Bài viết của Trịnh Nham
[MINH HUỆ 17-7-2016] Bởi sự kiểm duyệt chặt chẽ của chế độ cộng sản ở Trung Quốc, cuộc bức hại Pháp Luân Công, đặc biệt là tội ác cưỡng bức thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm đã trở thành một trong những tội ác lớn nhất bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che đậy. Khi nhiều bằng chứng về những tội ác này xuất hiện, cuộc bức hại kéo dài 17 năm đối với Pháp Luân Công đã tái hiện lại đầy đủ cuộc tàn sát của Đức Quốc Xã, mà nhân loại đã cam kết đảm bảo sẽ “không bao giờ xảy ra một lần nữa.”
Cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu như thế nào
Mười bảy năm trước, ngày 20 tháng 7 năm 1999, người đứng đầu của ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân và phe cánh của ông ta đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa của Trung Quốc dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.
Sau khi giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, môn tu luyện lan truyền nhanh chóng thông qua phương thức truyền miệng, và số lượng học viên ở Trung Quốc đạt đến con số 100 triệu người trong vòng một vài năm.
Tuy nhiên, ĐCSTQ và Giang Trạch Dân đã cảm thấy lo sợ trước sự tăng trưởng nhanh chóng của Pháp Luân Công, bởi khi đó số lượng người tu luyện Pháp Luân Công đã vượt quá số lượng đảng viên chính thức của ĐCSTQ. Những người hiểu rõ lịch sử về ĐCSTQ đều biết rằng ĐCSTQ luôn cố gắng để duy trì sự kiểm soát của nó trước mọi vấn đề của quốc gia. Vì lo sợ và đố kỵ, Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cuộc bức hại bao trùm hết mọi đối tượng và phạm vi trong xã hội Trung Quốc, từ cá nhân những người tu luyện cho đến cả gia đình, nơi làm việc và cộng đồng của họ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công nhằm kích động lòng thù hận của người dân đối với một nhóm những người tu luyện ôn hòa. Chiến dịch tuyên truyền này thậm chí còn được thực hiện trên cả các phương tiện truyền thông ở nước ngoài, và đã lừa dối nhiều người trên toàn thế giới.
Cưỡng bức thu hoạch nội tạng, ngụy tạo chứng cứ
Các báo cáo trực tiếp về việc tra tấn và tẩy não đã cho thấy mức độ tàn bạo và khốc liệt của cuộc bức hại. Dù vậy, ít ai có thể hình dung nổi tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn nhằm thu lợi nhuận, cho đến khi sự việc này lần đầu tiên được phơi bày vào năm 2006.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2004, số ca phẫu thuật cấy ghép tạng ở Trung Quốc tăng vọt. Nhiều bệnh viện đã quảng cáo khả năng cung ứng tạng cấy ghép của mình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Lấy một ví dụ, Trung tâm Ghép tạng Quốc tế tại Bệnh viện Liên kết đầu tiên của Đại học Y khoa Trung Quốc tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã đưa trên trang web của mình nội dung trả lời đối với các câu hỏi thường gặp của các bệnh nhân ở nước ngoài, trong đó nhắc lại nhiều lần cụm từ “cấy ghép thận từ cơ thể còn sống”. Trang web này cho biết thời gian chờ đợi cho cấy ghép gan dao động từ một đến hai tháng, và đối với thận là từ một tuần đến một tháng. Trang web cũng đưa ra bảng giá chi tiết của mỗi ca cấy ghép, cụ thể: 60.000 USD cấy ghép thận, 100.000 USD cấy ghép gan, và 150.000 USD nếu cấy ghép tim và phổi.
Theo trang web chính thức của Thẩm Trung Dương, Giám đốc Trung tâm Cấy ghép tạng phương Đông – một trung tâm liên kết với bệnh viện đầu tiên tại thành phố Thiên Tân, tính đến tháng 3 năm 2005, ông Thẩm đã tiến hành hơn 1.600 ca phẫu thuật ghép gan.
Theo một bài báo trong Tuần báo Phượng Hoàng năm 2006 (một kênh truyền thông Hồng Kông), giá cho cấy ghép gan tại Trung tâm Định hướng Cấy ghép tạng năm 2004 là 32.000 USD và mức giá này tăng lên mức 40.0000 USD vào năm 2005. Báo Cuối tuần Phương Nam (một kênh truyền thông Trung Quốc) báo cáo trong tháng 7 năm 2007, trung tâm này đã đạt được mức lợi nhuận khổng lồ từ các ca phẫu thuật cấy ghép như vậy.
Các hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng có sự liên kết chặt chẽ với các bệnh viện trong hệ thống lực lượng cảnh sát quân sự và vũ trang, đó cũng đã là một lực lượng chính trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Hiệu trưởng của Trường Quân Y Số 2 và Bộ trưởng của Bộ Y tế quân đội Trương Nhạn Linh đã phát biểu công khai vào tháng 12 năm 2008 rằng: “Năm 1978 chỉ có ba bệnh viện quân đội có thể tiến hành phẫu thuật cấy ghép nội tạng. Đến năm 2008 thì đã có 40 trung tâm có thể tiến hành hoạt động cấy ghép gan, thận, tim, phổi, và cấy ghép phối hợp nhiều cơ quan nội tạng ”.
