Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 15-3-2016] Theo thông tin tổng hợp từ trang web Minh Huệ, có 112 trường hợp học viên Pháp Luân Công được xác nhận đang thụ án tù tại Trung Quốc vào hai tháng đầu năm 2016. Trong 112 trường hợp này, có 54 người bị kết án trong năm 2016 và 58 người bị kết án trong năm 2015. Do thông tin bị kiểm duyệt tại Trung Quốc, nên những trường hợp này đều không được báo cáo kịp thời.
Những bản án mới kéo dài từ 6 tháng đến 8,5 năm. Ngoài ba học viên hiện vẫn chưa biết bản án của họ sẽ thế nào, còn lại những người khác bị kết án trung bình 3,5 năm tù.
Liêu Ninh, Hà Bắc và Giang Tô là ba tỉnh có nhiều học viên bị kết án nhất. Tại thời điểm viết bài, có 31 học viên đã nộp đơn kháng cáo, 19 người được tự do, trong đó, 7 học viên bị quản chế.
Học viên lớn tuổi nhất bị kết án là bà Các Tú Vân (Ge Xiuyun, 78 tuổi), bị xử ngay tại nhà và bị kết án 1,5 năm chỉ vì bà đệ đơn tố cáo cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công.
Từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, học viên ở khắp Trung Quốc phải đối mặt với việc bị bắt giữ tùy ý, tạm giam, bỏ tù, kể cả tra tấn vì cự tuyệt từ bỏ niềm tin của mình.
Dưới đây là số lượng những bản án mới ở từng tỉnh và trung ương trong tháng 1 và 2 năm 2016: Liêu Ninh (28), Hà Bắc (19), Giang Tô (12), Hắc Long Giang (11), Bắc Kinh (7), Quảng Đông (7), Hà Nam (5), Cát Lâm (5), Sơn Đông (3), Trùng Khánh (3), Sơn Tây (2), Tứ Xuyên (2), An Huy (2), Quảng Tây (1), Giang Tây (1), Hồ Nam (1), Hồ Bắc (1), Cam Túc (1), Thượng Hải (1).
10 trong tổng số 112 học viên không nằm trong biểu đồ này; 7 người bị quản chế, còn 3 người chưa rõ về thời hạn tù.
Gia tăng kết án tù sau khi đóng cửa các trại lao động cưỡng bức
Kể từ khi chính quyền Trung Quốc bãi bỏ hệ thống “Cải tạo thông qua lao động” dưới áp lực quốc tế vào năm 2013, bỏ tù đã trở thành phương thức chủ yếu để tiếp tục bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Năm 2014 có 635 học viên bị kết án phi pháp, với mức án trung bình là 4 năm. Năm 2015 có 878 học viên bị kết án, với mức án trung bình là 3 năm 11 tháng.
Ở những trường hợp này, việc đưa các học viên Pháp Luân Công ra truy tố là hình thức vi phạm luật pháp ở nhiều mức khác nhau, từ việc bắt giữ, đưa ra cáo trạng và tuyên án.
Một số học viên còn bị thẩm vấn và tra tấn. Một số không được phép thuê luật sư. Một số còn bị tống thẳng vào tù mà không qua xét xử. Một số không được phép kháng cáo sau khi bị kết án.
Trong số những người bị kết án, một số liên tục bị cầm tù và chịu tra tấn trong thời gian dài, một số thì tinh thần suy sụp, số khác thì chứng kiến gia đình ly tán hay con cái không ai chăm sóc.
Vi phạm luật pháp trên diện rộng
Trước khi xét xử: Thẩm vấn bằng tra tấn để lấy “bằng chứng”
Sau khi bị bắt, hầu hết các học viên Pháp Luân Công đều bị cảnh sát thẩm vấn và tra tấn để lấy bằng chứng.
Bà Triệu Ái Mỹ một học viên ở Nam Thông, Giang Tô, bị bắt vào tháng 5 năm 2015. Họ giam bà tại một khách sạn – thực chất là Trại tạm giam trá hình – và thẩm vấn bà trong 24 ngày. Một học viên khác, bà Chu Mỹ Tùng, cũng bị thẩm vấn tại đây trong 14 ngày. Thêm nữa, bà Chu còn bị trói vào “ghế cọp” tới hơn chục ngày trong tư thế hai tay quặt ra sau.
Ngày 29 tháng 7 năm 2015, Tòa án huyện Như Đông đưa bà Triệu ra xét xử và tuyên án bốn năm tù. Còn Tòa án quận Thông Châu đưa bà Chu ra xét xử vào ngày 7 tháng 9 năm 2015. Bà hiện đang bị giam tại trại tạm giam Thông Châu, tòa án chưa công bố bản án của bà.
Đàn áp luật sư
Khi càng có nhiều luật sư nhân quyền đứng lên bảo vệ các học viên Pháp Luân Công thì chính quyền đã chuyển sang bức hại họ.
Trong trường hợp ông Ngô Hồng Vệ, luật sư của ông là ông Trương Tán Trữ, một giáo sư luật ở Đại học Nam Đông, bị cảnh sát đe dọa sau khi ông bào chữa cho ông Ngô tại phiên xử tháng 11 năm 2015. Tuy nhiên, thẩm phán chủ trì trường hợp ông Ngô còn tìm cách ép gia đình ông Ngô phải bỏ luật sư.
Sau đó ông Ngô bị Tòa án quận Nguyên Thành ở thành phố Hà Nguyên kết án 5 năm tù.
Xét xử bí mật
Trong một vài trường hợp, tòa án sẽ mở những phiên xử bí mật nhằm tránh sự soi xét từ bên ngoàì về tính bất hợp pháp của phiên xử.
