhà của họ cũng có thể dùng bữa ở đây.
Đầu tiên chúng tôi thiết lập một hệ thống thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ. Số tiền được trợ cấp ban đầu để quay vòng là một vạn nhân dân tệ. Xong xuôi mọi thứ, tôi bắt đầu quán xuyến tất cả công việc ở đây.
Là một người tu luyện, tôi phải có trách nhiệm với công việc và chứng thực Pháp trong quá trình làm việc. Tôi tuân theo một số nguyên tắc sau: Thứ nhất, giữ giá ở mức thấp nhất có thể, nhưng phải đảm bảo không bị thua lỗ. Thứ hai, khuyến khích đầu bếp nấu món ăn ngon. Và thứ ba, đảm bảo các món ăn phong phú để mọi người có thể lựa chọn.
Trước đây, các công nhân viên chức rất bối rối khi mang người nhà đến nhà ăn của chúng tôi. Nhưng khi nghe nói thức ăn ở đây có giá cả phải chăng và lại ngon nữa, nên người nhà của họ cũng đến đây ăn.
Một số người lo lắng giá chúng tôi đưa ra quá thấp và nhắc nhở tôi: “Khi nào thấy cần thiết thì hãy tăng giá lên!”
Một chiếc bánh nhân thịt chỉ bán với giá một nhân dân tệ. Một suất sủi cảo lớn cũng chỉ có giá 5 tệ. Trước đây, ăn một bữa sáng cũng phải mất 6 tệ, bây giờ số tiền ấy có thể mua được cả một bữa sáng và một bữa trưa.
Lãnh đạo cơ quan và đồng nghiệp của tôi đều đem vấn đề này ra nghị luận và kết luận rằng hạch toán tài chính trước đây là có vấn đề.
Trong suốt năm tháng tôi làm quản lý, từ tháng tư đến tháng tám, chúng tôi đã lãi ra 500 tệ.
Theo kinh nghiệm, tôi nhận thấy nhà ăn có làm ăn lãi hay không phụ thuộc vào quản lý và hạch toán kế toán. Nếu con số hạch toán là chính xác và trung thực, thì sẽ không bao giờ có thua lỗ.
Thực ra, cũng không cần thiết phải kiểm tra lại con số hạch toán bởi vì chỉ cần so sánh thức ăn và giá tiền là chúng tôi cũng có thể biết rõ vấn đề nằm ở đâu.
Bây giờ hàng tháng, tôi đều tự tay viết bản hạch toán và gửi cho lãnh đạo. Nhưng tất cả đều nói rằng họ không cần xem vì họ đều tin tưởng tôi.
Tu bỏ chấp trước vào lợi ích cá nhân
Trước đây khi còn làm trưởng phòng, tôi có nhiều quyền lực và thường được biếu xén hay nịnh bợ. Hầu hết các trường hợp, tôi đều cư xử đúng đắn và từ chối, nhưng đôi khi ở những phương diện rất nhỏ, tôi vẫn chưa làm tốt lắm.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, tôi không còn quyền lực nữa và do vậy cũng không còn bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất.
Qua hơn mười năm, bây giờ tôi lại ở trong tình huống tương tự. Tôi là người trực tiếp đi mua toàn bộ thực phẩm cho nhà ăn, quyết định mua gì và mua ở đâu.
Ở vị trí người mua hàng, tôi cũng thường gặp nhiều người bán hàng cố gắng đút lót cho tôi. Tôi từ chối tất cả và giải thích: “Tôi là một học viên Pháp Luân Công, vì vậy tôi không thể nhận những gì không thuộc về mình. Thay vì làm như vậy, các anh hãy đưa ra giá thật tốt.”
Một lần khi tôi đi mua gia vị, người bán hàng hỏi tôi trước khi ghi hóa đơn: “Anh có muốn tôi biên giá đúng vào hóa đơn không?”
Tôi trả lời là có. Anh ấy hỏi tiếp: “Sao anh không để tôi viết giá cao hơn vào hóa đơn? Những người mua hàng khác đều đề nghị tôi khai giá thật cao.”
Tôi giải thích: “Tôi là một học viên Pháp Luân Công và hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Chúng tôi không lấy bất cứ thứ gì không thuộc về mình.”
Anh ấy nhìn tôi chằm chằm như thể tôi kỳ lạ lắm và nói: “Ồ”
Đôi khi, tôi vẫn bị động tâm bởi những lợi ích vật chất bề mặt, nhưng cuối cùng tôi đã có thể dùng tiêu chuẩn của một người tu luyện để đối đãi một cách đúng đắn. Tôi cũng nhắc nhở vợ mình: “Khi người khác muốn đem cái lợi đến cho bà, thì bà phải giữ mình cho thật vững. Bà phải cư xử một cách đúng đắn và làm tấm gương cho những người khác.”