Nhiều tạp chí khoa học Trung Quốc đã công bố các bài báo về các trường hợp cấy ghép nội tạng được thực hiện bởi các bệnh viện thuộc lực lượng cảnh sát quân sự và vũ trang. Tuy nhiên, không một bài báo nào đề cập đến nguồn gốc của các tạng được cấy ghép này.
Giám đốc của Hiệp hội Cấy ghép tạng Trung Quốc Trần Thực cho biết: “Tính đến tháng 12 năm 2005, tổng số các ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc đã đạt con số 85.000 ca.” “Kể từ năm 2002, ngành cấy ghép tạng phát triển nhanh chóng. Hơn 10.000 ca phẫu thuật được tiến hành mỗi năm, và năm 2005, số lượng các ca cấy ghép lên tới 12.000 ca. ”
Tháng 3 năm 2010, ông Hà Hiểu Thuận, Phó Viện trưởng Bệnh viện Trung Sơn Số 1 đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn do tuần báo Cuối tuần Phương Nam thực hiện rằng: “Năm 2000 là một bước ngoặt trong lĩnh vực cấy ghép tạng của Trung Quốc. Số lượng các ca ghép tạng năm 2000 tăng gấp 10 lần so với năm 1999. Và đến năm 2005, số lượng các ca cấy ghép lại tăng gấp 3 lần so với số lượng các ca cấy ghép được thực hiện trong năm 2000.”
Năm 2005, Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận rằng nguồn tạng được cấy ghép chủ yếu là lấy từ tử tù. Tuy nhiên, theo báo cáo của trang web Minh Huệ – “Báo cáo của Minh Huệ về Nhân quyền: Các học viên Pháp Luân Công bị sát hại một cách có hệ thống ở Trung Quốc để làm nguồn cung nội tạng cho các ca cấy ghép”, số lượng tử tù của Trung Quốc quá ít so với con số tăng trưởng nhanh chóng của các ca cấy ghép tạng.
Do vậy, làm thế nào mà số lượng các ca cấy ghép tạng tại Trung Quốc lại có thể tăng vọt được trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2005? Điều gì đã xảy ra trong giai đoạn này? Đây là giai đoạn khi mà cuộc bức hại Pháp Luân Công đạt đến đỉnh điểm. Từ năm 1999 đến năm 2002, hàng nghìn hàng vạn học viên Pháp Luân Công đã đến Bắc Kinh hoặc các tỉnh thành phố để thỉnh nguyện cho cuộc bức hại.
Tuy nhiên, hầu hết trong số họ đều bị bắt. Để tránh bị liên lụy tới gia đình hoặc nơi làm việc của mình, nhiều người trong số họ đã từ chối cung cấp tên thật cho các trại tạm giam. Nhiều người trong số những người không cung cấp tên thật đã không tìm thấy tung tích kể từ khi họ bị bắt. Không một ai đã từng liên hệ với họ. Chính sự việc này đã dẫn đến nghi ngờ rằng họ đã trở thành nạn nhân bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Toàn thế giới lên án
Nhờ nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công toàn thế giới trong việc phơi bày tội ác thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, nhiều chính phủ, tổ chức và người dân khắp thế giới đã đứng lên phản đối tội ác này.
Mới đây, vào ngày 13 tháng 6 năm 2013, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 343 kêu gọi Chính Phủ Trung Quốc ngừng cưỡng bức thu hoạch nội tạng, chấm dứt cuộc bức hại kéo dài 17 năm đối với Pháp Luân Công, và trả tự do cho tất cả các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù cũng như các tù nhân lương tâm khác. Nghị quyết cũng kêu gọi tiến hành thêm các cuộc điều tra độc lập và đáng tin cậy đối với hệ thống cấy ghép tạng của Trung Quốc.
Ngày 13 tháng 7, hơn một nửa số nghị viên Quốc hội Châu Âu cũng đã ký Bản tuyên bố kêu gọi tiến hành thêm các cuộc điều tra và có những hành động nhằm chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng này.
Cuộc bức hại sẽ sớm chấm dứt
Cuộc bức hại đã cho thấy kết cục thất bại tất yếu ngay từ khi được bắt đầu. Phe cánh của Giang Trạch Dân, những quan chức cấp cao, đã bị bắt vì tội tham nhũng. Và ngày càng nhiều người Trung Quốc ở trong nước và nước ngoài đã dần hiểu được vấn đề thực sự đằng sau cuộc bức hại, cũng như hiểu được Pháp Luân Công là gì.
Khi cuộc bức hại kết thúc, tất cả các bằng chứng về những tội ác trong cuộc bức hại sẽ được sử dụng để đưa các thủ phạm liên quan ra trước công lý. Những học viên Pháp Luân Công đã mất đi sinh mệnh để giữ vững đức tin của họ sẽ mãi mãi được ghi nhớ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/17/331463.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/7/18/157873.html
Đăng ngày 24-7-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.