Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-4-2016] Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc bắt đầu vào năm 1999, hàng triệu học viên Pháp Luân Công và người thân của họ đã phải chịu đựng sự bức hại triền miên.

Dưới đây là lời kể của một cô bé 13 tuổi về những nỗi đau mà cuộc đàn áp đã gây ra cho gia đình cô.

Thật gần, thật xa

Khi tôi lên bốn tuổi, tôi được đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân cùng mẹ và những người tu luyện Pháp Luân Công khác. Ở nhà trẻ, tôi trưởng thành hơn và biết nghĩ cho người khác hơn so với hầu hết các bạn nhỏ cùng tuổi, các cô giáo thường khen ngợi tôi.

Một lần, mẹ tôi bị sốt cao, mẹ không thể tự chăm sóc bản thân mình nên đã phải nằm trên giường. Công việc của cha tôi quá bận rộn nên cha không có thời gian chăm sóc mẹ tôi. Tôi đã nói với cha: “Cha, cha cứ đi làm đi, con sẽ chăm sóc mẹ, cha đừng lo lắng.” Cha tôi đã rất xúc động vì điều đó.

Tôi đắp chiếc khăn ướt lên trán mẹ và bắt đầu đọc Chuyển Pháp Luân cho mẹ nghe. Tôi và mẹ đã chìm vào giấc ngủ cùng nhau. Không lâu sau, tôi được đánh thức bởi giọng nói vui mừng của mẹ, “Vi Vi, mẹ khỏe lại rồi!”

Thời gian này, tôi vô cùng hạnh phúc và luôn cảm thấy được bao bọc xung quanh bởi sự thiện lương và vị tha. Tuy nhiên, khi lên 11 tuổi, cuộc sống của tôi đã hoàn toàn bị đảo lộn.

Vào ngày 6 tháng 7 năm 2012, mọi thứ đã thay đổi. Hôm đó, như thường lệ, tôi vội vã chạy ra cổng trường để đợi mẹ đến đón. Mẹ tôi chưa từng đến muộn, nhưng hôm đó mẹ đã không đến, một lúc sau thì cha tôi đến. Khi tôi hỏi mẹ đâu, cha đã trả lời với giọng trầm lắng: “Mẹ con không còn trong thị trấn nữa, mẹ sẽ đi vắng một thời gian.”

Khi trở về nhà, tôi thấy một cảnh tượng rất hỗn độn. Tất cả sách Pháp Luân Công và chiếc máy tính của chúng tôi đều đã biến mất. Tim tôi đau nhói khi biết nhà của chúng tôi đã bị lục soát và mẹ tôi đã bị cảnh sát bắt đi. Tôi thẫn thờ hỏi cha: “Xin hãy nói cho con biết sự thật. Có phải mẹ đã bị cảnh sát bắt đi không?”

Tôi cảm giác thế giới quanh mình sụp đổ. Tôi đã khóc và hét lên, “Đồ cảnh sát ma quỷ! Vì sao các người lại bắt mẹ ta đi? Mẹ ta là người tốt nhất trên thế gian này. Hãy trả lại mẹ cho ta!” Cha tôi đứng dậy và vỗ nhẹ vào vai tôi. Cha nói: “Vi Vi, đừng khóc nữa, dù khó khăn gian khổ thế nào thì chúng ta vẫn cần phải sống.” Tôi thấy mắt cha ngân ngấn nước.

Mẹ tôi bị đưa đến Trại tạm giam Diêu Gia. Tôi và cha đã đến thăm mẹ nhiều lần, chúng tôi đã mang quần áo và tiền cho mẹ. Không lâu sau, vào ngày 23 tháng 8 năm 2012, mẹ tôi bị chuyển tới Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia.

Sau khi mẹ bị chuyển sang trại lao động cưỡng bức, tôi đã không còn được gặp mẹ nữa. Hằng đêm tôi khóc rất nhiều nhưng không muốn để cha tôi biết. Tôi sợ cha sẽ buồn và lo lắng cho tôi. Bà ngoại tôi cũng rất đau buồn. Mắt của bà đã bị mù lòa do phải chịu đựng áp lực và lo lắng. Khi các bạn cùng lớp và các giáo viên biết chuyện gia đình tôi, họ đã nhìn tôi với ánh mắt kỳ thị. Họ đều hiểu sai về Pháp Luân Công sau khi nghe những tuyền truyền giả dối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về môn tu luyện này. Tôi cảm thấy mình bị mất mát rất nhiều và đã ngừng tu luyện.

Mẹ tôi bị bắt đi và tôi cảm thấy mình đã mất hết tất cả mọi thứ. Niềm vui và hạnh phúc của tôi cũng biến mất. Tôi trở nên đãng trí và không thể tập trung vào việc học ở trường. Tôi thường trốn vào một góc và ngồi thẫn thờ một mình.

Một ngày nọ, chúng tôi bất ngờ được thông báo rằng chúng tôi có thể đến thăm mẹ. Tôi vui đến nỗi không thể ngủ được. Tôi đã thức giấc vào lúc 2 giờ sáng và nóng lòng muốn được gặp mẹ. Chúng tôi bắt đầu đi từ nhà lúc 3 giờ sáng. Vì không thạo đường nên tới tận 10 giờ sáng chúng tôi mới tới được Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia.

