Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Thụy Điển
[MINH HUỆ 1-5-2016] Bộ phim tài liệu ‘Thu hoạch nội tạng: Ngành buôn bán nội tạng trái phép của Trung Quốc’ (Human Harvest: China’s Illegal Organ Trade) vừa được trình chiếu ở Quốc hội Thụy Điển vào lúc 1 giờ chiều ngày 26 tháng 4 năm 2016. Bộ phim đã vinh dự nhận được giải thưởng phim Tài liệu Điều tra Quốc tế hay nhất năm 2015 của Hiệp hội các hãng Truyền hình Quốc tế (AIB), và giải thưởng uy tín Peabody. Ông Niclas Malmberg, một nghị sỹ Quốc hội Thụy Điển đã tài trợ cho buổi chiếu phim và là người chủ trì buổi hội thảo.
Các nghị sỹ Quốc hội Thụy Điển, Ông Ngô Mạn Dương – một ủy viên của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế có trụ sở tại Đức, và các học viên Pháp Luân Công đã tham dự sự kiện này.
Sau khi kết thúc bộ phim, các nghị sỹ Quốc hội Thụy Điển đã thảo luận về tội ác mổ cướp nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và việc làm thế nào để ngăn chặn tội ác này. Ông Ngô Mạn Dương, ủy viên của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế đã cung cấp thêm một số thông tin bổ sung. Ông nói rằng trong các nước Châu Âu, Tây Ban Nha là nước đầu tiên ban hành đạo luật có hiệu lực từ năm 2010 cấm các công dân tham gia hoặc thúc đẩy việc mua bán nội tạng trái phép, trong đó những người vi phạm có thể bị kết án từ 3 đến 12 năm tù.
Kể từ đó, số lượng công dân Tây Ban Nha đến Trung Quốc để ghép tạng đã giảm xuống gần như bằng không. Nghe thấy điều này, một số nghị sỹ Thụy Điển đã cho rằng một đạo luật tương tự như vậy cũng nên được thông qua ở Thụy Điển.
Nghị sỹ Quốc hội Thụy Điển Niclas Malmberg, người đã tài trợ cho buổi chiếu phim và chủ trì buổi hội thảo.
Hơn 52.000 chữ ký kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công và chấm dứt tội ác thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung quốc.
Nghị sỹ Quốc hội Niclas Malmberg thuộc Đảng Xanh nói rằng ông đã sốc khi xem bộ phim và các bằng chứng về nạn mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống. Ông cho rằng các nước cũng nên ban hành một đạo luật giống như Tây Ban Nha nhằm ngăn chặn việc du lịch ghép tạng ở Trung Quốc.
Nghị sỹ Quốc hội Hans Rothenberg bình luận: “Trung Quốc thực hiện khoảng 10.000 ca ghép tạng mỗi năm, nhưng chỉ có 37 người tự nguyện hiến tạng. Điều này cho thấy rõ ràng là nội tạng đã được lấy từ các tử tù, đặc biệt là từ các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù phi pháp.” Ông cho rằng hành động tàn sát người dân do nhà nước hậu thuẫn, khi được phơi bày ra ánh sáng, thì cũng sẽ bị coi là tội diệt chủng giống như tội của Đức quốc xã, của Liên Bang Xô Viết cũ, và của Campuchia. Ông khẳng định: “Đã đến lúc phải hành động!” Ông nói ông sẽ liên hệ với Bộ Ngoại giao để thảo luận về một tiến trình hành động phù hợp.
52.000 chữ ký của người dân Thụy Điển
Trong buổi hội thảo, một học viên Pháp Luân Công đã trình lên Quốc hội Thụy Điển 52.000 chữ ký của người dân Thụy Điển. Các chữ ký thỉnh nguyện đã được thu thập để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công và chấm dứt tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.
Người dân Thụy Điển và các khách du lịch ký tên thỉnh nguyện chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công và chấm dứt tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.
Các học viên Pháp Luân Công ở Thụy Điển không ngừng giúp mọi người nâng cao nhận thức về cuộc bức hại kể từ khi nó bắt đầu vào tháng 7 năm 1999.
Họ đã tiến hành nhiều hoạt động để phổ biến thông tin cho công chúng và thu thập chữ ký thỉnh nguyện tại Quảng trường Coin bên cạnh tòa nhà Quốc hội, tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, tại các khu vực thương mại sầm uất, và ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc.
Nghị sỹ Quốc hội Malmberg nói rằng họ sẽ chuyển các chữ ký thỉnh nguyện này đến Ngài Thủ tướng Thụy Điển.
Buổi chiếu phim đã được các Nghị sỹ Quốc hội thuộc nhiều Đảng ủng hộ, bao gồm Đảng Xanh, Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Ôn hòa, Đảng Cánh tả, Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo, Đảng Tự do, và Đảng Trung tâm. Họ đều đồng ý về tầm quan trọng của việc dự thảo một đạo luật để chấm dứt việc mua bán nội tạng trái phép.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/5/1/327391.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/5/2/156496.html
Đăng ngày 13-5-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.