Vợ tôi rất ủng hộ tôi và không bao giờ nhận bất kỳ thứ gì từ người khác. Khi đến nhà ăn dùng bữa, bà ấy vẫn quẹt thẻ thanh toán tất cả mọi thứ bà mua, cho dù là đồ ăn thừa.
Một số đầu bếp thường nói: “Chị không cần quẹt thẻ đâu. Đây chỉ là đồ ăn thừa thôi mà.”
Tôi khăng khăng nói: “Không được. Bà ấy vẫn phải quẹt thẻ. Chúng tôi là học viên Pháp Luân Đại Pháp vì vậy chúng tôi không bao giờ lấy bất kỳ thứ gì không thuộc về mình.”
Việc này đã xảy ra nhiều lần. Cuối cùng họ cũng hiểu chúng tôi và nói: “Chẳng trách anh được chọn làm người quản lý. Lãnh đạo của anh có một cấp dưới thật tốt và trung thực.”
Một lần, vợ tôi muốn mua một món ăn thêm với giá 50 xu. Lúc đó, tất cả đầu bếp đều đi vắng. Chỉ có một mình tôi với vợ tôi ở đó. Một ý nghĩ thoáng vụt qua trong đầu tôi: “Ồ, chỉ có 50 xu thôi mà, thôi cứ lấy chứ không cần quẹt thẻ nữa.”
Nhưng đầu óc của tôi bỗng ong lên khiến tôi cảm thấy khó chịu. Lúc này tôi chợt nhận ra ý nghĩ sai trái của mình. Tôi liền chỉnh lại suy nghĩ: Bà ấy vẫn phải quẹt thẻ. Sau khi chúng tôi quẹt thẻ, tôi thấy đầu óc của mình bỗng thấu suốt trở lại, và có một cảm giác thăng hoa.
Kỳ thực, chúng ta là người tu luyện, mỗi lời nói hành động của chúng ta không chỉ người thường nhìn thấy, mà tất cả các vị thần trong vũ trụ cũng đều đang quan sát. Vì vậy, bất luận chúng ta nói gì làm gì, bất luận trước mắt chúng ta có ai hay không, chúng ta vẫn phải chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và đồng hóa với đặc tính này của vũ trụ.
Sư phụ giảng:
“Hôm nay vào thời khắc then chốt của lịch sử, chỗ tiền đó, một chỗ tí tẹo đó, đều xuyên thấu [để lộ ra] cảnh giới, tâm thái, chấp trước, và viên mãn hay không thể viên mãn của người tu luyện” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ Quốc 2015)
Do đó, mỗi khi đối mặt với vấn đề mất và được về lợi ích, tôi luôn tự nhủ rằng mình phải đi đến tận cuối con đường tu luyện, vì vậy mình phải giữ bản thân cho thật vững.
Làm quản lý nhà ăn là một cương vị bình thường. Nhưng theo thể ngộ của tôi, con đường tu luyện của mỗi từng đệ tử Đại Pháp, tuy rằng chúng ta không chấp nhận sự an bài của cựu thế lực, nhưng bất luận chúng ta gặp điều gì thì đều liên quan chặt chẽ đến việc chứng thực Pháp và tu bỏ tâm chấp trước. Tất cả những gì chúng ta làm đều là để chứng thực Pháp và tu luyện bản thân.
Có nhiều cách để cứu người và chứng thực Pháp. Một số học viên giảng chân tướng trực diện; một số đi phân phát tư liệu giảng chân tướng; và một số khác tuy không đi giảng nhưng có thể chứng thực Pháp thông qua lời nói và hành động của họ, bởi người khác có thể dựa vào đó để đánh giá họ tốt hay xấu.
Vì vậy, là đệ tử Đại Pháp, chúng ta cần làm cho thật tốt. Chỉ cần làm tốt, chúng ta đã có thể chứng thực Pháp. Những người khác đều đang nhìn vào cách cư xử của chúng ta, và họ đều biết rằng chúng ta là những học viên Pháp Luân Đại Pháp.
Tất cả những vị khách của nhà ăn chúng tôi, bao gồm cán bộ công nhân viên và người nhà của họ, đều nhìn thấy cách cư xử của tôi. Họ đều nói rằng Pháp Luân Công là tốt, không giống như những gì ĐCSTQ đã tuyên truyền.
Trên đây là thể ngộ tu luyện tại tầng thứ của tôi, nếu có bất kỳ sai sót, xin đồng tu từ bi chỉ rõ.
Con xin tạ ơn Sư phụ. Hợp thập!
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/11/12/159919.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/11/5/337146.html
Đăng ngày 16-12-2016; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.