Bài viết của một phóng viên Minh Huệ từ Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh

[MINH HUỆ 28-1-2016] Ông Thôi Đức Quân, 45 tuổi, một cựu sỹ quan quân đội ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã đệ đơn khởi kiện hình sự cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 8 năm 2015 vì nhiều năm bị giam cầm và tra tấn chỉ vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Vì không chịu từ bỏ đức tin của mình, ông Thôi bị ép phải xuất ngũ năm 2000. Khi ông mở một cửa tiệm nhỏ, cảnh sát đã hai lần đột nhập và lục soát cửa tiệm của ông. Vợ chồng ông bị bắt hai lần và bị kết án tù và giam tại trại lao động cưỡng bức, một người là tám năm và một người năm năm.

Tại trại lao động cưỡng bức khét tiếng Mã Tam Gia, ông Thôi đã bị tra tấn bằng nhiều hình thức. Ông viết trong đơn kiện: “Những cực hình mà tôi đã trải qua ở đó là không thể tưởng tượng nổi. Cuộc bức hại này đã lấy mất nhân tính của toán cai trại và biến họ thành quỷ dữ.”

Gặp được Pháp Luân Công

Khi còn trẻ, ông Thôi đã bị nhiều triệu chứng đau dạ dày hành hạ. Một cuộc nội soi đã cho thấy dạ dày của ông có nhiều chỗ loét.

Ông bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công sau khi vợ ông giới thiệu môn tập cho ông. Mấy tháng sau, ông bất ngờ khi nhận ra rằng bệnh tật của ông đã biến mất.

Ông viết: “Trong những ngày bị bức hại, mặc dù bị bức thực nhiều lần nhưng tôi không hề bị đau dạ dày nữa. Tôi nghĩ rằng pháp môn này thực sự là thần kỳ!”

Bị ép thôi việc

Khi ông Thôi đang thăng tiến trong sự nghiệp quân ngũ thì ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Năm 2000, ông được thăng chức lên phụ trách mảng giao thông vận tải. Tuy nhiên, do chính sách liên đới trách nhiệm của chế độ cộng sản, ông phải đối mặt với sức ép đuổi việc nếu bất kỳ ai trong đơn vị tập luyện Pháp Luân Công.

Ông Thôi viết: “Tôi không muốn cấp trên của tôi phải chịu áp lực vì tôi. Tôi cũng không muốn từ bỏ việc tu luyện Pháp Luân Công, vì vậy tôi đã chọn cách xuất ngũ, một ngày ngay trước hôm tôi nhậm chức vị mới.”

Ông đã mở một tiệm sửa chữa máy tính nhỏ. Không lâu sau đó, vào ngày 25 tháng 10 năm 2000, một nhóm cảnh sát đã đột nhập vào cửa tiệm của ông. Họ đã lấy đi mọi thứ và bắt giữ ông. Cùng thời điểm đó, vợ của ông cũng bị bắt tại nơi làm việc của bà.

Sau 14 tháng bị giam giữ tại Trại tạm giam Ngõa Phòng Điếm, vợ chồng ông đã bị kết án, một người năm năm và một người ba năm tù.

Bức thực bằng nước muối đậm đặc

Tại nhà tù Đại Bắc, ông Thôi đã bắt đầu tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công như ông. Hai tuần sau đó, cai ngục đã bắt đầu bức thực ông – không phải bằng thức ăn mà là nước muối đậm đặc.

Ông Thôi nhớ lại: “Đó là một cách bức hại những người tuyệt thực vì nó sẽ khiến cơ thể người ta bị mất nước nghiêm trọng. Khi họ bức thực tôi bằng nước muối, tôi cảm thấy như bị cháy ruột, giống như bị đốt từ trong ra ngoài.”

“Có một lần sau khi bị bức thực tôi cảm thấy cơ thể mình yếu đi, không thể ngồi được và đầu óc choáng váng. Tôi nghi họ đã bỏ thuốc gì đó vào nước.”

Lại bị đưa tới trại lao động cưỡng bức

Ông Thôi được thả ra ngày 25 tháng 10 năm 2005, sau năm năm giam giữ. Ông về căn nhà trống trơn của mình mà trước đó đã bị cảnh sát đột nhập, cả hai vợ chồng ông đều thất nghiệp. Với số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình, họ đã mở một cửa hàng tạp hóa. Khi việc kinh doanh mở rộng hơn, họ đã bán cửa tiệm tạp hóa và mở một tiệm văn phòng phẩm.

Tuy nhiên cuộc sống yên bình của họ chẳng kéo dài được bao lâu. Ngày 9 tháng 7 năm 2007, cảnh sát lại đột nhập vào kho hàng của ông và bắt cả hai vợ chồng ông cùng với sáu nhân viên. Cả kho hàng và nhà của họ đều bị lục soát.

Mặc dù các nhân viên của họ được thả ra sau đó, hai vợ chồng ông Thôi đã bị đưa tới trại cưỡng bức lao động. Sau đó ông biết được rằng cảnh sát đã bắt vợ chồng ông để đạt chỉ tiêu.

Ông Thôi cho biết: “Cảnh sát đã vội vàng chuyển chúng tôi tới trại lao động mà không hoàn tất giấy tờ hợp lệ. Thậm chí địa chỉ của chúng tôi còn bị sai. Vợ tôi và hai nữ học viên khác đã bị đưa tới trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia. Ba nam học viên và tôi đầu tiên bị đưa tới trại lao động cưỡng bức Đại Liên. Họ đã nhốt tôi ở một tầng hầm trong một tháng rồi lại chuyển tôi tới trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia.”

Tra tấn tàn bạo ngoài sức tưởng tượng

Tại trại lao động cưỡng bức khét tiếng Mã Tam Gia, ông Thôi phải chịu đủ loại hình thức tra tấn. Cai trại thường nói với ông: “Ở đây, bọn tôi không có luật. Nếu theo luật, cả trại lao động sẽ giải tán.”

Với sự giúp đỡ của một số người bạn tù tốt bụng, ông Thôi đã thoát khỏi trại lao động cưỡng bức vào ngày 12 tháng 8 năm 2008 khi đang kỳ thế vận hội Olympic Bắc Kinh. Ông bị liệt vào danh sách là người bị truy nã số một và bị cảnh sát truy bắt ở khắp Thẩm Dương. Trong khi đó, nhiều người nhà của ông bị bắt, tra tấn và thẩm vấn.

Ông Thôi viết: “Tôi nghĩ họ sợ rằng tôi sẽ phơi bày cuộc bức hại và tra tấn trong trại lao động cưỡng bức với thế giới bên ngoài.”

Ông bị bắt ba ngày sau đó. Lần này, trại lao động kéo dài án tù thêm một năm và tăng cường tra tấn ông.

Cai trại đã tra tấn ông bằng mọi hình thức như xịt mù tạt cay vào mũi, bôi dầu ớt lên bộ phận sinh dục ông, nhét thuốc đang cháy dở vào mũi, sốc điện bằng dùi cui điện áp cao, ép xoạc chân, trói vào “giường chết,” treo lên hồi lâu và các hình thức tra tấn khác.

201dffd25ef7fcc2619ec7dfeb0a07ac.jpg

Tái hiện hình thức tra tấn: xoạc chân

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/1/17/322336.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/1/28/154976.html

Đăng ngày 16-2-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share