[MINH HUỆ 10-04-2016] Một tuần trước thềm chuyến công du đầu tiên của thủ tướng Úc, ông Malcolm Turnbull, tới Trung Quốc vào các ngày 14 và 15 tháng 4 năm 2016, các học viên cùng những người ủng hộ Pháp Luân Công đã tổ chức một cuộc mít tinh tại Martin Place ở Sydney. Họ kêu gọi ông đưa ra các vấn đề vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và yêu cầu chính phủ Trung Quốc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công đã kéo dài suốt 17 năm nay.
Buổi mít tinh tại Martin Place
Tiến sỹ Lucy Zhao, chủ tịch Pháp Luân Đại Pháp Học hội cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh sự phát triển và phồn thịnh của Úc cũng như việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Đồng thời, chúng tôi cũng hối thúc ngài Thủ tướng không làm ngơ trước thực tế có đến hàng triệu học viên Pháp Luân Công hiện vẫn đang phải chịu đựng sự bức hại và tra tấn dưới bàn tay của ĐCSTQ. Đây là một cơ hội để tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.”
Tại sự kiện này, các học viên đã thu thập được 3.400 chữ ký thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Người dân ký đơn thỉnh nguyện để ủng hộ các nỗ lực ôn hòa của học viên Pháp Luân Công nhằm chấm dứt cuộc bức hại tại Trung Quốc.
Tại cuộc mít tinh, ông David Shoebridge, đảng viên Đảng Xanh, ủy viên Hội đồng Lập pháp bang New South Wales, đã yêu cầu thủ tướng lên tiếng cho các học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù tại Trung Quốc, đồng thời đưa ra các vấn đề vi phạm nhân quyền này khi gặp mặt các quan chức Trung Quốc.
Ông David Shoebridge phát biểu tại buổi mít tinh.
Ông Shoebridge đã lên án tội ác thu hoạch nội tạng sống do chính quyền Trung Cộng hậu thuẫn, trong đó nguồn tạng là từ các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Ông cũng cam đoan với các học viên đang ngồi phía sau ông rằng, các công dân Úc sẽ giúp giải cứu thân nhân của họ đang bị cầm tù tại Trung Quốc.
Ông nói thêm tự do tín ngưỡng là quyền cơ bản được thừa nhận trên khắp thế giới, không một chính phủ nào được phép tước quyền tự do đó của công dân của mình, và rằng Úc, trên cương vị là một quốc gia độc lập, nên đưa ra vấn đề vi phạm nhân quyền này với Trung Quốc.
Ông Bill Crews, một giám mục Kitô giáo, cũng là người sáng lập tổ chức Exodus Foundation, phát biểu rằng chúng ta nên đứng lên và nói “không” với thế lực chính trị nào dùng bạo lực để tước đoạt những giá trị nhân quyền cơ bản của người dân.
Ông Võ Trí, Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại Úc, cô Tenzin Kunsel cùng ông Tsering Dorjee Tsang, đến từ Cộng đồng người Tây Tạng ở New South Wales, và ông Bob Vinnicombe, nhà hoạt động nhân quyền cũng kêu gọi chính phủ Úc không nên hy sinh cuộc sống và nhân quyền của con người để đổi lấy sự phát triển kinh tế.
Trong buổi mít tinh, hai học viên Pháp Luân Công đã kể lại việc thân nhân của họ đã bị tra tấn như thế nào tại Trung Quốc.
Eric Giả, 17 tuổi có người cha bị giam cầm hơn 8 năm; Trước đó, gia đình anh đã liên tục bị chính quyền Trung Quốc sách nhiễu, quấy rầy. Năm 2012, Eric phải cùng mẹ chuyển tới Úc sống để thoát khỏi cuộc bức hại.
“Chúng tôi rất nhớ ông ấy. Tôi đã không còn nhớ được giọng nói của cha nữa. Dù vô cùng lo lắng cho ông nhưng chúng tôi thấy hoàn toàn bất lực và tuyệt vọng vì chẳng thể làm được gì cho ông cả”, Eric viết trong bức thư gửi tới thủ tướng Turnbull trước khi ông thực hiện chuyến công du tới Trung Quốc.
Chị của cô Lý Kỳ Trung đã bị bắt tại Thượng Hải hồi tháng 2 năm ngoái, và đến tháng 3 năm nay, cô đã bị kết án 16 tháng tù. Lý Kỳ Trung hy vọng rằng Thủ tướng Úc sẽ giúp giải cứu cho chị gái cô.
Nhiều người qua đường cũng đã bị sốc bởi sự tàn bạo của cuộc bức hại.
Shanaye March, sinh viên Đại học Công nghệ Sydney, không cầm được nước mắt sau khi biết được sự tàn bạo của cuộc bức hại [Pháp Luân Công] ở Trung Quốc.
Shanaye cho biết, bài phát biểu của Eric đã khiến cô xúc động sâu sắc. Cô rất thất vọng về chính phủ Trung Quốc. Cô nói: “Làm sao họ lại có thể đối xử với chính người dân của mình như thế được?” Cô cũng hy vọng thủ tướng Úc sẽ mang những tin tức tốt lành từ Trung Quốc về.
Giáo sư Ray Smith của Đại Học New South Wales ủng hộ sự phản kháng ôn hòa của Pháp Luân Công trước cuộc bức hại.
Giáo sư Smith đã ký tên thỉnh nguyện và lấy thêm tài liệu về cho bạn bè của mình. Ông đã quan sát Pháp Luân Công nhiều năm. Ông nhận xét: “Họ là một nhóm người rất tốt”.
Ông tin rằng Pháp Luân Công gắn liền với nền văn hóa Trung Hoa truyền thống sâu sắc. Ông nói rất mừng khi thấy một nhóm người ôn hòa tọa thiền ở đó.
Giáo sư Smith hy vọng rằng thế giới có thể học hỏi được từ sự uyên bác của văn hóa Trung Hoa và rằng Pháp Luân Công là một ví dụ điển hình của nền văn hóa ấy, nó là niềm hy vọng của Trung Quốc.
Ông nói Thủ tướng Úc nên ưu tiên các giá trị tinh thần hơn là những lợi ích về vật chất, bởi đó chính là trách nhiệm của ông ấy.
Ông John Wertheim, một doanh nhân Úc hy vọng thủ tướng Úc có thể giúp vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Ông Jon Wertheim, một doanh nhân Úc nói ông không thể tin được một nhóm người tọa thiền ôn hòa như vậy lại đang bị bức hại ở Trung Quốc.
Ông nói: “Tôi thường đi công tác tới Hồng Kông. Tôi cũng đã thấy Trung Quốc cai trị Hồng Kông ra sao. Chúng tôi thật may mắn khi được sống ở một đất nước tự do. Nếu chính phủ [chúng tôi] có vấn đề, chúng tôi có thể lên tiếng bày tỏ ý kiến của mình. Ngày nay người Trung Quốc không có tín ngưỡng. Họ chỉ tin vào tiền bạc.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/10/326494.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/13/156266.html
Đăng ngày 19-4-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.