Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 26-6-2016] Ngày 24 tháng 6 năm 2016, ba nhà điều tra nổi tiếng đã tổ chức một cuộc họp báo ở Ottawa, Canada, để thảo luận báo cáo mới cập nhật của họ về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công đang sống ở Trung Quốc. Một trong các nhà điều tra là luật sư nhân quyền Davis Matas, đã đưa ra một ví dụ để giải thích quá trình nghiên cứu:

Đây là một câu chuyện về sự khám phá từ Edmund Morel, một thư ký tàu viễn dương, trước Chiến tranh Thế giới thứ I. “Edmund Morel đi đến kết luận rằng Vua Leopold đã dính líu đến việc sở hữu nô lệ ở Công-gô khi tìm hiểu các chuyến hàng bằng tàu biển thông thương giữa Công-gô và Bỉ.” Cụ thể là, hàng hóa được đưa vào Công-gô là súng, đạn dược và thuốc nổ.

Trong khi đó, hàng hóa đến từ Công-gô là ngà voi và cao su, những thứ có giá trị cao hơn nhiều so với hàng xuất khẩu sang Công-gô. Vì người dân địa phương ở Công-gô không được phép dùng tiền, Morel đã tìm hiểu xem ngà voi và cao su được buôn bán như thế nào. Hóa ra những người đã sản xuất ngà voi và cao su không được trả tiền – họ là những nô lệ.

Mặc dù Vua Leopold của Bỉ liên tục phủ nhận điều này, phát hiện của Morel sau đó đã được khẳng định bởi một nhà điều tra độc lập, ông Roger Casement của Lãnh sự Anh ở Công-gô. Khi chứng cứ hiển lộ rõ ràng hơn, nạn sở hữu nô lệ ở Công-gô cuối cùng đã được đưa ra ánh sáng.

Thu hoạch tạng trên quy mô lớn ở Trung Quốc

Điều tương tự đã xảy ra với nạn cưỡng bức thu hoạch tạng ở Trung Quốc, ông Matas nói: “Ngày nay sự thiếu nhất quán giữa số ca ghép tạng ở Trung Quốc và nguồn gốc tạng so với con số mà chính phủ Trung Quốc thừa nhận là rất lớn.”

“Cùng với ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và ông Ethan Gutmann, nhà báo điều tra và phân tích các vấn đề về Trung Quốc đoạt giải thưởng, ông Matas, đã công bố bản cập nhật của báo cáo nghiên cứu trước đó của họ về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.

7d9d67d3cd68bcd3bb0bfd8d016b155b.jpg

Ngày 24 tháng 6, các nhà điều tra này đã công bố bản cập nhật về nghiên cứu của họ về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng. Họ là: Luật sư nhân quyền David Matas (bên trái), cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Davis Kilgour (ở giữa), và nhà báo điều tra Ethan Gutmann.

Năm 2009, ông Kilgour và ông Matas đã xuất bản cuốn Thu hoạch Đẫm máu: Thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công nhằm đưa nạn thu hoạch tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc ra ánh sáng, hàng triệu người đã bị giam giữ hoặc bỏ tù vì đức tin của mình. Năm 2014, ông Gutmann xuất bản cuốn Cuộc Thảm sát: Giết hại quy mô lớn, Thu hoạch tạng và Giải pháp bí mật của Trung Quốc đối với vấn đề bất đồng chính kiến cung cấp thêm bằng chứng thu thập được qua cuộc điều tra độc lập của mình.

“Các cơ sở y tế Trung Quốc thường tuyên bố rằng Trung Quốc thực hiện được 10.000 ca ghép tạng mỗi năm.” Nhưng chỉ cần có thêm vài bệnh viện nữa thôi thì đã có thể dễ dàng vượt qua con số này. Chẳng hạn, ông Gutmann nói Bệnh viện Trung tâm số I Thiên Tân ước tính thực hiện 5.000 ca ghép mỗi năm, trong khi Bệnh viện Quân y 309 ở Bắc Kinh có thể thực hiện hơn 4.000 ca ghép mỗi năm. Như vậy, chỉ riêng hai bệnh viện này đã thực hiện được khoảng 10.000 ca.

