Bài viết của phóng viên Minh Huệ từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-5-2016] Khi còn là một biên tập viên tin tức tại đài truyền hình Vũ Hán, cô Giang Tiểu Bình nói cô đã ở trong tình trạng mệt mỏi vì làm việc quá sức. Mặc dù còn trẻ, nhưng cô đã bị bệnh lao, huyết áp cao, đau nửa đầu và các vấn đề về hô hấp.

Cảm thấy cuộc sống của mình như thể đã đi đến điểm cuối, cô Giang đã rất vui mừng khi tìm được Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả thân lẫn tâm có huyền năng trị bệnh.

Sau một khoảng thời gian ngắn tu luyện, cô đã lấy lại được sức khỏe và cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Cô nói: “Tôi đã trải nghiệm một cảm giác bình an và thanh thản mà tôi chưa từng có trước đây.”

Cô hy vọng rằng điều này sẽ kéo dài mãi mãi. Cô không hề biết rằng, với sự phổ biến sâu rộng của Pháp Luân Công ở Trung Quốc, mọi thứ sắp bị Đảng Cộng sản đảo lộn.

Video truyên truyền đã được chuẩn bị

Tháng 6 năm 1999, chỉ một tháng trước khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc được lãnh đạo Đảng bấy giờ là Giang Trạch Dân chính thức phát động, cô Giang phát hiện ra rằng đài truyền hình nhà nước quản lý, nơi cô làm việc, đã chuẩn bị phát sóng một loạt các video tuyên truyền.

Quản lý của cô Giang biết cô tu luyện Pháp Luân Công và nghi ngờ rằng cô có thể làm rò rỉ thông tin về các video. Anh ta sợ rằng các học viên Pháp Luân Công sẽ biểu tình tại đài truyền hình, yêu cầu không được phát sóng video.

Cô Giang nhớ lại: “Bốn cảnh sát từ Phòng cảnh sát Vũ Hán đã đưa tôi tới tầng hầm ở đồn cảnh sát để thẩm vấn. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình gặp nguy hiểm và mạng sống của mình đang bị đe dọa.”

Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu.

“Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau cuộc thẩm vấn. Khi video tuyên truyền kia được phát sóng toàn quốc vào chiều ngày 22 tháng 7 năm 1999, tôi biết cuộc sống bình yên của mình đã chấm dứt.“

“Để biện minh cho cuộc đàn áp, nhiều đài truyền hình khắp Trung Quốc đã sản xuất các video để phỉ báng Pháp Luân Công, đặc biệt là vụ tự thiêu giả mạo ở Thiên An Môn. Hàng triệu người Trung Quốc đã bị những tuyên truyền vu khống lừa gạt và tẩy não.”

Lên tiếng

Đối mặt với những tuyên truyền tràn ngập đang công kích Pháp Luân Công, cô Giang đã quyết định đến Bắc Kinh để lên tiếng cho tín ngưỡng của mình. Tháng 7 năm 2000, cô đã bị bắt khi nói chuyện với mọi người trên Quảng trường Thiên An Môn về Pháp Luân Công.

Sau một ngày tại đồn cảnh sát mà không có thức ăn hay nước uống, cô được đưa tới Trại tạm giam quận Hải Điến.

Cô nhớ lại rằng các lính canh đã lột quần áo và khám xét cô. Thức ăn bị hỏng và bầu không khí thì hôi hám. Hơn 30 người bị giam trong một phòng rộng khoảng 46 mét vuông. Họ phải nằm nghiêng và sát vào nhau khi ngủ. Cả ngày, mọi người bị bắt phải ngồi trên sàn nhà và không được phép di chuyển.

Sau năm ngày bị giam giữ, cô được đưa về nhà, cô bị chính quyền quản thúc tại nhà trong vòng một năm.

Bố mẹ chồng bị tổn thương

Để gia tăng bức hại cô Giang, chính quyền cũng nhắm vào gia đình cô.

Tháng 8 năm 2000, hơn 20 cảnh sát đã lục soát nhà bố mẹ chồng cô, tìm các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công. Họ cũng bị đe dọa bắt giữ. Mẹ chồng đã 70 tuổi của cô Giang đã sợ hãi đến nỗi bà đã ngã xuống và bật khóc.

Đã sống qua hàng chục chiến dịch chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bố chồng 77 tuổi của cô bị những hành vi vô nhân đạo của cảnh sát gây tổn thương đến nỗi ông sống trong sợ hãi triền miên về lần ghé thăm tiếp theo của cảnh sát. Ông không thể ăn hay ngủ ngon được. Không lâu sau, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và đã qua đời sau sáu tháng.

