Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 2-2-2016] Năm 2015, sau nhiều năm bị bức hại, bảy học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã qua đời do bị huỷ hoại cả thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, 19 học viên đã bị kết án tù với thời hạn từ hai đến tám năm vì từ chối từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Bảy học viên đã bị xét xử và đang chờ phán quyết. Bảy học viên khác chính thức bị bắt và đang bị xét xử.

Bảy người qua đời vì bị bức hại

Trong bảy học viên Pháp Luân Công qua đời vì bị bức hại, năm người trong số họ ở thành phố Cát Lâm: Ông Trương Hoán Đức, bà Nghê Diễm Bình, bà Tôn Thu Phượng, bà Bao Lệ Quyên và bà Bạch Vân. Ông Lưu Giang và anh Lưu Duyên Long ở thành phố Giao Hà, trực thuộc thành phố Cát Lâm.

Năm 2003, bà Tôn Thu Phượng bị bắt vì phân phát thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công cho hàng xóm của mình. Bà bị giam giữ ở một trại lao động cưỡng bức một năm và bị tra tấn tàn bạo. Bà bị đánh gãy hết răng. Sức khỏe của bà vẫn chưa hồi phục sau khi về nhà. Bà đã qua đời vào ngày mùng 9 tháng 11 năm 2015 ở tuổi 71. Năm tháng trước khi qua đời, bà đã đệ đơn kiện cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân vì phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Anh Lưu Duyên Long từng là giáo viên một trường Trung học phổ thông ở thành phố Giao Hà. Năm 2008, anh bị bắt và bị kết án bốn năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Điều kiện sống trong tù rất kém và anh Lưu bị buộc phải lao động khổ sai. Anh mắc bệnh lao và được thả ra vào năm 2011 để điều trị y tế. Bị sức ép bởi chính quyền, trường học đã đuổi việc anh, vì vậy anh ấy phải làm những công việc lặt vặt để nuôi sống gia đình. Năm 2014, sức khỏe của anh suy sụp. Ngày 21 tháng 6 năm 2015, anh Lưu đã đệ đơn khởi kiện Giang Trạch Dân. Một tuần sau, anh qua đời ở tuổi 44.

19 người bị kết án tù

Tổng cộng 19 học viên bị kết án tù với thời hạn trung bình là ba năm tám tháng. Hạn tù trong khoảng từ hai năm đến tám năm. Bảy người bị bốn đến năm năm quản chế. Tháng 10 năm 2013, trong hai ngày, 16 người trong 34 học viên đã bị bắt giữ.

Trước khi kết án các bị cáo, viên chức tòa án đã cố gắng ngăn cản các luật sư biện hộ bào chữa cho thân chủ của họ. Chuyển phát nhanh do các luật sư gửi tới tòa án bị trả lại với tiêu đề “Không có người như vậy” trên bì thư. Một thẩm phán từ chối chấp nhận đơn từ “các luật sư nhân quyền.” Các luật sư bị ngăn xuất hiện ở tòa án để bào chữa cho thân chủ của họ.

Cô Xa Bình Bình, một giảng viên cao đẳng 42 tuổi, đã bị kết án bốn năm tù. Ông Chu Ngọc Quân, một cựu công tố viên, bị kết án năm năm tù. Bà Kim Quốc Lan bị kết án bốn năm tù; chị gái bà, bà Kim Quốc Cầm, bị kết án năm năm tù.

Năm 2014, ông Hàn Phúc bị bắt giữ. Hơn 400 người trong thôn của ông đã ký tên thỉnh nguyện yêu cầu thả ông, gia đình ông đã thuê một luật sư nhân quyền để bào chữa cho ông. Tuy nhiên, tòa án đã xét xử ông mà không thông báo cho gia đình cùng luật sư, ông bị kết án ba năm tù.

Bà Vương Tuấn Kiệt bị kết án ba năm rưỡi tù vì đệ đơn khởi kiện cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân. Ngày 27 tháng 8 năm 2015, bà bị bắt giữ. Luật sư của bà bị từ chối nhiều lần khi ông cố gắng vào Sở Cảnh sát thành phố Giao Hà, viện kiểm sát và tòa án. Thậm chí các nhà chức trách từ chối tiết lộ tên của các viên chức chịu trách nhiệm vụ kiện của thân chủ ông.

Ngày 14 tháng 10, bà Vương Tuấn Kiệt bị xét xử bởi Tòa án thành phố Giao Hà. Cả gia đình bà và luật sư của bà không được thông báo trước. Luật sư của bà không biết về phiên tòa cho tới khi ông gặp bà vào ngày 17 tháng 12.

Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án và thời hạn tù:

Lý Đức Toàn: tám năm tù

Bà Kim Quốc Cầm: năm năm tù

Chu Ngọc Quân: năm năm tù

Cô Xa Bình Bình: bốn năm tù

Bà Kim Quốc Lan: bốn năm tù

Lý Đức Tường: bốn năm tù

Vương Hoành Phương: bốn năm tù

Hoàng Tú Hoàn: ba năm rưỡi tù

Bà Vương Tuấn Kiệt: ba năm rưỡi tù

Đặng Hiểu Ba: ba năm tù với năm năm quản chế

Phan Ảnh: ba năm tù với năm năm quản chế

Hàn Vĩnh Cường: ba năm tù với bốn năm quản chế

Giang Quý Lâm: ba năm tù với bốn năm quản chế

Vương Chấn Quảng: ba năm tù với bốn năm quản chế

Kim Diễm Hoa: hai năm rưỡi tù với bốn năm quản chế

Ông Hàn Phúc: ba năm tù

Mã Trì: hai năm mười tháng tù

Dương Vĩnh Mai: hai năm tù

Lưu Anh: bản án của bà vẫn đang được điều tra, nhưng hiện giờ bà đang bị quản chế

7 người đã bị xét xử và đang đợi phán quyết

Bảy học viên đã bị xét xử và đang chờ phán quyết. Họ là ông Lưu Hưng Vinh, bà Lưu Văn Hoa, bà Vương Văn Quân, bà Lý Tiên Anh, bà Phó Tuấn Quyên, bà Phó Tuấn Lệ và bà Lôi Tú Hương.

Bà Vương Văn Quân ở độ tuổi 60. Ngày 17 tháng 6 năm 2015, bà bị bắt giữ sau khi đệ đơn kiện Giang Trạch Dân. Khi cảnh sát tra hỏi và yêu cầu bà cho biết lý do tại sao đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, họ đe dọa bà bằng việc đưa ra những bức ảnh nội tạng người ghê rợn, ám chỉ đến việc thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công đang còn sống của chính quyền cộng sản. Khi bị giam giữ, bà Vương đã bị đánh đập và bị sốc bằng dùi cui điện.

Khi luật sư của bà Vương đến đồn công an, một nhân viên cảnh sát đã chĩa súng đe dọa ông. Trong suốt phiên tòa ngày 12 tháng 11 năm 2015, chỉ có ba thành viên gia đình bà được phép vào phòng xét xử. Hơn 20 nhân viên cảnh sát đứng đầy hành lang. Bà Vương phải tự bào chữa cho chính mình bởi luật sư của bà không có mặt trong phiên tòa.

Bảy người đang bị xét xử

Bảy học viên vẫn đang bị xét xử là: Hứa Truyền Lâm, ông Lương Bảo Phạm, bà Dương Minh Diễm, ông Bạch Hạc, bà Hình Xuân Yến, bà Hình Xuân Vinh, bà Lương Ngọc Linh. Việc bắt giữ họ đã được chính thức phê chuẩn.

Ngày 23 tháng 7 năm 2015, ông Bạch bị bắt giữ sau khi đệ đơn kiện Giang Trạch Dân. Theo luật sư của ông Bạch, người đã gặp ông vào ngày 25 tháng 1 năm 2016, trường hợp của ông đã được đệ trình với Tòa án quận Phong Mãn. Bà Hình Xuân Yến, bà Hình Xuân Vinh và bà Lương Ngọc Linh cũng trong tình trạng tương tự, bởi vì cảnh sát tìm thấy đơn kiện Giang Trạch Dân của họ trong máy vi tính của ông Bạch.

Ông Bạch đã từng làm việc trong quân đội. Sau cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu năm 1999, chủ của ông đã khiến ông bị quản thúc tại nhà hơn một năm và ép ông thôi việc. Sau đó, ông bị bắt giữ ba lần, thụ án hai năm lao động cưỡng bức và bị tra tấn tàn bạo. Lính canh đã sử dụng cùng lúc năm cây dùi cui điện để sốc điện ông. Tay chân ông bị còng vào một chiếc ghế suốt cả tháng trời.

Ngày 17 tháng 6 năm 2015, ông Lương Bảo Phạm bị bắt giữ, cũng bởi đệ đơn khởi kiện Giang Trạch Dân. Cảnh sát từ chối gặp luật sư của ông Lương khi luật sư đến đồn công an vào ngày mùng 3 tháng 7 để lấy thêm thông tin. Các viên chức thường xuyên sách nhiễu gia đình ông Lương sau khi ông bị bắt, vợ và con gái ông buộc phải rời nhà để tránh bị bức hại thêm.

Những báo cáo liên quan:

Tòa án Cát Lâm từ chối chấp nhận đơn bào chữa của các luật sư

Thành phố Cát Lâm: Năm 2015, 16 người bị kết án vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công

34 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cát Lâm bị bắt trong hai ngày

Giảng viên cao đẳng ở Cát Lâm bị giam giữ gần hai năm và bị tra tấn

Cô Xa Bình Bình, một giảng viên cao đẳng, bị bắt bảy lần


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/2/2/323055.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/2/24/155685.html

Đăng ngày 29-3-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share