Một nữ lính gác tên là Quách Doanh đã ngăn xe chúng tôi lại. Cha tôi đã rất lo lắng và gọi điện thoại cho người cảnh sát đã báo tin cho chúng tôi, nhưng người cảnh sát này cũng không biết chuyện gì đang diễn ra. Cha tôi đã van nài người lính gác, cha nói: “Chúng tôi đến được đây thật không dễ dàng gì. Chúng tôi phải đi từ nhà lúc 3:00 giờ sáng và phải mất 7 tiếng đồng hồ để đến được đây. Chúng tôi cũng phải chi 1.000 nhân dân tệ (khoảng 155 đô la Mỹ) cho chuyến đi này. Con gái tôi đã sáu tháng nay không được gặp mẹ và cháu đã không ngủ suốt đêm qua vì phấn chấn sắp được gặp mẹ. Cô cũng là con gái. Hẳn cô phải hiểu nỗi đau đớn thế nào nếu không thể gặp mẹ mình. Làm ơn hãy cho chúng tôi gặp bà ấy chỉ một lần này thôi.”

Người lính gác hét vào mặt chúng tôi: “Không! Tôi nhận lệnh từ cấp trên là các người không thể vào thăm bà ấy. Hãy về nhà đi!”

Người lính gác nhìn vào tôi và nói: “Mẹ của cô chỉ quan tâm tới Pháp Luân Công. Bà ấy không yêu cô!” Tôi đã vô cùng thất vọng. Tôi chỉ muốn đập vỡ nhà tù này bằng nắm đấm của mình. Tôi đã khóc và hét lên với tất cả sức lực của mình. Tiếng kêu khóc của tôi đã khiến cha xúc động và cha cũng khóc theo.

Sau khi tôi và cha quay về nhà, ngày tháng trôi qua rất chậm và đầy đau khổ. Ngày nào tôi cũng khóc, còn cha thì đi làm suốt ngày và trở về nhà vào buổi tối để nấu ăn và giặt quần áo. Tôi thấy rất thương cha và tôi rất mong ngóng được gặp mẹ. Tôi không hiểu vì sao mẹ tôi là một người rất tốt mà lại bị bắt giữ. Khi đó tôi mới là cô bé 11 tuổi.

Một tháng sau, cha tôi, ông nội tôi, dì tôi và tôi lại quay trở lại trại lao động. Tuy nhiên, chúng tôi lại bị từ chối một lần nữa. Lý do đưa ra là mẹ tôi vẫn không đồng ý từ bỏ Pháp Luân Công. Tôi cảm thấy rất tồi tệ và rối trí. Vì sao muốn trở thành một người tốt lại là sai cơ chứ?

Không được gặp mẹ, tôi cảm thấy như người mất hồn. Bỗng nhiên người lính canh báo rằng chúng tôi có thể nói chuyện với mẹ qua điện thoại. Cha tôi nói với mẹ: “Hãy về nhà sớm đi em – Vi Vi và anh cần em!” Tôi đã khóc và nói: “Mẹ, hãy về nhà với con đi! Con nhớ mẹ nhiều lắm!” Mẹ tôi khẽ nói: “Con của mẹ, hãy nghe lời cha con, hãy học Pháp và tiếp tục luyện công.” Tôi nghẹn ngào khóc và trả lời mẹ: “Vâng, thưa mẹ.”

Tháng 11 năm 2012, cuối cùng thì chúng tôi cũng có thể được gặp mẹ trong tù. Gần như tôi đã không nhận ra mẹ được nữa. Tóc của mẹ đã bị cắt ngắn lởm chởm và chân mẹ bước đi khập khiễng. Làn da vốn dĩ hồng hào của mẹ nay bị xanh và tái xám. Mẹ trông hoàn toàn khác so với người mẹ xinh đẹp tôi biết trước đây. Trái tim tôi tan vỡ. Tôi nhìn mẹ chằm chằm. Tôi muốn ôm lấy mẹ. Tôi muốn mẹ biết rằng tôi nhớ và yêu mẹ nhường nào. Tôi muốn mẹ được trở về nhà.

Nhưng vách kính dày đã ngăn cản chúng tôi và chúng tôi chỉ có thể nói chuyện qua điện thoại. Một nữ lính canh giám sát mẹ tôi và hai người lính khác trông chừng chúng tôi. Chúng tôi chỉ có 5 phút và tôi đã khóc khi họ đưa mẹ đi. Tôi hét lên “Mẹ ơi, mẹ hãy về nhà!” Tôi rất ghét những người đã đưa mẹ tôi đi và làm cho chúng tôi phải sống trong xa cách.

Cuối cùng thì mẹ tôi cũng được thả tự do vào ngày 29 tháng 5 năm 2013. Chúng tôi đã ôm nhau và khóc. Mẹ tôi đã phải chịu đựng bức hại rất lớn về tinh thần và thể chất, nên đến hôm nay mẹ vẫn chưa hoàn toàn bình phục.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/11/326522.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/25/156413.html

Đăng ngày 13-5-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share