Căn cứ theo yêu cầu tối thiểu về công suất do Bộ Y tế Trung Quốc ban hành, kể từ năm 2000, có thể ước tính 146 bệnh viện được cấp phép ghép thận và gan đã thực hiện được ít nhất 1 triệu ca phẫu thuật ghép tạng. Trên thực tế, tất cả những bệnh viện này đang hoạt động mạnh hơn cả mức tối thiểu. “Và điều đó cho một câu trả lời ngầm là: không chỉ 10.000 mà phải là 50.000 đến 60.000 ca ghép tạng mỗi năm”, ông Gutmann bổ sung thêm.

Thực tế, các nhà điều tra phát hiện ra rằng hoạt động ghép tạng ở Trung Quốc diễn ra theo nhu cầu và có đủ nguồn cung nội tạng mặc dù không hề có một hệ thống hiến tạng hiệu quả nào.

ĐCSTQ chỉ đạo hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng, trong đó học viên Pháp Luân Công là mục tiêu chính

“Khi chúng tôi tìm hiểu từng bệnh viện, từng bác sỹ một, chúng tôi nhận thấy có một số đặc điểm nổi bật. Một điểm trong đó là số ca cấy ghép lớn”, ông Matas phát biểu trong cuộc họp báo, “Khi tìm hiểu điều gì cho phép số ca ghép tạng lớn đến vậy, chúng ta phải nhận định dưới góc độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là cơ quan chỉ huy, cơ cấu thu hoạch nội tạng mà chế độ này xây dựng, cũng như khả năng phạm tội của một số Đảng viên. Báo cáo cập nhật này cũng đề cập đến những vấn đề này.

Đa phần những người bị giết vì bị mổ cướp tạng là các học viên Pháp Luân Công vô tội, những người tập luyện bộ các bài công pháp tu luyện tinh thần.

Ông Gutmann đồng ý rằng chính ĐCSTQ đã châm ngòi cho nạn thu hoạch nội tạng có hệ thống. Khi các nhà điều tra liên hệ tới các bệnh viện ở Trung Quốc để hỏi về những hành động này, họ thường được trả lời rằng quyết định là của các cấp cao hơn. Một số quan chức đã đề nghị thảo luận những vấn đề này qua đường dây bí mật (dành cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ).

Tội ác chống lại nhân loại

Ông Gutmann cho biết tội ác này không chỉ liên quan đến Pháp Luân Công mà nó chính là nạn diệt chủng đang xảy ra trong xã hội đương đại.

Có nhiều việc cần phải làm để chấm dứt tội ác này. “Luật pháp Canada nên coi việc lạm dụng cấy ghép và môi giới nội tạng là tội phạm ngoại giao. Pháp luật cần phải yêu cầu các bệnh viện và cơ sở y tế báo cáo về mọi hoạt động cấy ghép bên ngoài Canada. Báo cáo này là cần thiết để có thể thực thi có hiệu quả luật về tội đồng lõa trong nạn lạm dụng ghép tạng ở nước ngoài. Các nhà bảo hiểm cần phải ngăn chặn việc chi trả bảo hiểm cho các ca ghép tạng ở nước ngoài. Các công ty dược phẩm không nên được phép tham gia vào việc thử nghiệm thuốc với các bệnh nhân được ghép tạng không rõ nguồn gốc,” ông Matas giải thích.

Ông Kilgour cho hay Israel và Đài Loan là những nước tiên phong trong số các nước pháp quyền hiện nay khi lãnh đạo đắc cử của hai nước này có quyền cấm du lịch ghép tạng ở cấp quốc gia và/hoặc cấp bang. Ông hy vọng các nước khác cũng sẽ có hành động tương tự.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/6/26/330549.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/7/1/157639.html

Đăng ngày 10-7-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share