Người cha 80 tuổi bị ép phải xem con gái bị tra tấn

Năm 2004, cô Giang bị đưa tới Trung tâm tẩy não Kham Gia Ki ở quận Giang Ngạn tại Vũ Hán hai lần. Ở đó, cô bị tẩy não và tra tấn tàn bạo trong nhiều tháng. Hai phạm nhân giám sát cô cả ngày và giữ cô biệt lập. Cô bị bắt phải đứng trong thời gian dài, cấm ngủ và phải lau dọn nhà vệ sinh.

Khi cô tuyệt thực để phản đối bức hại, lính canh đã trói cô vào một chiếc ghế và bức thực cô. Họ bóp mũi và chèn một ống gỗ dài vào cổ cô để đổ chất lỏng.

Cô Giang nói khi kể lại trải nghiệm đáng sợ đó: “Tôi đã bị ngạt thở. Cơn đau dữ dội đến mức tôi cảm thấy như thể mình sắp chết. Còn tàn bạo hơn khi họ đưa người cha 80 tuổi của tôi đến trung tâm tẩy não để xem tôi bị tra tấn. Tôi đã rất đau đớn khi thấy ông khóc trước mặt tôi.”

Nguy hiểm khó lường

“Trong tất cả những năm này, không ngôn từ nào có thể mô tả những áp lực tinh thần khi sống qua cuộc bức hại. Bạn phải cảnh giác với mọi thứ xảy ra xung quanh mình, vì bạn không bao giờ có thể đoán trước được khi nào mình sẽ bị bắt trở lại.”

Trong một chuyến đi công tác vào tháng 9 năm 2007, cô Giang đã nhận thấy các đồng nghiệp của mình liên tục báo cáo tình hình của mình với đài như thế nào. “Mọi nơi tôi đến, tôi cảm thấy như thể có những con mắt đang nhìn chằm chằm vào mình.”

Ngay khi trở về nhà sau chuyến công tác, cô đã gói ghém đồ đạc và bắt đầu trốn cảnh sát.

Sau đó, cô biết được rằng nhân viên từ Phòng 610 và cảnh sát đã đến nơi làm việc của cô vào hôm sau, họ đợi cô đến làm và sau đó bắt giữ cô.

Khi biết cô đã chạy trốn, họ tức giận và đến sách nhiễu cha, chồng và con gái cô, việc đó đã tạo áp lực to lớn lên con gái cô ở trường.

Để tìm cô, chính quyền liên tục giám sát chồng cô. Anh đã đau buồn đến nỗi bị suy nhược thần kinh, loét dạ dày và huyết áp cao.

Trại tẩy não thứ ba

Sau hai tháng rưỡi đi từ hết nơi này đến nơi khác để tránh bị bắt giữ, cô Giang đã trở về nhà. Cô được bảo rằng lãnh đạo của cô sẽ không đưa cô tới trại tẩy não. Nhưng hóa ra đó là một lời hứa suông.

Ngày 17 tháng 3 năm 2008, khoảng ba tháng sau khi trở về nhà, cô Giang bị đưa tới Trại tẩy não Thang Tốn Hồ trên đường đi làm. Lần này, cô bị giam giữ trong 45 ngày.

“Họ tìm thêm nhiều người giám sát và tẩy não tôi liên tục. Tôi bị bắt phải ký cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Họ bắt tôi múa hát để ca ngợi Đảng Cộng sản.”

Đệ đơn kiện kẻ độc tài đã phát động cuộc đàn áp

Ngày 17 tháng 6 năm 2015, cô Giang đã đệ đơn kiện hình sự lên Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, cùng hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công khác trên thế giới tham gia vào nỗ lực đưa cựu độc tài Giang Trạch Dân ra trước công lý.

Cô nói: “Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm cho tất cả những đau khổ mà tôi và gia đình đã phải chịu đựng trong hơn 17 năm qua. Dù việc nhẫn chịu bức hại có khó khăn như thế nào, ông ta vĩnh viễn không thể thay đổi cái tâm tu luyện Pháp Luân Công của tôi. Cuối cùng, ông ta sẽ phải trả giá cho tất cả những gì mình đã làm trong cuộc đàn áp.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/5/25/328914.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/6/4/157281.html

Đăng ngày 25-6-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share