Trường hợp 1: Bà Vương bị đưa ra xét xử trong năm ngày kể từ ngày bị bắt
Bà Vương Tục Xuân, hơn 60 tuổi, bị Tòa án Du Thụ xử vào ngày 5 tháng 1 năm 2016, 5 ngày sau khi bị bắt.
Theo nhân chứng, tòa án được canh gác cẩn mật trong ngày xét xử, đường quanh tòa án cũng bị cấm.
Đến ngày 17 tháng 1, gần hai tuần sau khi phiên xử kết thúc, gia đình bà Vương mới hay tin bà bị kết án 4 năm tù.
Trường hợp 2: Bà Cát Tú Vân bị xét xử ngay tại nhà
Ngày 8 tháng 1 năm 2016, 9 người ở Đội an ninh nội địa, Viện kiểm sát, tòa án quận Nam Trường đã xông vào nhà bà Cát Tú Vân ở Ngô Vĩ, Giang Tô. Họ vội vã “xét xử” bà ngay tại nhà bà, sau đó thẩm phán tuyên án 4 năm tù cho bà Cát.
Ngày 12 tháng 1, cảnh sát đã quay lại bắt bà Cát và đưa bà đến trại tạm giam số 2 tại Ngô Vĩ. Sau đó bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ Nam Thông để thụ án.
Bà Cát thuộc diện những học viên mà chính quyền muốn bịt miệng sau khi họ đệ đơn tố cáo Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, kẻ ra lệnh đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công.
Tháng 6 năm 2015, bà Cát đã đệ đơn tố cáo vì con gái bà là cô Đái Lễ Quyên (戴礼娟) bị chết oan uổng vào ngày 28 tháng 3 năm 2011. Cô Đái bị tra tấn và bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc, dẫn đến bị liệt và đi vệ sinh không kiểm soát được từ năm 2003. Ngoài ra, bà Cát cũng bị nhiều lần giam giữ trong 17 năm qua.
Hai học viên khác là bà Deng Shiyu và bà Chen Bingyu, đều hơn 70 tuổi, người Ngô Vĩ, cũng bị xét xử bí mật vì đệ đơn tố cáo Giang đã gây ra cái chết oan uổng của chồng họ. Hiện vẫn chưa rõ mức án của hai học viên này là bao lâu.
Ngăn cản học viên kháng cáo sau phiên xử
Sau phiên xử, tòa án thường tìm cách ngăn cản các học viên kháng cáo, thường là bằng cách lừa gạt họ.
Ngày 1 tháng 2 năm 2016, bà Cao Ngọc Hoàn và bà Khương Ngọc Linh, ở Hắc Long Giang, bị kết án 3 năm tù, vì không chịu từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.
Cả hai bà đã thực hiện quyền kháng cáo của mình ngay khi nhận bản án. Tuy nhiên, tòa án lại bảo họ rằng họ có thể kháng án bằng miệng là đủ rồi. Do vậy, họ đã tự kháng cáo bằng miệng theo lời khuyên của tòa.
Theo Tòa án Nhân dân Tối cao, Điều 178 của Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định việc kháng cáo chỉ được coi là có hiệu lực khi được nộp bằng văn bản trong thời gian quy định. Khi bị đơn kháng cáo bằng miệng, tòa án có nghĩa vụ thông báo với họ rằng họ vẫn phải nộp đơn kháng cáo bằng văn bản.
Ngày 15 tháng 2, tòa án đã báo cho gia đình của cả hai học viên này rằng bà Cao và bà Khương không được nộp đơn kháng cáo, họ không nộp đơn kháng cáo trong thời gian quy định. Đến lúc này, gia đình họ mới vỡ lẽ là họ đã bị lừa.
Bị kết án nhiều lần trong cuộc bức hại
Điều đáng chú ý là nhiều học viên liên tục là mục tiêu bức hại trong 17 năm qua chỉ vì đức tin của họ.
Ông Trương Hồng Nho
Ông Trương Hồng Nho, 43 tuổi, một kỹ sư máy tính, bị kết án 11 năm vào năm 2002 chỉ vì ông tu luyện Pháp Luân Công. Tháng 1 năm 2016, chưa đầy 4 năm từ khi được thả, ông lại bị bắt và bị Tòa án quận Xương Bình tại Bắc Kinh kết án 4 năm nữa.
Gia đình cũng phải chịu khổ nạn
Việc giam cầm các học viên Pháp Luân Công chỉ vì đức tin của họ khiến người nhà của họ vô cùng đau khổ.
Bà Shi Yinxue, một học viên ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt giữ chỉ vì đi phát tài liệu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 9 tháng 6 năm 2015, sau đó bà bị kết án ba năm tù.
Trước khi bà Shi bị bắt, chồng bà là ông Ji Baoshan bị tra tấn đến chết trong thời gian thụ án 5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Tinh thần của người nhà bà cũng bị suy sụp trong thời gian bà bị cầm tù. Bà Shi bị bỏ tù chỉ bởi bà đã đến Quảng trường Thiên An Môn để phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 2001.
Bà Shi bị bắt đã để lại hai con nhỏ và em gái bị tâm thần cho mẹ già chăm sóc. Phải đối mặt với khó khăn lớn về sức khỏe và tài chính, mẹ bà Shi không trả được tiền thuê nhà nên buộc phải dọn ra ngoài. Bà buộc phải đi ăn xin trên phố cùng hai cháu ngoại, rồi lại bị chính quyền thành phố xua đuổi.
Báo cáo liên quan: Báo cáo Nhân quyền 2015 của Minh Huệ: Kết án và cầm tù phi pháp
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/3/15/2016年1-2月明慧报道-112位法轮功学员被非法判刑-325359.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/3/19/155966.html
Đăng ngày 23-4-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.