Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ từ tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-4-2016] Bà Duẫn Tú Chi gần đây đã bị kết án bảy năm tù, chưa đầy một năm sau khi bà đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu độc tài Trung Quốc, kẻ đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công dẫn đến cái chết sớm của chồng bà và việc bà liên tục bị bắt giữ.

Ngày 11 tháng 11 năm 2015, người phụ nữ 56 tuổi ở quận Kiến Bình này đã bị bắt giữ, nhà bà bị lục soát. Cảnh sát không thông báo cho gia đình bà biết nơi giam giữ bà và gia đình đã phải mất hai tuần để tìm ra rằng bà đã bị gửi tới một cơ sở giam giữ ở thành phố Bàn Cẩm.

Kể từ sau lần bà Duẫn bị bắt giữ, gia đình không được phép thăm bà. Bà đã bị xét xử vào ngày 25 tháng 3 năm nay và bị kết án bảy năm tù vào ngày 20 tháng 4. Bà cũng bị phạt 20.000 nhân dân tệ. Gia đình bà tuyên bố sẽ kháng án.

Các vấn đề sức khỏe được giải quyết sau khi tu luyện Pháp Luân Công

Bà Duẫn đã bị căn bệnh hen suyễn và các vấn đề sức khỏe khác hành hạ trong nhiều năm. Các triệu chứng bệnh của bà biến mất không lâu sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995 và con gái bà đã khỏi căn bệnh động kinh.

Một cơ thể khỏe mạnh khiến tinh thần của bà Duẫn được cải thiện, cuộc sống tươi đẹp trở lại – cho đến khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999.

Cái chết sớm của chồng bà

Người chồng quá cố của bà Duẫn, ông Tiết Chiêm Phi, là Phó giám đốc Trại tạm giam quận Kiến Bình. Mặc dù ủng hộ vợ mình tu luyện Pháp Luân Công, nhưng ông đã không tu luyện cùng với bà.

Ông bị đột quỵ vào năm 2003 và bị biến chứng nặng. Chỉ đến lúc đó ông mới quyết định thử tập Pháp Luân Công. Các triệu chứng bệnh của ông đã biến mất trước khi ông có thể nhận ra. Cả gia đình đã rất vui mừng trước sự hồi phục sức khỏe của ông.

Tuy nhiên, cảnh sát liên tục đe dọa và nói rằng ông sẽ bị mất việc. Cuối cùng, ông đã từ bỏ và dừng tu luyện Pháp Luân Công. Các triệu chứng bệnh của ông tái phát và ông đã qua đời sau đó không lâu, để lại bà Duẫn phải một mình vật lộn nuôi cô con gái của họ.

Bà Duẫn bắt Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm cho cái chết sớm của chồng bà và việc bà liên tục bị bắt giữ.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/26/327161.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/30/156476.html

Đăng ngày 14-5-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share